Saturday, October 3, 2015

Người Việt không hiểu... tiếng Việt

BBT: Phó chủ tịch nước Bà Nguyễn thị Đoan nói: "Việt nam dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản" thì mọi người nên hiểu rằng dân Việt được tạo cho cơ hội để phát triển mọi thói hư tật xấu theo ý họ muốn mà không bị ai hạn chế cả. Vì thế mới xảy ra hiện tượng vượt rào khỏi cương lỉnh của giáo dục văn hóa và xã hội như hiện nay.

Người Việt không hiểu... tiếng Việt

Nguồn: Thanh Niên Online 2015-10-03
Tiếng Việt vốn trong sáng và rất đẹp nhưng ngày nay, trên mạng xã hội, thậm chí trong học đường, chỉ vì theo trào lưu mà giới trẻ biến ngôn ngữ Việt trở nên khó hiểu, méo mó đến nỗi có chuyên gia đã cho rằng tiếng Việt đang bị hủy hoại.



Muốn hiểu phải đoán
Có thể tìm thấy vô vàn những đoạn văn đọc không thể hiểu tràn ngập trên các trang mạng xã hội. Một học sinh (HS) sau khi xem chương trình nói về dự án sách hóa nông thôn” đã viết cảm tưởng về nhân vật trong chương trình trên Facebook như sau: “Hnay con mở tjvj lên tj thấy chú thạch. Chú jk khắp nơi để phát động tủ sáck phụ huynh. Con rất khâm phục chú và rất mong một ngày sẽ dk như chú nhưng càng nghĩ càg thấy mk hk dk như z, vì hok hành k dk jỏj và hk đủ tự tin như chú. Bạn hà an lễ tj ns vs con là t cx pải có gắng hok tốt để dk như chú”.
Đây thật sự là một “ma trận ngôn ngữ” đối với bất cứ ai muốn đọc.
Có thể thấy, một bộ phận giới trẻ đã sử dụng tiếng Việt trên mạng hoặc nhắn tin qua điện thoại theo một số “quy tắc” sau: Giản lược hết mức, nghĩa là câu, từ được viết tắt, cắt xén hết mức có thể như “không” thì thành “k”, “biết” thì thành “bít”, “luôn luôn” thành “lun lun”, “hiểu” thành “hỉu”... Phá cách đến mức người đọc không hiểu lý do như “chồng” biến dạng thành “ck”, “vợ” thành “vk”, “thích quá” hành “thík wé”... Sử dụng pha tạp giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ khác như “I’m khóc - ing” (tôi đang khóc đây), “Sure rồi chứ?” (chắc chắn rồi chứ?), “wow, cô bé này thật kute” (ôi, cô bé này thật dễ thương)...
Viết đúng là không sành điệu!
Thạc sĩ Đinh Xuân Hảo, nguyên giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng giới trẻ đang tự trao cho mình cái quyền “chế biến” tiếng Việt theo tiêu chí ngắn, gọn và khó hiểu - ngôn ngữ mạng. Đó là thứ ngôn ngữ lạ lẫm, không phải tiếng Việt đơn thuần mà là sự pha tạp ngôn ngữ. Thậm chí trong giới trẻ không phải ai cũng hiểu được thứ ngôn ngữ này khi cùng một từ nhưng mỗi người có cách “chế biến” khác nhau. Chẳng hạn, cùng từ “biết” nhưng được ghi theo nhiều cách khác nhau: “bít”, “bjt”, “bik”, “bjx”... Thạc sĩ Hảo cho biết nhiều người trẻ cho rằng cách giao tiếp bằng ngôn ngữ này là mốt, thể hiện cá tính và phong cách của mình.
Bà Dương Thu Trang, giáo viên văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), nhận định: “Loại ngôn ngữ này rất kén người dùng và khi bước ra khỏi tuổi teen nó được xem là ngoại ngữ. Thậm chí, người trẻ cùng thế hệ nhưng không chat đều cũng không thể cập nhật và thành thạo được loại ngôn ngữ này”.
Về nguyên do hiện tượng này, bà Trang nhận định, đây là cách HS sử dụng ký hiệu thay cho ký tự để đáp ứng nhu cầu diễn đạt nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng viết sai chính tả có chủ đích của giới trẻ để đánh giá đối tượng giao tiếp. Bởi nếu viết đúng chính tả sẽ là không sành điệu, thiếu phong cách!
Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận tình trạng sử dụng ngôn ngữ mạng của giới trẻ là một hiện tượng bình thường trong đời sống của một ngôn ngữ. Những từ ngữ này chủ yếu dùng trong ngôn ngữ sinh hoạt, trong các hoạt động giao tiếp qua tin nhắn, qua các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, tiến sĩ Hạnh cảnh báo: “Việc lạm dụng lớp từ ngữ này trong giới trẻ và sự thiếu định hướng của gia đình, xã hội trong việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ sẽ dẫn tới sự lệch lạc trong nhận thức cũng như lệch lạc trong sử dụng ngôn từ”.
Thử thách với giáo viên và phụ huynh
Không chỉ viết Facebook, trò chuyện hoặc nhắn tin trên mạng, nhiều bạn trẻ còn mang cả cách diễn đạt này vào trường học, khi ghi chép bài, làm bài kiểm tra... Bà giáo Phan Thị Trúc Ly, giáo viên dạy văn lớp 9, Trường THPT Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) chia sẻ: “Lớp học có 30 em thì có đến hơn 20 em sử dụng ngôn ngữ “teen”, ngôn ngữ “mạng” vào bài kiểm tra của mình. Nhiều khi đọc bài văn của HS, giáo viên không hiểu gì cả, phải vừa đọc vừa đoán. Nhiều từ đoán mãi không ra nghĩa. Các em quen cách viết trên mạng mà không hề biết rằng mình đang viết sai chính tả, câu cú thì không chuẩn, làm méo mó tiếng Việt”.
Theo bà Dương Thu Trang, đây là thử thách với giáo viên bậc phổ thông. Xét về trách nhiệm, giáo viên không được thỏa hiệp với HS ở thái độ thiếu nghiêm túc trong việc sử dụng tiếng Việt nhưng về mặt tình cảm, điều này dường như khiến mối quan hệ giữa thầy và trò ngày càng xa nhau trong cách cảm và cách nghĩ. “Sẽ có những HS khó chịu khi trào lưu của mình không được ủng hộ. HS cá biệt còn cho giáo viên quá lạc hậu khi không theo kịp thời đại”, cô Trang cho biết. Tuy nhiên, cũng theo cô Trang, để thay đổi một trào lưu lớn và mạnh như thực trạng sử dụng ngôn ngữ mạng ở giới trẻ không thể một sớm một chiều mà cần sự kiên nhẫn.
Dưới cái nhìn của nhà ngôn ngữ học, GS-TS Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, quan niệm: “Ngôn ngữ mạng không xấu nếu chỉ sử dụng để thuận tiện trong đời thường của cá nhân. Nếu sử dụng ngôn ngữ này trong giao tiếp chính thức, chẳng hạn trong bài vở trên lớp thì không được” . GS Bùi Khánh Thế cho rằng việc giáo dục ngôn ngữ không chỉ ở phạm vi nhà trường mà vai trò của gia đình rất quan trọng. Đặc biệt là trong xã hội ngày nay khi có không ít gia đình hầu như không có thời gian để trò chuyện với con cái mỗi ngày.
Còn tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh cho rằng, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần xây dựng chiến lược giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường theo hướng hiện đại và nâng cao nhận thức của giới trẻ về tình yêu, ý thức trách nhiệm đối với ngôn ngữ dân tộc. Sử dụng từ ngữ đúng chức năng, đúng mục đích, đúng đối tượng là góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Học sinh thiếu kỹ năng thực hành tiếng Việt
Theo nhiều giáo viên dạy văn phổ thông, môn học này hiện thiếu tính ứng dụng kỹ năng diễn đạt tiếng Việt cho HS.
Ông Lê Minh Tân, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cho rằng ít nhất học xong lớp 12, HS phải biết viết đơn, có khả năng viết một bản báo cáo hoặc có thể tư duy ngôn ngữ để triển khai vấn đề, lập luận dẫn chứng cho một bản tóm tắt dự án công việc... Nhưng thực tế cho thấy yêu cầu này lại trở thành đòi hỏi có phần vượt quá khả năng của HS. Theo ông Tân, nguyên nhân xuất phát từ thực tế giáo viên không hướng đến mục tiêu dạy kỹ năng mà chỉ chú trọng đến cung cấp kiến thức phục vụ cho các kỳ thi.
Một giáo viên của Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú) cho biết hiện nay HS rất lúng túng khi viết đơn xin phép nghỉ học hoặc viết bản tường trình. Trong khi đó, các kỹ năng này rất cần trong công việc nhưng nội dung kiến thức này luôn nằm cuối chương trình từ lớp 6 đến lớp 9. Các kỳ thi không yêu cầu kiến thức này nên giáo viên cùng HS không mấy lưu tâm.
Nhiều giáo viên cho rằng nội dung chương trình và cách bố trí các tiết dạy hiện nay cũng khiến môn học này khó tiếp cận với đời sống thực tế. Chẳng hạn ở lớp 11 và 12, bài phong cách ngôn ngữ có kiến thức cần thiết cho thực tế thì số tiết phân phối ít. Bài phỏng vấn và thực hành phỏng vấn cung cấp cho HS những phương pháp có thể áp dụng trong việc học ở các bậc học cao hơn hay trong công việc lại chỉ gói gọn trong 2 tiết.
Giáo viên của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng việc phân phối chương trình không hợp lý khiến HS nhàm chán. Chẳng hạn, ở lớp 8, có phần thể loại thuyết minh thì lên lớp 10 học lại. Với những phân tích trên, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi (Q.Tân Phú) cho rằng dù không đưa những kiến thức có tính ứng dụng cao vào trong đề thi thì người biên soạn nên sắp xếp vào giữa chương trình để giáo viên rèn kỹ năng cho HS.
Bích Thanh

Mỹ Quyên - Hà Ánh
Minh họa: DAD

0 comments:

Powered By Blogger