Tuesday, August 23, 2011

Xét lại vai trò của các cơ quan thẩm định tài chính

S&P, Fitch và Moody's : ba cơ quan thẩm định tài chính hàng đầu (DR)
S&P, Fitch và Moody’s : ba cơ quan thẩm định tài chính hàng đầu (DR)

Sau khi công ty Standard & Poor’s hạ điểm tín dụng của Mỹ, làm náo động các thị trường chứng khoán thế giới, vai trò của các công ty thẩm định tài chánh đã nổi bật trên dòng thời sự. Từ Hoa Kỳ đến châu Âu và ngay cả tại Trung Quốc, công việc của các cơ quan thẩm định tài chính đang bị hoài nghi, thậm chí còn bị đả kích.

Cho dù vậy, các đánh giá của ba công ty thẩm định tài chính đứng đầu ngành hiện nay là Standar & Poor’s, Moody’s và Fitch vẫn được giới đầu tư nể trọng, buộc chính quyền các nước phải quan tâm.

Phải nói là chính tại Hoa Kỳ, mà vai trò của các công ty thẩm định tài chánh bị đặt vấn đề nhiều nhất. Trong tuần qua, báo chí Mỹ đã nhắc lại sự kiện là Bộ Tư Pháp, một Ủy ban của Thượng viện và Cơ quan Kiểm soát Giáo dịch Chứng khoán SEC đã cho mở cuộc điều tra nhắm vào S&P và Moody’s về một số việc làm của họ những năm 2008 – 2009, khi kinh tế Mỹ bị chấn động vì cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc khó đòi subprimes.

Trước đó, ngay sau khi họ hạ điểm tín nhiệm nợ công của nước Mỹ từ AAA xuống còn AA+, hãng S&P còn bị chính quyền Hoa Kỳ cáo buộc là phạm sai sót đến 2000 tỷ đô la khi tính toán. Nghi vấn về tính chất xác đáng trong các đánh giá của các cơ quan thẩm định tài chánh lại càng gia tăng khi giữa các hãng này, kết quả lại không trùng hợp với nhau.

Về món nợ công của Mỹ chẳng hạn, thì S&P chỉ cho mức điểm thứ hai là AA+, trong lúc hai đồng nghiệp của họ, cũng rất có uy tín là Fitch và Moody’s, vẫn duy trì thứ hạng cao tuyệt đối là AAA. Đó là chưa kể đến việc một hãng thẩm định tài chánh Trung Quốc là Đại Công (Dagong) – rất ít được biết đến trên trường quốc tế – đã mạnh tay hạ điểm tin nhiệm của Hoa Kỳ ngay từ năm ngoái 2010.

Nhưng vấn đề không chỉ thu hẹp trong phạm vi nước Mỹ, mà còn mang kích thước toàn cầu, vì sau Hoa Kỳ, nhiều nước châu Âu khác với món nợ công không ngừng bành trướng và thâm thủng ngân sách lên đến mức báo động, cũng đang lo ngại nguy cơ bị các công ty thẩm định tài chánh hạ điểm. Nước Pháp chẳng hạn, đã phải khẩn cấp chuẩn bị kế hoạch thắt lưng buộc bụng sau khi có tin đồn cho rằng điểm AAA của mình có thể bị hạ thấp.

Để trấn an các thị trường, ngày 10/08/2011, hai hãng Moody’s và Fitch đã phải ra thông cáo xác đinh việc duy trì điểm cao nhất AAA đối với công trái của nước Pháp. Riêng S&P, dù ngay từ đầu đã khẳng định tiếp tục tin tưởng vào khả năng trả nợ tốt của Paris, vào ngày 18/08 vừa qua, đã phải tái khẳng định mức điểm AAA của nước Pháp.

Câu hỏi đặt ra là các công ty thẩm định tín dụng là gì mà có thể phê phán từ doanh nghiệp đến các chính quyền, khiến cho thị trường quốc tế có thể bị thất điên bát đảo ? Và ngược lại, vì sao các công ty này cũng có thể bị chính quyền điều tra hay dư luận đả kích về cách đánh giá của mình ?

Để tìm hiểu thêm, RFI đã đặt câu hỏi cho chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ về đề tài này.

RFI: Xin kính chào anh Nguyễn Xuân Nghĩa. Sau khi Standard & Poor’s hạ điểm tín dụng của trái phiếu Hoa Kỳ hôm 05/08/2011, tuần qua báo chí Mỹ loan tin rằng cả bộ Tư pháp lẫn một Ủy ban của Thượng viện và cơ quan SEC đã mở cuộc điều tra về trách nhiệm của của hai công ty Standard & Poor’s và Moody’s về vụ khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi ấy người ta cũng không quên là bộ Ngân khố Mỹ đã lập tức đả kích S&P là công ty này đã tính lầm đến 2.000 tỷ đô la nên chẳng có thầm quyền gì phê phán ai cả ! Đầu đuôi câu chuyện ra sao mà lại có những tin như vậy, thưa anh ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là đòn phép chính trị của chính quyền Mỹ khi vừa bị một cái tát tai. Họ xì tin cho báo chí loan ra để gây ấn tượng xấu trong dư luận hầu gỡ cái nhục bị tát.

Sau vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ từ Tháng Chín năm 2008, chủ yếu là do những kén nợ có tài sản thế chấp gọi là CDO bị ung thối bên trong, mà ung thối cỡ nào thì chính các công ty lượng cấp tín dụng như S&P, Moody’s hay Fitch cũng không biết thì nhà chức trách Mỹ đã mở cuộc điều tra mà cho đến nay chưa biết kết quả.

Khi chính quyền xì tin cho báo chí về cuộc điều tra thì họ chỉ hâm nóng một chuyện xưa. Nhiều nhà đầu tư Mỹ theo dõi vụ này thì gọi đó là “đòn Chicago”, hay thủ đoạn của Mafia, khi bị một dao thì ta chơi súng! Mà Chicago là bản doanh của Tổng thống Obama! Người khác thì nhắc đến việc Richard Nixon cho Sở thuế Liên bang điều tra các đối thủ chính trị của mình. Kết luận là trò bẩn đó không làm rạng danh nền dân chủ Mỹ.

RFI: Còn sự sai lầm đến hai ngàn tỷ của S&P do bộ Ngân khố Mỹ nêu ra khi phản bác quyết định hạ điểm tín dụng của công ty này ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một trò khác của bộ Ngân khố với cả chục lần nhắc đến chữ “lầm lẫn” trong một thông báo có 550 từ, nhằm gây ấn tượng xấu về đối thủ, chỉ vì họ coi S&P là đối thủ !

Khi dự đoán tình hình công chi thu trong tương lai, người ta phải nêu ra một số giả thuyết, tạm gọi là “kịch bản gốc” rồi từ đó mới làm việc dự phóng. S&P dự đoán tương lai trong năm ba năm tới và sai lầm là không dùng kịch bản gốc cho 10 năm tới của cơ quan độc lập của Quốc hội Mỹ là CBO mà lấy một kịch bản về thuế khóa khác cũng của CBO.

Sự khác biệt giữa hai giả thuyết là đà gia tăng dự trù hàng năm của một số khoản chi trong 10 năm tới, là 5% thay vì 2,5% như theo đạo luật hiện hành. Sai biệt trong 10 năm thì lên đến hai ngàn tỷ, nhưng chỉ là 0,8% của Tổng sản lượng thôi. Trưa 08/08 vừa rồi, khi được biết như vậy thì S&P đã điều chỉnh mà vẫn duy trì quyết định hạ điểm nên mới làm bộ Ngân khố nổi điên.

Thật ra thì về chuyên môn, những sai lạc trong dự phóng dài hạn là điều khá bình thường và đối tượng mà công ty S&P chú ý không chỉ là con số mà là phong cách đánh bùn sang ao của chính quyền Mỹ khi trì hoãn giải quyết nạn bội chi quá lớn. Trong cuộc phỏng vấn của RFI ngày 26/4/2011, khi S&P đã hạ điểm tín dụng xuống hạng “AAA Tiêu cực”, tôi có nói đến hiện tượng đánh bùn sang ao này. Quả nhiên là nó đã xảy ra !

RFI: Bây giờ ta nói về chức năng của các công ty thẩm định này, họ có ảnh hưởng ra sao? Có khi nào mất uy tín khi bị các chính quyền chỉ trích không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Họ bị chỉ trích về cả chục vấn đề khác nhau mà kể ra không hết được ! Họ thẩm định quá chậm, quá lạc quan hoặc quá bi quan, họ bị mất tính khách quan vì có thể vừa chấm điểm cho thí sinh vừa ăn tiền trong việc giới thiệu thí sinh cho thị trường, họ có ảnh hưởng quá lớn và gieo họa cho giới đầu tư vì gây hốt hoảng v.v… Họ bị chỉ trích là đúng và thực tế thì cũng bị đào thải rất nặng nếu sai lầm, là điều đã thấy qua hai vụ khủng hoảng 2002 và 2008.

Về chức năng thì đó là các công ty thẩm định giá trị trái phiếu -là giấy nợ- để giúp người phát hành trái phiếu đi vay tiền, giúp người có tiền cho vay thì biết chọn mặt mà gửi vàng, giúp các tay trung gian môi giới biết tung trái phiếu ra thị trường theo cách có lợi nhất. Đó là một chức năng thông tin rất cần cho thị trường và vì vậy mà xuất hiện từ 150 năm nay, loại công ty này vẫn tồn tại và có ảnh hưởng.

Thứ nữa, chính các cơ quan hữu trách như Ủy ban Thanh tra Ngân hàng gọi là Comité de Bâle hay Basel Committee và ủy ban kiểm soát giao dịch chứng khoán Mỹ SEC còn yêu cầu các ngân hàng dùng cách chấm điểm của loại công ty thẩm định được công nhận để định giá tài sản. Sau vụ khủng hoảng 2002 khi các doanh nghiệp gian lận vẫn được điểm tốt trước khi sụp đổ, Quốc hội Mỹ ra luật mới và đòi SEC điều tra và xác định tiêu chuẩn thẩn định cho các công ty này. Ủy ban SEC cần các công ty này nên cũng cần giám sát khả năng thẩm định của họ.

Thứ ba, khi hiện tượng toàn cầu hóa lan rộng vào lĩnh vực tài chính từ những năm 1990 về sau ta thấy ra ảnh hưởng của các công ty này trên luồng tư bản toàn cầu. Thế giới có hơn một chục công ty như vậy thì hai đại gia của Mỹ là S&P và Moody’s chiếm 40% thị phần các thị trường trái phiếu toàn cầu. Công ty thứ ba là Fitch, một liên doanh của Pháp với một doanh nghiệp trên đảo Chypre thì chiếm 14% thị phần. Còn lại 6% thì chia cho cả thế giới ! Muốn tránh trình độ tập trung và mở rộng cho các cơ sở khác tham dự thì người ta lại sợ phẩm chất kém về nghiệp vụ.

RFI: Câu chuyện ấy dẫn ta đến công ty thẩm định Trung Quốc gọi là Dagong hay Đại Công. Năm ngoái thì Đại Công đánh sụt hạng tín dụng của Mỹ nhưng lại chấm điểm rất cao bộ Hỏa xa của Trung Quốc trước khi bộ này bị khủng hoảng vì tai nạn xe lửa cao tốc xảy ra tại Liêu Ninh. Giới chuyên môn đánh giá công ty thẩn định này ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Đó là công cụ của một nhà nước gian manh, không hơn không kém !

Ủy ban SEC không cho Đại Công vào loại “Tổ chức Lượng định Thống kê Được Công nhận trên Toàn quốc”. Đã thế, tháng trước, đại diện SEC còn qua Bắc Kinh nêu vấn đề về các công ty kiểm toán Bắc Kinh đã giám định sai lạc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lẻn vào sân sau của thị trường chứng khoán Mỹ.

Họ đòi tìm vào sổ sách tận gốc thì được phía Bắc Kinh trả lời rằng kế toán ấy là bí mật quốc gia ! Bắc Kinh nói chuyện chấm điểm thiên hạ thì cũng như khỉ đội mũ để đi chấm điểm hoa hậu.

RFI: Một câu hỏi rất chuyên môn thưa anh. Vì sao mỗi cơ quan lại có một cách tính điểm khác, như S&P thì hạ điểm Mỹ trong khi Moody’s và Fitch thì vẫn cho trái phiếu Mỹ được điểm AAA?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Cách cho điểm thật ra cũng chỉ có chừng 20 bậc cao thấp về hai loại ngắn hạn và dài hạn; cách chấm điểm thì có khác nhau tùy theo trọng tâm chú ý. Có thể là vì hai công ty Moody’s và Fitch chú ý đến rủi ro tín dụng và ngoại hối của Mỹ và thấy Hoa Kỳ không thể vỡ nợ như thiên hạ đồn đại. Trong khi S&P lại nhấn mạnh đến tiến trình quyết định chính trị, tức là rủi ro chính trị trong lâu dài nếu chính quyền Mỹ không giải quyết nạn bội chi tận gốc rễ. Cũng có thể là hai công ty kia không muốn gây hấn nên tránh lên lưới trực tiếp phê phán lãnh đạo Hoa Kỳ và quả nhiên là họ không bị chiếu cố và điều tra !

RFI: Nhìn từ Âu Châu, dư luận có thể cho rằng các đại gia của Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng và sự phê phán của các công ty thẩm định tín dụng Mỹ gây thêm khó khăn cho các chính quyền Âu Châu khi phải giải quyết vụ khủng hoảng của đồng Euro hiện nay. Theo nhận xét của anh thì liệu có khi nào mà các cơ quan thẩm định này trở thành công cụ cho trận chiến kinh tế thương mại giữa các nước không ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng không vì bản chất của loại doanh nghiệp ấy là toàn cầu, họ không có quốc tịch – trừ nơi trả thuế – và chỉ có sự liên đới với thị trường ! Chính là các chính quyền mới hay dồn trách nhiệm cho họ khi giải quyết không xong những vấn đề của quốc gia.

Một thí dụ cụ thể là hệ thống Crédit Agricole và BNP Paribas của Pháp hiện nhận ký thác hơn một ngàn tỷ Euro của công chúng và quản lý một lượng tài sản là 2.500 tỷ Euro, bằng Tổng sản lượng cả nước. Đó mới chỉ là hai ngân hàng Pháp thôi, chưa nói đến các ngân hàng khác, của nước khác.

Khác với Mỹ, các ngân hàng này thực hiện việc kinh doanh theo chính sách nhà nước và có thể bị nguy cơ sụp đổ với tai họa sẽ lan qua nhiều xứ khác, kể cả Hoa Kỳ hay Anh, Đức. Vì vậy nên nếu có công ty thẩm định nào moi ra chuyện, hoặc gây hốt hoảng khiến dân chúng rút tiền khỏi ngân hàng, thì chẳng ai có lợi và họ rất thận trọng với lời báo động. Thói thường ai ai cũng cần được báo trước chuyện xấu để tránh, nhưng chẳng ai ưa những kẻ báo tin buồn !

RFI: Xin cảm ơn anh Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

0 comments:

Powered By Blogger