Monday, August 17, 2015

Người trẻ có được quyền nói thật?

...Các lời mắng mỏ kiểu “lo học đi, biết gì?”, hay làm bộ “ghê răng” vì sợ người lớn mớm chữ vào mồm con trẻ... chỉ là một cách bao biện cho sự hèn nhát, giả hình, mẫn cảm giả tạo... để thể hiện lòng trung thành cũng rất giả tạo. Luôn luôn, sự “nhạy cảm” hay ân cần giả tạo của “người lớn” thì đáng bị khinh khi hơn những nông nổi, sai lầm nhưng từ lòng ngay thẳng của người trẻ...

*

Cái tựa đề ngu ngốc trên bắt nguồn từ FB của một người trẻ xuất sắc, có tư chất hơn người mà tôi tình cờ đọc được:

"Tôi chưa xem clip cậu bé chửi giáo dục Việt Nam thối nát, nên không nói (tôi cho rằng) cậu bé đúng sai chỗ nào. 

Nhưng hôm nọ tôi đọc status của một người, đại ý mắng rằng những người khác hả hê đồng ý với cậu thật là đốn mạt. Hả hê thoả mãn cái tức của mình nhờ vào câu chữ của một thằng bé, mà không dám tự đứng lên nói. Cậu bé còn nhỏ, cớ sao dám chửi cả một bộ máy mà cậu chưa hiểu gì? Những người lớn kia thật ác khi không can ngăn cậu bé, đưa cậu về lề lối, vì cái sướng của mình mà đẩy đứa nhỏ lên cao. 

Rất nhiều người tán dương đồng ý với suy nghĩ trên. Một người khác còn comment rằng tôi 40 tuổi còn chưa dám chửi thứ gì thối nát. 

Các chú, vậy hãy ra đây cúi đầu xin lỗi chúng tôi đi!!! 

Tôi đọc mà lạnh cả người. Chính những người như các chú đã góp phần không nhỏ làm ra chúng tôi ngày hôm nay đó. Năm xưa chính những người như các chú đã cho tôi là hỗn khi nói lên chính kiến của mình. Chính các chú - dưới nhiều nhân dạng hình thù khác nhau - đã khiến tôi e sợ và chôn vùi mọi suy nghĩ, đợi đến ngày mình “đủ lớn.” 

Khi nào là đủ lớn? Tôi đợi hoài vẫn chưa thấy. Nhìn các chú tôi càng không thấy cái ngày chúng tôi được phép lớn. Lớn sao nổi với những người đi trước như thế? 

Cậu bé có thể nói sai. Nhưng 14 tuổi không được phép phê bình một cách lịch sự sao? Cậu ấy nghĩ gì thì có quyền nói ra, miễn sao không văng tục, bôi nhọ. Nếu người ta đồng ý với cậu thì họ có quyền gật đầu. Hay chúng tôi phải đợi tới khi cậu 50 tuổi, có bằng Giáo sư tiến sĩ, bậc lương cao v.v... thì mới được đồng ý? Các chú thích thì cứ đợi. Tôi thì không. Ai nói đúng điều tôi nghĩ, tôi sẽ gật đầu với họ. Và có khi cảm ơn. 

Cậu ấy nhỏ nên không hiểu hệ thống sao? Các chú nhìn lại đi, ai hiểu hệ thống đó hơn chúng tôi? Ai được dạy bởi những giáo viên của nó? Ai chạy đi học thêm học bớt, chứng kiến các chú đút lót chạy trường chạy điểm bằng cái nhìn non nớt của mình. Có nhiều cách để hiểu một hệ thống, và tụi tôi đã hiểu từ bên trong cái ruột mề thối um của nó. 

40 tuổi mà chú chưa hề chửi thứ gì thối nát là chuyện của chú. Đời chú may mắn, tôi mừng cho chú nhé. Nhưng chú đừng cho rằng ai cũng may mắn (về đầu óc) như thế. 

Tôi nghĩ bây giờ nếu các chú giỏi hơn một chút, hẳn cũng biết tự Google và xem có bao nhiêu người đã làm nên đại sự từ ngày nhỏ tuổi, bao nhiêu diễn đàn thanh thiếu niên trẻ lãnh đạo, bao nhiêu clip bài văn xúc động do các bạn nhỏ tuổi làm ra. 

Là tôi gợi ý thế, địa chỉ của nó là google.com. Các chú làm hay không thì tuỳ, chứ tôi chán đợi các chú đủ lớn lắm rồi.

Bày tỏ sự đồng tình, hay tôn trọng với những lời ngay thẳng như trên là thừa. Nhưng không thể không nói thêm vài lời với những dạng “người lớn” kia:

14 tuổi, người ta đủ thời gian để thấy cảnh cha mẹ khốn khổ chạy trường, chạy lớp cho mình.

14 tuổi, người ta đủ trí khôn để thấy giáo dục Việt Nam là một cái chợ kinh doanh chữ nghĩa, mà kinh doanh cũng không ra hồn.

14 tuổi, người ta có mắt để thấy bao nhiêu bạn bè, anh chị ra đi du học, đi “tị nạn giáo dục” như một cuộc exodus, cuộc di tản bằng máy bay sau thảm nạn thuyền nhân để đào thoát khỏi nền giáo dục nước nhà.

14 tuổi, người ta vào Internet, người ta đọc hiểu, người ta thấy được bao nhiêu điều dối trá được rao giảng.

15 tuổi, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, Hồng Kông) đã dẫn đầu nhóm “Học dân tư triều” để phản đối HK đưa vào môn học “Giáo dục luân lý và Quốc gia”, nhằm viết lại lịch sử HK, mị dân và tẩy não rồi nhồi sọ theo kiểu Trung Hoa Đại Lục,

14 tuổi, người ta chưa đủ “khôn ngoan”, hay đủ điếm đàng để lặng thinh, hay tung hoa để kiếm chác chút lợi lộc.

Nên 14 tuổi, người ta dõng dạc mắng nền giáo dục Việt nam thối nát là một điều hết sức tự nhiên. Phải lấy đó làm mừng, khi thấy một người trẻ còn biết nhận thức, bức xúc trước hiện tình đất nước, thay vì mê mải với K pop, với thời trang, với các loại xe cộ, với các “thần tượng” kiểu Toàn Shinoda. Vô phúc thay cho đất nước, nếu như những người trẻ có thể giỏi giang về chuyên môn, nhưng chỉ quanh quẩn với các giá trị vật chất theo kiểu 5C (Car, Cash, Credit Card, Condominium, Country Club).

Nên các lời mắng mỏ kiểu “lo học đi, biết gì?”, hay làm bộ “ghê răng” vì sợ người lớn mớm chữ vào mồm con trẻ... chỉ là một cách bao biện cho sự hèn nhát, giả hình, mẫn cảm giả tạo... để thể hiện lòng trung thành cũng rất giả tạo.

Luôn luôn, sự “nhạy cảm” hay ân cần giả tạo của “người lớn” thì đáng bị khinh khi hơn những nông nổi, sai lầm nhưng từ lòng ngay thẳng của người trẻ.


0 comments:

Powered By Blogger