Friday, August 5, 2011

Chín con rồng : thượng tầng lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc

Họa tiết bức tường "9 con rồng" ở công viên Bắc Hải, Bắc Kinh (DR)
Họa tiết bức tường “9 con rồng” ở công viên Bắc Hải, Bắc Kinh (DR)

Báo Liberation hôm thứ ba 2/8 dành ba trang để bàn về vấn đề chính trị Trung Quốc. “Chín con rồng mới của Trung Hoa” là tựa bài viết giúp độc giả hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của Ban Thường Vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cơ quan đầu não của bộ máy chính trị nước này.

Theo tác giả bài viết, Ban Thường vụ Bộ Chính Trị là cơ quan đầu não quan trọng của Đảng Cộng sản, do chín thành viên trong ban điều hành. Cơ quan này có vị trí cao hơn mọi thể chế chính trị nào, bao gồm cả pháp luật. Như là một Đấng Tối Cao vô hình, sức mạnh của cơ quan này hầu như hiện diện trên khắp mọi nơi : doanh nghiệp, khu phố, báo chí và Internet.

Tùy theo từng thời điểm mà chiếc găng tay quyền lực này sẽ cho thấy là bằng nhung hay bằng thép. Điều chủ yếu là không có gì có thể đe dọa được « vai trò lãnh đạo của Đảng ». Thậm chí, họ có thể quyết định hết mọi việc, từ chuyện kế hoạch hóa gia đình cho đến việc quyết định số phận các nhà ly khai. Đảng chỉ huy quân đội và điều khiển chính phủ, từ việc thành lập nội các đến việc bổ nhiệm các quan chức địa phương cũng như các đại sứ tại nước ngoài.

Lá bài chủ chốt của họ chính là nền kinh tế đang nở rộ kể từ sau khi chuyển mình sang nền kinh tế tư bản Nhà nước. Bàn tay của họ hiện diện trên toàn bộ khu vực công rộng lớn, họ điều khiển sao cho không một doanh nghiệp tư nhân nào từ một tầm cỡ nào đó không thể nào thịnh vượng nếu không có sự hỗ trợ của bộ phận này. Ông Richard McGregor, cựu thông tín viên của nhật báo Financial Times tại Bắc Kinh giải thích: « Hệ thống này vừa cứng rắn và vừa uyển chuyển. Cứng rắn vì Đảng chú trọng đến việc duy trì độc quyền quyền lực. Và uyển chuyển do đó là một hệ thống hành chính nằm trên mọi luật lệ ».

Sự khôn khéo tạo ra cơ hội thăng tiến

Liberation tự hỏi « Vậy những người đầy quyền lực này có tài năng gì ? ». Liberation đưa ra hai ví dụ điển hình là nhân vật số 1, ông Hồ Cẩm Đào và người kế vị ông vào năm 2012 là ông Tập Cận Bình. Theo Liberation, để có thể sống sót trong cuộc Cách Mạng Văn hóa, ông Tập Cận Bình đã không ngần ngại từ bỏ cha mình là ông Tập Trọng Huấn bị thất sủng, bị tra tấn và bỏ tù, để được gia nhập Đảng Cộng Sản.

Còn ông Hồ Cẩm Đào, đã phải cố gắng thể hiện lòng trung thành của mình với Đảng, giấu diếm nguồn gốc thương nhân của gia đình, và nhờ sự giúp đỡ của bố vợ là ông Đặng Tiểu Bình mà ông này có thể vô được Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Từ đó, Liberation nhận xét, trong một đất nước không có bầu cử, thì cần phải có các mối quan hệ.

Điều hành trên sự thỏa thuận

Để điều hành cơ chế này, Liberation trích dẫn một công bố của Wikileak dựa theo một nguồn tin từ Trung Quốc, « giống như một Hội đồng Quản trị doanh nghiệp, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết. Do đó, Ban Thường vụ sẽ quyết định theo thỏa thuận chung ». Họ sẽ cùng nhau chia sẻ chiếc bánh gâteau kinh tế. Nghĩa là, mỗi người trong họ sẽ được kết hợp với « một nhóm quyền lợi ».

Tham nhũng và mối hiểm nguy

Ngoài ra, con cháu của các vị này cũng sẽ được hưởng phần từ chiếc bánh đó. Liberation cho biết, ngoài việc hầu hết con cái của những vị này đều được gửi đi học ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ hay Anh quốc, họ còn nắm giữ các chức vụ quan trọng trong các doanh nghiệp lớn của chính phủ. Ví dụ, con trai của ông Ôn Gia Bảo hiện đang quản lý Quỹ đầu tư, New Horizon Capital, trị giá nhiều tỷ đô-la. Hay con trai của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Giang Trạch Dân là Tổng Giám đốc của Tập đoàn Đầu tư Chính phủ Shanghai Alliance Investment.

Điều hiển nhiên là tham nhũng cũng không thể nào vắng bóng. Dù có nhiều lời tố cáo tham nhũng, nhưng Ban Thường vụ vẫn không hé một lời nào. Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhìn nhận rằng « tham nhũng là mối nguy hiểm lớnn nhất ». Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Trung ương cho biết, từ năm 1995 cho đến nay, hơn 18.000 quan chức Trung Quốc tha hóa, đều là đảng viên, đã bỏ trốn ra nước ngoài với hơn 95 tỷ euros. Cuối cùng Liberation đưa ra lời kết luận của ông McGregor : « Tham nhũng đã trở thành một loại thuế về các giao dịch để phân chia các khoản hối lộ thông qua thành phần lãnh đạo. Nó đã biến thành keo để giữ chế độ này ».

Uy tín của thủ tướng Nhật bị tổn hại sau vụ Fukushima

Nhìn sang Nhật Bản, chủ đề chính trị vẫn là đề tài được Liberation quan tâm đến. Bài viết « Naoto Kan bị tổn hại do Fukushima » cho biết sự yếu kém trong quản lý về cảnh báo động đất và thảm họa hạt nhân đã làm cho Naoto Kan mất dần uy tín tại Nhật Bản và trên chính trường thế giới.

Theo Liberation, ngoài việc nước Nhật đang hứng chịu một đợt tam tai : trận động đất mạnh 9 độ Richter, kèm theo sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima ở cấp độ 7, giờ đây đất nước Mặt trời mọc phải gánh thêm một đợt khủng hoảng chính trị. Các vụ tranh cãi giữa các đảng chính trị diễn ra liên tục đã làm suy yếu đất nước. Kinh tế thì rơi vào tình trạng suy thoái, gần như là đi xuống địa ngục.

Trong khi đó, những người dân phía Bắc và hơn 10.000 dân từ vùng thảm họa sống vật vã trong những nhà hộp bằng các-tông tại các phòng của cơ quan địa phương được chuyển tạm thành các trại lánh nạn. Dù chính phủ đã cứu trợ 300 tỷ yên (tương đương 2,7 tỷ euros) và 90% số tiền trên đã được sử dụng, nhưng vấn đề là tại Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba trên thế giới, lại có quá nhiều dân vùng thảm họa không được ăn đúng bữa.

Liberation cho biết thêm, tại thành phố Fukushima, người dân tại đây làm ra vẻ vẫn giữ được tinh thần, nhưng trên thực tế là họ bị tổn thương rất nặng. Người dân chỉ trích ông Naoto Kan đã không quan tâm đến họ. Người dân còn phê phán về cách quản lý vấn đề hạt nhân là quá yếu kém.

Không những ông bị mất tín nhiệm và mất uy tín trong nước mà ngay cả trên chính trường thế giới. Các cuộc hẹn với các nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc dường như đều bị hủy vì lý do « có lẽ không nên mất nhiều thời gian để tiếp đón người sắp từ nhiệm », theo như lời giải thích của một quan chức Mỹ.

Liên Hiệp Quốc bất lực trước chính quyền Damas

Về tinh hình thế giới hôm nay, nhiều nhật báo quan tâm đến sự kiện chính quyền Syria thẳng tay đàn áp đẫm máu người dân của mình trước mùa kiêng ăn của người Hồi giáo : lễ Ramadan.

« Áp lực quốc tế gia tăng lên chính quyền Syria » là bài tựa trên trang Quốc tế của nhật báo Le Figaro. Bài viết cho biết, tối hôm qua Hội đồng Bảo an Liên Hiêpj Quốc đã phải họp khẩn cấp ngay ngày hôm sau vụ đàn áp đẫm máu tại Hama.

Đối với nhật báo Công giáo La Croix thì « Syria mở đầu lễ Ramadan trong nỗi khiếp sợ ». Trong khi đó, nhật báo Cộng sản l’Humanité cho rằng « Damas ngày càng bị cô lập trên thế giới ».

Nhật báo Liberation chạy tít trên trang nhất với hàng tựa « Tại Syria, Liên Hiệp Quốc bị tước vũ khí ». Còn trên trang Thế giới, Liberation có một bài phân tích về vụ đàn áp qua bài viết « Liên Hiệp Quốc bất lực trước chính quyền Damas ». Cả thế giới cùng đồng lòng lên án hành động tàn nhẫn của chế độ Al-Bassad. Đức và Ý nổi giận trước một « chế độ tàn sát chính người dân của mình ».

Kể từ khủng hoảng tại Syria bắt đầu, Liên Hiệp Quốc chỉ đưa ra được một lời lên án duy nhất, mà không đưa ra được một Nghị quyết nào. Pháp cho rằng « một sự im lặng không thể nào chịu được ». Mọi ý định về một Nghị quyết nhằm xem hành động đàn áp như là một tội ác chống nhân loại đều bị ngăn chặn từ phía Nga và Trung Quốc, thậm chí đến từ các nước thành viên không thường trực như Nam Phi hay Ấn Độ, vẫn còn phẫn nộ về vụ can thiệp quân sự vào Libya, mà theo họ việc áp dụng nghị quyết 1973 đã đi quá đà. Không những thế, biện pháp can thiệp này cũng bị các phe đối lập tại Syria phản đối.

Do vậy, chỉ còn một biện pháp để gây áp lực: trừng phạt kinh tế nhắm vào các nhà lãnh đạo Syria, nhất là những người tham gia trực tiếp vào vụ đàn áp và cũng nhắm vào chính Al-Assad. Một giả thuyết khác cũng được đề cập đến là đưa Al-Assad ra trước tòa án Quốc tế. Tuy nhiên, phương án này có thể sẽ gặp trở ngại từ phía Trung Quốc và Nga, nhất là Nga vốn là đồng minh cũ của Damas. Đây chính là điểm che chở vững chắc mọi nguy cơ cho Bachar al-Assad.

Venise quá tải về lượng khách du lịch

Liên quan đến vấn đề du lịch, báo La Croix có bài viết « Đối mặt với lượng du khách đông đảo, Venise đang ở trong tình trạng khẩn cấp ». Venise của Ý là thành phố bằng đá xây trên nước. Chính vì điểm đặc biệt này mà mỗi năm thành phố đón hơn 21 triệu du khách. Điều đáng ghi nhận là số lượng dân cư ngày càng giảm, từ 150.000 dân sau đệ nhị thế chiến nay chỉ còn có hơn 60.000 dân.

Dân cư tại chỗ càng giảm thì ngược lại, lượng du khách ngày càng tăng. Dường như là thành phố này đang ưu tiên cho ngành du lịch. Ngày càng có ít tiểu thương như cửa hàng bánh mì hay thực phẩm khô, nhưng bù lại số lượng các cửa hiệu đồ cổ và đồ lưu niệm ngày càng nhiều.

Chính quyền địa phương và quốc gia làm ngơ trước các lời kêu gọi của các hiệp hội bảo vệ Cộng Hòa Venise. Thậm chí, còn có các dự án xây dựng một khu thương cảng lớn đối diện với Venise và một bến đậu cho các du thuyền, với chiều dài 350m, tại Fusina, cách không xa các kênh đào nhỏ.

Các nhà bảo tồn kiến trúc cũng lên án các dự án bất động sản như chương trình xây dựng hạ tầng đang làm chết dần thành phố Venise.

Bài báo ghi nhận làn sóng khách du lịch không kiểm soát đang tàn phá dần hệ sinh thái yếu ớt của phá Venise. Đó là chưa nói đến vào mùa hè, lượng thuyền đi lại không ngừng trên kênh Lớn. Những làn sóng nhỏ từ các thuyền tạo ra còn nguy hiểm hơn lúc thủy triều lên cao cho phá, thành phố Venise và các lâu đài của nó. Những làn sóng nhỏ lặp đi lặp lại đi xuyên qua phá với một tốc độ khá cao làm xói mòn móng của các tòa nhà, được xây từ đá Istrie và và đất sét.

Theo các hiệp hội, Venise ngày nay không thể nào đón hơn 60.000 du khách mỗi ngày (hiện nay, lượng du khách ước tính là 100.000 người). Theo họ, chính quyền địa phương cần phải có những biện pháp thích hợp như thiết lập việc đặt chỗ bắt buộc và danh sách chờ, quy định lại tốc độ các loại thuyền có động cơ. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ làm chút nào.

0 comments:

Powered By Blogger