Tuesday, August 2, 2011

Hạ viện thông qua dự luật thỏa hiệp về trần nợ

WASHINGTON (CNN) – Chỉ còn một ngày trước khi nước Mỹ vỡ nợ, Hạ viện thông qua thỏa hiệp về tăng trần nợ với kết quả 269 phiếu thuận 161 phiếu chống. Thượng viện sẽ biểu quyết vào trưa Thứ Ba.

Lần đầu tiên trở lại Hạ Viện sau khi bị bắn trúng đầu trong một vụ mưu sát, Dân biểu Gabrielle Giffords bỏ phiếu cho thỏa hiệp tăng trần nợ tại Hạ Viện hôm thứ Hai. Hạ Viện thông qua thỏa hiệp này với tỷ số 269-161; một nửa dân biểu Dân Chủ và 66 dân biểu Cộng Hòa chống lại thỏa hiệp này. (Hình: AP Photo/House Television)

Người ta tin rằng Thượng viện cũng sẽ chấp thuận và ám ảnh về vụ khủng hoảng trần nợ coi như đã gần được xua tan.

Hôm Chủ Nhật, Tổng thống Obama loan báo các giới lãnh đạo ở Quốc hội đã đạt được thỏa thuận về một đạo luật khẩn cấp để tránh đưa đất nước tới một tình trạng chưa hề xảy ra trong lịch sử là vỡ nợ.

Theo thỏa hiệp này, ngân sách liên bang sẽ giảm chi tiêu $2.4 ngàn tỷ trong 10 năm tới, trần nợ được tăng làm hai lần, khoảng 900 tỷ ngay bây giờ và $1.5 ngàn tỷ trong sáu tháng nữa, căn cứ theo đề nghị của một ủy ban Quốc hội gồm 12 người với phân nửa thành viên mỗi đảng. Trong trường hợp ủy ban không đi tới quyết định, Tổng thống Obama được quyền tự ý tăng trần nợ thêm $1.2 ngàn tỷ với điều kiện sẽ giảm chi ngân sách một khoản tương ứng.

Nhận định về thỏa hiệp rất mâu thuẫn. Phía Cộng Hòa và Dân Chủ đều có nhiều thành viên bất mãn, cũng có người coi là Tổng thống Obama đã đầu hàng. Không ai hoàn toàn hài lòng nhưng phải chấp nhận thỏa hiệp để tránh hậu quả tai hại cho nước Mỹ và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Tại Thượng viện hai Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham và Jim DeMint tiểu bang South Carolina cho biết sẽ chống. Nghị sĩ Cộng Hòa Rand Paul tiểu bang Kentucky tuyên bố không bỏ phếu.

Tại Hạ viện Thủ lãnh khối thiểu số Dân Chủ, Dân biểu Nancy Pelosi nói với các thành viên là họ “hãy bỏ phiếu theo lương tri”. Bà giải thích rằng có nhiều điểm để chống nhưng cá nhân bà ủng hộ vì tin rằng Tổng thống Obama đã được bảo đảm cho những điều kiện cần thiết trong tương lai.

Theo dự đoán trước, sẽ có khoảng 80 Dân biểu Cộng Hòa chống nên nếu muốn ủng hộ cho tòa Bạch Ốc và để dự luật được thông qua, ít nhất phải có 60 Dân biểu Dân Chủ bỏ phiếu thuận. Sự kiện này cho thấy vai trò quan trọng của bà Pelosi trong vai trò lãnh tụ khối thiểu số, và bà đã vận động được sự tán đồng của phân nửa khối Dân biểu đảng Dân Chủ.

Kết quả bỏ phiếu lúc chiều tối Thứ Hai là: Cộng Hòa 174 thuận – 66 chống; Dân Chủ 94 thuận 95 chống 4 trắng.

Dân biểu Gabrielle Giffords, Dân Chủ Arizona, trở lại Hạ viện lần đầu tiên sau khi bị trúng đạn ở đầu trong một vụ mưu sát, đã bỏ phiếu thuận cho dự luật. (HC-Người Việt)

0 comments:

Powered By Blogger