Monday, December 5, 2011

Mười hai lần ấy biết bao nhiêu tình

NGUYỄN THỊ QUẢNG BÌNH

Lời dẫn: Ngày 5-12-2011 này là đúng 6 tháng sau ngày biểu tình tự phát đầu tiên của đồng bào ta ở Hà Nội và Sàigon để bày tỏ lòng yêu nước, để nói lên lập trường phản kháng hành động xâm chiếm biển đảo nước ta của Tàu cộng.

Trong 1 thời gian gần 3 tháng đã có đủ mọi tầng lớp trong xã hội:

Tiến sĩ, nhà báo, blogger, nhạc sĩ, văn sĩ, luật sư, cựu chiến binh.. đủ mọi lứa tuổi nhưng đông nhất là các bạn trẻ nam nữ, những mái đầu xanh kề vai với mái tóc bạc, những bà nội trợ sát cánh với ông giáo sư.

Đã có 12 cuộc biểu tình mà đa số diễn ra ở Hà Nội, rồi nào là biểu tình ngồi chờ ở Sàigon, biểu tình câm quanh Hồ Gươm HN với những chiếc nón lá bị công an cướp, những cảnh đàn áp hung hăng, những “pha” biểu diễn thô bạo: nào quắp ngang người, nào khiêng người ta như khiêng con vật, trò đạp mặt, trò bắt cóc, trò “mời đểu” về đồn công an… thôi thì đủ kiểu mà chỉ công an cộng sản VN mới dám nghĩ và dám làm. Lại có cả biểu tình trộm, chữ của blogger Nguyễn tường Thụy, để đòi trả tự do cho người yêu nước Bùi Hằng. Mặc dù hiện nay những cuộc biểu tình tự phát đã không còn nữa, nhưng những ai từng sốt sắng theo dõi, từng nôn nóng đọc tin tức và hình ảnh trên mạng, từng lo âu hồi hộp với diễn tiến từng ngày Chủ Nhật đều nảy sinh sự thương mến và cảm phục những con người dũng cảm đã dám vượt lên sự sợ hãi để họp nhau lại thực thi quyền biểu tình là quyền căn bản của tự do ngôn luận.

Nguyễn thị Quảng Bình đã thu thập, tóm tắt, trích đoạn những bài viết trên mạng từ NVCL, facebook, những trang nhật ký điện tử của nhiều blogger như Nguyễn xuân Diện, Nguyễn hữu Vinh, Trịnh hữu Long, Dân làm báo, Gốc sậy, Anhbasam, Lê Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ v..v. để gửi chút tâm tình đến những đồng hương can đảm, ước mong ngọn lửa mà quý vị đã nhen nhúm lên sẽ còn âm ỉ dưới đống tro tàn để có ngày gặp ngọn gió “Mùa Xuân Việt Nam” sẽ bùng cháy lên thiêu đốt chế độ bạo tàn Hèn với giặc Ác với dân cho đất nước ta được vẹn toàn, cho dân tộc ta được sống trong tự do dân chủ. Nguyện cầu Ơn Trên ban cho ngày ấy mau đến để giải thoát dân tộc Việt khỏi vòng nô lệ mới.


MƯỜI HAI LẦN ẤY BIẾT BAO NHIÊU TÌNH!

NTQB tổng hợp

Từ lần biểu tình bày tỏ lòng yêu nước của người dân Sàigon và Hà Nội hôm 5-6-2011 trên mạng lưới toàn cầu đã ngập tràn hình ảnh, bài viết do các biểu tình viên, các blogger đưa lên các trang nhật ký điện tử từng giờ, từng phút diễn biến của cuộc biểu tình rồi lan rộng ra trên facebook, youtube, rồi qua email, website những thông tin này lại được phổ biến sâu rộng hơn đi khắp năm châu. Người đọc đã cùng vui, buồn, lo lắng, phẫn nộ cùng các biểu tình viên và người ủng hộ họ. Những niềm hy vọng cũng được manh nha, mơ tưởng. Tuy nhiên buồn thay! những cuộc biểu tình tự phát hầu như chỉ được đón nhận trong sự hờ hững của đám đông như một biểu ngữ đã viết: KHÔNG SỢ SỰ ĐÀN ÁP CỦA KẺ DỮ. CHỈ SỢ SỰ THỜ Ơ VÔ CẢM CỦA NGƯỜI LƯƠNG THIỆN.

Cuối cùng thì nhà cầm quyền Hà Nội như thường lệ đã dùng đòn bẩn là bạo lực, trấn áp, bắt bớ, áp lực đuổi việc, đuổi nhà, phỉ báng bôi nhọ chụp mũ vu khống trên truyền hình để dẹp những cuộc xuống đường trong sự đau buồn, bất bình, ấm ức của những biểu tình viên. Chỉ cần đọc một số tựa đề các bài thơ, bài viết ta đã thấy chẳng hạn như: Tôi yêu tổ quốc tôi mà bị bắt của nhà văn Trần mạnh Hảo. Yêu nước mà phải yêu chui của Nguyễn thị Thanh Bình. Đi về đâu để yêu nước của Huệ Tâm. Yêu nước như một cuộc đấu vật của Phan Nguyễn Việt Đăng và nhiều nữa. Nhưng bài cảm động nhất là của Kim Anh với câu thơ Kiều cải biên:

Chút lòng yêu nước từ sau … xin chừa. Xót xa quá, ngậm ngùi quá cho con dân nước Việt! Người viết xin mượn một câu Kiều khác và cũng sửa đổi chút cho hợp tình hợp cảnh (xin cụ Tiên Điền Nguyễn Du đại xá cho):

Mười hai lần ấy biết bao nhiêu tình.

Vâng, điều rõ nét nhất người ta có thể cảm nhận được là sự đoàn kết, gắn bó với nhau, bênh đỡ, thương mến nhau của những người biểu tình, có thể họ có quen biết nhau trước, có thể họ chỉ mới gặp nhau khi cùng giơ cao biểu ngữ, cùng hô khẩu hiệu, hoặc chỉ gặp nhau trong đồn công an. Nhưng tình thân mà họ dành cho nhau, cố gắng dành người với công an, hô hào đòi thả người bị bắt, liên lạc với nhau để thăm viếng, gặp gỡ, chờ đợi và tiếp tế thức ăn .. ..v .v…thật là quý hoá trong một xã hôi vô cảm, mất tình người như xã hội VN hiện nay. Mẫu số chung mà họ có được là lòng yêu nước, là sự nhận thức được hiểm họa cho đất nước do người láng giềng phương Bắc mà nhà nước đêm ngày ca tụng, họ đã thắng được sự sợ hãi để xuống đường biểu tình dù không do nhà nước tổ chức như dạo nào khi Mỹ tấn công Iraq. Mặc dù họ không dám công khai vạch mặt cái nhà nước hèn với giặc ác với dân nhưng hành động dám đi biểu tình, dù bị bắt lên xe bus hoặc khi ra khỏi đồn công an vẫn cứ họp lại tiếp tục xuống đường của những biểu tình viên rất đáng được cảm phục.

Vì thế blogger Lê Dũng, từng dắt con đi biểu tình đã đưa ra một ý tưởng nhân dịp viết về một cuộc trao giải: Vậy còn sự kiện chính trị của Việt nam đã diễn ra trong suốt 3 tháng từ hè sang thu vừa qua thì sao ? những con người đã làm lên sự kiện đẹp đẽ đó có được vinh danh hay không, điều gì, ở đâu ghi nhận họ ?

Xuất phát từ câu hỏi đó, tôi nghĩ nên xây dựng một giải thưởng danh dự để trao cho những cá nhân có những hình ảnh đẹp, hành vi đẹp thậm chí cả những hành vi xấu, đê hèn đã tồn tại trong thời gian vừa qua.

Măc dù giải chỉ là huy hiệu nhỏ xíu như cái huy hiệu đoàn ngày xưa, trị giá năm xu hay một hào cũng được. Đó chỉ là tượng trưng, qua đó các cá nhân được chính thức vinh danh và ghi nhận của số đông công chúng, huy hiệu đó sẽ được các cá nhân mang về nhà, treo hoặc để vào nơi trang trọng nhất của gia đình, dòng tộc để nhắc nhở mọi người và con cháu luôn có những việc làm, suy nghĩ có trách nhiệm với Đất nước, nhất là khi Tổ quốc đang bị ngoại xâm lăm le xâm lược.”

Trích blog Lê Dũng (giải thưởng cho người biểu tình yêu nước)

Quả thật, những biểu tình viên rất đáng được vinh danh nếu ta biết rằng họ đã phải suy tư trăn trở thế nào để có quyết định tham gia mặc cho hậu quả có ra sao. Sau đây là những tóm tắt và trích đoạn về nỗi đau lòng , niềm ưu tư, những điều đáng nhớ, những sự băn khoăn… do những biểu tình viên ghi lại, trước hết là tâm sự của bạn trẻ Trịnh hữu Long Theo Facebook

“Tản mạn về lòng yêu nước: Đã hơn 2 ngày trôi qua kể từ khi tôi từ đoàn biểu tình trở về nhà, tôi vẫn không thôi suy nghĩ về sự kiện đặc biệt này, cùng những gì trước và sau nó.

Tôi chắc là từ khi tôi phát tán cái tin kêu gọi biểu tình và sau đó là liên tục những phát biểu khác của tôi trên Facebook và một diễn đàn sinh viên, nhiều người đã đánh giá tôi là một kẻ đại ngôn về lòng yêu nước. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận ra điều đó vì tôi đã nói về lòng yêu nước một cách tự nhiên như hơi thở mà chẳng cần nghĩ ngợi 1 giây nào về việc chau chuốt câu từ. Thế sau rồi tôi cũng nghĩ ra, à, ở cái đất nước mà bản thân cụm từ “lòng yêu nước” thường chỉ được nhắc đến trong sách giáo khoa, những tài liệu cổ động hay bài phát biểu của các quan chức cỡ lớn, thì bất cứ ai nói đến nó cũng đều sẽ là đại ngôn cả mà thôi. Nghĩ ra nguyên nhân rồi thì tôi cũng chẳng bận lòng về nó làm gì nữa.

Những điều làm tôi đau lòng Khi tất cả những điều trên đều dễ hiểu và dễ chấp nhận, thì lại có những điều làm tôi thực sự đau lòng. Có những người phát biểu rằng những kẻ đi biểu tình chẳng qua là những kẻ to mồm, chỉ biết kêu ca chứ chẳng làm được cái gì thiết thực để giải quyết chuyện này. Họ cho rằng yêu nước thì phải như họ, đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là ngồi xem bà Nguyễn Phương Nga đáp trả sắc sảo các luận điệu của bà Khương Du, là quyên tiền giúp đỡ các chiến sĩ, là đi hiến máu, là phát triển kinh tế để làm đất nước giàu mạnh,… Rồi họ phê phán chúng tôi là đi theo lời kêu gọi của bọn phản động, có ăn học mà xử sự như thế à, lập trường chính trị như thế à?

Chúng tôi chấp nhận rước lấy những hiểm nguy cho bản thân mình, bỏ một buổi sáng đi bộ đến kiệt sức để xuống đường nói lên tiếng nói yêu nước, chẳng nhẽ để nhận về những lời mỉa mai như vậy hay sao? Chúng tôi có phán xét lòng yêu nước của ai đâu, sao các bạn lại phán xét chúng tôi?

Tại sao tôi đi biểu tình? Từ một tin nhắn Yahoo…

Tôi nhận được lời kêu gọi biểu tình qua một tin nhắn spam trên Yahoo, ngày 31.5.2011. Đó là tin nhắn từ một người bạn mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chị ta quan tâm đến chính trị chứ đừng nói là một cuộc biểu tình của chính người Việt Nam. Trên các diễn đàn mạng cũng sục sôi những phản ứng giận dữ của người Việt Nam. Chưa bao giờ tôi thấy chủ đề “lòng yêu nước” lại trở nên nóng bỏng và gần gũi đến thế.

… đến hành trình vượt qua nỗi sợ hãi

Điều đầu tiên hiện lên trong tôi khi đọc được tin kêu gọi biểu tình là: tôi thực sự muốn tham gia. Tại sao lại không chứ? Tổ quốc đang lâm nguy, giặc ngoại xâm đang gặm nhấm từng thước vuông trên biển. Tôi đã được dạy dỗ để chống lại tất cả những điều ấy. Rất nhanh sau đó, điều thứ hai ập đến, như một con ngáo ộp khổng lồ, có tên là SỢ HÃI. Tôi sợ cái gì nhỉ? Tôi sợ bị bắt, như nhiều người đã bị bắt. Tôi sợ cuộc sống yên bình của tôi sẽ bị xé nát bởi sự can thiệp của cơ quan an ninh. Tôi sợ những cái nhìn dè bỉu của nhiều người sẽ ném cho tôi hai chữ “phản động”. Rồi họ sẽ làm gì? Họ sẽ xa lánh tôi. Ở đất nước này người ta tối kỵ hai cái chữ đấy, vì nó thực sự gây rắc rối cho họ.

Cuộc giằng xé trong tôi bắt đầu diễn ra. Nhưng cũng rất nhanh, tôi nhận ra những điều còn khiến tôi sợ hãi hơn. Tôi nhận ra và cảm thấy nhục nhã vì trong con người tôi có 2 chữ “HÈN NHÁT”. Sự thật là rõ ràng và tôi không thể dùng từ khác để gọi tên. Tôi hèn nhát vì đã câm lặng bao nhiêu năm trước hiểm họa mất nước vào tay kẻ thù. Tôi hèn nhát vì không làm được cái gì khá hơn là chửi đổng. Tôi hèn nhát vì đã phản bội lại những lý tưởng mà tôi đam mê, những lý tưởng mà tôi có thể chém gió hàng giờ để khoe mẽ với người khác rằng tôi hay ho lắm. Tôi hèn nhát vì chính cái lúc tôi muốn nói lên tiếng nói yêu nước thì tôi lại tự giật mình lại để đắn đo suy nghĩ. Tôi hèn nhát đến mức vô liêm sỉ vì tôi đang mặc cả với chính Tổ quốc của mình. (THL)”

Một blogger ghi lại “Nỗi buồn ngày biểu lộ tình yêu nước 12-6 ở Sàigon:

Đường xá hôm nay quá đông xe do bị chặn đường, nên đoàn biểu tình không thể đông như lần trước, có lẽ chỉ khoảng 1.000 người và nhiều lần còn bị xé nhỏ lẻ. Mình bất chợt vui mừng khi thấy một bác, tầm 65 tuổi, tay mang một biểu ngữ in trên giấy A4 nội dung: HS-TS-VN. HÃY TRẢ TỰ DO CHO BLOGGER ĐIẾU CÀY NGUYỄN VĂN HẢI. BLOGGER ANHBASG PHAN thanh HẢI Không biết bác ấy có bị rắc rối gì không nữa. Cũng có một bé gái chỉ khoảng 3 tuổi tay cầm biểu ngữ đi trong tốp đầu đoàn người tuần hành, những hình ảnh ấy thật đẹp đẽ trong buổi sáng chủ nhật hôm nay. ……..

Mình và các bạn đành ra về, bụng tức anh ách trước cảnh bạo lực của nhân viên an ninh, thái độ khiêu khích của các “chuyên gia gây rối”, chiến thuật cản trở, xé lẻ của các anh chị thành đoàn… Tất cả tạo thành bức tranh u ám khó coi của chính quyền trước lòng yêu nước của người dân.

Nhưng dù sao, cuộc biểu tình hôm nay cũng khá thành công, mọi người đã vượt qua được nỗi sợ hãi, dẫu gặp nhiều “đòn phép” của công an, máy chụp hình, máy quay phim, điện thoại di động đã hoạt động hết công suất. Các diễn đàn, website lề trái sẽ đầy ngập hình ảnh, thông tin, video clips về người dân Sài Gòn đầy nhiệt huyết và tràn đầy lòng yêu nước. “ Hết trích

Một bóng hồng xinh đẹp trong tà áo trắng đơn sơ được gọi là “hoa hậu biểu tình” đã trải lòng mình một cách chân tình:

“Trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, Trịnh Kim Tiến nói rằng, cô đi biểu tình với tư cách là một thanh niên Việt Nam, thể hiện tình yêu nước của một người trẻ tuổi, chống giặc ngoại xâm và cất lên tiếng nói nhỏ bé của mình để bảo vệ những ngư dân Việt Nam ngoài biển cả như bảo vệ máu thịt của mình.

Kim Tiến nói thêm, việc cô đi biểu tình không liên quan đến việc cha mình bị công an đánh chết. Điều này cũng được Trịnh Kim Tiến viết trên trang Facebook cá nhân:

‘Hãy cứ coi em như một sinh viên yêu nước. Đừng coi em là Trịnh Kim Tiến vì ba bị công an đánh chết mà xuống đường. Em xuống đường chỉ vì em cảm thấy lương tâm em lên tiếng. Em cũng chỉ là một sinh viên, một thanh niên Việt Nam như bao nhiêu bạn khác đã cùng em tiến bước. Một tiếng lòng quá nhỏ trước hàng triệu triệu trái tim quê hương. Mặc kệ những ai cho em là bất mãn hay phản động, em vẫn tự hào vì lòng yêu nước trong sáng của mình…’ Kim Tiến cho hay, những người đi biểu tình đều có lòng yêu nước rất trong sáng, không hề suy tính gì. Và nếu như các nhân sĩ yêu nước kêu gọi, và đồng bào vẫn còn bị bắt bớ và đánh đập, thì cô sẽ vẫn tiếp tục tham gia biểu tình. “

“Biểu tình tại Hà Nội lần 6: Những tiếng kêu thống thiết của lòng yêu nước!” Trước mắt cuộc biểu tình do ít người tham gia đã chìm trong bạo lực của những công sai chế độ. Tuy nhiên, với một nhóm nhỏ như vậy, can đảm biểu tình trước miệng sói dữ, chứng tỏ không gì có thể ngăn nổi lòng yêu nước. Những hành động này của nhà cầm quyền Hà Nội nói lên điều gì? Có lẽ không khó lắm để tìm câu trả lời: Đó là sự đồng lõa với giặc ngay tại quê hương mình, quyết tâm trấn áp người yêu nước bằng thủ đoạn đê hèn nhằm dâng nốt biển đảo Tổ Quốc cho giặc. Như vậy, nhà cầm quyền đã tự lột chiếc mặt nạ vốn đã mỏng manh, rách nát của mình, bất chấp lương tâm, bất chấp liêm sỉ để làm vừa lòng ngoại bang. Theo chúng tôi được biết trong số những người bị bắt có kỹ sư Ngô Quyền – chồng của luật sư Lê Thị Công Nhân, và bị áp tải về Hà Đông.

Cuộc trấn áp diễn ra trong khoảng thời gian 15 phút và kết thúc trong sự kinh sợ của những người đi đường.

Trước mắt cuộc biểu tình do ít người tham gia đã chìm trong bạo lực của những công sai chế độ. Tuy nhiên, với một nhóm nhỏ như vậy, can đảm biểu tình trước miệng sói dữ, chứng tỏ không gì có thể ngăn nổi lòng yêu nước.

Theo bản tin này của Nữ Vương Công Lý đã có 13 người bị bắt trong cuộc biểu tình ngày 10-7-2011 tại Hà Được biết diễn biến cuộc biểu tình hôm nay rất ôn hòa và mọi người gần như chỉ mới kêu gọi tập hợp nhau lại gần khu vực trước đại sứ quán Trung công, để cùng thực hiện việc biểu tình, thì ngay lập tức đã bị công an mật vụ dày đặc với các phương tiện bắt giữ được chuẩn bị sẵn một cách công phu chu đáo từ trước, trong một kế hoạch chi tiết. Mật vụ túa ra ào ào bắt đi, lộ rõ bản chất bộ mặt đê hèn đồng lõa với giặc, dối trá bán nước hại dân của Nhà cầm quyền độc tài cộng sản Việt Nam.”

Những thao thức, đợi chờ, nôn nóng về cuộc xuống đường được kể lại như sau:

“Đêm qua, trên các mạng xã hội, nhiều blogger đã trao đổi và chia sẻ cho nhau những mẫu áo để mặc trong cuộc biểu tình sáng nay.

Sáng nay, thời tiết Sài Gòn và Hà Nội mát mẻ, rất lý tưởng cho một cuộc tuần hành đầy nhiệt huyết của nhân dân Việt Nam trước họa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.

Một bạn đọc danlambao kể lại rằng : đêm qua, cả hai chú cháu đã đánh xe suốt đêm từ Vinh về Hà Nội, để cùng tham gia cuộc tuần hành vào sáng chủ nhật này.

Một bạn sinh viên ở Sài Gòn cho biết, dù nhà trường đã có chỉ đạo không để sinh viên tham gia biểu tình, nhưng nhóm bạn vẫn hẹn nhau có mặt đúng 8 giờ sáng. Làn sóng yêu nước tràn ngập khắp nơi, bạn tâm sự : “Cả đêm qua, cả nhóm không ai ngủ được”

(trích blog Dân làm báo Không khí biểu tình yêu nước tại 2 miền đất nước)

Có người viết lên mạng tâm trạng tha thiết: “…..đã dấn thân vì tổ quốc là phải chấp nhận hy sinh thôi. Mong cho mau sáng để gặp lại các đồng đội.”

Tiếp theo là tóm tắt bài viết của một nữ lưu gửi cho blog NXD về những cảm nghĩ của một lần đi biểu tình

“Bực vì bị đối xử thô bạo

Đây là cảm nhận đầu tiên ập đến. Có lẽ đó là cảm nhận ko chỉ của tôi mà của đa số người đi BT và ủng hộ BT. Thấy bực vì mình đi biểu tình biểu thị lòng yêu nước thì lại bị ngăn cấm, bắt giữ…… Không những ấm ức vì bị coi là sai, mà còn bực vì bị đối xử thô bạo. Thậm chí với nhiều trường hợp bị đối xử quá mức thô bạo, thì thật quá sức chịu đựng. Tôi bị 2 người giữ 2 bên khuỷu tay lôi đi, rồi bị một người xấn xổ mắng vào mặt, mà những người thanh niên này đều khỏe mạnh, sáng sủa, và đều đáng tuổi con tôi. Thử hỏi sao lại ko bực chứ.

Lúc đó tôi đã nghĩ: Người xưa có câu: “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thế nhưng, thực tế thì đã mặc áo cà sa rồi thì ko mặc áo giấy được nữa. Và ai quen mặc áo giấy rồi thì ko thể mặc áo cà sa được nữa. Những người quen tiếp xúc với những thành phần được gọi là tội phạm. Những người quen với trấn áp rồi thật khó mà có những hành vi hòa nhã được nữa.

Bị xúc phạm vì bị mất quyền yêu nước

Nhưng có một kinh nghiệm mà tôi lại thấy là hay đó là kinh nghiệm: lên xe buýt. Nếu chỉ ngồi nhà, xem trên mạng thì chả cảm thấy gì sất. Nếu đi ra tận nơi, hòa vào dòng người thì cảm thấy một chút gì đấy của không khí BT. Nhưng nếu bị bắt đưa lên xe buýt… cảm nhận sẽ khác hẳn. Sẽ hay hơn nhiều. Cái cảm giác mà lúc đứng dưới đường mình ko thể có được. Đó là quyền công dân. Lúc đứng trong xe buýt nhìn ra. Nhìn những chiến sỹ CA đang trấn áp. Nhìn những người bị bắt giữ đang phản đối và đòi thả một cách vô vọng. Nhìn những người dưới đường đang tiếp tục cuộc BT. Một cảm giác khó có thể diễn tả được. Không thể gọi là mất quyền công dân, nhưng nó là mất quyền đấy.

Những ai đã đi biểu tình, hãy một lần lên xe buýt. Cảm nhận về mất quyền công dân trong chốc lát thật là… khó diễn tả.

Bị xúc phạm quá thể!

Buồn, buồn quá

Buồn vì việc mình làm ko sai (Mình thể hiện lòng yêu nước mà) thế mà lại phải làm như là giấu giếm, như là thanh minh. Thật là tệ quá mức. Thời buổi gì mà phải xấu hổ vì muốn biểu lộ lòng yêu nước.

Buồn vì thể hiện lòng yêu nước lại thành ra mất quyền công dân.

Buồn vì có lòng yêu nước hóa ra lại bị chính những anh CA nhân dân trấn áp.

Ngao ngán về những người thờ ơ

Hôm qua 26/7 đi hội thảo gặp một TS khoa học, một người được coi là thân của tôi. Thấy bạn không hỏi gì, tôi tự nói: tuần trước tôi đi BT. Vẻ hết sức ngạc nhiên và bức xúc, xen lẫn coi thường: Điên à, dở hơi à. Tôi chẳng nói gì được nữa. Ôi, TS!!!

Ấm lòng vì chia sẻ giữa những người đi biểu tình

Nhưng khi đã biết cùng là người BT rồi thì mọi người lại rất dễ dàng chia sẻ. Tôi thấy thật ấm lòng. Việc đi BT tự mình biết là đúng, là trong sáng, nhưng bị CA, chính quyền phản đối đã khiến mình cảm thấy rất ái ngại rồi. Cứ như là mình làm điều gì ko trong sáng. Rồi bạn bè, người thân xung quanh lại có những thái độ chê cười, mỉa mai nên lại càng cảm thấy buồn. Nhưng giữa những người đi BT thì lại dễ dàng hiểu nhau, chia sẻ với nhau. Đôi khi nhận được sự chia sẻ của những người ko quen biết, cảm thấy ấm lòng.

Ngạc nhiên vì sự đa dạng của những người đi BT

Thú vị vì có thể test thái độ của những người ko đi BT

Ta vẫn có câu: trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Thực ra, tôi cũng chẳng có hoạn nạn gì, hay là chưa có gì đáng gọi là hoạn nạn cả. Nhưng cũng đã có thể đo được lòng của nhiều người xung quanh rồi.”
Phạm xuân Hương

Dù bị đàn áp tàn bạo, những người đã xem nhau như đồng đội kiên quyết bảo vệ nhau: “NHẬT KÝ BIỂU TÌNH CHỐNG TẦU CỘNG CƯỚP NƯỚC . VIỆT CỘNG BÁN NƯỚC . LẦN THỨ 7 17-7-2011

Mọi người bảo nhau kiên quyết không cho bắt người. Thấy có một thanh niên bị 3 tay công an túm đưa lên xe, tôi xông vào kéo em này ra. Giằng co nhau được một lúc thì tôi được một cô gái giúp sức, thế là chúng tôi giằng lại được. Mấy cảnh sát nhìn tôi chắc thấy tôi đứng tuổi nên thôi (tạm thôi). Tôi nhanh chóng đẩy em thanh niên này ra phía sau lẫn vào đoàn người còn tôi lại len lên phía trước trông chừng …

Được chừng mươi phút thì một chiếc xe buýt đến. Thế là chúng xông đến bắt chúng tôi lên xe. Họ túm vào xô đẩy, lôi, kéo và đấm đạp rất thô bạo chẳng khác gì lũ lưu manh vô học. Bỗng huỵch một cái, chúng ném một người lên, nằm xoài trên sàn xe như là vứt một con vật lên bàn mổ. Đó là một thanh niên. Tôi hỏi chuyện, em cho biết em là Nguyễn Trí Đức, sinh năm 1976. Em kể bị chúng nó đạp 1 cái vào bụng và 2 cái vào mồm.

Lực lượng bắt người mặt đầy tử khí, hành động rất thô bạo, nói năng chửi bới tục tĩu, chúng đối xử với con người như súc vật. Mấy người bị bắt với tôi cho biết, đấy là những thành phần bất hảo, côn đồ được CA thuê đến. 3 xe cộng lại là 46 người bị bắt đến Mỹ Đình. Còn ngoài ra họ bắt về đâu nữa thì tôi không rõ.

Đoàn kết – Giữ vững tinh thần:

Tất cả những người bị bắt không một ai tỏ ra sợ hãi, lo âu. Đặc biệt tinh thần đoàn kết rất cao. Mọi người gọi điện về cho người nhà rất tự tin và bảo hãy yên tâm.

Bị bắt cùng chúng tôi có cả các cháu bé mới hơn 10 tuổi, trong số đó có con của anh Lê Dũng,

Ngay trong sân đồn, chúng tôi lại tiếp tục hô khẩu hiệu, chụp ảnh kỷ niệm. Cô Bùi Thị Minh Hằng, công dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu là người hô khẩu hiệu và đối chất rất hăng hái, đứng ra nhận lo bữa ăn trưa cho tất cả. Cô rút tùm lum ra một nắm tiền. TS Đỗ Xuân Thọ đau chân chống gậy tập tễnh, được CA cho riêng 40 000 đồng nhưng anh góp luôn vào đấy. Các cháu thanh niên cầm tiền đi mua về đủ loại bánh, trứng và nước uống.

Biến đường về thành cuộc biểu tình:

Chúng tôi đòi gặp người có trách nhiệm để yêu cầu mang xe chở về nơi đã bắt chúng tôi đi. Loanh quanh mãi, không có ai đứng ra nhận là người có thẩm quyền cả.. được hơn 40 người.

Thế là, chỉ vì công an bắt về thì có xe, trả tự do lại không có xe nên chúng tôi được biểu tình thêm đoạn đường 3,4 km nữa.

Cảm xúc còn đọng lại:

Chưa lần nào, người biểu tình bị đàn áp quyết liệt như thế. Những người bị bắt, chẳng có tội gì hết ngoài tội hô khẩu hiệu phản đối TQ và hô bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Trực tiếp bị bắt và quan sát cảnh bắt bớ, tôi không cần phải né tránh mà nói rằng, đó là một lũ bất lương. Tôi không nghi ngờ gì khi nghe câu đây là một chế độ công an trị.

Tôi đang khóc các bạn ạ. Các bạn có tin không? Lúc này, bàn phím của tôi ướt nhiều hơn. Tôi khóc cho Tổ quốc tôi. Bây giờ là hai giờ sáng. Gần trọn một ngày đêm, gần như không ngủ, không ăn để hành động, để suy nghĩ. Tôi và các bạn yêu Tổ quốc của mình đến cháy bỏng mà người ta không cho bày tỏ.

Tôi đau đớn và không chịu được nhục. Tại sao, nước ta lại bị lép vế, sợ hãi TQ đến vậy? Tư thế cha ông ta ngày xưa có bao giờ tới mức thảm hại như thế này đâu. Tôi xót xa cho đồng bào tôi, ra vùng biển thân thuộc của Tổ quốc đã từ bao đời, nay bị cướp bóc, bị xua đuổi, bị đánh đập như những con vật. Những kẻ đàn áp biểu tình hôm nay nghĩ sao khi thấy hình ảnh ngư dân mình phải vái lạy bọn cướp biển TQ?

Nhưng dù sao, nếu hôm nay tôi không đi biểu tình, để rồi bị bắt, chịu đói, chịu khát, chịu nắng hè cho đến gần như kiệt sức thì tôi còn ân hận hơn nhiều. Ít nhất, tôi đã có thêm một việc làm vì Tổ quốc. Tôi khóc vì cảm kích trước dũng khí và những tấm lòng. Nếu không đi biểu tình, không bị bắt thì làm sao tôi cảm nhận hết được tình thương yêu, đoàn kết của những người bị bắt với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Làm sao tôi cảm nhận hết được lòng yêu nước của nhân dân ta mãnh liệt đến thế. Dù bị đàn áp thô bạo nhưng tôi cho rằng, cuộc biểu tình đã thành công nhiều mặt đối với tôi, với các bạn và với Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nguyễn Tường Thụy (danlambao)

Một trong 2 nữ lưu thường trực biểu tình các ngày Chủ Nhật ở Hà Nội là Phương Bích, sau đây là trích đoạn ghi chép của cô ngày 19/8 với lời lẽ đầy xúc động:

“Hóa ra khi không thuyết phục được tôi, công an cùng cán bộ Phường kéo đến làm công tác dân vận với mẹ và anh trai tôi. Nếu tôi vì gia đình, tôi sẽ trở thành kẻ phản bội lại đồng đội mình. Ai sẽ là những người có mặt ở ngoài đó hôm nay, nếu ai cũng có một lý do để ngồi ở nhà như tôi? Hàng ngũ những người biểu tình có vỏn vẹn vài trăm người trong số vài triệu người ở đất Thủ đô, lâu nay vốn đã đơn độc, nay sẽ rơi rụng dần vì những đòn đánh trong nội bộ từng gia đình thế này ư? Tôi thấy đau nhói trong lòng khi nghĩ đến việc ngày mai, trong hàng ngũ những con người quả cảm đơn độc kia sẽ thiếu vắng tôi. Hẳn sẽ không ai nỡ trách móc tôi khi ở ngoài kia, ông bố già tuổi gần đất xa trời của tôi đang lên cơn cao huyết áp, còn bà mẹ 83 tuổi phải quỳ dưới chân tôi van xin, nhưng chắc hẳn họ sẽ rất buồn…

Xin bố mẹ hiểu cho lòng con. Con làm sao có thể sống để ngẩng mặt nhìn bạn bè, đồng đội của mình trong suốt phần đời còn lại chứ? ….

Tôi ngồi lỳ trong buồng, không thể quyết định được ngay việc ngày mai đi hay ở nhà. Lý trí bảo tôi phải đi, nhưng nếu bố tôi lên cơn đột quỵ thì sao?

….Nếu lúc này tôi không kiên quyết, có thể tôi sẽ lỡ mất…Tôi vào buồng, lấy máy tính ra, đọc cho họ nghe bức thư tôi đã viết đêm qua. Đến đoạn cuối, tôi vừa đọc vừa nghẹn ngào:

“Người xưa có câu: Hiếu với cha mẹ mới chỉ là Trung hiếu, còn hiếu với đất nước mới là Đại hiếu. Tôi tuy chỉ là một người dân bé mọn, nhưng cũng xin được đặt chữ Đại hiếu làm đầu”. (Phương Bích)

Luật sư Lê thị Công Nhân trong một bài viết đã nhắc đến việc chồng cô là Ngô duy Quyền, dù biết nhà nước ra thông báo cấm biểu tình nhưng anh trả lời vợ đang mang thai một cách thẳng thắn và cảm động: “Tuần này càng phải đi biểu tình. Chẳng phải để thể hiện điều gì hay thách thức chính quyền, mà chỉ là muốn sát cánh bên mọi người, đồng lòng và chia sẻ với mọi người. Anh đi ngay từ lần đầu nên rất quý và thương mọi người. Chính quyền làm thế này kiểu gì cũng làm cho một số người suy tính và không đi nữa, nhưng cũng sẽ thúc đẩy những người khác càng phải tham gia. Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Cùng lắm là nó bắt giam và khởi tố anh tội gây rối trật tự công cộng. Chính quyền này nó muốn bắt ai thì bắt, vu ai tội gì thì vu. Anh chỉ lo U sắp sinh mà anh không ở bên được, đành phó thác U và Lucas cho Chúa thôi. Chứ nếu anh không đi thì anh áy náy lắm, anh muốn được ở bên mọi người lúc này. Anh chỉ thực hiện quyền của anh và thể hiện điều duy nhất là ý thức công dân của anh thôi.”

Các bạn trẻ Sàigon dù bị kềm kẹp, khống chế bởi lực lượng công an đông đảo nên không thể biểu tình mỗi Chủ nhật như Hà Nội nhưng các bạn đã vận dụng óc sáng tạo một cách độc đáo:

Trong chiếc áo mưa logo No U, với khẩu hiệu “Xóa đường lưỡi bò – Bảo vệ Tổ Quốc”, những chàng trai cô gái còn rất trẻ cùng nhau tuần hành trên những trục đường chính của Sài Gòn vào chiều tối Chủ Nhật 18-09-2011.

Bất chấp cơn mưa lạnh, những tiếng hô yêu nước vẫn vang lên đầy nhiệt huyết.

Năng động và sáng tạo, 15 người bạn trẻ đã làm nên một cuộc xuống đường có một không hai trongsố các cuộc biểu tình chống TQ tại Việt Nam.

Sau khi thông tin & hình ảnh về cuộc biểu tình được phổ biến, hàng trăm phản hồi được gửi đến, với những cung bậc cảm xúc trái ngược : cay đắng, tự hào, cảm động… Bên cạnh những giọt nước mắt bất chợt lăn dài.

Một việc làm nhỏ, nhưng gây được tác động lớn.

Trong thời điểm hiện nay, những hành động biểu lộ lòng yêu nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Bất chấp những hiểm nguy trực chờ, 15 người bạn trẻ vẫn hiên ngang xuống đường và hô to các khẩu hiệu yêu nước.

Vì Tổ Quốc, không gì là không thể !

danlambaovn.blogspot.com

Sáng 16/10/2011, một số người biểu tình đã hẹn gặp nhau tại bờ Hồ Hoàn Kiếm một cách có trật tự. Theo Blog Anhbasam, “Không khí khá căng thẳng. Công an vây quanh nhiều hơn hẳn các “biểu tình viên”, xe công an các loại đi theo cũng khá nhiều …

…Hình ảnh những người con yêu nước phải mím chặt đôi môi để không bật lên lời những lời yêu nước quả thật xót xa. Xin cảm tạ những người yêu nước. Ngọn lửa yêu nước sẽ không bao giờ lụi tắt và đó là hy vọng cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Cũng trong ngày Chủ nhật 16/10/2011, cùng với khoảng 30 biểu tình viên, chị Bùi thị Minh Hằng đã tham gia “biểu tình câm” khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và đã bị bắt cóc ngay giữa trung tâm Hà Nội – Thủ đô của Hòa bình, trước mặt các nhân viên công lực.

Ngay sau khi chị bị bắt, các biểu tình viên còn lại đã gửi đơn tới công an Hoàn Kiếm, nơi đã bắt giam chị và đã tổ chức buổi tuần hành xung quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm chiều 18/10/2011, yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho chị Bùi Minh Hằng (blog anhbasam)

Blogger Người buôn gió kể lại: Chúng ta thấy 11 cuộc biểu tình rầm rộ, náo nức mỗi sáng chủ nhật ở Hồ Gươm. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta hình dung, một cuộc biểu tình nhỏ nhoi, câm nín, rớm lệ trong chiều thu một ngày thường trong tuần. Sự im lặng của đoàn người khiến các lực lượng giữ trật tự phải chờn tay, khiến họ cũng lặng lẽ nhìn theo không cản trở. Có lẽ họ hiểu đau xót của những người yêu nước kia đã đến lúc chịu đựng tột cùng.

Trong sự im lặng của đoàn người, như vẫn còn tiếng vang da diết của Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Văn Phương đêm qua gọi Bùi Hằng qua rào sắt công an quận Hoàn Kiếm.

- Mẹ Hằng ơi, cô Hằng ơi.!

16/10/2011 Nữ Vương Công Lý

Luật sư Nguyễn Bắc Truyển lên tiếng trên diễn đàn Paltalk rằng:Tôi rất vui khi thấy được những anh chị em ở ngoài đó rất là thương yêu nhau, đã cùng đi đến đồn công an để mà đấu tranh, yêu cầu phải thả chị Bùi Thị Minh Hằng. Trước tới giờ, chưa bao giờ có sự việc này xảy ra, tôi thấy 30 anh em đó hay hơn nữa là những người hết sức can đảm. Khi họ đến đồn công an, họ đấu tranh như vậy tôi biết rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn và thậm chí có thể bị bắt giữ ngay tại đồn công an với những tội danh bị vu khống. Vừa qua, những tình cảm của anh em đã diễn đạt tới chị Hằng, chúng tôi cảm thấy rất là xúc động và tôi là một người ở trong nước, ở Sài Gòn, tôi muốn cám ơn các anh em đã làm công việc đó, đã thể hiện cái tinh thần của mình đối với người cùng chung chí hướng với mình và thể hiện được cái tinh thần đoàn kết mà các anh đã nói thay cho người dân Việt Nam.”

…Có thể nói rằng, việc công an Hà Nội buộc phải trả tự do cho chị Bùi Minh Hằng sau 3 ngày giam giữ chị trái pháp luật là kết quả của sự đoàn kết nên một của các biểu tình viên. Họ đã không sợ hãi bày tỏ sự liên đới với chị Bùi Minh Hằng và nhất là đã dám dùng chính sinh mạng mình để khẳng định lòng yêu nước chân chính thì không gì có thể phá đổ được. Chúc mừng chị Minh Hằng, nhưng cũng là chúc mừng tất cả những biểu tình viên yêu nước. 19/10/2011 Nữ Vương Công Lý

Ta hãy đọc những lời văn dí dỏm của blogger Nguyễn tường Thụy: Chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam :

BIỂU TÌNH..TRỘM

Bây giờ nghĩ lại, tớ vẫn còn thấy buồn cười. Đúng là chúng tớ biểu tình trộm thật: hết sức bí mật, không có bất cứ ai nghĩ là bọn tớ sẽ biểu tình vào thời điểm đã quá nửa buổi chiều, lại chẳng phải là ngày chủ nhật.Số là chiều hôm 18/10, chúng tớ tập trung tại công an quận Hoàn Kiếm để nộp đơn yêu cầu thả Bùi Hằng.Chẳng gặp được lãnh đạo, chúng tớ đành nộp đơn rồi sang bên bờ hồ chơi với đồng đội đang chực sẵn chờ tin tức ở đấy. Ngồi chán, tự nhiên chúng tớ nghĩ ra chuyện biểu tình trộm. Lén lén đi in vài chục tờ khổ giấy A3 có chữ “YÊU CẦU TRẢ TỰ DO CHO NGƯỜI YÊU NƯỚC BÙI HẰNG”, thủ sẵn. Rồi mắt trước mắt sau, chúng tớ lừ lừ tiến theo đường Lê Thái Tổ. Chừng khuất tầm nhìn của mấy cậu cảnh sát, chúng tớ mới lặng lẽ giơ biểu ngữ lên. Kẻ giơ ngang ngực, người giơ quá đầu, im lặng chầm chậm tiến cứ như đám người đi khất thực. Thỉnh thoảng, tớ ngoái lại xem có cậu công an nào đuổi theo không nhưng không thấy.Không hô hét gì cả, ấy vậy mà người đi đường, người dạo chơi bên bờ hồ chú ý ra phết. Một số người dân thấy thế đi theo chúng tớ, nối cái đám biểu tình câm dài thêm chút nữa.

Được nửa vòng bờ hồ, thằng Phương tuyên cáo ngứa mồm định hô cái gì đó, lập tức con gái Kim Tiến của tớ bịt ngay mồm nó lại. Thấy thế, tớ quát: “Im mồm”. Nó nhe răng ra cười cầu tài. Khổ thế. Chợt, tớ phát hiện ra mấy cậu an ninh đi cạnh chúng tớ từ khi nào. Rồi lại thấy cậu công an vừa tiếp chúng tớ ở phòng trực ban đi ngược chiều tươi cười chụp ảnh từng người một. Vui đáo để. NTT

Kết luận cho bài tổng hợp khá dài này, người viết xin mượn lời cuối thư của một người mẹ trẻ gửi con trai 3 tuổi của mình sau khi 2 mẹ con cùng đi biểu tình vì lòng yêu nước, ước mong của chị cũng là ước vọng của người Việt Nam: quyền suy nghĩ và hành động độc lập của một người dân trong xã hội dân chủ tự do:

“…….Phan yêu

Con yêu, mẹ vẫn không muốn con đi biểu tình. Mẹ hy vọng khi con lớn lên, dù sống ở Việt Nam hay nơi nào khác trên trái đất, con cũng có thể được tự do nói lên những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình và không cần phải đi biểu tình giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa những người mang dùi cui, súng ống trấn áp. Con sẽ không bao giờ phải ngần ngại trước các loại áp lực, phải ít nhiều suy tính về sự an toàn của bản thân mỗi lần quyết định nói lên chính kiến của mình, như thế hệ của mẹ. Bởi mẹ hy vọng khi đó, xã hội sẽ tiến hóa đến mức quyền được phát biểu chính kiến của con người sẽ được coi là đương nhiên, cho dù chính kiến đó khác với mong muốn của một đám đông hay một nhóm người nào đó.

Mẹ yêu và tôn trọng con, ngay cả khi con không nghe lời mẹ. Và nếu điều con thực sự muốn không nguy hại đến tính mạng của con và xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác, thì ngay cả khi mẹ không muốn, con vẫn cứ làm, con yêu nhé ! “

Tuần trước, dù xuống đường không biểu ngữ không hô khẩu hiệu (xin blogger NNT cho một tên gọi) để ủng hộ Thủ Tướng chỉ thị và Quốc hội ban hành luật biểu tình mà hơn mười biểu tình viên đã bị nhà nước ta cho vào trại Phục hồi Nhân phẩm, tin tức về nơi giam giữ chị Bùi Hằng vẫn chưa có, thì ước mơ trên xem chừng còn xa vời vợi, nhưng ai cấm chúng ta nuôi hy vọng-MÙA XUÂN VIỆT NAM rồi sẽ đến- các đồng bào dũng cảm của tôi ơi!

Nguyễn thị Quảng Bình.

0 comments:

Powered By Blogger