Tuesday, August 23, 2011

Miếng ăn thời Phát Xít

Nguyễn Bá Chổi Trong khi người dân đói thịt đói rau, thèm khát tự do dân chủ công bằng thì lại bị bọn Phát Xít tiếp tục tọng vào mồm toàn bánh vẽ. Riêng những miếng ăn của chúng lại được dán cái nhãn “sở hữu toàn dân”, nhưng dân đụng vào là chết, ngay cả một mảnh đất để làm huyệt mộ từ di sản tổ tiên. Miếng ăn của chúng bây giờ là bê tông cầu đường, là rừng là biển, là quặng bôxít. Miếng ăn của chúng bây giờ là cả một giang sơn Việt Nam đang độc quyền đem bán dần...

*

Trong khi cha già Trần Giả Tiên “không có gì qúy hơn độc lập tự do” vào giai đoạn đất nước bị đô hộ giặc Tây, Bá tước Đờ Ba Le (Comte De Balais) lại nghiệm thấy rằng, dưới thời Phát Xít (1) mà dân tộc ông đang kinh quá kinh qua, “không có gì qúy hơn miếng ăn.” Miếng ăn ở đây, tùy từng giai đoạn, mỗi hoàn cảnh cụ thể mà biến thiên một cách tài tình và sáng tạo, từ cái vỏ củ khoai mì khi “thực khách” đói meo, đến giang sơn của một quốc gia khi “chính khách” no nê quyền lực.

Sau ngày đất nước bị chiếm đóng, Bá tước Đờ Ba Le dĩ nhiên không thoát khỏi số phận của hàng trăm ngàn người thuộc giai cấp qúy tộc khác. Bá tước khăn gói quả mướp với mười ngày lương thực theo lệnh truyền của Quân Quản, lên đường vào trại tập trung... học tập cải tạo.

Mười ngày là cái giá quá bèo cho bài học vở lòng của nền giáo dục mới, là “nói vậy mà không phải vậy”; mười ngày có thể là mười năm, mười lăm năm, hai mươi năm, ba mươi sáu năm hay hơn nữa. Riêng Bá tước Đờ Ba Le quất một mạch một phần-tư-thiên lần “mười ngày”.

Tự hào “xem con người là vốn quý” cho... công cụ sản xuất, chính quyền Phát Xít đã không để ai chết đói. Đức Giê Su khi xưa phán: “Người ta không chỉ sống bằng bánh, mà còn bằng lời Chúa Trời”. Bọn Phát Xít từng hô hoán “thằng Trời đứng xuống một bên...” há chẳng đủ thông minh ma mảnh để “hành”: người ta, không chỉ sống bằng gạo mà còn bằng... củ sắn/ mì.

Bá tước Đờ Ba Le cầm trên tay lần đầu tiên chén “cơm lạ”... không biết gọi là cơm độn khoai hay khoai độn cơm. Lòng Bá tước bổng dưng chùng xuống. Từng được thân mẫu nhắc nhở thuở còn bé mỗi lần làm rơi rớt hoặc bỏ phí cơm “hạt cơm là hạt ngọc trời cho; ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, ông biết qúy hạt cơm nhưng chưa hề biết thương hại nó, như hôm nay. Tội nghiệp nó quá, thân hình bé nhỏ trắng ngà trắng ngọc thế kia giờ phải cõng trên lưng những tảng “vật lạ” mặt mày đã lem luốc lại còn bốc mùi mốc thếch.

Chưa ăn mà Bá tước đã cảm thấy bao tử mình dị ứng với “vật lạ”. Loay hoay cầm đũa gạt vật lạ sang một bên để “kiếm manh cơm”, nhưng vật lạ cứ bám trết lấy cơm như đỉa đói sau này nó bám Bá Tước mỗi lần ông đi cấy luá hay nhổ cỏ ở Bầu Sen vùng đất có tên tiền định Tuy Phước nhưng thật vô phước cho ông phải đến đây "chọn nơi này làm quê hương Tù". Ông liếc nhìn sang những đồng môn bên cạnh để cầu cứu thì gặp quận công Rô Ru (2) đang một tay cầm chén cơm độn/độn cơm... lên ngang ngực, một tay nắm lại như cái súng lục, khẩy khẩy ngón trỏ lên “đầu” vật lạ, nói bằng giọng chán ngán: “Tao đã chạy mặt mày 20 năm nay; nào ngờ bây giờ mày lại đuổi kịp tao vô đây!”

“Từ Bắc vô Nam nối lại...”, Bá tước sực nhớ tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông khám phá ra một điều xưa nay chưa ai phát hiện: Ngoài thiên tài viết nhạc, họ Trịnh còn là thiên tài tiên tri. Tài tiên tri của nhạc sĩ nay nằm lồ lộ trên bài “Nối vòng tay lớn”. Sau ngày 30/4/1975,chẳng những con người “từ bắc vô nam nối vòng tay lớn”, mà cả củ mì củ sắn cũng từ Bắc vào nối từng khoanh to tổ chảng với hạt cơm Miền Nam; nhảy lên ngồi chò hỏ trong bát, trên mâm, với kiểu cách cực kỳ ngạo nghễ, lẫm liệt oai phong.

Bây giờ Bá Tước mới hiểu đúng nghĩa hai chữ “cách mạng” là đổi đời thực sự, chứ không phải ỡm ờ như kiểu xưa nay trong Miền Nam người ta cắt mạng anh em nhà Ngô Đình, hay “chỉnh lý”, hay “biểu dương lực lượng”, hoặc gọi theo tiếngTây tiếng U gì đó cho oai là “Cú đê ta” (Coup d’état). Đổi đời ở đây không phải là đổi đời khơi khơi, nhưng là đổi đời triệt để, đổi đời tận gốc.

Những cuộc “cách mạng thời ngụy” không đổi đời tận gốc, vì sau những “cắt mạng, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, hay cú đầu cú tai” gì đó, dân “Ngụy” vẫn tiếp tục phải ăn cơm trắng, có người còn gọi là “cơm tươi” như trong lời ca sĩ Khánh Ly hát nức nở "Bao giờ ăn được bát cơm tươi”.

Hầu tước Can Vin (3) chìa ra cái lon gô (nguyên là đựng sữa bột hiệu Guigoz thời Tiền Chiếm Đóng) mời Bá tước Ba Le, “Ông ăn thử, được lắm”. Đó là món vỏ củ khoai mì ngâm nước muối. Bá tước dật bắn mình: -- Chết cha, nghe nói thứ này người ta cũng không cho lợn ăn; sợ lợn chết, vì độc. Hầu tước Can Vin liền trấn an “khách mời” bằng cách đưa tay vào lon gô thộp một túm thực phẩm ông sáng chế bỏ vào mồm nhai sào sạo, nói: -- Tôi nhờ nó lâu nay đấy. Có sao đâu.

Thế là chỉ có Phát Xít mới giúp con người vượt qua sự sợ hãi để ăn được thứ mà thời chưa bị chiếm đóng, con lợn không dám ăn, con chó chẳng dám xực.

Ấy vậy mà Bá tước Đờ Ba Le và bạn “đồng liêu” có khi lại “an toàn thực phẩm” với thứ trư cụ khuyển cụ ( lợn sợ, chó sợ) kia hơn là tiêu chuẩn “mừng ngày lễ lớn". Chẳng hạn có những con cá nặng hai người khiêng ì ạch lúc mới lên vai từ trạm xe miệt dưới lên đổ hàng, nhưng càng đi càng nhẹ dần, và về đến trại thì chỉ còn trơ ra bộ xương và mùi thúi hoắc ám vào đầu tóc quần áo tả tơi; hoặc con bò ốm mua về giết thịt khi bổ ra thấy toàn giun to bằng ngón tay quợ quậy rồi bò ra lúc nhúc khắp thớ thịt... Nhưng không có nỗi thất vọng nào bằng chuyện con mễn hoá thành con thỏ.

Đó là một hôm, sau khi “vinh quang” (4) tìm và vác-- không phải Tìm và Diệt - hai chuyến củi của“một ngày như mọi ngày “... Chủ Nhật, từ rừng về, mọi người đang nhâm nhi thời gian rảnh hiếm hoi để “tu bổ” áo quần tơi tả, hay tự chế cái quần đùi từ cái bao cát cũ vừa tạu được, hay “cải thiện linh tinh”, thì bổng có tiếng la, “Con mển vào trong hàng rào”. Thế là tất cả nhào ra và vất vả lắm mới bắt được nó, rồi hồ hởi đưa xuống nhà bếp, “mở cờ trong bụng” chiều này thế nào cũng được ăn thịt rừng, thay vì nước mắm muối. Nhưng khi chiều đến, con mễn đã biến thành con thỏ nhảy sang nhà bếp của cán bộ trại, rồi sau đó hài cốt lại được bốc về để “tiện việc” khấu trừ vào khoản chi thực phẩm của... đám tù mỗi ngày được 0.42 BH Dollar tức bốn hào hai Đồng Bác Hồ.

Nói cho công bằng, không phải khi nào cán bộ Phát Xít canh ngục cũng dành ăn của tù. Thời gian được “biên chế” vào đội trồng rau, một hôm,.sau khi một mình Bá tước “vinh quang” xong chỉ tiêu hai trăm thùng nước gánh từ suối lên thì trời đổ mưa. Bọn bá tước gồm ba chàng ngự lâm ph...óng vào bụi trú mưa. Vừa đói vì tiêu chuẩn cho cả sáng và trưa là một chén cơm độn “xác không hồn’’ (do gạo mọt vì dự trữ kiểu gối đầu lâu ngày trong mật khu) cộng với một khúc khoai mì --có khi nuốt chưa khỏi cổ đã té lăn đùng vì trúng độc - lãnh một lần đã ăn một lúc cho tiện mồm mép răng cộ, trước “lúc trời vừa sáng”. Rét, vì mưa rừng về chiều cọng với cái bụng xẹp. Nghĩ rằng trời mưa tầm tả cán bộ quản giáo sẽ không “ra thăm”, ba chàng ngự lâm bèn bắt chước anh hùng Phan Văn Dót lấy thân che... mưa đốt lửa luộc mấy ngọn bí ngắt bỏ (cho cây đâm nhiều nhánh và ra hoa). “Miếng ngon” vừa “đưa tận miệng” nhưng chưa kịp “vào” thì bổng có tiếng quát: “Thằng kia, ai cho phép cải thiện ninh tinh”. Cán bộ bắt Bá tước đổ cái gô ngọn bí xuống đất rồi cán bộ chà chà dẫm dẫm giép râu lên, chứ không tịch thu như đã tịch thu thịt con mễn.

Phát Xít tịch thu thịt, bắt đổ rau; nhưng lại cho ăn ê hề bánh...vẽ. Không phải cho riêng bọn tù Bá tước Đờ Ba le, mà cho cả nước 85 triệu dân “vùng tạm chiếm”. To nhất là cái bánh vẽ Độc Lập Tự Do ngậm mấy chục năm, nhưng kể từ ngày 5/6/2011 đến nay, người dân bắt đầu nôn oẹ ra giữa đường phố Hà Nội, nhất là vào mỗi sáng ngày Chúa Nhật.

Trong khi người dân đói thịt đói rau, thèm khát tự do dân chủ công bằng thì lại bị bọn Phát Xít tiếp tục tọng vào mồm toàn bánh vẽ. Riêng những miếng ăn của chúng lại được dán cái nhãn “sở hữu toàn dân”, nhưng dân đụng vào là chết, ngay cả một mãnh đất để làm huyệt mộ từ di sản tổ tiên. Miếng ăn của chúng bây giờ là bê tông cầu đường, là rừng là biển, là quặng bôxít. Miếng ăn của chúng bây giờ là cả một giang sơn Việt Nam đang độc quyền đem bán dần.

Những vụ như hôi thịt của tù, cướp cơm chim của mấy người thương phế binh bại trận mà điển hình là tại chùa Liên Trì ở thành phố mang tên cha già Trần Giả Tiên, nhân lễ Vu Lan vừa rồi (5) chỉ là chuyện nhỏ, đối với bọn thảo khấu có trong tay quân đội, công an, hiế(p) pháp, bộ luật hành sự, lại còn được các nước trên thế giới công nhận, buôn bán toe toét vui; còn các tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, Ân Xá Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới v.v... đối với chị Phương Nga, chỉ là đồ bỏ.


______________________________________

Ghi Chú: (1) “ Quân phát xít”- lời của Nguyễn Chí Đức, người bị Đ/U CAND Minh đạp vào mặt trong cuộc BT chống TQ; (2) Rose Rouge : Hồng Điều, họ Lưu; (3) Kent Vin : Cảnh Vinh, Lê (4) Lao động là vinh quang;(5) http://newsgroups.derkeiler.com/Archive/Soc/soc.culture.vietnamese/2011-08/msg00214.html

0 comments:

Powered By Blogger