Trọng tâm Biển Đông nổi bật trong chiến lược biển mới của Mỹ
Trọng Nghĩa
Tiêm kích F/A18 Hornet của Hải quân Mỹ trên không phận Biển Đông (ảnh wikipedia)
Ngày 21/08/2015, Bộ Quốc phòng Mỹ
chính thức công bố tài liệu mang tựa đề Chiến lược an ninh hàng hải ở
Châu Á Thái Bình Dương, phác họa những đường nét quan trọng trong chính
sách của Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh tại vùng biển Châu Á. Dù cũng đề
cập đến Biển Hoa Đông, nhưng rõ ràng là chiến lược biển mới của Mỹ đặt
trọng tâm vào việc đối phó với các hành vi quá đáng của Trung Quốc tại
Biển Đông.
Trong
một cuộc họp báo tại Washington, ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương đã xác định ba trục chính
trong chiến lược mới đó : (1) kiên trì dấn thân và tiếp tục sử dụng
ngoại giao và các định chế đa phương để bảo vệ quyền tự do lưu thông và
tiếp cận các vùng biển Châu Á ; (2) tập trung bảo vệ quyền tự do sử dụng
các vùng biển, ngăn chặn xung đột và các hành vi cưỡng bức ; (3) phát
huy việc tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế.
Sau
khi nhắc lại quan điểm từng được tuyên bố của Washington, theo đó Mỹ
không thiên vị ai trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông,
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định là Hoa Kỳ « có
lợi ích trong việc đảm bảo sao cho tranh chấp chủ quyền được giải quyết
một cách hòa bình, không thông qua xung đột hay cưỡng chế ». Mối
lo ngại của Hoa Kỳ tuy nhiên đang tập trung ở Biển Đông, khi ông David
Shear nêu bật mối quan ngại của Mỹ về sự kiện Trung Quốc bồi đắp đảo
nhân tạo ở Trường Sa và quân sự hóa các nơi này.
Trong
bối cảnh đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington sẽ duy trì
một sự hiện diện quân sự cần thiết, đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Mỹ
cũng như của đồng minh và đối tác trong khu vực, chống lại các mối đe
dọa tiềm tàng. Trên tinh thần đó, Hoa Kỳ đang tăng cường lực lượng quân
sự trong vùng để trở thành một lực lượng răn đe, sẵn sàng đối phó với
mọi tình huống. Theo ông David Shear, Bộ Quốc phòng Mỹ không chỉ chuyển
qua Châu Á các phương tiện tối tân nhất, mà lại còn trải đều các phương
tiện đó trên toàn khu vực.
Con
chủ bài trong các phương tiện tối tân đó là hạm đội tàu chiến tuần duyên
LCS (Littoral Combat Ship), loại chiến hạm nhỏ nhưng linh hoạt, với hỏa
lực hùng hậu, được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước
nông ven bờ, đặc thù của Biển Đông : 4 chiếc sẽ được triển khai ngay tại
Singapore, phụ trách trực tiếp Biển Đông, 4 chiếc khác sẽ được dùng làm
lực lượng dự bị, sẵn sàng tung ra khi cần thiết.
Một
hàng không mẫu hạm mới, chiếc USS Ronald Reagan sẽ qua thay thế chiếc
George Washington, và trong vòng năm năm sắp tới, Hải quân Mỹ ở Thái
Bình Dương sẽ có thêm một chiếc tàu đổ bộ tấn công mới, USS America,
trong lúc thêm hai tàu khu trục Aegis được gửi đến túc trực tại Nhật
Bản. Không quân cũng sẽ được tăng viện bằng loại chiến đấu cơ F-22 và
F-35 tối tân hơn, không kể đến loại oanh tạc cơ chiến lược B-2 và B-52,
và 47 chiếc phi cơ tuần thám đời mới P8 A Poseidon, có gắn thủy lôi. Lực
lượng Thủy quân lục chiến túc trực trong vùng cũng sẽ được trang bị
loại máy bay lên thẳng V-22.
Sau
cùng, khu vực cũng sẽ có thêm các loại tên lửa hiện đại phóng đi từ
chiến hạm hoặc phi cơ, cùng với các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao,
trong đó có loại JASSM-ER và một loại tên lửa hành trình chống hạm tầm
xa mới. Với các phương tiện răn đe đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục vai trò người
bảo vệ ổn định và quyền tự do hàng không và hàng hải, đặc biệt là ở Biển
Đông.
Hôm
thứ Năm, 20/08/2015, như để nhắc nhở Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Ashton Carter đã khẳng định trở lại là Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt
động quân sự bên trong và chung quanh Biển Đông : « Phi cơ và chiến
hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho
phép, như vẫn làm ở mọi nơi khác trên thế giới ».
Các người hùng Mỹ được ca ngợi do ngăn chặn vụ thảm sát
Thụy My
Người bị thương được cho là quân nhân Mỹ đã tham gia khống chế hung thủ trên tàu Thalys Amsterdam-Paris hôm 21/08/2015.REUTERS/Antoine de Silva
Hành động can đảm của nhóm du khách
người Mỹ trong đó có hai quân nhân, đã chặn đứng kịp thời nghi phạm
trang bị nhiều loại vũ khí chiến trường nổ súng vào các hành khách đông
đảo trên tàu cao tốc Thalys nối Amsterdam với Paris, mà hậu quả sẽ rất
thảm khốc, đã được dư luận và chính giới hết lời ca ngợi.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngay sau đó đã bày tỏ « lòng biết ơn » đối với hai quân nhân Mỹ « đặc biệt can đảm ». Ông tuyên bố : «
Cùng với Tổng thống và Thủ tướng nước Pháp, tôi xin bày tỏ với hai hành
khách Mỹ đặc biệt can đảm, đã chứng tỏ sự gan dạ phi thường trong tình
huống hết sức khó khăn, tất cả lòng biết ơn và ngưỡng mộ trước sự bình
tĩnh của họ, nếu không chúng ta đã phải đối mặt với một thảm kịch khủng
khiếp ».
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hoan nghênh « hành động anh hùng » của hai quân nhân Mỹ đã ngăn chận được một « thảm kịch có thể xảy ra », bày tỏ « sự biết ơn sâu sắc », đồng thời chúc các nạn nhân « nhanh chóng bình phục hoàn toàn ».
Điện Elysée hôm nay 22/08/2015 cho biết Tổng thống Pháp François
Hollande « trong những ngày tới sẽ đón tiếp những người đã khống chế
hung thủ trên chuyến tàu Amsterdam-Paris để nói lên lòng biết ơn của
nước Pháp ». Ông Hollande « sáng nay đã nói chuyện điện thoại với nhiều công dân Mỹ và Pháp đã tham gia ngăn chận hung thủ », và trong ngày hôm nay cũng sẽ trao đổi với một số công dân khác.
Trước đó vào tối qua, thị trưởng Arras đã tặng thưởng huy chương
của thành phố cho quân nhân Mỹ Alex Skarlatos, sinh viên Mỹ Anthony
Sadler và ông Chris Norman, người bạn Anh đi nghỉ hè cùng với họ. Nhiều
chính khách Pháp đủ mọi khuynh hướng cũng đã nồng nhiệt cám ơn, đồng
thời bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ khủng bố.
Trên các mạng xã hội nhanh chóng xuất hiện một rừng những lời bình của người dân Pháp ca ngợi « những người anh hùng »,đã « ngăn chận một vụ thảm sát », nhờ sự « can thiệp đầy can đảm » của họ, và chúc « những người hùng từ Mỹ quốc nhanh chóng bình phục ».
Khủng bố bất thành trên tàu cao tốc Amsterdam-Paris nhờ các quân nhân Mỹ
Thụy My
Cảnh sát Pháp bên cạnh các băng đạn của nghi phạm tại nhà ga Arras, 21/08/2015.REUTERS/Pascal Rossignol
Một vụ thảm sát đã tránh được trong
gang tấc trên chuyến tàu cao tốc Thalys đi từ Amsterdam đến Paris chiều
tối qua 21/08/2015, nhờ các hành khách là quân nhân Mỹ đi nghỉ hè đã
khống chế được một người đàn ông vũ trang hạng nặng sau khi người này nổ
súng trên tàu. Hung thủ đã bị bắt, hai người bị thương trong đó có
người thủy quân lục chiến Mỹ đã ngăn chặn được kẻ khủng bố.
Vũ trang một khẩu kalachnikov, một súng ngắn tự động, 9 băng đạn
súng máy và một con dao, người đàn ông này đã nổ súng vào khoảng 16 giờ
GMT (17 giờ Paris) hôm qua trên chuyến tàu cao tốc Thalys 9364, nối liền
Amsterdam (Hà Lan) và Paris. Nhưng hung thủ đã bị một nhóm bạn người Mỹ
đi nghỉ hè, gồm hai quân nhân và một sinh viên, khống chế. Alex
Skarlatos, 22 tuổi, một trong ba người Mỹ đã can thiệp, là vệ binh cộng
hòa bang Oregon vừa đi công tác tại Afghanistan về, kể lại :
« Chúng tôi nghe một tiếng súng nổ, sau đó là tiếng kính vỡ.
Ngay lúc đó tôi chưa hiểu được chuyện gì xảy ra, cho đến khi thấy một
nhân viên phục vụ trên tàu chạy qua. Tôi trông thấy một người đàn ông
bước vào toa tàu với một khẩu kalachnikov. Tôi và anh bạn kín đáo tiếp
cận và sau đó tấn công người này. Anh bạn tôi bị thương vì con dao của
hắn ta, còn tôi tước súng. Hai chúng tôi cùng đánh vào đầu hắn cho đến
khi hắn ta bất tỉnh ».
Đoàn tàu được chuyển hướng đến ga Arras, nơi cảnh sát kiểm tra giấy
tờ toàn bộ hành khách trên tàu khoảng 600 người. Hai người bị thương
gồm một người bị trúng đạn vào ngực được trực thăng đưa đến bệnh viện
Lille cấp cứu, và Spencer Stone, người lính Mỹ đã khống chế hung thủ, bị
vết chém ở cổ, khuỷu tay và bàn tay, cũng sẽ được chuyển viện đến
Lille. Diễn viên Pháp Jean-Hugues Anglade chỉ bị thương sơ sài ở tay do
đập vỡ kính để kéo còi báo động trên tàu.
Theo kết quả điều tra sơ khởi, nghi phạm là một thanh niên Maroc 26
tuổi, lên tàu từ nhà ga Bruxelles, sáng nay đã bị đưa đến đơn vị cảnh
sát chống khủng bố ở ngoại ô Paris để thẩm vấn. Nghi can khai danh tính
phù hợp với một cái tên có trong danh sách của tình báo Pháp do tình
nghi có quan hệ với khủng bố. Kẻ này đã cư ngụ tại Tây Ban Nha một năm,
bị cơ quan chống khủng bố nước này xếp vào giới Hồi giáo cực đoan, và đã
đi Syria trước khi đến Pháp. Tin mới nhất cho biết nghi phạm chối cãi
không phải là khủng bố.
Viện Kiểm sát chống khủng bố Pháp ngay lập tức tiến hành điều tra, và Viện Kiểm sát liên bang Bỉ hôm nay loan báo mở điều tra« trên cơ sở luật chống khủng bố ». Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đến tận ga Arras tối qua, tố cáo « bạo lực tàn ác »suýt nữa đã biến thành « thảm kịch khủng khiếp », còn Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng đây là một vụ « tấn công khủng bố ».
Vụ tấn công này diễn ra tám tháng sau vụ khủng bố đẫm máu tại tòa
soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng Giêng. Từ đó đến nay, nhiều mưu toan
tấn công của Hồi giáo cực đoan đã được phá vỡ tại Pháp.
Âm mưu khủng bố một nhà thờ ở ngoại ô Paris đã thất bại hồi tháng
Tư khi thủ phạm là Sid Ahmed Ghlam vụng về tự bắn vào chân, có các quan
hệ ở Syria, cũng như Yassin Salhi, nhân viên đã chặt đầu giám đốc một
nhà máy ở gần Lyon và bị nghi ngờ định đánh bom một nhà máy hóa chất hồi
tháng Sáu. Ba nghi can khác bị bắt vào tháng Bảy do mưu toan tấn công
một địa điểm quân sự, sát hại một sĩ quan.
Venezuela ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Colombia
Thu Hằng
Binh sĩ hai nước Venezuela và Colombia đối mặt nhau trên chiếc cầu biên giới Simon Bolivar quốc tế, ngày 20/08/2015.REUTERS/Carlos Eduardo Ramirez
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
ngày 21/08/2015, tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại một số khu vực biên
giới với Colombia sau một vụ đụng độ giữa cảnh sát Venezuela với những
kẻ buôn ma túy.
Ba quân nhân và một thường dân đã bị thương trong cuộc đấu súng xảy
ra ngày 19/08 vừa qua. Tình trạng khẩn cấp được áp dụng tại năm địa
phương thuộc bang Tachira, nằm gần biên giới, và kéo dài trong khoảng 60
ngày.
Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Maduro khẳng định sắc lệnh
trên giúp cho chính quyền dân sự và quân sự nhiều quyền hạn hơn để thiết
lập hòa bình. Ông cũng mong muốn chính quyền Colombia hợp tác để nhận
dạng và bắt giữ những kẻ buôn bán ma túy trong trường hợp chúng vượt
sang được biên giới Colombia.
Ngày 21/08/2015, khoảng 1.500 quân nhân đã tới tăng cường tại khu
vực đường biên giới dài 2.219 km giữa hai nước Colombia và Venezuela.
Đây là khu vực diễn nhiều vụ buôn bán vận chuyển ma túy hay buôn lậu
xăng dầu...
Macedonia đẩy lùi người nhập cư lậu bằng lựu đạn không sát thương
Thu Hằng
Người tỵ nạn Syria cầu xin các cảnh sát biên phòng Macedonia.REUTERS/Ognen Teofilovski
Ngày 21/08/2015, cảnh sát Macedonia đã phải cho phép hàng trăm người nhập cư « dễ bị tổn thương
» từ Hy Lạp vào lãnh thổ nước này, đa số là các gia đình với trẻ nhỏ và
phụ nữ mang thai. Trước đó, họ đã sử dụng lựu đạn gây ù tai để đẩy lùi
một nhóm hơn 3.000 người nhập cư muốn đi sang Tây Âu.
Vụ xô xát xảy ra tại một khu vực nằm giữa ngôi làng Idomeni của Hy
Lạp và thành phố Gevgelija của Macedonia. Một nhà báo của AFP có mặt tại
hiện trường cho biết, sau khi định vượt biên, đám đông đã tiến về phía
hàng rào lực lượng đặc biệt của cảnh sát và cầu cứu : « Hãy giúp chúng tôi
». Cảnh sát đã trả lời bằng những đòn dùi cui vào đám đông người nhập
cư và cho nổ năm quả lựu đạn gây ù tai buộc họ phải rút lui.
Theo cảnh sát Hy Lạp, có tám người nhập cư bị thương nhẹ, chủ yếu
do lựu đạn nổ ngay dưới chân. Xô xát chỉ kéo dài vài phút, những người
nhập cư đã để trẻ em và phụ nữ đi đầu và tiến tới trước hàng rào thép
gai được chính quyền Macedonia cho dựng lên từ hôm ngày 20/08/2015 để
ngăn ngừa những làn sóng mới. Chỉ trong đêm ngày 20 và 21/08 vừa qua, số
lượng người nhập cư tại khu vực này tăng gấp đôi, từ 1.500 lên 3.000
người, và phần đông là người Syria.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cực lực lên án hành động của cảnh sát
Macedonia. Trong một bản thông cáo, tổ chức bảo vệ nhân quyền đánh giá
« không thể chấp nhận được cách đẩy lùi người nhập cư và cách đàn áp
theo kiểu bán quân sự của cảnh sát. Đồng thời, hành động này vi phạm
luật quốc tế. Chính quyền Macedonia đã trấn áp cứ như đang phải đối mặt
với những kẻ chuyên gây rối, chứ không phải là những người tị nạn chạy
trốn xung đột và tàn sát ».
Tại Bulgari, một quốc gia trong khu vực, ngày 21/08, chính phủ nước
này cũng ra thông báo chuẩn bị các biện pháp kiểm soát đường biên giới
với sự tham gia của quân đội và cảnh sát, nhằm đối phó với làn sóng nhập
cư ngày càng tăng từ Hy Lạp và Macedonia. Là thành viên của Liên Hiệp
Châu Âu, song không thuộc khối tự do đi lại Schengen, Bulgari là con
đường được người nhập cư tận dụng để đi từ Hy Lạp qua Macedonia và
Serbia tới Hungary và từ quốc gia này xâm nhập vào Tây Âu.
Tuy nhiên, Macedonia đã tăng cường lực lượng cảnh sát biên phòng
dọc biên giới với Hy Lạp, còn Hungari đã khởi công xây dựng một tường
rào cao 3,5 mét chạy dọc đường biên giới với Serbia. Hôm nay, ngày
22/08, lực lượng tuần duyên của Ý thông báo đã tiến hành một chiến dịch
cứu vớt gần 3.000 người nhập cư lênh đênh trên 14 chiếc tầu phao ở ngoài
khơi Libya. Ít nhất bẩy chiếc tầu cứu hộ, trong đó có 6 chiếc của Ý và
một chiếc của Na Uy, đã tham gia chiến dịch cứu trợ trên. Cảnh sát
Palermo cũng thông báo đã bắt giữ sáu người Ai Cập bị tình nghi là những
kẻ buôn người của chuyến tầu được cứu hộ ngày 19/08 vừa qua.
Lãnh đạo số hai của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo bị hạ sát
Thu Hằng
Giao tranh dữ dội giữa nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo và quân Kurdistan ngày 26/06/2015. Ảnh minh họa.REUTERS/Murad Sezer
Ngày 21/08/2015, Nhà Trắng và Lầu Năm
Góc đã khẳng định rằng nhân vật số hai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo,
Fadhil Ahmad al-Hayali, còn được biết dưới tên Hajji Mutaz, đã bị chết
trong một trận không kích của Hoa Kỳ gần Moussoul, tại Irak ngày 18/08
vừa qua.
Hadji Mutazz đứng đầu Hội đồng quân sự của tổ chức Nhà nước Hồi
giáo từ tháng 06/2014 sau khi người tiền nhiệm, Adnane Isamail
al-Bilaoui, cũng bị chết trong một trận không kích của Hoa Kỳ. Gồm từ 9
đến 13 thành viên, Hội đồng này là cơ quan chỉ huy tối cao của tổ chức.
Họ có nhiệm vụ giám sát các chiến dịch quân sự, định hướng chiến lược và
quyết định chiến tranh hay hòa bình. Từ Washington, thông tín viên
Jean-Louis Pourtet tường trình :
« Ned Price, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho
biết rõ là al-Hayali đã bị giết chết khi ông đang đi trên một chiếc xe
cùng với một lãnh đạo khác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Theo Nhà
Trắng, là trợ lý của Bakr al-Baghdadi, ông ta quản lý các nguồn tài
chính, các phương tiện truyền thông cũng như các chiến dịch và công tác
hậu cần.
Al-Hayali cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc chiếm thành phố
Moussoul vào năm ngoái. Ông này nguyên là một viên tướng quân đội thời
Saddam Hussein và đã gia nhập hàng ngũ al-Qaida sau khi Mỹ lật đổ chế độ
Hussein. Bị bắt vào năm 2005 và bị trao cho chính quyền Irak, al-Hayali
sau đó đã được Bagdad thả ra.
Có đúng là Al-Hayali đã chết thật không ? Trước đó, tháng 12
năm 2014, Lầu Năm Góc từng thông báo đã tiêu diệt được nhân vật khủng bố
này, sau đó khẳng định là bị nhầm lẫn danh tính. Lần này, Bộ Quốc phòng
Mỹ khẳng định nhân vật số hai của tổ chức khủng bố đã chết thật sự.
Theo ông Ned Price, cái chết của Al-Hayali có lẽ sẽ có ảnh
hưởng trực tiếp tới các chiến dịch của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Thế
nhưng Christopher Hamer, một nhà phân tích quân sự, lại tỏ ra nghi ngờ,
vì theo lời phát biểu của ông trên tờ Los Angeles Times, tổ chức Nhà
nước Hồi giáo đã chiêu mộ được rất nhiều cựu sĩ quan có năng lực dưới
thời Saddam Hussein và có thể thay thế nhân vật số hai mới bị hạ sát ».
Thủ tướng Nga Medvedev thăm quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật
Thụy My
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (giữa) đến thăm một đảo trong quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật Bản, ngày 22/08/2015.REUTERS/Dmitry Astakhov/RIA Novosti/Pool
Thủ tướng Nga Dimitri Medvedev ngày
22/08/2015 đến thăm một trong những đảo thuộc quần đảo Nam Kuril do Nga
quản lý. Chuyến thăm này lập tức bị Nhật Bản phản đối, do Tokyo cũng đòi
hỏi chủ quyền sau khi quần đảo này được sáp nhập vào Nga vào cuối Đệ
Nhị Thế Chiến.
Máy bay chở ông Medvedev đáp xuống Itouroup, một trong bốn đảo
thuộc quần đảo mà phía Nga gọi là Nam Kuril, còn đối với Nhật là Lãnh
thổ phương Bắc. Chuyến thăm của Thủ tướng Nga bắt đầu bằng việc kiểm tra
sân bay Itouroup được khai trương vào tháng 9/2014. Sau đó ông dự một
diễn đàn về giáo dục thanh niên Nga, và nhiều dự án kinh tế trên quần
đảo. Ông Medvedev nói : « Ở đây, tất cả hoàn toàn hiện đại. Đó là kết quả chương trình phát triển quần đảo Kuril của chúng ta ».
Về việc phát triển ngoài phạm vi Kuril, Thủ tướng Nga cho biết : « Ưu
tiên sẽ được dành cho các nhà đầu tư nước ngoài nào đến trước (…). Nếu
không phải là các láng giềng Nhật, thì như thế càng tốt ». Trước đó ông Medvedev đã viếng thăm Amour thuộc vùng Viễn Đông Nga, thị sát sân bay vũ trụ Vostotchny đang được xây dựng.
Nhật Bản ngay lập tức tố cáo chuyến thăm của ông Medvedev. Vụ
trưởng Vụ Châu Âu của Bộ Ngoại giao Nhật, ông Hajime Hayashi đã gọi điện
cho đại sứ Nga ở Tokyo, lấy làm tiếc về một chuyến đi « trái ngược với quan điểm của Nhật Bản về Lãnh thổ phương Bắc, làm tổn thương đến tình cảm người Nhật ».
Ông Dimitri Medvedev đã từng đến quần đảo Kuril – rộng 5.000 km2, có 19.000 dân – vào tháng 7/2012 và tuyên bố : « Đây là một phần quan trọng của vùng Sakhaline, và đơn giản là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ Nga ». Tokyo lúc đó đã giận dữ cho triệu mời đại sứ Nga để phản đối.
Nước Nga vốn có ý định quân sự hóa quần đảo Kuril, vẫn được cho là « tiền đồn
» của mình tại Thái Bình Dương, cũng đã tiến hành các cuộc tập trận.
Hồi tháng Ba, 500 quân nhân đã triển khai tập trận phản công tại đây, và
trước đó vào tháng 8/2014 cũng đã diễn tập, vài ngày sau khi Matxcơva
hủy bỏ cuộc hẹn với một nhà ngoại giao cao cấp Nhật liên quan đến việc
Nhật trừng phạt Nga về hồ sơ Ukraina.
Matxcơva và Tokyo tranh chấp bốn hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril,
bị Liên Xô sáp nhập vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, khiến hai nước vẫn chưa
ký được hiệp ước hòa bình từ 65 năm qua.
0 comments:
Post a Comment