Monday, July 11, 2016

Ngư dân Quảng Bình đề nghị từ chối tiền đền bù để buộc Formosa đóng cửa


SourceTin Tức Gằng NgàyPosted on: 2016-07-11
Trong một cuộc đối thoại với chính quyền địa phương, các ngư dân ở tỉnh Quảng Bình đề nghị chính quyền ra lệnh đóng cửa nhà máy thép của công ty Formosa Hà Tĩnh, và họ sẵn sàng không nhận tiền đền bù để tỏ rõ thái độ không muốn "tiếp tay cho công ty".
Được biết cuộc họp đã diễn ra hôm 4 tháng 7 tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nhưng đến hôm 8 tháng 7 tin tức về buổi họp này mới xuất hiện trên trang mạng Trí Thức & Công Luận. Cuộc họp được tổ chức sau khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Khoảng 100 đến 120 người đã tham gia cuộc họp, và các ý kiến nêu ra trong buổi họp đã được ủy ban xã ghi chép lại trong một văn bản gửi lên chính quyền huyện Quảng Trạch. Trong đó, có ý kiến đề nghị chính phủ chỉ thị ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho người dân để xem xét có bị nhiễm độc hay không.


Văn bản của cuộc đối thoại có ghi 7 nhóm ý kiến của nhân dân xã Cảnh Dương
Người dân yêu cầu chính phủ chỉ thị các bộ ngành liên quan cải tạo môi trường biển, và xác định rõ ràng bao lâu nữa biển mới sạch. Có hàng chục ý kiến đề nghị ngừng hoạt động đối với công ty Formosa Hà Tĩnh vì sợ rằng thảm họa ô nhiễm môi trường như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn. Nhiều người cho rằng không nên nhận tiền hỗ trợ của Formosa, vì nếu nhận hỗ trợ tức là tiếp tay cho công ty.
Trong đó, đáng chú ý có việc không nhận tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại từ Formosa cho ngư dân: “Các ý kiến cho rằng nếu như Công ty Formosa hỗ trợ cho nhân dân thì không lấy tiền hỗ trợ. Vì nếu lấy hỗ trợ là tiếp tay cho công ty”, văn bản của UBND xã Cảnh Dương nêu rõ.
Cụ thể 7 nhóm ý kiến được nhân dân xã Cảnh Dương nêu ra như sau:
1. “Nhân dân rất phấn khởi trước sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan sớm tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết hàng loạt vừa qua là do Công ty Formosa Hà Tĩnh.
2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho nhân dân để xem xét có ảnh hưởng nhiễm độc hay không, cho nhân dân yên tâm về sức khỏe bản thân và cộng đồng.
3. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm vào cuộc khắc phục môi trường biển, xác định thời gian bao lâu biển mới được sạch để nhân dân tham gia đánh bắt (cụ thể 5 tháng, 1 năm hay lâu hơn nữa để nhân dân yên tâm khắc phục trong cuộc sống).
4. Đối với Cảnh Dương là xã độc canh về nghề ngư nghiệp và buôn bán nhỏ vì vậy việc chuyển đổi nghề khó có thể thực hiện được vì đối tượng đánh bắt gần bờ cơ bản là những người tuổi cao, sức khỏe yếu, tiềm lực kinh tế khó khăn, hơn nữa đây là nghề truyền thống từ bao đời để lại. Đối với các hộ buôn bán, thu mua hải sản lại càng khó khăn hơn.
5. Trước mắt và lâu dài, Nhà nước và Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ về mức thu nhập, lãi vay ngân hàng cho các hộ khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các nghề có liên quan.
6. Các ý kiến cho rằng nếu như Công ty Formosa hỗ trợ cho nhân dân thì không lấy tiền hỗ trợ vì cho rằng nếu lấy hỗ trợ là tiếp tay cho công ty.
7. Có 14 ý kiến tại hội nghị đề xuất ngừng hoạt động đối với Công ty Formosa Hà Tĩnh vì cho rằng sợ sự cố gây ô nhiễm như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn.
Trên đây là kết quả đối thoại giữa lãnh đạo xã Cảnh Dương với nhân dân, UBND xã Cảnh Dương xin báo cáo toàn bộ nội dung đến Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch xem xét”.

TTHN tổng hợp

0 comments:

Powered By Blogger