Sunday, August 7, 2011

Gửi người học trước hai khóa

Thùy Linh - Anh không nói lý do khiến anh không thể tham gia đoàn biểu tình nhưng em hiểu. Nhiều bạn bè em cũng vậy. Họ rất muốn xuống đường nhưng nhiều lực cản vô hình đã khiến họ ngồi nhà, xem internet, dõi theo cuộc biểu tình với niềm đau rưng rưng. Em không giận họ cũng như không giận anh. Em chia sẻ với anh và bạn bè về những gì anh và họ đã không thể sống thật với mình. Nhưng mà đau…

*

Anh học trước em hai khóa. Giữa rất nhiều những sinh viên nam vô cùng đông đúc, em không thể nhớ mặt anh dù bây giờ có gặp gỡ. Sau khi ra trường, đám sinh viên chúng ta bị ném về bốn phương tám hướng, vật lộn giữa dòng đời. Nhiều người theo được cái nghề đã học. Cũng nhiều người rẽ ngang vì nhiều lý do. Em là người trong số ít đó.

Khó mà nói là em chọn nghề. Chính nghề đã chọn em. Cho đến giờ phút này có thể nói, em hạnh phúc với nghề mình đang làm, nghiệp mình đang gánh. Rất nhiều lúc em tự vấn, có ai trong số những người như anh trụ lại với nghề đã học, có được cảm giác hạnh phúc, thư thái như em không? Dù bị ép học một trường đại học không phải từ ý thích, nhưng cuối cùng nghiệp lực của tiền kiếp vẫn đưa em tới được bến bờ mà em thấy không có gì phù hợp hơn với mình, đó là nghề cầm bút. Một trong những hạnh phúc mà nghề nghiệp mang lại cho em chính là lời nhắn của anh đấy…


Bắt đầu từ tháng 6, khi Trung Quốc trắng trợn xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, cắt cáp thăm dò dầu khí, sau nhiều năm bắt bớ, đánh đập, ăn cướp miếng cơm của ngư dân nghèo miền trung thì đất nước sôi lên trong cơn giận dữ. Nỗi uất nghẹn có chiều dài hàng ngàn năm lịch sử. Lòng căm giận sự ngạo mạn, hãnh tiến, tiểu nhân của lũ bành trướng đã được viết đậm trong từng trang sử dân tộc từ thuở sơ khai. Đây chỉ là giọt nước tràn ly mà anh…Người dân xuống đường tỏ thái độ với kẻ đi xâm lược lại còn cả gan, ngạo mạn lên mặt chửi mắng và dọa nạt “sẽ dạy cho Việt Nam bài học lớn hơn”, kẻ học giả thì lên truyền hình lớn giọng sẽ “tát vỡ mặt Việt Nam”…Lòng tự hào dân tộc đã bị tổn thương ghê gớm, nhất là khi người dân không được nghe động thái kiên quyết nào từ phía chính phủ và nhà nước. Em là người cầm bút không lẽ bỏ qua không khí đó của dân tộc? Có thể em chưa viết được gì, cũng có thể không viết được gì lớn lao, nhưng dù chỉ vài dòng chữ nói về sự kiện này cũng khiến lương tâm em đỡ bị dằn vặt.


Hôm nay, ngày 7/8/2011, lần biểu tình thứ 9 em có mặt. Em đi cùng họ, lắng nghe tiếng gào thét của những người đang bị dọa cướp mất nước, giọng khàn đặc, căm hờn. Đi để nhìn từng giọt mồ hôi rớt trên mặt đất. Để được nhìn vào những đôi mắt rực cháy. Để thấy sự đoàn kết, sẻ chia từng ngụm nước cho nhau…Có lúc tim em như lặng đi, rưng rưng khi đoàn người cất lên tiếng hát: “bao nhiêu năm qua dân ta sống không nhà, bao nhiêu năm qua dân ta chết xa nhà, dậy mà đi, dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi”…Anh có biết bao mạng người đã bỏ xác nơi biển xa chỉ vì miếng cơm manh áo nhọc nhằn? Ngoài bão tố, giờ đây những ngư dân miền trung lại phải chịu hiểm nguy từ lũ hải tặc mang tên Trung Quốc. Em mong có thêm những ngư dân đã từng phải đối mặt với việc bị Trung Quốc cướp bóc, thu hải sản, lấy hết đồ nghề ra khơi, hút sạch xăng dầu, phá tàu thuyền rồi thả họ lênh đênh trên biển...thì chắc đoàn biểu tình sẽ khiến mọi người quan tâm hơn nhiều.

Bao giờ kết thúc buổi biểu tình, đoàn người quây quần dưới chân tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cất cao bài Quốc ca thì em tin, nếu anh có mặt ở đó chắc sẽ cảm nhận được tình yêu đất nước là có thật, trong sáng, không vì bất cứ lý do gì. Họ còn dành một phút mặc niệm những người lính đã hy sinh vì Đất nước trong tiếng nhạc “miệng” của bác Trí Hải với bài “Hồn tử sỹ”. Chưa có một lãnh tụ nào hiện nay thu phục được nhân tâm như vậy đâu anh. Đấy là đại phúc của dân tộc mình đấy anh ạ.

Anh không nói lý do khiến anh không thể tham gia đoàn biểu tình nhưng em hiểu. Nhiều bạn bè em cũng vậy. Họ rất muốn xuống đường nhưng nhiều lực cản vô hình đã khiến họ ngồi nhà, xem internet, dõi theo cuộc biểu tình với niềm đau rưng rưng. Em không giận họ cũng như không giận anh. Em chia sẻ với anh và bạn bè về những gì anh và họ đã không thể sống thật với mình. Nhưng mà đau…Tại sao chúng ta không thể nói thật hết với nhau những gì chúng ta nghĩ? Tại sao chúng ta không thể nắm tay nhau đi theo đoàn biểu tình vào những ngày “chủ nhật tươi hồng” với vẻ hồn nhiên, vô tư? Tại sao chúng ta không thể biểu hiện thẳng thắn lòng yêu nước? Thậm tệ hơn em (và những người đi biểu tình cùng em) có thể còn bị cho là “phản động”, bị kích động, lợi dụng, vì được cho tiền…

Nguyên nhân này bắt đầu từ bao giờ và tại sao? Em lo sợ khi nghĩ rằng, đất nước mình đã đến tận cùng của sự sa đọa, suy đồi về nhân cách. Không còn niềm tin và lòng trắc ẩn, người với người chỉ còn như con thú rình mồi, sẵn sàng lao vào cắn xé và giết hại nhau. Cú đạp vào mặt Chí Đức là rất thật, thật như ánh nắng chiếu xuống trái đất này. Nhưng còn rất nhiều cú đạp vô hình vào lương tâm, mạng sống, vào nhân cách chúng ta hàng ngày, hàng giờ mà nhiều người chưa cảm thấy hết nỗi đau này.

Anh đã đến lại cho em một lời nhắn khiến em vô cùng cảm động. Em đọc thấy trong đó nỗi niềm dằn vặt, trăn trở và sự bất lực trước hiện trạng đất nước hôm nay. Em cám ơn lời chúc chân thành của anh dành cho em và bạn bè giống như em, đó là sẽ có được sự bình yên để góp sức bé nhỏ của mình thức tỉnh lương tri của con người. Cần lắm những lương tri được đánh thức để cứu Đất nước khỏi họa bành trướng và họa của cái ác đang hoành hành…Em và bạn bè vẫn chờ những lời nhắn như vậy từ anh, người học trước em hai khóa và nhiều bạn bè khác đã từng học cùng trường…

Trân trọng!

0 comments:

Powered By Blogger