Wednesday, August 17, 2011

Đại gia nhà nước sắp 'vỡ trận' hàng loạt vì thắt chặt tiền tệ?

Hàng chục tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn vừa lên tiếng về sự “hà khắc” của chính sách tiền tệ, tại một cuộc tọa đàm do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức, hôm 12/8 tại Hà Nội.
Do cào bằng, không xác định và phân loại rõ bất động sản thiết yếu và không thiết yếu nên hầu hết các ngân hàng đã hết giới hạn cho vay bất động sản - Ảnh: Getty.

'Triệt sản' đồng loạt

Mang tên gọi “Đánh giá tác động của lạm phát và việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các khách hàng lớn tại BIDV”, cuộc tọa đàm của BIDV có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nghe phản hồi, kiến nghị từ hàng chục doanh nghiệp lớn để kịp thời tháo gỡ vướng mắc chính sách; một mặt giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, mặt khác, hạn chế họa nợ xấu cho ngân hàng này.

Theo số liệu tại tọa đàm, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 39.500 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký ước đạt 230.200 tỷ đồng, giảm 4,7% về số lượng và 12,8% về số vốn đăng ký.

Cùng đó, có tới 30% số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, phá sản, giải thể hoặc đóng cửa.

BIDV đã trực tiếp khảo sát 70 đơn vị bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của nhà nước và khu vực tư nhân là khách hàng, bạn hàng truyền thống của mình. Kết quả cho thấy: chỉ có 13,3% số lượng doanh nghiệp hầu như không bị ảnh hưởng, phần còn lại đều bị tác động rất lớn, trong đó có 16,6% số doanh nghiệp bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế này dẫn tới 16% doanh nghiệp đang nằm trong tình trạng phải gia hạn nợ gốc và lãi vay.

Có tập đoàn tư nhân một thời lừng lẫy trên thị trường bất động sản và đồ gỗ ở Gia Lai, ông chủ sắm cả máy bay, nhưng công ty mẹ đã lỗ trong quý 2/2011 tới 114 tỷ đồng.
Do cào bằng, không xác định và phân loại rõ bất động sản thiết yếu và không thiết yếu nên hầu hết các ngân hàng đã hết giới hạn cho vay bất động sản. Vì thế, nhiều dự án bất động sản thiết yếu như nhà ở cho người thu nhập thấp, đầu tư hạ tầng công nghiệp… cũng bị vạ lây.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nói: “Trong bất động sản có rất nhiều phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở cho tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp. Phân khúc này gắn chặt với giải pháp thứ 5 về an sinh xã hội của Chính phủ tại Nghị quyết 11, vậy tại sao lại hạn chế tín dụng?”.

Đối với các ngành nghề kinh doanh dịch vụ như phân phối hàng hóa, trước áp lực thắt chặt tiền tệ, họ đành giở bài “chiếm dụng vốn” lẫn nhau. Đại diện tập đoàn Phú Thái nói: “Chúng tôi đã cố tiết giảm, cố thu hẹp sản xuất, thậm chí tắt cả điện khi tiếp khách, nhưng khó khăn không giảm. Vì thế, phải chiếm dụng vốn, chây ỳ trả nợ bạn hàng theo phương thức “ba càng”: càng nhiều, càng lâu, càng tốt”.

Một doanh nghiệp khác nhận xét rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay gần như “triệt sản” đồng loạt, từ cụ ông 90 tuổi cho đến thanh niên, mà không có sự phân loại cần thiết.

Người viết đã nêu băn khoăn về mẫu đo lường hơi ít so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, một lãnh đạo BIDV nói: “Mặc dù đối tượng khảo sát chỉ 70 đơn vị, rất nhỏ so với số lượng hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng đây là những tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn cả khu vực nhà nước và tư nhân, chiếm thị phần chủ yếu trong nền kinh tế nên ở một chừng mực nào đó, kết quả khảo sát cũng phản ánh thực trạng chung của đời sống doanh nghiệp hiện nay”.

'Vỡ trận' hàng loạt?

Giải thích nguyên nhân của những khó khăn hiện nay, quan điểm từ các doanh nghiệp cho rằng, lý do đầu tiên là thay đổi chính sách đầu tư công. Theo đó, thực hiện Nghị quyết 11, các bộ ngành và địa phương phải cắt giảm 80.550 tỷ đồng, không ứng trước vốn kế hoạch 2012, chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, dự án sắp hoàn thành nên đã ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp vệ tinh xây lắp, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Điều đáng lo ngại là do thời gian rà soát kéo dài, khá nhiều dự án không nằm trong diện cắt giảm cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến tiến độ thanh toán chậm lại, làm tăng nợ tồn đọng, luân chuyển dòng tiền bị trì trệ theo, khiến ngân hàng rất khó khăn thu nợ gốc và lãi.

Thứ hai, chi phí sản xuất tăng do lãi vay đang làm đau đầu các doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp trong diện khảo sát đều có tỷ trọng chi phí/tổng doanh thu tăng so với 31/12/2010 và so với cùng kỳ 2010. Đặc biệt, chi phí trả lãi vốn vay tăng từ 20% - 30% so với cùng kỳ. Thực tế này đưa đến trớ trêu: doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận gần như… bất động. Bởi thế, tình trạng tài chính của hầu hết doanh nghiệp ngành điện, xi măng, sắt thép, bất động sản, vận tải ngày càng xấu thêm.

Thứ ba, các ý kiến đều cho rằng trong số các nguyên nhân thì chính sách tiền tệ từ tỷ giá đến lãi suất là yếu tố số 1 gây nên tình trạng sản xuất đình trệ hiện nay. Thời gian vừa qua, do tỷ giá của các ngoại tệ mạnh biến động rất mạnh so với VND, nên hàng loạt doanh nghiệp bị lỗ vì rủi ro tỷ giá. Những khoản vay nợ ngoại tệ do không có nguồn ngoại tệ tương lai trong khi không được bảo hiểm rủi ro tỷ giá từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chỉ có nguồn thu nội địa như ngành điện, xi măng đang phải méo mặt vì thứ rủi ro này.

Cùng đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, cung tiền hạn chế, đã làm cho thanh khoản các ngân hàng bị ảnh hưởng; lãi suất huy động bất minh và ở mức cao tới 17 - 18%/năm nên lãi vay tất cả các kỳ hạn tăng tới 22%/năm, đã làm cho các doanh nghiệp có hệ số dư nợ vay lớn thêm khó khăn bội phần.


Xung quanh vấn đề “lãi suất bất minh”, một khái niệm vô cùng mới trong đời sống tín dụng hiện nay, đã được thảo luận khá sôi nổi tại tọa đàm. Trước ý kiến của một lãnh đạo BIDV cho rằng, các ngân hàng đang huy động lãi suất “chui” 18%/năm, ông Phạm Quang Lực, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Trung ương Đảng, nói: “Đó là thông tin anh biết, còn với tôi, thì có ngân hàng mời gửi lãi tới 19%/năm!”.

Đại diện một doanh nghiệp tại buổi tọa đàm nói: “Chính sách tiền tệ đang chuyển từ thắt sang thít, khiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chắc chỉ dưới 15% thay vì dưới 20% như mục tiêu. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ vỡ trận hàng loạt”.
Điều ông này nói cũng có cơ sở, khi một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước thừa nhận với người viết: tính đến nay, trong số 5 ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm khoảng 60% thị phần tín dụng thì chỉ có một đơn vị tăng trưởng trên 10%, một đơn vị tăng 5 - 6%, hai đơn vị tăng khoảng 3% và đáng lo là một ngân hàng lớn trong hệ thống tăng trưởng âm; trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác thừa vốn, nhưng lại vướng trần tín dụng nên không thể đẩy vốn ra.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thực hiện Nghị quyết 11 đã bước sang tháng thứ 8, nhưng đến nay vẫn chưa có một báo cáo hay sơ kết đánh giá tác động của chúng, đặc biệt là ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, trong khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “chặt chẽ”, nếu không kịp thời điều chỉnh những tác động không mong muốn, thì sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục đình đốn.
Theo vne

0 comments:

Powered By Blogger