Suốt từ hôm công bố nguyên nhân cá chết đến nay, các quan chức chính phủ bắt đầu bàn đến việc sử dụng số tiền “đền bù” 500 triệu đô la mà Formosa “đồng ý đền bù”.
Tuy nhiên, với những người thạo tin và chịu khó kiểm chứng chéo các nguồn tin nước ngoài cho thấy có vấn đề. Các bản tin quốc tế đều đưa theo kiểu: Formosa hứa 500 triệu $ và sau đó là the government said (tức chính phủ nói như thế). Hiện chưa có lời xác nhận từ phía Formosa và một đối tác thứ ba (truyền thông hay kiểm toán) đưa tin để cho thấy nguồn tin xác tín.
Vấn đề ở đây không phải là tiền.
Câu hỏi đặt ra là ai cho phép các cơ quan chức năng và chính phủ đứng ra định giá 500 triệu đô la thay vì lập hội đồng đánh giá tính toán thời gian khắc phục biển ô nhiễm, thống kê chính xác thiệt hại về tài sản, sức khỏe và sinh mạng của người dân trước khi có quyết định nhận “đền bù” và tìm cách sử dụng số tiền đó.
Vấn đề quan trọng hơn ở đây, ai cho phép chính phủ đứng ra đồng ý hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thay ngư dân 4 tỉnh ven biển miền Trung?
500 triệu đô la không phải là “một kỷ lục” như phóng viên Việt Hùng (báo Tài Nguyên Môi Trường – tờ báo chủ đạo của Bộ TNMT) hồ hởi khoe khoang. Nó là cái giá quá rẻ để làm sạch môi trường biển. Hãy nhớ, năm 2015 để “cải thiện” để cải thiện môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè phải mất tới 450 triệu đô la.
Và quan trọng hơn hết, tình hình hiện nay đang diễn ra đúng như blogger Vũ Đông Hà nhận định trong bài viết "Có bàn tay của Trung Nam Hải trong thảm họa môi trường lớn nhất của lịch sử Việt Nam?:
"Con số 500 triệu USD - rất nhỏ và có tính toán để trở thành một cái bẫy cho dư luận Việt Nam tranh cãi và đòi hỏi thêm một vài trăm triệu khác, hay phán đoán nó được phân chia như thế nào, bao nhiêu thực sự đến tay người dân, bao nhiêu để cải thiện môi trường, bao nhiêu thì vào túi cán bộ... Chúng ta vẫn làm cho ra lẽ để người dân và đất nước Việt Nam phải được bồi thường chính đáng và công bằng, nhưng quan trọng hơn cả là phải truy ra thủ phạm.
Chúng ta cần nhớ, kẻ thù của dân tộc Việt Nam vẫn ngồi đó, rất gần và đã rất lâu. Cá chết không chỉ một lần bởi Formosa. Và người Việt không chỉ chết một lần này mà thôi. Sẽ còn nhiều cái chết "đại trà" trong tương lai khi thủ phạm vẫn ung dung ngồi đó và đi ra đi vào Ba Đình như nhà của chúng."
Hãy nhớ, ống xả thải ngầm của nhà máy Formosa vẫn nằm dưới lòng biển. Phương án đưa ống xả này lên như tuyên bố của Bộ trưởng Bộ TNMT, ông Trần Hồng Hà hồi tháng 4 đã được thay thế bằng việc “cam kết khắc phục tất cả tồn tại của hệ thống xử lý chất thải cũng như nâng cấp công nghệ để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự. Formosa cũng cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường biển cho 4 tỉnh miền Trung, giúp công khai thông tin cho người dân yên tâm và đảm bảo tính minh bạch” (1)
Còn nhớ cũng chính trong tháng 4, chính Bộ trưởng Bộ TNMT phát biểu: “Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”. (2)
Trong canh bạc 500 triệu đô mà chính phủ vừa đặt cược trên lưng nhân dân Việt Nam, người ta thấy rõ việc phớt lờ chuyện truy cứu trách nhiệm những người đã cấp phép xả thải trái quy định pháp luật, những người thiếu trách nhiệm quản lý trong khâu quan trắc môi trường, những người thiếu minh bạch trong việc công bố các chất độc tìm thấy trong xác cá đem xét nghiệm để tiếp bày trò “ăn cá, tắm biển” an dân…
Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, tôi sẽ từ chức vì không làm được những điều mình nói chứ không phải lên báo bày tỏ chuyện trăn trở 84 ngày rồi phủi hết trách nhiệm.
Văn hóa lãnh đạo cần những hành động kiên quyết từ tâm để đưa ra các chính sách an dân chứ không chỉ là các phát ngôn và các chương trình mang tính mị dân.
3.7.2016
_______________________________________
Chú thích:
0 comments:
Post a Comment