Monday, July 18, 2016

Nội hàm của “cay đắng” và “xót xa”...

Vừa qua, báo Dân Trí có đăng bài “Những con số mang nội hàm xót xa và cay đắng” (1) phản ánh về tình trạng tham nhũng ở trong nước nhân dịp tổng kết kỷ niệm 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng ra đời (6/2006 - 7/2016), kèm theo hàng loạt con số “biết nói”. Độc giả chắc chắn sẽ rất ấn tượng với những dãy số tương đương chục ngàn tỷ đồng thiệt hại và “nín lặng” với tỉ lệ thu hồi tài sản và khởi tố xét xử đối tượng gây ra như hai thái cực ngược chiều nhau.

Chúng ta không bàn ở đây việc ông này, ông kia phải bóc lịch trong bao lâu, cũng không cần thiết phân tích yếu tố khách quan hay chủ quan vì sao tham nhũng kinh khủng quá bởi những vấn đề đó giữa các “đồng chí” đã nói với nhau rất nhiều rồi, trong rất nhiều cuộc họp và hội nghị xen lẫn tập huấn. Mà chúng ta đề cập đến việc dân hay báo chí nếu có thắc mắc thì nên nhớ nằm lòng câu trả lời hết sức mang tính xây dựng là: “Tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp...” lắm lắm! Nó phức tạp đến mức gây diễn biến ngay từ bên trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm thì vào Google gõ ngay tên nguyên Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền sẽ hình dung được hỉ nộ á ố của tham nhũng.

Trở lại những con số với ô tròn (số 0) phía sau dài thẳng tắp. Mười năm qua, công tác phòng chống tham nhũng đã làm được gì ngoài kết quả tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, tính chất vụ án ngày càng phức tạp lôi kéo nhiều cán bộ cấp cao, cấp vừa và cấp thấp tham gia dẫn đến hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Bộ mặt tham nhũng dường phủ rộng khắp và có tính xuyên suốt một cách hệ thống từ trung ương xuống đến địa phương. Nhìn đâu cũng thấy tham nhũng. Vậy ra, báo cáo tổng kết năm, ba năm, 5 năm và nay cũng chỉ là tờ giấy lộn với 3 chữ đúc kết được là: “rút kinh nghiệm” với nhau. Và như thế, không ai khác hơn là chính đối tượng tham nhũng có điều kiện học hỏi hành vi của những đồng nghiệp tham nhũng khác trong mỗi dịp sơ tổng kết.

Nói chung, chỉ có dân là cay đắng, không ai ngoài dân thấu cảm được nỗi niềm xót xa. Chỉ có bọn tham nhũng là hiểu rõ nhất cái “nội hàm” bên trong đống tiền ngân sách nhà nước. Biến hóa tài tình cái của công thành của ông, chuyển vốn từ lời sang lỗ (tránh thuế) và từ lỗ thành lời (vay ngân hàng) như kiểu lật xấp của canh bạc tham nhũng.

Tham nhũng là do cơ chế bịt miệng người dân của chính quyền. Cái gọi là dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trở nên ngày càng xa vời. Công văn 779/CBC-TTPC ngày 1/7/2016 của Bộ 4T về việc yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường quản lý nội dung thông tin... (2) là một minh chứng xác đáng.

Và tham những là do... những "bậc" này đây, theo đúng nguyên văn lời của Tổng bí thư đảng CSVN: "chúng ta đã làm tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, cơ bản đã giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân." (3)

19.07.2016


____________________________________



0 comments:

Powered By Blogger