Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, các đập thủy điện khi được xây dựng gây nguy cơ thiếu nước và phù sa cho ĐBSCL cùng với biến đổi khí hậu nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên nước, làm giảm diện tích và sản lượng nông nghiệp dẫn đến đe dọa an ninh lương thực và làm gia tăng đói nghèo, bất ổn.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng nhóm tư vấn Quốc gia đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mekong, cho rằng khi các đập thủy điện được xây dựng thì lợi ích đối với Việt Nam rất nhỏ, khoảng 5%. Song, tổn thất đối với Việt Nam lại rất lớn mà đặc biệt là vùng ĐBSCL.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nông nghiệp và thủy sản là 2 trụ cột kinh tế chính của vùng ĐBSCL. Vì thế nếu các đập thủy điện được xây dựng thì lượng thủy sản tự nhiên sẽ mất hàng trăm ngàn tấn/năm. Chỉ tính riêng cá trắng (di cư theo mùa) mất từ 220.000 – 440.00 tấn/năm. Với giá hiện nay là 2.500 USD/tấn, ước tính riêng thiệt hại từ thất thu cá trắng xấp từ 0,5 – 1 tỷ USD/năm.
“Với con số thiệt hại quy ra tiền ở trên thì ước tổn thất 1 năm của cá trắng bằng việc xây dựng 3 cây cầu Cần Thơ (342 triệu USD/cây cầu)”- Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thạc sĩ Thiện cũng cho biết, thiếu phù sa sẽ làm gia tăng sạt lở bờ sông ở nhiều nơi của vùng ĐBSCL, trong đó có bờ biển phía Đông; thiếu phù sa để bù cho sự lún tự nhiên, ĐBSCL sẽ chìm xuống nhanh hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, lưu vực Mekong không phải kết thúc ở bờ biển. Một vùng biển rộng lớn ở hạ lưu vực Mekong vùng ĐBSCL phụ thuộc nguồn dinh dưỡng do phù sa sông Mekong mang ra hàng năm. “Thiếu phù sa, trong tương lai vùng biển này có thể biến thành “biển sa mạc”- Thạc sĩ Thiện đánh giá thêm.
0 comments:
Post a Comment