Tuesday, August 18, 2015

Con đường tơ lụa mới và tham vọng bành trướng của Trung Quốc



mediaAlmaty, thủ đô kinh tế của Kazakhstan.wikipedia

Le Monde hôm nay dành đến hai trang lớn cho bài phóng sự nói về « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn gia tăng ảnh hưởng ở Kazakhstan và các nước Trung Á khác, khi đầu tư đại quy mô vào các dự án hạ tầng, giúp kiểm soát chặt hơn hàng xuất khẩu vào châu Âu. Đây là một ván cờ kinh tế và địa chính trị có tầm quan trọng hàng đầu đối với người khổng lồ châu Á.
Đại dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2049, gồm một vành đai biển và một tuyến đường trên bộ. Vành đai trên biển là những con đường hàng hải và những hải cảng thương mại do Trung Quốc tài trợ. Tuyến đường bộ gồm các đường bộ, đường sắt, xa lộ nối liền miền tây Trung Quốc với Tây Âu, đường đến cảng Gwadar ; có chiều dài tổng cộng 11.000 km nối liền các trung tâm lớn thế giới - chiếm 55% tổng sản phẩm nội địa, 70% dân số và 75% lượng dầu khí đã phát hiện trên toàn cầu.
Bắc Kinh đã bắt đầu mở rộng mạng lưới về hướng Thái Bình Dương, Mông Cổ, Nam Á…Hồi giữa tháng Tư, Tập Cận Bình loan báo kế hoạch đầu tư 46 tỉ đô la vào Pakistan, vừa đóng góp vào việc phát triển nước này, vừa đảm bảo an ninh cho tuyến đường đến cảng Gwadar, ngõ vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Châu Á với 100 tỉ đô la lúc khai trương vào tháng 10/2014 trong đó phân nửa của Trung Quốc, sẽ là một trong những nguồn cấp vốn chính cho dự án.
Nhà địa lý kiêm ngoại giao Pháp Michel Foucher nhận xét : « Trung Quốc cũng có cái nhìn toàn cục như Mỹ, nhưng xa hơn 50 năm. Quan niệm « Con đường tơ lụa » chưa hoàn chỉnh hẳn, nhưng đã vượt quá vấn đề giao thông. Có thể hiểu ngầm là thiết lập một hành lang đầu tư từ Trung Quốc, đặt một chân vào những nước liên quan ».
Trong dự án này, Kazakhstan đóng vai trò hàng đầu. Ngoài vị trí địa lý chiến lược, nước này còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn. Đứng đầu dĩ nhiên là dầu lửa, nhưng còn có khí đốt, uranium và nhiều mỏ khoáng chất khác. Đầu tư phát triển Kazakhstan, Trung Quốc còn nhằm ổn định hóa Tân Cương, nơi phong trào phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ khiến Bắc Kinh lo sợ. Ông Foucher cho biết : « Một khi vấn đề Afghanistan chưa được giải quyết, Kazakhstan là quốc gia duy nhất được Bắc Kinh dòm ngó. Các nước Trung Á khác chỉ là ngõ cụt ».
Kazakhstan : Nơi đối đầu Nga-Trung
Kazakhstan cũng là một ví dụ cho việc giành giựt ảnh hưởng trong khu vực như Nga và Anh hồi thế kỷ 19. Nếu dự án Trung Quốc còn tùy thuộc vào những bất định địa chính trị - nhất là Iran hay việc tranh giành khu vực Thái Bình Dương với Mỹ - thì Kazakhstan đã là nơi đối đầu với một cường quốc khu vực khác : đó là Nga.
Dù gần đây đã xích lại gần Trung Quốc, nhưng Matxcơva không thể nào ưa nổi các dự án hạ tầng bao quanh lãnh địa của mình và có thể khiến Nga bị ra rìa. Tệ hơn nữa, là Trung Quốc xen vào, bắt rễ ở những nơi vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Đã hẳn là Matxcơva có nhiều ưu thế trong khu vực, trước hết là việc sử dụng tiếng Nga. Mối quan hệ đã có từ lâu, và còn chặt chẽ hơn với Liên minh Kinh tế Á Âu bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Nhưng tổ chức này hiện chỉ là một chiếc vỏ rỗng, đang bị quá trình bành trướng của Trung Quốc gặm nhấm dần dần.
Trung Quốc đang chiếm thượng phong về dầu lửa, còn Nga vẫn giữ được lãnh vực khí đốt. Nhưng khoảng cách đang được thu ngắn với việc khai trương đường ống dẫn khí nối liền Turkmenistan, Kazakhstan với Trung Quốc năm 2009. Hai ống dẫn dầu khác nối Kazakhstan với Trung Quốc đã và đang hình thành. Một chủ ngân hàng nhận định, Bắc Kinh biết cách hối lộ, và điều này không làm các lãnh đạo Kazakhstan phiền lòng. Rõ ràng là Nga đang bị đẩy lùi.
Một chuyên gia nhận định : « Trung Quốc biện minh chỉ làm kinh tế, nhưng khi nói về cơ sở hạ tầng giao thông, thì đây chính là vấn đề địa chính trị. Điều này làm một bộ phận dân chúng Kazakhstan và giới tinh hoa nước này lo sợ bị mất đi chủ quyền ».
Để thoát ra khỏi gọng kềm Nga-Trung, Kazakhstan tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ những nơi khác, trong đó Liên hiệp Châu Âu là đối tác hàng đầu. Chính sách đa phương cũng khiến Astana có được quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ. Và nhất là Kazakhstan không muốn đơn thuần đóng vai một địa điểm quá cảnh. Khác với nước láng giềng Kyrgyzstan, tại sa mạc Khorgos, các máy công cụ là của Trung Quốc, nhưng công nhân và đa số vốn đầu tư là của Kazakhstan.
Sau vụ nổ, truyền hình Thiên Tân phát phim bộ giải trí Hàn Quốc !
Cũng liên quan tới Trung Quốc nhưng thời sự hơn, đó là vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân. « Bắc Kinh kiểm soát thông tin » - đó là cách hành xử của chính quyền, sau khi người dân cả nước bàng hoàng trước những hình ảnh thành phố cảng bị tàn phá bởi một loạt vụ nổ mãnh liệt xảy ra khuya thứ Tư 12/08/2015.
Chương trình thời sự truyền hình bắt đầu từ 19 giờ hôm sau, thứ Năm của CCTV mở đầu bằng việc đọc thông điệp của Tổng bí thư Tập Cận Bình, kêu gọi dồn mọi nỗ lực cho việc cứu hộ. Kế tiếp, người dẫn chương trình đọc thông điệp của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Video về loạt vụ nổ chỉ được chiếu qua một cách ngắn ngủi, nhưng chủ yếu nói về nỗ lực của cứu hỏa, bệnh viện và các quan chức vi hành.
Suốt ngày hôm đó, kênh truyền hình địa phương Tianjin TV ưu tiên chiếu các phim bộ của Hàn Quốc, hơn là thông tin cho công chúng nguy cơ từ khói độc hay tiến triển của hoạt động cứu hộ. Trên mạng Vi Bác, một người cho biết làm việc tại Tianjin TV nói rằng cả trăm nhà báo đã có mặt tại chỗ, nhưng họ chỉ được đưa các hình ảnh của CCTV và Tân Hoa Xã. Thông tin này nhanh chóng bị biến mất trên Vi Bác.
Nếu một danh sách các chủ đề bị cấm được gởi đến ban biên tập các báo đài mỗi ngày, một nhà báo của một trong những trang web có nhiều độc giả nhất cho Le Monde biết, một lệnh đặc biệt đã được cơ quan an ninh mạng đầy quyền lực đưa ra vào khoảng 6 giờ sáng : không được gởi phóng viên đến hiện trường, hạn chế số lượng tin bài về đề tài này.
Thông cáo của Greenpeace tố cáo, nhiều tờ báo như trang mạng Shanghai The Paper, Tân Kinh báo đã rút tin bài xuống, đặc biệt là các bài nói về việc phát hiện chất cực độc cyanur de sodium (muối cyanur) ở hiện trường. Dù vậy tờ Tài Kinh tương đối độc lập nhận xét, các khu dân cư chỉ cách địa điểm vụ nổ 800 mét, trong khi luật buộc phải nằm cách xa tối thiểu 1 kilomet đối với mọi kho trữ chất dễ cháy có diện tích trên 9.000 mét vuông.
Còn tờ Tân Kinh tìm thấy một nghiên cứu năm 2013 do Viện hàn lâm Khoa học Bảo vệ Môi trường Thiên Tân về tác động của việc cải tạo kho chứa hóa chất Ruihai. Do thủ tục đòi hỏi, các câu hỏi được phân phát cho dân cư xung quanh, và « kỳ diệu » thay, 100% người được hỏi đều cho rằng mức độ an toàn là chấp nhận được !
Lễ hội thịt chó : Ngọc Lâm thành biểu tượng của sự tàn bạo
Trên lãnh vực xã hội, tuần báo L’Obs viết về lễ hội thịt chó ở thị trấn Ngọc Lâm (Yulin) tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Mỗi mùa hè khi lễ hội này diễn ra, người ta lại thản nhiên giết hàng ngàn con chó, mèo ngay ngoài trời và nấu nướng tại chỗ. Nhưng phong trào phản kháng thói tục man rợ này ngày càng tăng lên.
Mở đầu bài viết, đặc phái viên của tuần báo mô tả cảnh ba người đồ tể hoạt động. Khoảng năm chục con chó, mèo, bị nhấc ra khỏi chuồng bằng kìm kim loại siết chặt cổ, dùng gậy sắt đập chết, mổ bụng, quẳng vào máy tuốt lông, rồi dùng rơm thui vàng. Tất cả diễn ra sát bên các đồng loại đang hoảng loạn, bị nhồi nhét trong hai chuồng lớn. Chuồng thứ nhất : một lũ mèo xơ xác, run rẩy ; chuồng thứ hai chứa khoảng ba chục con chó bẩn thỉu, mắt đã dại đi, chen chúc sát tường.
Ngọc Lâm vốn được biết đến với những quả vải mọng nước dưới ánh mặt trời nhiệt đới. Cho rằng để tô vẽ thêm hình ảnh địa phương trong mắt khách du lịch, năm 2008 thành phố quyết định tổ chức lễ hội thường niên kéo dài hai ngày, phối hợp đặc sản vải với…thịt chó. Với 10.000 đến 15.000 ngàn chó mèo bị giết thịt mỗi năm, trên thực tế Ngọc Lâm trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng là biểu tượng của sự tàn bạo.
Hầu hết số chó mèo này có được do trộm cắp, được tổ chức với quy mô lớn. Sau khi lùng sục hết chó giữ nhà ở vùng quê, các mạng lưới tội phạm quay sang thành thị, nơi số lượng chó mèo nuôi làm bạn với con người đang tăng lên. Chúng dùng thòng lọng bắt chó, hoặc dùng tên tẩm thuốc độc, rồi vận chuyển đi xa hàng ngàn cây số trong các điều kiện tàn tệ : nhồi nhét vào các lồng gà chồng chất trên xe tải giữa trời nắng, không cho ăn uống gì. Mỗi năm có đến 10 triệu con chó và 4 triệu con mèo tại Trung Quốc bị bắt trộm, trở thành những món « đặc sản ».
Các nhà lãnh đạo tại Trung Quốc nay phải đối phó với công luận ngay trong nước. Giới trẻ thành thị có học vấn, quyến luyến những người bạn bốn chân, không chịu đựng nổi sự tàn ác của bọn trộm chó và phản đối sự thụ động của chính quyền. Những người đấu tranh chống tệ nạn bắt trộm và ăn thịt chó thuộc loại quyết tâm nhất, có tổ chức nhất trong giới xã hội dân sự Trung Quốc.
Tại Ngọc Lâm, hai Trung Quốc cũ và mới đối đầu. Nhưng trong 30 năm qua, nông dân, cơ sở của lớp người cũ từ chỗ chiếm 80% dân số nay chỉ còn không đầy phân nửa và còn tiếp tục giảm sút. Một cái tin tốt lành cho những người bạn tốt nhất của con người, và là tin xấu cho những tín đồ của món « cầy tơ ».
Nguyên tử Iran : Vua casino quyết đấu Obama
Nhìn sang nước Mỹ, tuần báo L’Obs cho biết « Vua của các casino chống lại Obama » về hiệp ước nguyên tử Iran. Với hàng triệu đô la đổ ra và các hoạt động lobby mạnh mẽ, tỉ phú Mỹ Sheldon Adelson, chủ của nhiều casino nổi tiếng cố gắng thuyết phục các dân biểu, nghị sĩ bác bỏ hiệp định lịch sử đã ký với Iran. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu nhà tỉ phú có đạt được mục đích hay không ?
Hiệp định được ký kết hôm 14/7 tại Genève mà Tổng thống Obama rất hãnh diện, bị đại gia giàu hàng thứ 13 tại Hoa Kỳ và là người ủng hộ nhiệt thành của ông Benyamin Netanyahou quyết định làm cho thất bại bằng mọi giá. Chỉ cần mua chuộc, thuyết phục được 47 dân biểu và 13 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ là « Iran deal » có nguy cơ bị Quốc hội bác bỏ.
Nhà Trắng không hề dám coi nhẹ mối đe dọa, vì chính nhóm lobby này đã thúc đẩy chính quyền Mỹ trước đây lao vào cuộc chiến tranh Irak.

0 comments:

Powered By Blogger