...Tuyên
truyền rằng ‘Cách mạng tháng Tám’ thành công là nhờ vào việc chủ nghĩa
‘Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể
của cách mạng Việt Nam’ là giả dối, nếu không muốn nói là lố bịch...
không một lãnh đạo cao cấp nào của Đảng Cộng sản có mặt khi những nhóm
người trẻ tuổi cầm cờ Việt Minh giành chính quyền ở Việt Nam trong hai
tuần đó...
*
‘Cách mạng tháng Tám’ năm 1945 vẫn là một đề tài gây nhiều tranh luận,
bàn cãi, với nhiều diện giải, nhận định hoàn toàn trái ngược nhau về
nhiều khía cạnh khác nhau của sự kiện này.
Một trong những điều gây tranh cãi là bản chất và nguyên nhân dẫn đến
thành công của cuộc ‘cách mạng’ đưa Việt Minh lên nắm quyền lúc đó.
Giới lãnh đạo, quan chức cũng như sử học, báo chí chính thống ở Việt Nam
thường tuyên truyền rằng đó là cuộc ‘tổng khởi nghĩa giành chính quyền’
được ‘chuẩn bị công phu’, ‘diễn ra nhịp nhàng trên cả nước’ và đã
‘thành công rực rỡ’, đưa Việt Nam ‘bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên
độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội’.
Họ còn cho rằng thắng lợi của cuộc cách mạng này ‘là thắng lợi của chủ
nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử
cụ thể của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và
đường lối cách mạng đúng đắn và đầy sáng tạo’ của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Trái lại, một luồng ý kiến khác lại khẳng định chẳng có chuyện Việt
Minh, một lực lượng do ĐCS lãnh đạo, ‘cướp’ hay ‘giành chính quyền’ gì -
và càng không có chuyện họ phải ‘đánh đấm’ để ‘giành chính quyền’ - vì
vào thời điểm đó có một ‘khoảng trống quyền lực’ và Việt Minh đã có mặt
đúng lúc để lấp chỗ trống ấy.
Vậy thực chất cuộc ‘khởi nghĩa’ hay ‘Cách mạng tháng Tám’ ấy là gì và
điều gì đã khiến Việt Minh lên nắm quyền và lập nên nước ‘Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa’ lúc đó?
Khoảng trống quyền lực
Quân Nhật vào Đông Dương tháng 9/1941
Thực ra ngay sau ‘Cách mạng tháng Tám’ đã có ‘một số người’ cho rằng
những người Cộng sản hay Việt Minh không phải chiến đấu gì để ‘giành
chính quyền’ mà chẳng qua vì may mắn nên ‘vớ được chính quyền’. Vì vậy,
vào dịp kỷ niệm một năm ‘Cách mạng tháng Tám’, trong cuốn sách cùng tên,
Trường Chinh, Tổng bí thư ĐCS Đông Dương lúc đó, đã lên án những người
ấy và bác bỏ nhận định đó.
Tuy vậy, dù ông Trường Chinh chính thức lên tiếng bác bỏ, dựa vào những
sự kiện diễn ra vào thời điểm ấy và các nhân chứng, sử liệu xác đáng
khác, học giả, đặc biệt là giới nghiên cứu nước ngoài, đều kết luận rằng
những người Cộng sản có thể dễ dàng lên nắm quyền hay tiến hành thành
công, nhanh gọn ‘Cách mạng tháng Tám’ là vì có một khoảng trống quyền
lực vào giữa và cuối tháng Tám năm 1945.
Với việc Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14/08, lực lượng Nhật chiếm đóng
tại Việt Nam cũng như chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo hộ đã suy
yếu và cũng không còn cơ sở đề tồn tại. Trong khi đó, mãi tới đầu tháng
Chín, quân Đồng minh mới tới Việt Nam để giải giáp Nhật.
Như William J. Duiker ghi nhận trong Vietnam: Nation in Evolution, xuất
bản năm 1983, chỉ trong vòng hai tuần – từ ngày 14/08 đến ngày 28/08,
khi vua Bảo Đại thoái vị – miền Bắc và miền Trung đã gần như hoàn toàn
nằm trong tay Việt Minh và chỉ ở miền Nam những người Cộng sản buộc phải
chia sẻ quyền lực với những lực lượng, thành phần khác.
Theo học giả này đó là một cuộc chuyển giao quyền lực nhanh gọn, hầu như không có đổ máu gì.
Theo nhà nghiên cứu Pháp Pierre Roussett, tác giả cuốn Communisme et
Nationalisme Vietnamien, xuất bản năm 1978, thực ra Việt Minh là lực
lượng được mang tới quyền lực, hơn là người đã giành được quyền lực.
Stein Tonnesson, người đã có nguyên một công trình nghiên cứu về ‘Cách
mạng tháng Tám’, cũng nhận định rằng Việt Minh có thể dễ dàng lên nắm
quyền, không phải mất xương máu gì, vì có khoảng trống quyền lực ở Việt
Nam lúc đó.
Trong cuốn The Vietnamese Revolution of 1945: Roosevelt, Ho Chi Minh and
de Gaulle in a World at War, xuất bản năm 1991, Stein Tonnesson cho
rằng lãnh đạo ĐCS không bao giờ nghĩ nhiệm vụ của họ sẽ nhẹ nhàng, đơn
giản như thế. Mọi chuyện diễn ra nhanh chóng và khác hẳn với những gì họ
tính toán, chuẩn bị.
Ông nhắc lại người ta thường cho rằng ‘Cách mạng tháng Tám’ thành công
là nhờ Hồ Chí Minh có một chiến lược tuyệt vời và Việt Minh đã xây dựng
được một quân đội nhân dân. Nhưng thực tế, quân giải phóng và sự lãnh
đạo của Việt Minh chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong cuộc cách mạng
này.
Chẳng hạn, theo Stein Tonnesson, ông Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị quân đội
để đánh Nhật và chắc ông cũng đã nuôi ước mơ dẫn binh lính của mình
tiến về Hà Nội sau khi đã làm nên những chiến thắng lịch sử. Nhưng Hà
Nội đã được lực lượng cách mạng địa phương chiếm một tuần trước khi
những nhóm lính đầu tiên của ông về thành phố.
Hơn nữa, không một lãnh đạo cao cấp nào của Đảng Cộng sản có mặt khi
những nhóm người trẻ tuổi cầm cờ Việt Minh giành chính quyền ở Việt Nam
trong hai tuần đó.
Stein Tonnesson cũng chỉ ra rằng Việt Nam không phải là nơi duy nhất có
các lãnh đạo quốc gia lên nắm quyền mà không phải đối đầu vũ lực vào
thời điểm Nhật đầu hàng. Ở Indonesia, Sukano và Hatta đã tiến hành
thương lượng với tư lệnh quân đội Nhật ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng
minh. Hai nhà lãnh đạo này còn bay trở lại Jarkata trên một máy bay của
Nhật và tuyên bố độc lập cho nước Cộng hòa Indonesia vào ngày 17/8 – hai
ngày trước khi có cuộc nổi dậy ở Hà Nội.
Có thể để nhằm bác bỏ ý kiến cho rằng Việt Minh may ‘vớ được chính
quyền’ mà không phải chiến đấu gì, như Stein Tonnesson nhắc lại, cả
trong cuốn ‘Cách mạng tháng Tám’ ra mắt năm 1946 và bài ‘Cách mạng hay
đảo chính’ đăng trong Cờ giải phóng ngày 12/09/1945, ông Trường Chinh đã
nhấn mạnh rằng trong cuộc khởi nghĩa tháng Tám, máu đã đổ nhiều nơi.
Cũng vì nặng giáo điều, Trường Chinh lý luận một cuộc cách mạng thực sự
phải có đổ máu và ông cảm thấy tiếc vì cuộc khởi nghĩa tháng Tám đã
không có thêm bạo lực.
Vẫn theo Stein Tonnesson, trong một chừng mực nào đó, để bù đắp cho việc
thiếu đổ máu trong cuộc nổi dậy, lực lượng cách mạng đã giết một số
người ‘phản bội’ sau đó. Ông cũng nhắc đến cuốn Vietnam 1945: The Quest
for Power của David Marr, được xuất bản năm 1997, trong đó ước tính rằng
nhiều ngàn người được cho là ‘kẻ thù của Cách mạng’ đã bị giết hoặc
chết khi bị bắt giữ vào thời điểm giữa cuối tháng Tám và tháng Chín năm
1945.
Khát vọng độc lập
Nhưng cũng có nhiều yếu tố quan trọng khác khiến cuộc khởi nghĩa hay
Cách mạng tháng Tám diễn ra nhanh gọn, không đổ máu và Việt Minh có thể
dễ dàng lên nắm quyền lúc đó.
Trong The Communist Road to Power in Vietnam, xuất bản năm 1981 và tái
bản năm 1996, William J. Duiker nhận định rằng bất cứ cuộc cách mạng nào
cũng có yếu tố thời cơ và thời cơ càng chín muồi, cách mạng càng dễ
thành công nhanh gọn và Cách mạng tháng Tám không phải là ngoại lệ.
Ngoài có ‘khoảng trống quyền lực’, William J. Duiker nêu ra nhiều yếu
tố, điều kiện thuận lợi khác để một cuộc khởi nghĩa hay cách mạng nổ ra ở
Việt Nam lúc ấy và Việt Minh đã biết tận dụng những yếu tố, điều kiện
đó.
Trong những yếu tố, điều kiện được William J. Duiker và nhiều học giả
khác đưa ra có nạn đói 1944-45 ở các tỉnh Bắc Trung bộ và sự tê liệt,
sụp đổ nhanh chóng của chính quyền cũ (từ trung ương đến địa phương, từ
nông thôn đến thành thị).
Theo Stein Tonnesson số người chết trong nạn đói đó được Việt Minh đưa
ra vào năm 1945 cũng như được tuyên truyền những năm đó là hai triệu.
Nhưng ông cho rằng con số đó bị cường điệu hóa và ước tính số người
thiệt mạng khoảng từ 500 ngàn đến một triệu người. Tuy vậy, ông vẫn cho
rằng nạn đói là một thảm họa và nó có tác động chính trị rất lớn.
Cụ thể, nó làm người dân căm thù, tức giận (với chính sách đô hộ của
Nhật hay sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim), cảm thấy tuyệt vọng
và đòi hỏi phải có thay đổi. Chính điều này đã đặt nền móng để Cách mạng
tháng Tám diễn ra và kết thúc thành công, nhanh gọn.
Những vụ tấn công, cướp các kho thóc lúc đó cũng huấn luyện người dân
trong các hoạt động tập thể, giúp họ biết tự nguyện tổ chức, phối hợp
với nhau trong các cuộc xuống đường biểu tình (chẳng hạn như đòi vua Bảo
Đại thoái vị hay thành lập một chính phủ mới do Việt Minh lãnh đạo) lúc
ấy.
Một chi tiết khác mà giới nghiên cứu đều nêu ra là trong hai tuần ấy ở
Hà Nội, Huế và nhiều thành phố lớn khác ở Việt Nam đã có nhiều cuộc biểu
tình quy tụ hàng chục ngàn – thậm chí hàng trăm ngàn - người đủ mọi
thành phần khác nhau trong xã hội và những cuộc biểu tình này đã góp
phần quan trọng trong thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám.
Những cuộc tụ tập đông như vậy có thể dễ dàng diễn ra lúc đó là vì trong
khoảng hơn bốn tháng nắm quyền, chính phủ Trần Trọng Kim (từ 17/04 đến
25/08) đã khuyến khích tự do ngôn luận và cổ vũ người dân tham gia vào
các hoạt động chính trị. Theo Stein Tonnesson, đó là giai đoạn duy nhất
trong thế kỷ 20 người dân Việt Nam gần như hoàn toàn được tự do ngôn
luận.
Trong ‘The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of
Viet-Nam (March-August 1945’ được đăng trong tạp chí Journal of Asian
Studies năm 1986, Vũ Ngự Chiêu nhận định rằng khuyến khích sự tham gia
chính trị của đám đông là một trong những đóng góp, thành công đáng chú ý
của chính phủ Trần Trọng Kim.
Có thể nói không chỉ trong thế kỷ 20 mà ngay cả trong những năm đầu của
thế kỷ 21 này, người dân Việt Nam vẫn không được tự do ngôn luận, hội
họp, tụ tập biểu tình như dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim.
Một yếu tố quan trọng khác – nếu không muốn nói là yếu tố quyết định –
khiến cuộc khởi nghĩa tháng Tám bùng nổ và thành công nhanh chóng là
khát vọng độc lập, dân chủ, tự do của nhân dân Việt Nam.
Tóm lại, các điều kiện để tiến hành một cuộc cách mạng ở Việt Nam lúc đó
(nhằm chấm dứt sự đô hộ của đế quốc, thực dân, kết thúc sự thống trị
của chế độ phong kiến và thành lập một quốc gia độc lập, một nhà nước
dân chủ, cộng hòa) đã chín muồi.
Theo William J. Duiker, tại những xã hội thuộc địa khác, những người có
khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, phi cộng sản là lực lượng đứng lên lấp
chỗ trống quyền lực cũng như tận dụng những điều kiện chín muồi khác lúc
đó để nắm quyền. Nhưng ở Việt Nam, phần vì chia rẽ, phần vì thiếu một
đường lối rõ ràng, các phe phái, lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc, không
cộng sản lúc ấy không thể làm những điều đó.
Nhưng một yếu tố khác khiến những người Cộng sản hay Việt Minh chiếm
được cảm tình, giành được sự ủng hộ của nhiều người thuộc mọi giai tầng
xã hội lúc ấy là họ biết tạo một hình ảnh cởi mở, tiến bộ. Đây cũng là
một trong những lý do tại sao họ, chứ không phải một lực lượng nào khác
lên nắm quyền lúc ấy.
Nhiều người ủng hộ
Trong cuốn Britain in Vietnam - Prelude to Disaster, 1945-6, xuất bản
2007, Peter Neville cho rằng nhân vật trung tâm trong những biến cố
tháng Tám năm 1945 là Hoàng đế Bảo Đại. Theo học giả này, việc vua Bảo
Đại thoái vị đã mở đường cho một nhóm người thuộc nhiều thành phần, đảng
phái, khuynh hướng khác nhau lập nên ‘Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa’. Ông
cũng cho rằng nếu vua Bảo Đại không từ ngôi, Việt Minh không thể lên nắm
quyền.
Rất khó để đánh giá một nhận định như vậy. Nhưng có thể nói việc vua Bảo
Đại chấp nhận thoái vị, ‘sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi cá nhân’
vì ‘sự đoàn kết’ quốc gia, dân tộc trong thời điểm lịch sử ấy, và làm
Cố vấn tối cao cho chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
lúc đó chứng tỏ ông cũng ủng hộ Việt Minh và chính phủ lâm thời do Việt
Minh lãnh đạo.
Chuyện nhiều người thuộc các đảng phái chính trị khác – hay thậm chí có
người không thuộc một đảng phái nào - tham gia chính phủ lâm thời do
Việt Minh lãnh đạo lúc ấy cũng chứng tỏ các đảng phái, giới trí thức lúc
ấy cũng ủng hộ Việt Minh.
Một thành viên trong chính phủ lâm thời ấy là ông Nguyễn Mạnh Hà, một
người Công giáo, nắm giữ chức Bộ trưởng Kinh tế. Theo Peter Neville, Hồ
Chí Minh bổ nhiệm ông vì muốn có sự ủng hộ của những người Công giáo. Ở
miền Bắc lúc ấy có khoảng một triệu người Công giáo (chiếm khoảng 10%
dân số lúc đó). Tác giả này cũng cho biết, trong số những người tụ tập
tại Quảng trường Ba Đình để nghe ông Hồ Chí Minh đọc ‘Tuyên ngôn độc
lập’ ngày 02/09/1945 cũng có rất đông người Công giáo.
Trong Hồ Chí Minh’s Independece Declaration, một chương trong cuốn
Essays into Vietnamese Past, xuất bản năm 1995, David G. Marr còn cho
biết ngày 02/09/1945 lại rơi vào ngày Chủ nhật và cũng là ngày Giáo hội
Công giáo kính các Thánh tử đạo Việt Nam nên Nhà thờ Chính tòa cũng như
nhiều nhà thờ khác ở Hà Nội chật kín người tham dự thánh lễ.
Và sau thánh lễ, để biểu hiện sự ủng hộ với chính phủ mới, các vị chủ
chăn đã dẫn con chiên mình về Quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ
Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Việc nhân dân, đủ mọi tầng lớp, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong
xã hội lúc đó đồng loạt xuống đường làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám, giành
sự ủng hộ cho Việt Minh và chính phủ lâm thời lúc đó cũng không có gì
là khó hiểu. Ý tưởng, nguyện vọng, mục đích xây dựng một nước ‘Việt Nam
Dân chủ, Cộng hòa’ – trong đó mọi người ‘có quyền bình đẳng’ về quyền
lợi, ‘quyền được sống’, ‘quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’ – mà
những người Cộng sản hay Việt Minh lúc đó khởi xướng, theo đuổi hoàn
toàn đáp ứng được mong đợi, khát vọng của người dân.
Tuyên truyền rằng ‘Cách mạng tháng Tám’ thành công là nhờ vào việc chủ
nghĩa ‘Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử
cụ thể của cách mạng Việt Nam’ là giả dối, nếu không muốn nói là lố
bịch.
Tuyên ngôn độc lập ông Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9 không đề cập đến gì
‘Cách mạng tháng 10’ của Nga năm 1917 hay ‘chủ nghĩa ‘Mác-Lênin’. Trái
lại, Bản Tuyên ngôn ấy được mở đầu bằng việc trích dẫn ‘Tuyên ngôn Độc
lập năm 1776 của nước Mỹ’ và ‘Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của
Cách mạng Pháp năm 1791’.
0 comments:
Post a Comment