Tuesday, October 4, 2016

Từ Quỳnh Lưu 1956 đến Kỳ Anh 2016: Trách nhiệm của người Công Giáo đối với đất nước

Chim Biển (Danlambao) - Xung quanh thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung, rất nhiều người dân chịu ảnh hưởng, trong đó người Công Giáo tại huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất. 

Sau hơn 5 tháng, vụ việc đã vượt quá sức chịu đựng của người dân nơi đây. Chuyện gì đến cũng đã phải đến, sáng ngày 2/10/2016, hàng vạn giáo dân đã làm nên lịch sử khi đồng loạt đứng lên “công phá” thành trì khu tự trị Formosa.

Đây chính là lời cảnh cáo nghiêm khắc nhất của những người dân khi bị dồn ép đến đường cùng, đồng thời cũng là liều thuốc “thử” đối với nhà cầm quyền cộng sản VN khi vẫn đang quyết tâm bảo vệ thủ phạm gây ra thảm họa môi trường này. 

Hình ảnh công an, bộ đội, cảnh sát cơ động hoảng sợ, cởi áo, bỏ hàng ngũ tháo chạy, tiếp đến bức tường thành bảo vệ “khu tự trị” Fosmosa tại Vũng Áng đã được “trang hoàng” bằng những lá cờ hai màu trắng, vàng (đây là biểu tượng cờ hiệu của người công giáo trên toàn thế giới) đã thể hiện sự trỗi dậy của người dân khi quyền được sống của họ bị xâm hại nghiêm trọng.

Quỳnh Lưu 1956: Thảm hoạ búa liềm

Phải chăng nơi đây đang diễn ra cuộc chiến giữa người Công Giáo và lực lượng vũ trang của nhà cầm quyền cộng sản?

Sự kiện hàng ngàn người công giáo đoàn kết biểu tình ngày 02/10/2016 vừa qua được cho là cuộc biểu tình có qui mô lớn nhất từ sau cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào ngày 13/11/1956. Sơ lược đôi nét về cuộc nổi dậy thời ấy để phần nào nhìn thấy từ xưa tới nay, cộng sản luôn dùng mọi thủ đoạn để cai trị và sẵn sàng triệt hạ những người gây bất lợi cho chúng.

Sau chính sách cải cách ruộng đất đẫm máu do Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Bắc thực hiện, con số nạn nhân bị tàn sát trong cuộc thanh trừng đẫm máu này đã lên đến hơn 170 ngàn người. Trong số đó rất nhiều nạn nhân là giáo dân tại tỉnh Nghệ An, khu vực được xem là đỉnh điểm của cái chính sách diệt chủng khốn nạn mà Hồ Chí Minh và đồng bọn gây ra. 

Sau khi : 

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, 
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong, 
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng, 
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”.

Cộng sản VN đã đưa ra nghị quyết sửa sai của đảng về những đợt cải cách ruộng đất đẫm máu. Ngay sau đó các nạn nhân đã truy tìm những cán bộ, ủy viên thực hiện những cuộc đấu tố để trả thù. Tình trạng giết chóc lúc đó rất phức tạp khiến các đảng viên đi họp phải mang theo búa, đi làm phải mang theo liềm để phòng thân. Bên cạnh đó người dân Nghệ An đủ mọi thành phần đã mở đại hội nông dân để tố cáo chính sách cai trị tàn ác của chế độ cộng sản. Về phía người Công Giáo trong đại hội đã đưa ra những yêu cầu:

- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi những vị linh mục chánh sở và tất cả những vị giáo sĩ bị bắt bớ giam cầm,
- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi xác các vị linh mục đã bị hành quyết và của những vị đã bị thủ tiêu, 
- Yêu cầu trả lại những tài sản của địa phận, của thánh đường, của Ðức Mẹ đã bị chính quyền tịch thu hoăc xung công,
- Yêu cầu đền bồi thanh danh của các giáo sĩ đã bị nhục mạ và danh dự của các giáo hữu đã bị vu khống.

Sau đại hội, hơn 100 ngàn người Nghệ An đủ mọi thành phần đã xuống đường biểu tình, và dĩ nhiên Hồ Chí Minh đã không thể để cuộc biểu tình trở thành cuộc nổi dậy nguy hại cho đảng cộng sản, hắn đã đập tan cuộc khởi nghĩa này bằng những sư đoàn khát máu của hắn và kết quả là hơn 6000 nông dân đã can đảm hy sinh vì chính nghĩa, vì tự do và công lý.



Kỳ Anh, Hà Tĩnh 2016: Thảm hoạ Formosa

Quay trở lại lại vụ việc ngày 02/10/2016, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc biểu tình tại Formosa là do cộng sản tước đi quyền được sống của người dân nơi đây, người công giáo bị mất nơi thờ tự, mất nơi làm ăn sinh sống, trẻ em mất trường học, mất chỗ vui chơi (dân hyện Kỳ Anh bị giải tỏa di rời, nhà thờ Đông Yên bị đập bỏ), các linh mục thì bị nhục mạ, bị qui chụp là phản động.v.v... 

Trong thảm họa này không chỉ người công giáo bị ảnh hưởng mà tất cả, tất cả người dân cả nước đều phải chịu chung cảnh nơm nớp lo sợ. Sợ rằng những thứ mình ăn như cá mắm có bị nhiễm độc trong vùng “biển chết” hay không, sợ rằng ngày nào đó sẽ không còn cá biển, nước mắm sạch để ăn, sợ rằng biển đảo của VN sẽ chẳng còn ai canh giữ vì sống còn không được, canh giữ để làm gì, và cái sợ lớn nhất là một ngày không xa chúng ta không thể tự chủ, tự quyết vận mệnh của đất nước trước viễn cảnh ngoại xâm đô hộ. 

Vì sao dân số của VN hơn 90 triệu người (trừ thành phần đảng viên cộng sản) mà chỉ có khoảng hơn 10 ngàn người trong đó đại đa số là những người công giáo tham gia biểu tình phản đối nhà cầm quyền cộng sản bao che bảo vệ thủ phạm thảm họa môi trường biển? Phải chăng người công giáo được đào tạo để biểu tình, để phản động, để lật đổ chế độ và lên lắm quyền? 

Thưa rằng lịch sử Công Giáo VN từ cuối thế kỷ XVI, khi những vị thừa sai châu Âu truyền giáo, người Công Giáo luôn trải qua những thăng trầm bách hại, đã có rất nhiều cái chết vì can trường giữ vững Đức Tin, để hội thánh VN có được 117 vị thánh tử đạo. 

Thời kỳ cộng sản VN cầm quyền cho đến nay, nhiều lần người Công Giáo đã nếm trải những đau thương, đặc biệt sau biến cố 30/04/1975, vô số những cơ sở tôn giáo bị cộng sản, tịch thu, trưng dụng. Nhiều linh mục, tu sĩ bị bắt bớ tù tội, giáo dân thì được xem là công dân hạng hai. Người Công Giáo luôn âm thầm chịu đựng và luôn cầu nguyện cho quê hương, cho dân tộc và cho cả cộng sản, kẻ đã gây ra bao tang thương trên đất nước VN. Với truyền thống yêu chuộng Công Lý và Hòa Bình, những người Công Giáo, họ đã biểu tình với khát vọng bảo vệ môi trường sống của họ và của cả dân tộc, với mục đích đòi hỏi quyền được sống mà tạo hóa đã ban cho họ. 

Những mục đích chính trị có lẽ đó chỉ là luận điệu qui chụp của cộng sản nhằm hạ uy tín và sự ảnh hưởng của Công Giáo lên những người dân Việt vẫn đang ngày đêm khao khát quê hương mình được thật sự tự do, thật sự đáng sống. 

Về phía nhà cầm quyền cộng sản sẽ xử lý vấn đề người dân biểu tình mỗi ngày một đông ra sao? Liệu có xảy ra cuộc đàn áp bằng vũ lực như cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu 1965 hay không? 

Với tình trạng gần như vô chính phủ (trên bảo dưới không nghe) trong bộ máy cầm quyền hiện tại, hơn nữa là nội bộ đảng đang xảy ra những cuộc thanh toán tranh dành quyền lực, điều gì cũng có thể xảy ra.

Để tiếp tục đe doạ, khủng bố người dân và thâu tóm quyền lực về cho phe nhóm, liệu những kẻ vô thần cộng sản có dám ra tay đàn áp người Công Giáo hay không? Lịch sử đã chứng minh, các chế độ cộng sản luôn sẵn sàng hy sinh đồng bào, thậm chí đồng chí của mình vì lợi ích cá nhân mà mục tiêu tham quyền cố vị của chúng.

Đâu đó đã xuất hiện những luận điệu của DLV rằng "sao nhà nước không xử lý cái đám phản động này", rằng Giám mục Nguyễn Thái Hợp hay các Linh mục Đặng Hữu Nam, hay linh mục Trần Đình Lai là "những tên cầm đầu của một đám công giáo cực đoan", rằng "bị thế lực thù địch xúi dục, kích động để chống phá nhà nước"… 

Bất chấp những luận điệu đe doạ như trên, những người Công Giáo khi được hỏi có lo sợ bị đàn áp hay không? Họ đều dứt khoát đồng thanh trả lời rằng: không! Họ sẽ đi đến cùng để Công Lý được thực thi trên quê hương VN. 

Xin nhấn mạnh một điều rằng người Công giáo không làm chính trị, họ chỉ đòi hỏi những gì mà tạo hóa ban cho đang bị tước đoạt bởi những dự án mà nhà cầm quyền khi ký kết, bàn giao đã không hề quan tâm đến sự sống còn của họ. 

Họ biểu tình chỉ vì một lẽ đơn giản là họ cần được sống, cần được tôn trọng. 

Họ đang đơn độc trong công cuộc tranh đấu này, họ cần chúng ta dù không cùng tôn giáo, dù là nông dân, ngư dân, thành thị hay nông thôn. 

Hãy cùng họ, hãy nắm tay với họ để tạo thành quả đấm thép, đập tan những âm mưu, những thủ đoạn của những kẻ vì lợi ích bản thân mà bức hại đồng bào, bức hại môi trường và quê hương.

0 comments:

Powered By Blogger