1. Thế chiến thứ 2 chấm dứt tại Á Châu
Lãnh tụ Đức Quốc Xã Adolf Hitler tự tử ngày 30-4-1945. Đức Quốc Xã đầu
hàng Đồng minh ngày 7-5-1945. Thế chiến thứ 2 chấm dứt tại Âu Châu.
Tại Á Châu, Nhật Bản tiếp tục chiến đấu chống Trung Hoa, Anh và Hoa Kỳ.
Lúc đó Nhật Bản vẫn còn bang giao với Liên Xô. Nhật Bản ký hòa ước bất
tương xâm với Liên Xô từ ngày 13-4-1941. Khi tự biết sắp thua trận, bộ
Ngoại giao Nhật báo cho đại sứ Nhật ở Moscow (thủ đô Liên Xô) ngày
12-7-1945 rằng Nhật hoàng muốn nhờ Liên Xô đứng làm trung gian với Đồng
minh, để thương thuyết việc chấm dứt chiến tranh. Đại sứ Nhật ở Moscow
trình bày lại ý định của chính phủ Nhật với bộ Ngoại giao Liên Xô. Chính
phủ Liên Xô làm thinh, không trả lời.
Ngày 6-8-1945, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố
Hiroshima (Nhật Bản), giết chết 130,000 người. Liên Xô biết Nhật sẽ phải
đầu hàng, liền mời đại sứ Nhật tại Moscow đến bộ Ngoại giao Liên Xô lúc
5 giờ chiều 8-8-1945 và ngoại trưởng Mikhailovich Molotov (Liên Xô)
thông báo cho đại sứ Nhật biết rằng Liên Xô quyết định tuyên chiến với
Nhật. (Basil Collier, The Second World War: a Military History, Gloucester, Mass.: Peter Smith, 1978, tt. 529-530.)
Sáng sớm hôm sau (9-8-1945), Liên Xô tràn quân qua chiếm Mãn Châu, và
vùng đông bắc Trung Hoa, chỉ vài giờ trước khi Hoa Kỳ dội thêm quả bom
nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki, giết chết 75,000 người.
Nhật hoàng Hiro Hito (trị vì 1926-1989) tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô
điều kiện ngày 14-8-1945. Hiệp ước đầu hàng được ký kết trên chiến hạm
Missouri (Hoa Kỳ), thả neo trong vịnh Đông Kinh (Tokyo) ngày 2-9-1945.
Như thế là thế chiến thứ 2 hoàn toàn chấm dứt ở Á Châu.
2. Hội nghị Yalta (4-2 đến 14-2-1945)
Ở Âu Châu, trước khi Đức đầu hàng, đại diện ba cường quốc Anh, Hoa Kỳ,
Liên Xô họp hội nghị thượng đỉnh tại Yalta, một thành phố nghỉ mát ở
Crimea, phía tây nam Liên Xô từ 4-2 đến 14-2-1945. Tại đây, Winston
Churchill (thủ tướng Anh), Franklin Roosevelt (tổng thống Hoa Kỳ), và
Joseph Stalin (bí thư thứ nhứt đảng CS Liên Xô), bàn về việc phân chia
vùng ảnh hưởng ở Âu Châu, chính là phân chia Đức và các nước chịu ảnh
hưởng của Đức, việc thành lập Liên Hiệp Quốc và việc Liên Xô tham chiến
chống Nhật Bản ở Á Châu, vì lúc đó Liên Xô chưa tuyên chiến với Nhật
Bản.
Riêng về vấn đề Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ
là Edward Reilly Stettinius chính thức trình bày kế hoạch Quốc tế quản
trị (International trusteeship) cho Đông Dương trong phiên họp ngày
9-2-1945 tại hội nghị Yalta. Theo kế hoạch nầy, sau khi Nhật Bản đầu
hàng, Đông Dương sẽ được đặt dưới quyền của một Hội đồng Quốc tế quản
trị gồm đại diện Hoa Kỳ, Trung Hoa, Pháp, Liên Xô, các nước Đông Dương
và Phi Luật Tân. Hội đồng quản trị sẽ hoạt động trong vòng năm mươi (50)
năm, cho người Đông Dương đủ sức tự trị, rồi mới giao trả độc lập cho
các nước Đông Dương, giống như kinh nghiệm nước Phi Luật Tân. Thủ tướng
Anh Winston Churchill cực lực phản đối kế hoạch International
trusteeship. (W. A. Williams, T. McCormick, L. L. Gardner, W. LaFerber, America in Vietnam, New York: W. W. Norton, 1989, tr. 31.)
Theo Franklin Roosevelt, tại Yalta lãnh tụ Liên Xô là Joseph Stalin đồng ý kế hoạch nầy. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu,
tập A: 1939-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 204.) Tuy nhiên,
tháng 8-1945, ngoại trưởng Liên Xô là Molotov lại phủ nhận việc Quốc tế
quản trị ở Đông Dương. (Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập I: 1945-1954, Hà Nội: Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2002, tr. 221.)
Tổng thống Franklin Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945 trong lúc đương
nhiệm. Phó tổng thống Harry Truman lên thay, và thay luôn chính sách Hoa
Kỳ về Đông Dương. Lý do thay đổi có thể do Truman lo ngại kế hoạch
International Trusteeship ở Đông Dương làm mất lòng Pháp, và Pháp có thể
gây khó khăn trong việc ngăn chận sự bành trướng của Liên Xô ở Âu Châu.
Vì vậy, Truman chủ trương tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương, để
Pháp ủng hộ Hoa Kỳ tại châu Âu. (Robert S. McNamara, In Restrospect, New York: Times Books, 1995, tr. 31.) Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương.
3. Hội nghị Potsdam (17-7 đến 2-8-1945)
Sau khi Đức thất trận và đầu hàng ngày 7-5-1945, đại diện Hoa Kỳ là tổng
thống Harry Truman, đại diện nước Anh lúc đầu là thủ tướng Winston
Churchill, sau là Clement Attlee (lãnh tụ đảng Lao Động, thắng cử ngày
25-7, lên làm thủ tướng thế Churchill), đại diện Liên Xô là Joseph
Stalin, bí thư thứ nhất đảng CSLX, cùng họp hội nghị thượng đỉnh tại thị
trấn Potsdam, cách 17 dặm về phía tây nam Berlin (Đức), từ ngày 17-7
đến 2-8-1945. Hội nghị có mục đích bàn về các vấn đề hậu chiến tại Đức,
phân chia các khu vực chiếm đóng, việc tái thiết nước Đức và các điều
kiện đưa ra cho nước Đức thất trận.
Bên cạnh đó, cũng tại Potsdam, đại diện các nước Hoa Kỳ, Anh và Trung
Hoa (tổng thống Tưởng Giới Thạch không họp, nhưng đồng ý qua truyền
thanh), không tham khảo ý kiến của Pháp, cùng gởi một tối hậu thư cho
Nhật ngày 26-7-1945. Lúc đó, Nhật còn tiếp tục chiến đấu ở Á Châu. Liên
Xô không tham dự vào tối hậu thư vì Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu và
chưa tuyên chiến với Nhật.
Tối hậu thư nầy, thường được gọi là tối hậu thư Potsdam, buộc Nhật phải
đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận những điều kiện của Đồng minh, như chấm
dứt quân phiệt, giải giới quân đội, từ bỏ đế quốc... Riêng về Đông
Dương, quân Nhật sẽ bị giải giới do quân đội Trung Hoa ở bắc và do quân
đội Anh ở nam vĩ tuyến 16. (Ngang qua thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.)
Tối hậu thư Potsdam không đề cập đến ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi
quân Nhật bị giải giới và rút về nước, nghĩa là không đưa ra một giải
pháp chính trị cho tương lai Đông Dương.
Điều nầy sẽ tạo ra một khoảng trống hành chính và chính trị tại Đông
Dương một khi những quyết định trong tối hậu thư Potsdam được thi hành,
vì nếu Nhật đầu hàng, chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật bảo trợ, sẽ sụp
đổ, thì ai sẽ là người có thẩm quyền tại Đông Dương? Phải chăng Anh và
Hoa Kỳ cố tình bỏ ngỏ khoảng trống chính trị để tạo điều kiện cho Pháp
trở lại Đông Dương?
4. Người Hoa Kỳ liên lạc với Việt Minh
Tại Cao Bằng, ngày 11-11-1944, một máy bay trinh sát Hoa Kỳ bị lâm nạn
vì hỏng máy ở biên giới Hoa Việt. Trung uý phi công Rudolph Shaw nhảy dù
ra khỏi phi cơ và được một đơn vị du kích Việt Minh (VM) tìm thấy. Họ
đưa Shaw đến gặp Hồ Chí Minh (HCM) ở Pắc Bó. (William Duiker, Ho Chi Minh a life, New York: Hyperion, 2000, tt. 282-283.)
Đây là cơ hội tốt cho HCM, vì từ lâu HCM muốn kiếm cách liên lạc với
người Hoa Kỳ để nhờ giúp đỡ. Hồ Chí Minh đích thân đưa phi công Rudolph
Shaw đến căn cứ Hoa Kỳ tại Côn Minh (Vân Nam), trả lại cho quân đội Hoa
Kỳ. Nhân cơ hội nầy, HCM xin tiếp kiến tướng Claire L. Chennault, tư
lệnh Không đoàn 14 của Hoa Kỳ tại Hoa Nam, nhưng bị từ chối. (R.
Bartholomew-Feis, The OSS and Ho Chi Minh, unexpected Allies in the War against Japan, University Press of Kansas, 2006, tr. 111.)
Tuy nhiên, sau khi quân đội Nhật đảo chánh Pháp ở Đông Dương ngày
9-3-1945, người Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi thái độ đối với VM và HCM. Ngoài
những hậu quả chính trị trực tiếp, cuộc đảo chánh nầy đưa đến vài hậu
quả ngầm đáng chú ý như sau:
Thứ nhứt, các lực lượng Pháp trên toàn cõi Đông Dương bị tê liệt. Quân
đội người Việt thuộc quyền chỉ huy của Pháp như lính khố đỏ, lính khố
xanh, lính khố vàng, cũng ngưng hoạt động. Chính phủ Trần Trọng Kim được
thành lập ngày 17-4-1945, không có bộ Quốc phòng, không có quân đội.
Quân đội Nhật thay thế quân đội Pháp, nhưng quân đội Nhật chỉ kiểm soát
các thành phố, các trục lộ giao thông, và chú tâm lo việc rút quân về
nước. Nhật không tổ chức quân đội địa phương người Việt, không kiểm soát
được an ninh các vùng nông thôn và rừng núi.
Việt Minh nhân cơ hội nầy hoạt động và phát triển mạnh mẽ, xây dựng lực
lượng hạ tầng, tổ chức các đội du kích địa phương, nhất là vùng rừng
núi. Lúc đó, nạn đói đang trầm trọng. Việt Minh cướp các kho gạo
(Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Paris:
Éditions Du Seuil, 1952, tr. 131), hoặc VM âm thầm chận bắt những chuyến
xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi đem tiếp tế cho mật
khu của họ. (David G. Marr, Vietnam 1945, The Quest for Power, University of California Press, Berkeley, 1995, tt. 102-103.)
Việt Minh dùng thực phẩm cướp được làm phương tiện tuyên truyền, chiêu
dụ dân chúng gia nhập VM. Ai theo VM thì có thực phẩm mà ăn. Ví dụ nhạc
sĩ Văn Cao (1923-1995) về sau tự thú nhận rằng ông theo VM vì bản thân
và gia đình quá đói. (Văn Cao, “Tại sao tôi viết Tiến quân ca”, viết ngày 7-7-1976, đăng lại trong sách Thiên Thai, tuyển tập nhạc Văn Cao, TpHCM: Nxb Trẻ, 1988, tt. 14-17.)
Thứ hai, Pháp bị Nhật lật đổ. Tình báo Pháp ở Đông Dương bị hạn chế,
trong khi đó quân Đồng minh cần tin tức về hoạt động của quân đội Nhật
Bản bên trong Đông Dương. Người Hoa Kỳ không tin tưởng những tổ chức
chính trị và những đảng phái Việt Nam thân Nhật trong nước, hay có liên
hệ với Nhật, nên không nhờ đến họ. Việt Minh chống các đảng phái nầy và
chống quân đội Nhật. Do đó, trước đây người Hoa Kỳ không muốn quan hệ
với HCM. Nay người Hoa Kỳ thay đổi thái độ, muốn nhờ VM cung cấp tin tức
hoạt động của quân đội Nhật Bản ở Đông Dương.
Chiều 17-3-1945, trung uý Charles Fenn, sĩ quan O.S.S., lần đầu tiên đến
gặp HCM tại Côn Minh (Kunming) thuộc tỉnh Vân Nam (Yunnan). Ba ngày sau
(20-3-1945), hai bên gặp nhau lần thứ hai, bàn chuyện HCM trở về Việt
Nam, thiết lập những trạm tình báo, trang bị máy vô tuyến của O.S.S., và
O.S.S. sẽ huấn luyện chuyên viên người Việt. O.S.S. tức Office of
Strategic Services (Sở tình báo chiến lược) là tiền thân của C.I.A.
(Central Intelligence Agency).
Charles Fenn đặt cho HCM một bí danh là Lucius. Hồ Chí Minh xin Charles
Fenn cho gặp tướng Claire L. Chennault. Fenn đồng ý với điều kiện HCM
không được yêu cầu Chennault giúp đỡ bất cứ viện trợ gì. Cuối cuộc gặp
gỡ ngày 29-3-1945, HCM xin tướng Chennault tặng một tấm hình lưu niệm và
được Chennault chấp thuận. (Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?,
California: University of California Press, Berkely, 1980, tr. 58.) Dưới
tấm hình, Claire Chennault viết: “Yours Sincerely, Claire L. Chennault.”
Có tài liệu kể rằng trong một cuộc họp ở chiến khu trước năm 1945, HCM
dùng tấm hình nầy để tuyên truyền rằng ông ta được quân đội Hoa Kỳ ủng
hộ.
5. Hoạt động của O.S.S. tại Việt Nam
Có hai toán O.S.S. phụ trách vấn đề Việt Nam. Toán thứ nhứt là O.S.S.
202 do thiếu tá Archimedes L. A. Patti làm trưởng toán, đóng trụ sở ở
Côn Minh (Kunming, Vân Nam, Trung Hoa). Toán thứ hai là O.S.S. 404 do
trung tá Peter Dewey làm trưởng toán, đóng trụ sở ở Tích Lan (Ceylon tức
Sri Lanka).
Khoảng giữa tháng 4-1945, HCM cùng hai nhân viên vô tuyến của O.S.S. về
Cao Bằng. Từ đây, O.S.S. chính thức hợp tác với VM. Ngày 16-7-1945, A.
Patti gởi một toán tình báo hỗn hợp Mỹ-Pháp, do thiếu tá Allison K.
Thomas chỉ huy, gồm 6 người, nhảy dù xuống làng Kim Lộng (Tân Trào,
Tuyên Quang). Toán tình báo nầy bắt tay ngay vào việc, lập một phi
trường tạm thời cho phi cơ nhỏ hạ cánh, chọn 100 cán bộ VM để huấn
luyện. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người & huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, tt. 358-359.)
Sau khi Nhật đầu hàng ngày 14-8-1945, thiếu tá A. Patti, trưởng toán O.
S. S. 202, đến Hà Nội ngày 22-8-1945 bằng phi cơ. Patti khá thân thiện
với giới lãnh đạo VM, đã giúp HCM soạn và sửa lại bản Tuyên ngôn độc lập
ngày 2-9-1945. (A. Patti, sđd. tr. 223.) Đây là bản Tuyên ngôn
độc lập thứ hai. Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên do vua Bảo Đại công bố
tại Huế ngày 11-3-1945.
Những sĩ quan O.S.S. khuyến khích VM đòi độc lập, tách ra khỏi nước
Pháp, hướng về phía Hoa Kỳ, và hứa hẹn Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam xây
dựng lại nền kinh tế đã suy sụp, tái thiết lại các hải cảng và các thiết
lộ. (Philippe Devillers, sđd. tr. 202.)
Tại Nam Kỳ, theo kế hoạch Embarkment, để điều tra tội phạm chiến tranh ở
Đông Dương, trung tá Peter Dewey, trưởng toán O.S.S. 404 (Hoa Kỳ) ở nam
Đông Dương, đến Sài Gòn ngày 2-9-1945. Ngày 26-9-1945, trung tá Dewey
bị bắn chết trên đường từ phi trường về trụ sở O.S.S.. Nguyên nhân do
phía VM đưa ra là vì tướng Douglas Gracey, tư lệnh lực lượng Anh đến Sài
Gòn giải giới quân đội Nhật, không cho phép Peter Dewey trương cờ Mỹ
khi di chuyển, nên Dewey bị tưởng lầm là người Pháp và bị bắn.
Sau biến cố nầy, ngày 29-9-1945, thiếu tá A. Patti ở Hà Nội được lệnh
rút khỏi Việt Nam. Ngày 1-10-1945, A. Patti rời Hà Nội đi Côn Minh
(Kunming, Trung Hoa), chấm dứt nhiệm vụ của ông tại Việt Nam. (A. Patti,
sđd. tr. 364.) Toán tình báo O.S.S. bị rút khỏi Việt Nam có thể vừa vì cả Pháp lẫn VM đều không muốn toán O.S.S. có mặt ở Hà Nội.
Dư luận về phía Pháp cho rằng toán O.S.S. chống lại sự trở lui của người
Pháp. Có thể vì dư luận nầy, ngày 5-10-1945, thứ trưởng Ngoại giao Hoa
Kỳ Dean Acheson (từ 1945 đến 1947) gởi cho đặc phái viên O.S.S. ở Côn
Minh một điện văn báo cho biết rằng Hoa Kỳ “không phản đối cũng không
tham dự việc Pháp tái lập sự kiểm soát Đông Dương.” (“neither opposed
nor assisted reestablishment of French control in Indochina”). (A. Patti, sđd. tr. 379).
Về phía VM, khi nhóm O.S.S. đến Việt Nam, tuy bề ngoài thân thiện, nhưng
VM lo ngại các nhân viên O.S.S. theo chế độ dân chủ, lại chịu ảnh hưởng
của nhà cầm quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa, sẽ ủng hộ VNQDĐ, Việt Cách,
Đại Việt, là các đảng phái chính trị theo lý tưởng dân tộc, dân chủ, đối
lập với VM cộng sản. Nhân viên O.S.S. rút đi là điều VM mong muốn, vì
không có người nước ngoài, VM sẽ dễ thi hành kế hoạch tiêu diệt các đảng
phái đối lập, chiếm độc quyền chính trị.
6. Các nước Cộng sản
Khi VM chiếm chính quyền năm 1945, đảng Cộng Sản Trung Hoa (CSTH) do Mao
Trạch Đông lãnh đạo đang tranh đấu với Quốc Dân Đảng Trung Hoa do Tưởng
Giới Thạch đứng đầu, nên đảng CSTH chưa giúp được gì nhiều cho VM.
Hồ Chí Minh về Hà Nội vào tháng 8-1945 để chuẩn bị cướp chính quyền, thì
Stephane Solosieff, người Liên Xô, có thể là nhân viên tình báo, có mặt
ở Hà Nội để theo dõi tình hình. Tại Hà Nội, Solosieff chủ động tìm gặp
trưởng toán tình báo Hoa Kỳ (O.S.S) ở Hà Nội là thiếu tá A. Patti. (A.
Patti, sđd. tr. 178.) Phải chăng Solosieff muốn báo cho phía Hoa
Kỳ biết rằng đại diện của Liên Xô cũng đang có mặt ở Hà Nội để theo dõi
tình hình? Lúc đó, không ai biết Solosieff liên lạc như thế nào với
HCM?
Ngày 28-8-1945, đại sứ Liên Xô ở Pháp là A. E. Bogomolov gởi về Moscow
một công điện đề nghị áp dụng chế độ Quốc tế quản trị (International
trusteeship) tại Việt Nam. Ngoại trưởng Liên Xô là Mikhailovich Molotov
đã chỉ thị rằng “Liên Xô không có lập trường như vậy”. (Đặng Phong, sđd.
tr. 221.) Chỉ thị của Molotov cho thấy Liên Xô không đồng ý chủ trương
Quốc tế quản trị. Lúc đó Liên Xô mới đặt nền thống trị tại các nước Đông
Âu do quân đội Liên Xô chiếm đóng sau khi Đức bại trận. Liên Xô không
muốn các nước khác xen vào chuyện Đông Âu và không muốn có chuyện Quốc
tế quản trị ở Đông Âu, nên Liên Xô bác chuyện Quốc tế quản trị ở Việt
Nam. Hơn nữa, Liên Xô muốn lấy lòng Pháp để vận động Pháp chống lại kế
hoạch của Hoa Kỳ ở Tây Âu.
Hồ Chí Minh ra mắt chính phủ VNDCCH tại Hà Nội ngày 2-9-1945. Ngày
22-9-1945, HCM ký dưới tên là Hoshimin, gởi cho Stalin một công điện
thông báo việc thành lập nước VNDCCH, nhưng không được Moscow trả lời
hay chúc mừng. Ngày 21-10-1945, Hoshimin gởi một công điện thứ hai. Công
điện nầy đến tay V. G. Dekanzonov, thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Ông
nầy chuyển bức công điện cho Vụ trưởng vụ châu Âu I của Liên Xô với ghi
chú: “Đề nghị không trả lời, đưa vào lưu trữ.” (Đặng Phong, sđd. tr. 221.)
Trong khi đó, lễ đầu hàng và giải giới quân đội Nhật Bản tại Việt Nam
chính thức được tổ chức ngày 28-9-1945 ở Hà Nội tại phủ toàn quyền Pháp
cũ, dưới sự chủ trì của Lư Hán và đại diện Đồng minh. Trong phòng hành
lễ treo bốn lá cờ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Trung Hoa và Liên Xô, không có cờ
Pháp. Ngoài đại diện các nước Đồng minh, còn có sự hiện diện của đại
diện Liên Xô là Stephane Solosieff. (A. Patti, sđd. tt. 360-361.)
Tại Hà Nội không có phái bộ ngoại giao của Liên Xô. Phái đoàn Ba Lan
(Poland) thay mặt cho Liên Xô trong những liên lạc ngoại giao với Việt
Nam. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu,
1990, tr. 233.) Lúc đó, sau thế chiến thứ 2, Liên Xô bận rộn giải quyết
những khó khăn kinh tế trong nước và nhất là đang lo đối phó với những
khó khăn ở các nước Đông Âu mà Liên Xô mới chiếm đóng. Hơn nữa, chiến
tranh lạnh chưa xảy ra, Liên Xô ít có quyền lợi ở Viễn đông nên chưa mấy
chú ý đến Việt Nam. Tuy vậy, chắc chắn Liên Xô không ngừng theo dõi
tình hình chính trị Việt Nam, và không ai biết rõ sự liên lạc bí mật
giữa hai đảng cộng sản của hai nước như thế nào?
(Toronto, 18-08-2015)
0 comments:
Post a Comment