Friday, August 5, 2016

Những người biểu tình cô đơn...

Nhìn lướt qua trang báo mạng Dân Làm Báo cùng nhiều trang khác những ngày qua thì ta có một cảm giác lạ lùng, suy nghĩ vẩn vơ... Hình ảnh của những người biểu tình đơn độc, hoặc một vài người lặng lẽ giơ những khẩu hiệu đòi môi trường sạch, chính quyền minh bạch, Formosa cút xéo... Đó là chiến thuật du kích, đánh nhanh rút gọn của những người biểu tình trên toàn quốc để chống lại sự đàn áp của nhà cầm quyền. Một chiến thuật đúng đắn của những công dân nhỏ bé nhưng chân chính đáp lại sự hung bạo của cường quyền.

Nhưng đó không phải là những điều tôi chú ý, mà tôi như bị thôi miên vào những tấm hình chụp những người biểu tình vô danh và nhỏ bé với khẩu hiệu trên tay, đang đứng đâu đó trong muôn ngàn địa danh có tên hoặc không tên trên đất nước này. Đó là những người đàn ông, đàn bà, người lớn tuổi, trẻ con khác nhau lắm, ở các địa phương khác nhau nhưng những khẩu hiệu trên tay họ đều chứng tỏ họ giống nhau ở chỗ cùng là người Việt Nam, cùng đau đáu nỗi đau vì môi trường bị hủy hoại, vì chính quyền không minh bạch và Formosa cút xéo.

Những đề tài thời sự đang làm buồn lòng lương tri và phẩm giá của những người Việt Nam có phẩm chất đó.

Ai không giận, không phẫn uất với những điều đang xảy ra trên mảnh đất đất ma ám này, dưới sự lãnh đạo tồi bại của chính quyền độc tài này, nhưng thử hỏi xem có mấy ai dám đứng ra phản kháng lại, ai dám xuống đường đấu tranh cho lẽ phải?

Những con người béo tốt, hớn hở mà ta gặp trong các trụ sở công quyền ư? Hay là các ông bà nghị mập thù lù trong các tòa nhà dân cử như Quốc Hội, Hội Đồng ND các cấp ư? Hay là những ông bà trí thức, giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ... mà mũ ni che tai, hay là trong các nhà hàng ăn nhậu, nơi các yêng hùng đang hàng ngày: "Dô, dô" hay các chàng trai vai u thịt bắp suốt ngày la cà nơi các quán cà phê... Bao nhiêu người trong số những con người kể trên làm được điều mà những người biểu tình cô đơn kia đã làm được.

Ngược lại những người trên với đủ thành phần lao động chân tay hay trí óc, họ có tên, có tuổi, có một gia đình nhỏ bé. Tóm lại họ cũng bình thường như ngàn vạn gia đình Việt Nam khác. Sự khác biệt thì thật giản dị. Họ dám xuống đường để đòi hỏi những điều mà bao nhiêu người muốn nhưng không dám xuống đường. Họ đã xuống đường, dù dưới hình thức nào đi nữa thì họ cũng đã xuống đường, còn đa phần những người kể trên thì không. Họ đã xuống đường chấp nhận sự đối đầu với đủ thứ tai họa mà chính quyền sẽ cho họ, trong khi những con người tên tuổi trên thì không. Thậm chí có người trong số đó còn khả ố cười cợt họ trong khi trong vô thức họ cho thấy những kẻ không hành động gì lại hèn hơn họ.

Nhìn những con người cô đơn đang đứng biểu tình trong cô đơn này tôi bỗng nhớ đến bức hình nổi tiếng: "Người đàn ông cô đơn" chụp nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh tọa kháng trước UBND TP. HCM. Anh ngồi một mình, tay giương cao khẩu hiệu giữa một quảng trường mênh mông không một bóng người. Nỗi cô đơn như bao trùm lên không gian, thời gian và lên cả người đàn ông đang cô đơn ngồi tọa kháng đó. Giây phút đó như kéo dài mãi mãi để chứng tỏ sự lì lợm đối đầu cùng sự chấp nhận hy sinh cho những điều cao đẹp của con người cô đơn kia.


Để bây giờ cảm hứng của anh, bức tranh tọa kháng của anh đã truyền đi khắp nơi nơi. Đàn ông, đàn bà và con trẻ, mọi người trên khắp đất nước này như đã kế thừa, đã kết nối, đã chia sẻ nỗi cô đơn của anh như một tinh thần bất khuất của cuộc đấu tranh bất bạo động. Họ cùng bước vào một cuộc đấu tranh mà sự cô đơn của những con người phản kháng đã gắn kết lại, biến thành ngàn triệu những con người đoàn kết. Họ lẻ loi, cô đơn, lặng lẽ trong cuộc đấu tranh lạ đời đó, nhưng đằng sau họ là cả một dân tộc đã đến ngày đứng dậy. 

Ôi, tôi yêu mến những con người biểu tình cô đơn đó làm sao...

06.08.2016

0 comments:

Powered By Blogger