Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, không giấy tờ, tài sản, quên gốc gác nơi mình sinh ra, những người làm cha, mẹ ở ấp Tà Dơ đã khiến cuộc sống của trẻ nhỏ liên lụy, khổ sở.
Xóm Việt kiều Campuchia thuộc ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Xóm được thành lập khoảng năm 2012, lúc đầu có 4 - 5 hộ. Đến nay đã có trên 200 hộ với 1.000 nhân khẩu, tất cả đều từ Campuchia (Biển Hồ) về sinh sống.
Họ sống ở Campuchia nhiều năm, mưu sinh bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ trên ghe. Vì cuộc sống trên con nước ở Biển Hồ quá khắc nghiệt, họ cảm thấy không an toàn nên đã tìm đường quay về Việt Nam. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, không giấy tờ, không tài sản, không nhớ được gốc gác nơi mình sinh ra. Người làm nghề đi giỏ (chài lưới), người mới về chưa có giỏ thì đi bạn (đi đánh cá chung) hoặc cạo chả cá thuê.
Ba mẹ không quốc tịch, không hộ tịch nên những đứa trẻ cũng chung số phận. Họ sống lay lắt qua ngày bằng số cá bắt được. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, không điện, không tiện nghi, không nhà vệ sinh. Nhờ sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân, thời gian gần đây họ được dùng nước sạch với giá 10.000 một hộ/tháng.
Những chiếc lán khoảng 9 m2 được dựng lên bằng những thân cây tạm bợ đang mọc lên tại khu đất ven hồ Dầu Tiếng được họ gọi là nhà. Đây là nơi sinh hoạt của 3 gia đình với 20 con người.
Gia đình nào cũng có từ 2 đến 5 con. Những đứa trẻ hầu hết được sinh ra tại Campuchia rồi theo ba mẹ về Việt Nam nên các em không có giấy khai sinh hay bất cứ giấy tờ nhân thân nào. Do đó các em đều không được đến trường đi học. Những em lớn đi bán vé số, chài lưới hoặc đi quét lá cao su với mức thu nhập từ 10.000 - 50.000 đồng/ngày.
Nhung (13 tuổi) là chị của 2 đứa em nhỏ. Ngày nào mẹ đi làm thì Nhung ở nhà trông em gái 2 tuổi. Ngày nào có thể gửi bé cho bà ngoại, Nhung lại đi làm thuê. Chỉ vài hôm nữa, ngôi nhà Nhung đang ở sẽ bị chủ lấy lại. Gia đình sẽ phải xin ở một cái lán khác. Em cũng đang chờ được gọi đi lột vỏ cây keo ở Đắk Lắk.
Những đứa trẻ ở đây, phần đông đều không rõ mình bao nhiêu tuổi. Các em cũng chẳng bao giờ được biết đến bộ quần áo mới. Quần áo của các em mặc hàng ngày chủ yếu là đồ cũ được cho.
Bữa ăn hàng ngày của những gia đình nơi đây hầu hết chỉ có cơm trắng và cá. Cá đi chài về được kho, chiên, nấu chua hoặc muối, phơi khô để ăn dần. Bé Lụa hồn nhiên kể về những bữa cơm của mình: “Em thích thịt heo có cục mỡ lắm mà lâu rồi không được ăn. Nhà em không có tiền mua, toàn ăn cá không à”.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng những đứa trẻ vẫn hồn nhiên lớn lên, không lo nghĩ đến tương lai. Cuộc sống thường ngày của các em là rong ruổi, nô đùa khắp đồng cỏ.
Khi hỏi về ước mơ có những em không biết ước mơ nghĩa là gì. Chúng chỉ mong được ăn no, được có một ngôi nhà có tường để ở. Có những em ước mơ được đi học để biết chữ sau này kiếm được nhiều tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em.
Những đứa trẻ nơi đây, cứ thế lớn lên trong cuộc sống thiếu thốn, không biết đọc, không biết viết. Chúng chỉ biết hôm nay chứ chẳng rõ ngày mai như thế nào.
Dù không được đi học nhưng một số em vẫn được học chữ tại lớp của một cô giáo ở cách xóm 2-3 km, với giá mỗi buổi học 3.000 đồng. Bé Hồng chia sẻ: “Ngày nào đi học mẹ cho con 5.000 đồng, 3.000 đóng tiền học cho cô, 2.000 con mua đá bào của cô giáo”.
Những ngày mưa, là những ngày ngôi nhà xập xệ ướt sũng nước. Vì những tấm bạt, tấm ván chẳng thể che chắn gió, mưa tạt vào nhà.
Các em phụ ba mẹ mang những thân cây về đóng lán.
Chiều đến, các em kéo nhau ra hồ Dầu Tiếng tắm rửa. Được tắm mát, vui đùa với nước là khoảng thời gian vui nhất trong ngày của các em.
Sinh ra và lớn lên trên những dòng sông, cuộc đời của các em cũng lênh đênh không rõ bến bờ.
Đi giỏ từ 5h sáng, những người đàn ông trở về vào cuối buổi chiều. Cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Anh Minh vừa đi giỏ về chia sẻ: “Mấy nay mưa quá chỉ đủ cá cho bữa cơm chiều và bán kiếm ít tiền mua rau, gạo”.
Chỉ mới 12 tuổi nhưng Mến đã đi giỏ chung với chú ruột, làn da của em sạm đen vì nắng gió.
Những xe hàng mang theo thịt, trứng vào xóm nhưng người dân trong xóm Việt kiều này chủ yếu mua rau.
.
Khải Trần
0 comments:
Post a Comment