Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore.
Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ
lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ;
song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm
của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt
nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự
giàu có của con tim.
Tôi nhắc đến hai nhân vật lẫy lừng trên, chỉ để được nói về hai thiếu
niên vô danh và một thế hệ ưu việt về tâm linh, giàu có về tình yêu và
lòng ái quốc. Nhưng trước hết, xin được trở lại với cái định nghĩa về tự
do của John Adams. Ông bảo: “Tự Do là quyền lực tự quyết trong một thực thể có tư duy. Nó đưa đến suy nghĩ, lựa chọn và sức mạnh”
Từ định nghĩa đó, rõ ràng dân ta ngày nay thiếu hẳn các tố chất quan
trọng và cần thiết để quyết định cho sự tự do của chính mình. Và sự tồn
vong của đất nước. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với truyền thống các
thế hệ cha anh mà Nguyễn Trãi đã ghi lại trong Bình Ngô Đại Cáo: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.
Ngày này có ai đọc lại câu thơ của Nguyễn Trãi mà không khỏi thấy ngậm ngùi!
Mới đây, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà
Nẵng, đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng người Trung Quốc mượn tay
người Việt dồn dập mua nhiều lô đất ở ven biển Đà Nẵng. Cũng tại đây, đã
thấy xuất hiện những biển quảng cáo bằng tiếng Trung Hoa của một số nhà
hàng, khách sạn dùng để lôi kéo khách hàng.
Tại sao lại có tình trạng núp bóng người Việt? Tại sao dân ta lại thờ ơ
coi rẻ vận mệnh quốc gia? Nếu nguy cơ mất nước nằm ngay ở người dân, thì
một chính quyền hùng mạnh nhất cũng phải sụp đổ nói gì đến lãnh đạo
CSVN hiện nay.
Theo dự đoán của công ty địa ốc Knight Frank, VN là quốc gia có tốc độ
tăng số lượng người siêu giàu nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, xã hội
chúng ta là một xã hội mất phương hướng, một xã hội thiếu bản sắc. Từ
người thật giàu cho đến người nghèo khó, dường như đa số đều hướng về
vật chất, hướng về những cái hời hợt bên ngoài. Dân ta có nhiều người
giàu, nhưng chẳng giúp ích gì cho những phúc lợi xã hội. Dân số ta đông,
nhưng coi rẻ lợi ích quốc gia. Nhiều học giả, nhiều trí thức, nhưng
vắng bóng những hành động của trí tuệ. Chúng ta đánh mất nền tảng, chúng
ta gãy đổ, không nối kết được chính mình với quá khứ.
Nên nhớ lịch sử VN đâu chỉ được viết nên bởi một Quang Trung, Hưng Đạo
hay các hổ tướng tên tuổi lẫy lừng. Lịch sử còn được viết bởi những con
người rất bình thường và vô danh.
Xin được kể câu chuyện về hai thiếu niên ở Gò Công, mà thái độ của họ đã
khắc một nét thật sâu trong lòng hai viên sĩ quan cao cấp của thực dân
Pháp.
Chuyện được kể lại qua lời của thiếu tướng hải quân Réveillère, người có
mặt trong cuộc hành quân quy mô, nhằm truy quét phong trào kháng Pháp
của Trương Công Định. Năm 1863, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn
tái chiếm lại Gò Công. Hôm đó, họ bắt được hai thiếu niên người Việt,
hai anh em ruột. Viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quân là thiếu tá Vergne
giao hẹn với cả hai rằng họ sẽ được tha mạng nếu thực tâm dẫn đường cho
quân đội Pháp truy lùng các căn cứ của nghĩa quân. Tuy nhiên, hai thiếu
niên này đã lừa dẫn quân Pháp đi vòng vo trong rừng. Không có một lãnh
tụ nghĩa quân nào của Trương Công Định bị sa lưới ngày hôm đó. Có lẽ
chính nhờ hai thiếu niên này họ đã tìm được thời gian trốn thoát.
Chiều tối hôm đó, thiếu tá Vergne đã buộc lòng phải xử bắn cả hai, sau
khi bày tỏ sự hối tiếc của ông với thiếu tướng Réveillère: “Họ là những anh hùng. Ở Hy Lạp có lẽ người ta đã tạc tượng để thờ các người ấy. Còn tôi, tôi phải xử bắn họ.”
Thiếu tá Vergne đã phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn, nhưng ông đã
làm tròn nhiệm vụ của một sĩ quan chỉ huy quân đội Pháp. Riêng hai thiếu
niên người Việt, cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn không biết họ là
ai. Nhưng chúng ta biết rất rõ sự lựa chọn và sức mạnh của họ là lý do
cho sự tồn tại của đất nước này.
John Adams nói rằng: “Không thể bảo vệ tự do trong khi nhân dân không nhận thức được nó”.
Là một người dẫn đường cho sự độc lập của nước Mỹ, ông xiển dương sức
mạnh về tinh thần và ý thức của người dân. Điều này đi ngược lại hoàn
toàn với chủ trương của lãnh đạo nước ta. Bộ chính trị chỉ có thể yên
tâm về chiếc ghế của mình, nếu Ban Tuyên Giáo dẫn dắt được đàn cừu đi
đúng hướng.
Trong buổi trò chuyện với báo chí Nhật Bản ngày 12/9 vừa qua, Tổng Bí
Thư Nguyễn Phú Trọng đã rất tự tin khi trả lời những chất vấn của báo
giới truyền thông Nhật. Đại khái ông Trọng cho rằng thể chế độc tài tại
nước ta sẽ còn sống rất lâu bền vì nó đáp ứng đúng với nguyện vọng của
nhân dân VN. Dù ông Trọng bị nhiều chỉ trích, tôi vẫn thấy điều ông nói
phản ánh khá đúng với thái độ của đại đa số quần chúng và đó là thực tế
đớn đau của đất nước chúng ta. Cứ so sánh con số các nhà hoạt động nhằm
thay đổi thể chế đất nước trên tỉ số 90 triệu dân thì biết. Và hãy nhìn
xem những nỗ lực hết sức của họ đã được đám đông đáp ứng ra sao.
Ý thức tạo nên số phận. Một đàn sư tử mà riu ríu sợ roi thì chẳng khác
gì một bầy cừu. Không phải không có cơ sở khi ông Trọng phát biểu như
thế. Không phải không có lý do mà các Đại biểu Quốc Hội dám phát biểu
rằng vì dân trí ta thấp cho nên luật “trưng cầu dân ý” có khi gây hại.
Ngày nào chúng ta còn im lặng trước những trái ngang của luật pháp khi
đề nghị mức án cho trẻ em lên đến 15 năm tù; ngày nào chúng ta còn làm
ngơ trước tiếng thét oan khuất của người phụ nữ dân oan trước vành móng
ngựa; ngày nào chúng ta chưa trở thành thành viên của một tổ chức xã hội
dân sự hay một hỗ trợ viên của nhóm Lương Tâm TV; … ngày đó, chúng ta
không cần có tự do.
Tự do đã bị bóp nghẹt bởi chính cá nhân của mỗi người, khi chúng ta
không dám làm điều thiện, điều đúng với lương tâm của mình. Và nhân
quyền lại là một điều rất dư thừa, vô bổ. Không ai cần đến nhân quyền
khi chúng ta sẵn sàng chịu bị xéo như một con giun.
*
Tôi nghĩ đến câu thơ của Tagore và hai thiếu niên vô danh ở Gò Công. Bất
giác, tôi muốn viết câu thơ này lên tấm bia mộ vô hình của thời gian“Họ
đã hôn cõi đời này với chân tay và đôi mắt của họ – Họ đã ôm nó vào
lòng, xiết chặt nó vào lòng – Họ đã cho ý nghĩ của họ tràn ngập cả ngày
và đêm của nó” (Bài 53 – Hái quả).
Tiếc rằng chúng ta không mang nổi thông điệp của họ đến các thế hệ tương
lai. Hãy quên họ đi. Hãy coi họ như hai người anh hùng của một đất nước
Hy Lạp nào đó xa xôi!
07/10/2015
0 comments:
Post a Comment