Friday, August 5, 2016

J-15 TQ rơi ở tàu sân bay…trên cạn, phi công tử nạn


AuthorToàn ThắngSourceĐất ViệtPosted on: 2016-08-05
Truyền thông Trung Quốc vừa xác nhận một chiếc tiêm kích hạm J-15 của lực lượng không quân hải quân nước này đã bị rơi khiến phi công tử nạn.
Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc hôm 27/7 đã xác nhận thông tin một máy bay chiến đấu J-15 của lực lượng không quân hải quân đã bất ngờ rơi khi đang tập hạ cánh tại một khu vực mô phỏng đường băng của tàu sân bay.
Sự cố này đã khiến phi công lái chiếc J-15 tử nạn.
Theo đó, truyền thông Trung Quốc xác nhận rằng, chiếc tiêm kích hạm (loại máy bay chiến đấu chuyên dùng trên tàu sân bay) loại J-15 của hải quân nước này đã rơi trong khi đang tiến hành huấn luyện tại Trung tâm đào tạo phi công tiêm kích hạm vào tháng 4 năm nay.
Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) đưa tin, vụ tai nạn khiến một phi công thuộc loại giỏi nhất của hải quân nước này tử nạn, khi anh ta cố cứu máy bay nhưng không thành công, sau đó bật dù nhưng không thoát nạn do dù bung ở độ cao quá thấp.
Theo đó, phi công Zhang Chao đang điều khiển chiếc máy bay tập hạ cánh vào ngày 27/4, anh đã phát hiện có hư hỏng trong hệ thống điện tử điều khiển bay. Trước lúc máy bay rơi, phi công đã khởi động hệ thống thoát hiểm và phóng ghế ra khỏi máy bay, tuy nhiên sau đó đã bị thương nặng và qua đời.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong của Tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review nhận định rằng, vụ tai nạn gây chết người này có thể cho thấy rằng, J-15 - loại tiêm kích hạm do Trung Quốc chế tạo nhái từ nguyên mẫu Su-33 của Liên Xô, không đủ tiêu chuẩn để triển khai trên tàu sân bay.
Trước đây, vào những năm 2000, Trung Quốc đã đề nghị Nga bán cho 2-3 chiếc tiêm kích hạm Su-33 nhưng Moscow đã từ chối vì số lượng mua quá ít, sợ rằng nước này chỉ mua để làm “nhái” máy bay như đối với các phiên bản Su-27 vào thập niên 90 của thế kỷ trước.
Sau đó, Trung Quốc đã bí mật mua được 1 chiếc T-10K - phiên bản huấn luyện của Su-33 ở Trung tâm huấn luyện bay Nitka ở bán đảo Crimea (khi đó vẫn thuộc Ukraine) về mổ xẻ, nghiên cứu và cho ra đời phiên bản tiêm kích hạm quốc nội J-15, mệnh danh là “Cá mập bay”.


Tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc được “nhái” từ Su-33 của Liên Xô
Các chuyên gia quân sự và giới quan chức quốc phòng nước này thường xuyên ca tụng rằng, J-15 có tính năng “vượt trội” nguyên mẫu Su-33 và sánh ngang tiêm kích hạm tiên tiến nhất của Mỹ là F/A-18 E/F Super Hornet.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga và phương Tây đã thẳng thắn nhận định rằng, J-15 còn rất xa mới sánh được với tiêm kích hạm đời đầu dòng F/A-18 Hornet của Mỹ hay Su-33 của Nga, chứ đừng nói tới dòng MiG-29K mới nhất của Nga hay dòng Super Hornet của Mỹ.
Hiện máy bay J-15 đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng máy bay hoạt động trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, cũng như trên các tàu sân bay quốc nội đang được chế tạo. Tuy nhiên, sau rất nhiều tai nạn, J-15 đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất của hải quân Trung Quốc.
Bình luận về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, chuyên gia Antony Wong Dong dự đoán có thể do lỗi nào đó trong hệ thống điều khiển bay, điều khiển động cơ hoặc lớn hơn là vấn đề trong chất lượng sản xuất chiếc máy bay, được coi là phiên bản trên hạm của dòng Su-27 Liên Xô.
Vị chuyên gia này nhận định, các máy bay dòng Su-27 của Liên Xô như Su-27, Su-30, Su-33… đã gặp khá nhiều tai nạn trong huấn luyện ngay từ khi ra đời vào thập niên 80 của thế kỷ trước, J-15 lại được mô phỏng từ nguyên mẫu không hoàn hảo của Su-33 nên việc nó có nhiều khiếm khuyết là điều dễ hiểu.
Thêm nữa, việc J-15 có thể lắp đặt động cơ máy bay chiến thuật quốc nội được đánh giá là “đầy lỗi” của Trung Quốc là WS-10A Thái Hàng cũng khiến hệ thống động lực của nó thiếu tin cậy, dẫn đến tính năng tác chiến không bảo đảm để phục vụ trên các tàu sân bay.

Toàn Thắng

0 comments:

Powered By Blogger