Nguyễn Thế Duyên
Theo: Vietnamthuquan
-
(Bài viết này viết để riêng tặng một người thích thơ Nguyễn Bính).
Tôi không hiểu vì sao mà trong cuốn “Thi nhân Việt nam” Hoài Thanh lại xếp vị trí của Nguyễn Bính quá ư khiêm tốn, gần cuối quyển sách. Và lời giới thiệu về ông cũng quá ư sơ sài? Có lẽ tại khi Hoài thanh viết cuốn này là lúc phong trào thơ mới đang dâng cao như những đợt sóngdữ dội của một cơn bão biển. Nó cuốn phăng đi tất cả những gì gọi là xưa cũ như thơ Đường, thể văn biền ngẫu và cả cái hồn quê chân chất những câu ca dao mộc mạc thấm đẫm tình người chăng?
Giữa thời buổi văn học trì trệ, im ắng, đọc ở đâu cũng chỉ thấy những bài thơ Đường cũ nát, sáo rỗng với một lớp trí thức đang hình thành nhỏ bé và cô đơn thì những câu thơ như “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người”.
Hay:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.
Chẳng khác gì tiếng nổ của những trái bộc phá. Nó phá tan đi những gì xưa cũ trong tiếng reo hò của một tầng lớp tiểu tư sản thành thị mới hình thành đang muốn tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội thì cái tiếng thầm thì đầy gợi cảm của Nguyễn Bính bị chìm lấp đi cũng chẳng có gì là khó hiểu. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã phải viết:
“Dầu sao, những tính tình, tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôicuốn ta, nên ở mỗi chúng ta cái người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi” .
Nhưng rồi thời gian trôi đi, cái xưa cũ đã bị phá hết, những tiếng bộc phá vang trời không còn nữa, con người căng người ra đánh vật với sự mưu sinh, đầu óc quay cuồng với bao nhiêu tính toán, lo nghĩ. Đêm về, nằm vật xuống chiếc giường nhắm mắt lại cố giành cho mình một chút yên tĩnh để thư giãn thì từ đâu đó trong tiềm thức một tiếng thơ thì thầm như một dòng suối nhỏ trong mát róc rách tuôn chảy trong hồn:
Nhà anh có một giàn trầu
Nhà em có một rặng cau Liên phòng
Thôn đoài thì nhớ thôn đông
Cau Liên phòng nhớ trầu không thôn nào.
Đấy mới chính là lúc thơ Nguyễn Bính lên tiếng. Hóa ra cái anh chàng nhà quê trong mỗi chúng ta mà có lúc Hoài Thanh đã tưởng rằng đã chết chưa bao giờ chết cả và chẳng bao giờ chết vì anh ta là hiện thân của tâm hồn Việt trong mỗi một người Việt chúng ta. Đừng bao giờ nghĩ từ “Nhà quê” là bao hàm của cây đa, giếng nước, một cánh đồng lặng cánh cò bay bởi vì nếu nghĩ như thế thì rồi sẽ đến lúc tâm hồn Việt trong mỗi chúng ta sẽ chết. Sẽ đến lúc cây đa không còn nữa, giếng nước không còn nữa, dậu mồng tơi sẽ được thay thế bằng những bức tường.. Hãy nghĩ đến hai từ “Nhà quê” với người đàn bà một nắng hai sương chung thủy chờ chồng mà hóa thành tượng đá. Hãy gắn từ nhà quê với một anh chàng hiền lành chăm chỉ mà tâm hồn bao la, bát ngát như những cánh đồng. Cái hồn Việt lạ lắm, kì diệu lắm mà trong chúng ta, những người Việt, không phải ai cũng nhận ra. Tuy không nhận ra, nhưng thẳm sâu trong tâm thức mỗi người nó vẫn sống cho dù thực tế cuộc đời có thay đổi đến thế nào đi nữa. Và Nguyễn Bính là người đã nhận ra, đã chỉ cho chúng ta thấy thế nào là hồn Việt:
Hồn em như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo anh.
Cả bài thơ có đúng hai câu. Nếu thoáng đọc ta chẳng thấy gì cả. Nhưng hãy lắng lại vài phút và suy nghĩ. Một cô gái được ví với một loài hoa cỏ không hương, không sắc, bình thường ta không hề để ý đến nàng. Thậm chí có thể ta không có khái niệm nàng có tồn tại ở trên đời. Nhưng rồi có một ngày ta gặp hoạn nạn, một buổi chiều cả gió, ta bỗng nhận ra rằng ta đã được sống trong tình yêu thắm thiết mà nhẹ nhàng, mãnh liệt mà kín đáo của nàng. Hồn Việt đấy! Gái Việt đấy!
Ai cũng bảo thơ Nguyễn Bính thấm đẫm chất ca dao, tôi không cho là như vậy. Nếu có chăng thì thơ Nguyễn Bính chỉ khoác một cái áo của ca dao mà thôi. Trong thơ ông hình ảnh làng quê bến nước, con đò, thôn đoài, thôn đông luôn luôn hiện lên khiến người ta lầm tưởng. Cũng có thể cái giọng thơ trong sáng, mượt mà khiến người đọc nhiều khi tưởng nhầm rằng mình đang đọc một câu ca dao. Không phải thế! Thơ Nguyễn Bính là thơ đích thực.Thơ Nguyễn Bính vừa sâu lắng, vừa tinh tế. Nằm sâu bên trong những hình ảnh cây đa bến nước là những khám phá của nguyễn Bính về tâm hồn Việt Nam.
Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng trầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh.
Cô gái trách chàng trai sao vội vàng vậy? Nhưng chính cô, cô còn vội vàng hơn. Các cụ ngày xưa thường nói “Vừa giập miếng trầu mà đã…” ý nói đến sự nhanh chóng thế mà cô gái của chúng ta “Chừng” giập miếng trầu. Phải hiểu chữ “Chừng” ấy như thế nào đây? Có thể miếng trầu chưa kịp giập mà cũng có thể miếng trầu đã giập lâu rồi. Nhà thơ không nói, cô gái không nói nhưng tất cả chúng ta đều hiểu. Với cô, thời gian để giập miếng trầu là đã quá lâu rồi. Thế mà cô vẫn bảo với chàng trai “vội vàng chi anh”. Cái hồn Việt trong cô gái việt là thế đấy. Mãnh liệt mà tinh tế. Nó còn tinh tế hơn, kín đáo hơn khi chúng ta đọc tiếp hai câu dưới:
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau.
“Với nhau” thật là tuyệt bút. Không phải là “yêu nhau”, “thương nhau” mà là “ với nhau” nhẹ nhàng, kín đáo và tinh tế. Tôi cứ nghĩ rằng mặc dù cô gái đã nói tránh đi rồi nhưng mặt cô gái vẫn cứ đỏ hồng lên e thẹn. Cái từ “với nhau” của thi nhân đã cho ta cái cảm giác đó .
Có nhiều người nghĩ, tình yêu mà đã kín đáo, nhẹ nhàng, sâu lắng thì làm sao tình yêu ấy có thể mãnh liệt được? Mà tình yêu đã mất đi sự mãnh liệt thì đâu còn là tình yêu. Không phải thế đâu. Tình yêu của cô gái Việt mãnh liệt lắm, nó mãnh liệt đến mức cô gái luôn luôn cảm thấy tình yêu của mình trở nên mong manh rất dễ đổ vỡ và cô sợ, cô lo lắng cho tình yêu của mình:
Ai làm gió cả đắt cau
Mấy hôm sương muối để trầu đổ non?
Một cơn gió nổi, một đêm sương sa, những lời thì thầm bàn tán của láng giềng cũng làm cô gái sợ. Đừng nghĩ theo cái lối nghĩ của người hiện đại chúng ta hiện nay “Cô gái không có niềm tin vào tình yêu” và cũng đừng nghĩ theo lối yêu bất cần đời mà tôi cũng không rõ đấy là tình yêu hay tình dục của đám thanh niên choai choai hiện nay vẫn yêu.
Hãy nghĩ đến nông thôn Việt nam của tám mươi năm về trước khi mà những cô gái không thể tự quyết định được số phận của chính mình thì mới thấy được ngọn lửa tình trong cô gái mãnh liệt đến nhường nào.
Cả một bài thơ chỉ có tám câu mà nói cho ta biết được cái hồn Việt trong những cô gái Việt. Không có một bài ca dao nào làm được thế mặc dù đọc lên ta vẫn thấy phảng phất một phong vị của ca dao và làng quê việt nam cũng phảng phất hiện lên với cây cau giàn trầu với vần thơ lục bát thân thuộc.
Không phải ai cũng cảm nhận được bài thơ như tôi đã trình bày với các bạn. Nhưng dù không cảm nhận được bài thơ sâu như thế thì người đọc vẫn bị bài thơ cuốn hút và người ta thuộc nó. Đấy chính là cái tài của Nguyễn Bính. Thuộc thơ ông có đủ các lớp người từ anh lái xe ôm đến những vị giáo sư khả kính. Hoài Thanh đã sai khi nhận định về Nguyễn Bính. Nếu là tôi, tôi sẽ kính cẩn đặt ông lên trang đầu của cuốn thi nhân Việt Nam vì tôi đoan chắc với các bạn rằng “ở Việt nam chỉ có ba nhà thơ mà thơ của họ được hầu hết các tầng lớp dân chúng đều thuộc, đó là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Bính”. Bản thân tôi cũng vào loại đọc nhiều nhưng tôi cũng phải xấu hổ để thú nhận với các bạn rằng tôi không thuộc toàn bộ bài thơ nào của các tác giả thơ mới. Tôi có thể thuộc những câu thơ hay của họ nhưng cả bài thì không. Với Nguyễn Bính thì khác, tôi thuộc toàn bộ rất nhiều bài thơ của ông.
Tôi chỉ dùng hai bài thơ ít được chú ý nhất mà không dùng bất cứ một bài thơ nào nổi tiếng của ông khi viết về ông là với dụng ý rằng, “ Với Nguyễn Bính, còn nhiều điều chúng ta phải suy ngẫm”.
Thơ của Nguyễn Bính cứ thầm lặng loang đi trong dân gian, nó tan vào trong lòng người và kết tinh ở đấy như một minh chứng mạnh mẽ về sự trường tồn của tâmhồn Việt .
Hà nội 12-8-2009
0 comments:
Post a Comment