Ts. Cù Huy Hà Vũ không mang gốc gác VNCH, mà ngược lại là gốc lớn từ CSVN, nên bản án này càng mang nhiều điểm đáng chú ý.
Trước hết, hình thức bắt giữ, vu khống, cáo buộc và mức độ án tù cho thấy khi cần phải bảo vệ chế độ, đảng CSVN sẵn sàng trấn áp không nương tay đối với bất cứ ai, dù là con cháu của tiền nhân xưa đã có công dựng nước, và hậu duệ của những người từng có công đầu và lớn lao với chế độ. Đây là một thách thức lớn đối với những người đấu tranh có quá trình đóng góp cho đảng CSVN; loại bỏ niềm tin tưởng rằng: có công lao là được vỏ bọc an toàn.
Qua quá trình phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, thân thế của Ts. Cù Huy Hà Vũ đã được đưa ra chính thức như là một yếu tố khẳng định sự liên hệ với chế độ. Nhưng ngoại trừ một vài biệt lệ nhỏ, chuyện xét xử vụ án “Tuyên truyền chống nhà nước” vẫn tiến hành bình thường.
Cũng qua vụ án này, chúng ta cũng có thêm yếu tố để xem xét về một phương thức bào chữa thường được tin là “an toàn” hơn. Đó là dựa vào các điều khoản của bộ Hiến pháp hiện hành, và tránh sử dụng ngôn ngữ đối kháng mạnh mẽ trong tiến trình kháng án. Nhưng thực tế cho thấy là dù như vậy, nội dung các bản án phản nhân quyền cũng đã vẫn không thay đổi.
Ts. Hà Vũ đã không được trả tự do như gia đình Ông mong đợi; và cũng không được giảm án như nhiều người hy vọng khi có sự lên tiếng của nhiều phía quốc tế.
Kế tiếp, khi tuyên bố: “Mục đích của tôi là bảo vệ lợi ích của đất nước tôi…Tôi sẵn sàng ngồi tù.” và “Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước,” Ông đã khẳng định được mục đích và ý chí đấu tranh của mình.
Tuy nhiên, dù dư luận cảm thông về phương thức bào chữa và kháng án của Ts Hà Vũ nhưng không khỏi thắc mắc là Ông có dùng nhầm chữ trong câu tuyên bố quan trọng này hay không?!!
Đúng ra, Ts. Hà Vũ nên nói: “Tôi không chống Tổ Quốc Việt Nam, nhưng tôi chống những sai lầm của nhà nước hiện nay và yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước…”
Bởi lẽ, nhà nước và thành phần lãnh đạo vừa xét xử Ông đã phạm quá nhiều tội lỗi, sai lầm đến nỗi Ông phải gác bỏ sự nghiệp, mối an nguy của bản thân và hạnh phúc gia đình để mạnh dạn lên tiếng đấu tranh bất chấp hậu quả… thì đâu có gì sai nếu ông Hà Vũ nói thẳng là chống đối đảng CSVN?!!
Cuối cùng, vụ án xử Ts. Cù Huy Hà Vũ đồng thời cho chúng ta thấy một điều quan trọng khác là sự ảnh hưởng của phía “quốc tế” đối với nhà cầm quyền CSVN không có gì đáng kể. Có thể nói, ngoại trừ khi những sự lên tiếng, kêu gọi của các chính phủ, chính khách, hiệp hội quốc tế… xảy ra vào lúc đang có những cuộc đàm phán quan trọng mà CSVN cần tạm thời nhượng bộ để trục lợi (như giai đoạn tổ chức hội nghị APEC, WTO, v.v…), nhà cầm quyền này vẫn luôn xem thường công luận thế giới và Việt Nam. Họ có đủ kinh nghiệm để hiểu rằng những lời khuyến cáo như thế sẽ không ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đối với chế độ, đặc biệt là khi các quốc gia đó đang ở vào thế “cần có” Việt Nam, hoặc không thể trở thành thế đối nghịch với nhà nước CSVN chỉ vì một vài chuyện nhân quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng tiếc đã xảy ra, vụ án lịch sử này đã mặc nhiên tạo ra nhiều yếu tố tích cực cho cuộc đấu tranh giải trừ nạn độc tài, tham ô và bất công đang hoành hành ở nước ta. Sự khẳng khái và ý chí bất khuất của Ts. Cù Huy Hà Vũ đã chinh phục được nhân tâm người Việt ở trong và ngoài nước, không giới hạn bởi xuất xứ và chính kiến. Phải nói rằng dù bị tuyên án 7 năm tù giam, Ông đã thành công lớn trong sự nghiệp đấu tranh, lớn hơn cả nỗ lực vận động lâu năm của nhiều chính khách. Điều này cho thấy rằng khi người đấu tranh dám dấn thân và hy sinh thì sẽ nhận được sự quý mến, nễ phục của các thành phần dân tộc khác nhau.
Trong bối cảnh chính trị sôi động hiện nay và nhu cầu dân chủ hoá mỗi ngày một to lớn hơn, chắc công luận sẽ còn phải tiếp tục chứng kiến nhiều phiên xử thô bạo, phản dân chủ, phi nhân quyền trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra cho toàn thể người Việt có quan tâm đến hiện tình đất nước, đặc biệt là đối với nỗ lực đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia từ sự xâm lấn của Trung Cộng, là toàn dân sẽ đối kháng thế nào với một chế độ ngông nghênh xem thường nhân quyền, dân chủ và lợi ích của quốc gia?
Câu hỏi khác cần nghiền ngẫm là: Có thể nào dùng luật để đối đầu khi mà những cơ quan quyền lực nhà nước này đã ngang nhiên chà đạp chính luật pháp và hiến pháp do họ lập ra để cai trị?
Nhà cầm quyền đã ngang ngược dùng bạo lực để phán án. Phần còn lại là thái độ và hành động của những ai không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị.
Có phải chăng: Thay đổi một bản án vẫn chưa đủ, mà thay đổi cả cơ chế gây ra những bản án phi lý, phi pháp, bất nhân mới là điều cần phải làm!
Trịnh Ngọc Anh (ĐVDVN)
0 comments:
Post a Comment