Những nẻo đuờng Việt Nam hôm nay lại đang tràn đầy chông gai, đầy khổ nạn nếu một ngày gần đây phải oằn lên dưới sức giầy xéo của những bước chân xâm lược. Khi đó thì ý nghĩa của lời ca “Đoàn quân Việt nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang tên đường gập ghềnh xa..” và “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…” liệu có còn kịp nữa hay không?
Ông bà mình xưa hay nói “con giun xéo mãi thì nó cũng phải oằn mình”. Cũng vậy, thời nay người ta hay dùng chữ bức xúc để nói đến một cái tình trạng hay tâm trạng nào đó mà bị dồn nén, căng thảng đến cực điểm là chỉ chờ bung ra. Đó là tình trạng hiện nay của xã hội Việt Nam đang bị nạn ngoại xâm đe doạ trước mắt; đó là tâm trạng của trên tám chục triệu người Việt Nam đang sống trong nỗi sợ bị mất nước, bị vong thân khi nhìn rõ mồn một chính quyền cộng sản Tầu càng ngày càng lấn lướt, càng lộng hành với Việt Nam.
Vì vậy mà từ Bắc chí Nam mới có những cuộc biểu tình.
Có điều, biểu tình là gì mà nhà cầm quyền đương nhiệm Việt Nam lại cấm đoán và thẳng tay đàn áp, vạn nhất đó lại là những cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lăng, chống ngọai bang ngang ngược khiến người dân hoang mang và dư luận quốc tế đặt dấu hỏi về cái nguyên lý bất biến xưa nay của bất kỳ một chính quyền nào trong tinh thần bảo toàn lãnh thổ và bảo vệ quốc gia dân tộc. Bởi vì, không một người lãnh đạo quốc gia nào thực sự yêu nước, thương dân mà lại mong cái ách ngoại bang tròng vào cổ mình và dân mình cả.
Theo nguyên gốc, ý nghĩa của hai chữ biểu tình chỉ lả những cuộc tụ họp của dân chúng, bất kể là bao nhiêu người, muốn cùng nhau biểu thị ẩn tình và ý nguyện chung. Nếu họp nhau rồi cùng diễn hành trên các ngả đuờng với những nguyện vọng đuợc viết lên thành biểu ngữ hay cùng nhau hô vang những lời lẽ gọi là khẩu hiệu thì đó là biểu tình tuần hành; còn chỉ đứng tại một nơi thì là biểu tình tại chỗ; nhưng đã là muốn tỏ bày một nguyện vọng chung thì thường khi người ta lại muốn cùng nhau đi trên một lộ trình nào đó, vừa là để cho nhiều người, nhiều nơi ghi nhận ý nguyện của mình, vừa là cho thêm khí thế.
Tuy nhiên, biểu tình không phải là phương pháp chỉ dành cho người dân muốn biểu tỏ nguyện vọng và lại càng không phải là hành vi muốn phá rối trị an hay gì gì khác nên đối với những nước dân chủ thì thường chính quyền không bao giờ sợ biểu tình hay đàn áp biểu tình cả.
Ngoài ra, cũng lắm khi và nhiều cách, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính nhà cầm quyền khi cần cũng tổ chức cho dân chúng, cho một số đoàn ngũ nào đó biểu tình để phô trương thanh thế hay biểu dương lực lượng…
Ý nghĩa của hai chữ biểu tình là thế. Và cho dù là dân tỏ bày nguyện vọng hay chính phủ biểu dương lực luợng và phô trương quyền lực thì cũng là một trong những phương cách chính đáng để nếu là dân biểu tình thì chính quyền cũng biết đuợc ý nguyện của họ, còn nếu là chính quyền biểu dương lực lượng thì để toàn dân và thế giới nhận ra đuợc ý lực của chính quyền đó mà lên tinh thần hay “bắt” đuợc quan điểm nào đó.
Vì vậy mà đối với các nước đang vận hành guồng máy chính trị theo mô hình một xã hội dân sự thì họ công nhận biểu tình là quyền của người dân, ngay cả khi việc biểu tình có mang cả mục đích đòi hỏi hoặc phản đối một vài điều nào đó trong chính sách của chính phủ nếu như quyền lợi của tuyệt đại đa số dân chúng bị vi phạm.
Gần đây, kể từ khi nhà cầm quyền Bắc kinh tăng thêm sức ép với Việt Nam về lãnh hải thì người Việt Nam, từ bá tánh bình dân đến trí thức, sĩ phu và các nhà tu hành đã vô cùng quan ngại về nguy cơ đất nước sắp bị tái diễn một thời đại Bắc thuộc kiểu mới, nên họ lo âu, họ bị bức xúc và họ không biết làm sao hơn ngoài việc cùng nhau biểu tình, cùng nhau tỏ bày những trăn trở cho mọi giới đồng bào cảnh giác như một thái độ sẵn sàng đoàn kết sau lưng những người lãnh đạo để chuẩn bị chống ngoại xâm khi cần. Vì với kinh nghiệm còn rành rành trong lịch sử, không một người Việt Nam nào có quyền quên đi một quá khứ dài đằng đẵng hằng ngàn năm sống đưới ách đô hộ của người Tầu, một kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam. Một kẻ thù tham lam, tàn ác mà bất kỳ triều đại vua chúa hay tập đoàn lãnh đạo nào thì cũng thường xuyên lăm le nhòm ngó đất nước mình.
George Santayana, một triết gia Mỹ có câu nói để đời là “Những ai không học các bài học từ lịch sử thì sẽ bị cái thảm hoạ tái diễn nó”(Those who do not learn from history are doomed to repeat it). Người Việt chúng ta có quá nhiều bài học với cái nuớc lân bang phương Bắc này. Từ những giai đoạn bị đô hộ đến những trang lịch sử oai hùng chống lại cái thế lực đô hộ đó. Thế mà hình như vẫn còn nhiều người chưa học.
Vào những thế kỷ đầu của giai đoạn lập quốc và chưa phát triển, người Tầu ỷ mạnh hiếp yếu bao phen thì có bây nhiêu anh hùng, liệt nữ khẳng khái đứng lên kháng cự như Hai Bà Trưng đuổi thái thú Tô Định; Bà Triệu chống lại thế lực của Lục Dận; Ngô Quyền xua quân Nam Hán; Lý Thường Kiệt thắng quân nhà Tống; Hưng Đạo Vương đại phá quân Nguyên; Lê Lợi bình định giặc Minh và vua Tây sơn Nguyễn Huệ phá tan mộng xâm lấn của nhà Thanh…đều cho chúng ta những bài học chống ngoại xâm đáng kiêu hãnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó lại cũng còn những bài học cần đọc kỹ hơn và suy cho thấu hơn. Đó là đám hoàng tộc nhà Trần như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên và phe nhóm cũng chỉ vì tham vọng và cái bả vinh hoa mà cam tâm hàng giặc. Trần Di Ái thì đi sứ rồi núp bóng Sài Thung tưởng về làm An nam Quốc vương, còn Trần Ích Tắc, Trần Tú Viên theo hàng Thoát Hoan để về Tầu chịu núp bóng Hốt Tất Liệt. Rồi sau này đến Lê Chiêu Thống cũng chỉ vì muốn củng cố điạ vị mà làm cái việc ông bà mình gọi là ruớc voi về giầy mồ cho nhà Thanh có cớ kéo binh sang chiếm nước ta.
Nếu nói rằng chuyện lịch sử về những thời gian xâm lăng và đô hộ từ quá khứ xa xưa mà tổ tiên chúng ta đã bao phen khổ công đánh giẹp chỉ là lịch sử nên người thời nay không cảm nghiệm đuợc, thì cũng có một bài học mới đây còn chưa khô mực là cuộc chiến tranh khốc liệt tại biên giới Hoa Việt xẩy ra vào năm 1979 với câu nói xấc xược của Đặng Tiểu Bình là để “dạy cho Việt Nam một bài học” ngay khi hai nhà nước cộng sản vẫn còn xem nặng tình nghĩa “như môi với răng”. Thiết tưởng nhiêu đó cũng đã đủ để chúng ta nhìn ra dã tâm của tập đoàn đế quốc này; đủ để nhìn ra cái gì goị là “chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa “Sô-vanh nuớc lớn”; nhìn ra cái thế cheo leo của đất nước hiện nay khi chúng ta đã mất hải đảo Hoàng sa, Trường sa tức là mất quyền kiểm soát hải phận của mình; đã bị cắt xén đất đai vùng biên giới phần ải Nam Quan, suối Phi Khanh, thác Bản Giốc; đã bị kề sung ngay cạnh sườn ở Tây Nguyên với một miền đất rộng lớn bị khoanh vùng để khai thác bauxite…Như vậy đã là quá đủ. Đủ cho toàn dân nhìn ra rồi. Vì vậy mới có những cuộc biểu tình ở Hà Nội, ở Sài Gòn như là tín hiệu, là di sản của tổ tiên về truyền thống chống ngoại xâm đang hoạt động trong tâm hồn những người con cháu Việt Nam.
Nhìn hình ảnh những người dân đi biểu tình, người ta nhớ đến câu hát mở đầu bài “Những nẻo đuờng Việt Nam” của nhạc sĩ Thanh Bình mà người viết đã mượn làm tựa đề cho bài này. “Những nẻo đuờng Việt Nam suốt từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan…” mà giờ đây đã tắc nghẽn, nhưng trong nỗi ngậm ngùi này thì chắc chắn chúng ta cần nghĩ đến nhiệm vụ phải nối thẳng lại cái chiều dài này bằng chính chúng ta. Lời ca Diên hồng đã vang lên “Toàn dân nghe chăng …sơn hà nguy biến…” và đã có những người nghe đuợc, nhìn ra đuợc là những người đang mạnh dạn cất lên tiếng nói vừa hùng tráng, vừa bi thương.
Trong cuộc biểu tình ngày 14-8 vừa qua, bên cạnh những khuôn mặt đáng kể như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Hồng Kiên, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, nguời ta còn đọc đuợc khầu hiệu “Không sợ sự đe doạ của kẻ ác, chỉ sợ sự thờ ơ vô cảm của người lương thiện” trên tay một người tham dự và “Tổ quốc lâm nguy xin đừng vô cảm”…Hai chữ “vô cảm” ở đây cùng một lúc phải hiểu là lời nhắn gửi thiết tha, lời trách móc thống thiết mà cũng còn có chút khinh thị đến bất kỳ ai chưa chối bỏ nguồn cội mình trong ý nghĩa cao đẹp thoát thai từ huyền sử một bọc trăm trứng để Việt Nam là một quốc gia duy nhất trên thế giới có được hai chữ “đồng bào” vì cùng chung một bọc sinh ra.
Hai chữ “vô cảm” này hôm nay cũng nhắc nhớ đến lời hịch khi xưa, cũng vì thấy trước cảnh quốc phá gia vong mà nhiều người vẫn thờ ơ nên Đức Trần Hưng Đạo đã phải “bức xúc” mà than rằng:…“nay các người trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn…hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thù vế vuờn ruộng, hoặc nghĩ vê lợi riêng mà quên việc nước…Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù…khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù…” (Hưng Đạo Vương – Bài hịch tướng sĩ). Hai chữ “vô cảm” nặng như thế đấy và đau như thế đấy.
Còn nữa, khi một trăm trứng từ bọc chui ra làm người Việt Nam thì chưa có giáo thuyết này, chủ nghĩa nọ mà chỉ có cái đạo làm người, cái lý làm con dân đất mẹ Việt Nam cho nên Phật tử thì cũng là người Việt, giáo dân thì cũng là dân Nam…cho nên nước mất thì chùa tan, thì nhà thờ đổ là chuyện chẳng lẽ các đại đức, thượng toạ, hoà thượng không nghĩ ra; các thầy, các cha, các giám mục chưa suy đến?
Riêng với hai chữ Công giáo thì …vào năm 1987, một Thượng Hội đồng Giám mục họp tại Rô-ma để thảo luận về ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo hội và giữa trần thế. Những kết luận của Thượng Hội đồng đã được Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh lại trong Tông huấn Christi Fideles Laici: “Việc khám phá và thực hiện ơn gọi và sứ mệnh của mình đòi hỏi người giáo dân phải được đào tạo để sống sự hợp nhất khi vừa là phần tử của Giáo hội, vừa là công dân của xã hội trần thế. Sự hợp nhất đó nằm ngay trong bản tính của họ. Trong cuộc đời họ không thể có hai cách sống song song. Một bên là cuộc sống ta gọi là “siêu nhiên” với những giá trị và đòi hỏi của nó; còn bên kia là cuộc sống “trần tục”, nghĩa là cuộc sống của gia đình, nghề nghiệp, tương quan xã hội, dấn thân chính trị, sinh hoạt văn hóa. Nhánh nho ghép vào cây nho Chúa Ki-tô mang lại hoa trái trong mọi lãnh vực sinh hoạt của đời sống” (59).
Như vậy, hiển nhiên không phải là Giáo hội cấm cản người giáo dân thi hành trách vụ ngôn sứ của mình; cũng không phải là Giáo hội không đặt rõ hướng đi mà là tất cả chúng ta đã thiếu sót vô cùng trong chức năng của mình khi chỉ “theo đạo” mà không “sống đạo”; chỉ giảng đạo mà không hành đạo thì có khác gì tự đặt mình xa lìa với đường hướng của Giáo hội và lẩn trốn sứ mạng tông đồ của mình.
Nếu khi một giáo sĩ, linh mục hay tu sĩ đặt bút ký tên vào một kháng thư chống đàn áp, bất công và bạo lực hoặc đến tham dự một buổi cầu nguyện cho tự do và dân chủ của đất nước cùng với đồng bào mình và các tôn giáo bạn là phạm luật Giáo hội cấm làm chính trị thì tại sao chính Đức đương kim Giáo hoàng lại khẳng định: “Giáo hội phải nói lên cái xấu và cái nguy của thời đại; phải nhắc nhở lương tâm những kẻ có quyền, cả những người trí thức và cả những kẻ thờ ơ, hẹp hòi trước những nỗi thống khổ của thời đại.. Lời Chúa trong Kinh Thánh và những lời của các giáo phụ như vang lên trong đầu tôi, kết án nặng nề những mục tử nào làm chó câm để tránh bị phiền toái và vì thế để cho nọc độc lan tràn. Im lặng không phải là bổn phận hàng đầu của người công dân và riêng tôi, tôi kinh sợ cảnh một giám mục chỉ biết an phận, chỉ lo làm sao để tránh phiền phức và lấp liếm xung đột (Muối cho đời, trang 85).
Những lời này hôm nay đang đồng nghĩa với nhóm chữ sự thờ ơ vô cảm của người lương thiện trong biểu ngữ ở trên.
Tóm lại, những nẻo đuờng Việt Nam hôm nay lại đang tràn đầy chông gai, đầy khổ nạn nếu một ngày gần đây phải oằn lên dưới sức giầy xéo của những bước chân xâm lược. Khi đó thì ý nghĩa của lời ca “Đoàn quân Việt nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang tên đường gập ghềnh xa..” và “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…” liệu có còn kịp nữa hay không?
23/8/2011
Phạm Minh Tâm
0 comments:
Post a Comment