Tuesday, October 4, 2016

Quan hệ Mỹ-Philippines : Washington phớt lờ lời lẽ của ông Duterte


AuthorTrọng NghĩaSourceRFIPosted on: 2016-10-04


Tướng John Jansen, chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ đọc diễn văn khai mạc tập trận PHILBLEX, Taguig city, Manila, 04/10/2016.REUTERS/Romeo Ranoco
Phải chăng Washington đang thực hiện sách lược bỏ ngoài tai những lời công kích đầy ác ý của tổng thống Philippines Duterte để tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Manila ? Câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra sau khi một số quan chức Mỹ cao cấp tỏ vẻ an tâm, khi cho rằng dù nói nhiều nhưng chưa thấy ông Duterte biến lời nói thành hành động cụ thể và giảm bớt hợp tác quân sự song phương.
Theo hãng tin Anh Reuters, hai quan chức Mỹ cao cấp vào hôm qua, 03/10/2016, chủ trương của giới chức Mỹ hiện nay là không nên kích động thêm tổng thống Philippines, không để cho ông có cớ nổi giận thêm, nhưng đồng thời tiếp tục công cuộc hợp tác quân sự cũng như hợp tác khác ở cấp thấp hơn, với các đối tác Philippines.
Một quan chức cao cấp đặc trách vùng Đông Nam Á so sánh ông Duterte với ửng cử viên đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump, cho rằng tổng thống Philippines « khao khát sự chú ý, và càng bị chú ý, ông ta càng trở nên thái quá. Tốt hơn hết là nên phớt lờ ông ấy đi ».
Hai quan chức Mỹ ghi nhận là trong khi ông Duterte từng công khai đề nghị là ông đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đuổi lực lượng đặc biệt Mỹ ra khỏi miền nam Philippines, và xét lại một hiệp ước quốc phòng đã ký hai năm trước đây, cho đến này, chưa thấy điều nào được thực hiện.
Còn các quan chức quân đội Mỹ cũng cho biết là họ đã biết rõ về những ý kiến của ông Duterte, nhưng các đối tác của Mỹ ở Philippines đã trấn an rằng công việc hợp tác vẫn tiến triển bình thường và « Không ai thực sự mất ngủ » vì những tuyên bố của vị tổng thống thô lỗ.
Hiện có khoảng 100 binh sĩ Hoa Kỳ ở thành phố Zamboanga ở miền Nam, thấp hơn nhiều so với lực lượng 1.200 quân hồi đầu. Phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết là chưa thấy bất kỳ kế hoạch nào về việc yêu cầu lính Mỹ rút đi.
Còn về Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Nâng Cao (EDCA), ký kết cách đây hai năm, cho phép quân đội Hoa Kỳ xây dựng trên lãnh thổ Philippines các cơ sở dùng cho vấn đề an ninh hàng hải và các hoạt động nhân đạo và cứu trợ, cứu nạn, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc khẳng định rằng EDCA là một thỏa thuận quốc tế, và Hoa Kỳ và Philippines bị luật pháp quốc tế ràng buộc.
Trích dẫn các văn bản của thỏa thuận, nhân vật này cho rằng hiệp định EDCA có một thời hạn ban đầu là 10 năm, sau đó hai bên có thể kết thúc với thông báo bằng văn bản trong một năm.
Philippines là một yếu tố quan trọng trong chính sách "tái cân bằng" của chính quyền Obama qua châu Á, cho nên Washington cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với Manila, bất chấp tính khí thất thường và những lời lẽ nhiều khi thô tục của vị tổng thống mới tại Philippines nhắm vào nước Mỹ.
Tuy nhiên, đối với giới lập pháp Mỹ, các hành động quá đáng của ông Duterte đã bắt đầu gây khó chịu. Philippines hiện là nước đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ của Hoa Kỳ, và hiện đứng thứ ba Châu Á trong danh sách nhận viện trợ quân sự của Mỹ, sau Afghanistan và Pakistan.
Hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng, Ben Cardin, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng viện, và Patrick Leahy, thuộc tiểu ban viện trợ nước ngoài, đòi Quốc Hội Mỹ xét lại chính sách đối với Philippines khi xem xét viện trợ cho năm tài chính hiện hành.
Dẫu sao thì một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên xác nhận rằng nỗi lo ngại trong chính quyền Obama về ông Duterte lớn nhiều so với những biểu hiện bên ngoài. Tuy nhiên, trong lãnh vực quốc phòng, Mỹ không lo lắm vì đã có phương án thay thế.
Viên chức này nêu lên ba hướng : Trung Tâm Hải Quân Khu Vực tại Singapore, các cơ sở huấn luyện tại Brunei, và khả năng sử dụng thường xuyên và dễ dàng hơn các quân cảng tại Việt Nam.

------
Tính khí khó lường của tổng thống Philippines làm giới đầu tư quan ngại
SourceRFIPosted on: 2016-10-03


Tổng thống Philippines Duterte trong cuộc họp báo tại phi trường quốc tế ở Davao sau khi từ Việt Nam trở về. Ảnh ngày 30/09/2016.Reuters
Philippines đang được coi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á. Thế nhưng cuộc chiến đẫm máu chống ma túy mà tân tổng thống nước này đang tiến hành, kèm theo là những lời lẽ dữ dằn, thô lỗ mà ông Rodrigo Duterte thốt ra để bảo vệ cho những điều ông làm đã khiến giới đầu tư ngoại quốc ngày càng quan ngại.
Điều mà giới đầu tư sợ nhất là sự bấp bênh, không rõ ràng và giới phân tích và kinh doanh khi trả lời hãng tin Mỹ AP ngày 02/10/2016, đã cho rằng chính các điểm mơ hồ trong chính sách của ông Duterte và những phát biểu thất thường của ông là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giới đầu tư nước ngoài bán bớt cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Philippines và đồng peso của nước này rơi xuống mức thấp nhất từ 7 năm qua, xóa tan tâm lý phấn khởi ban đầu sau khi ông nhậm chức tổng thống ngày 30 tháng 6.
Một số chuyên gia cho là tình trạng khó dự đoán tình hình đã làm cho nguồn đầu tư dài hạn của nước ngoài vào Philippines khựng lại. Hình ảnh và bài viết trên truyền thông báo chí về những nghi can buôn bán và sử dụng ma túy bị giết chết – hơn 3000 người từ ngày 01/07 đến nay - đã góp phần phá hủy niềm tin.
Guenter Taus, lãnh đạo Phòng Thương Mại Châu Âu tại Philippines nhận định : «Chúng tôi có thể đối phó với các rủi ro. Chúng tôi có thể đưa ra những biện pháp để dự phòng rủi ro... Nhưng tình trạng bất định là một yếu tố không được ưa thích trong kinh doanh, và đây chính là điều mà chúng tôi đang trải qua (tại Philippines) vì chúng tôi không biết mình đang đi về đâu. »
Ông Taus cho biết là nhiều tập đoàn từng muốn đầu tư vào hoạt động ở Philippines, nhưng hiện đã thay đổi ý định, muốn chờ xem điều gì sẽ diễn ra với ông Duterte. Tuy nhiên, nhân vật này đã từ chối không nói rõ đó là những tập đoàn nào. Đối với ông, do không nắm được tình hình ở Philippines, giới đầu tư có thể chọn nhìn sang các nước Đông Nam Á khác để thâm nhập thị trường chung của toàn vùng, bao gồm hơn 600 triệu dân.
Quan hệ khó khăn với đối tác phương Tây
Phòng Thương Mại Mỹ tại Philippines vào tháng 9 cũng nhận định là trong lúc nền tảng kinh tế cơ bản của quốc gia này rất mạnh, có tiềm năng cao, thì những mối quan ngại ngày càng tăng về đường lối cũng như tính khí của ông Duterte có thể tác động đến sự tin tưởng và lạc quan đã có từ lâu của giới kinh doanh Mỹ tại Philippines.
Theo Phòng Thương Mại Mỹ, số đông người bị hạ sát trong chiến dịch bài trừ ma túy đã làm xấu đi hình ảnh của Philippines và một số nhà đầu tư tự hỏi xem cuộc chiến chống ma túy có « bào mòn nhà nước pháp quyền » tại nước này hay không.
Ngoài ra, cũng theo Phòng Thương Mại Mỹ, quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Mỹ và Philippines cũng đã bị ảnh hưởng do phát biểu của lãnh đạo Philippines.
Vào tháng trước, trước khi đi dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Lào, nơi một cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được lên kế hoạch, ông Duterte đã sử dụng một từ tiếng Tagalog để gọi đồng nhiệm Mỹ là « đồ chó đẻ » khi tuyên bố với các phóng viên Philippines rằng ông sẽ không chấp nhận những lời chất vấn của ông Obama về các vụ giết chóc ngoài vòng pháp luật đã xảy ra trong chiến dịch bài trừ ma túy. Tổng thống Obama ngay sau đó đã hủy bỏ cuộc họp.
Sau khi Nghị Viện Châu Âu gần đây kêu gọi chấm dứt chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu ở Philippines và bày tỏ quan ngại trước số lượng nạn nhân bị giết hại, ông Duterte đã phản ứng với những lời thóa mạ dơ bẩn.
Các thông báo của ông Duterte cũng rất lôn xộn : tuần qua, ông thông báo chấm dứt các cuộc tập trận chung với Mỹ vào năm nay, nhưng ngoại trưởng Philippines sau đó cho là các cuộc thao diễn quân sự chung Mỹ-Philippines sẽ vẫn tiếp tục đến năm 2017 như đã thỏa thuận trước đây.
Tóm lại trên nhiều mặt, ông Duterte có một quan hệ không mấy dễ dàng với các nước phương Tây, kể cả với Mỹ, một quốc gia đồng minh quan trọng gắn bó với Philippines qua một hiệp định phòng thủ chung. Ông đã loan báo việc dự trù một đường lối ngoại giao không lệ thuộc vào Mỹ, và đã bắt đầu tăng cường quan hệ với Nga cũng như làm sống lại mối liên hệ với Trung Quốc, vốn đã xấu đi đáng kể dưới thời người tiền nhiệm của ông, cựu tổng thống Benigno Aquino, do vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ông Duterte khẳng định sẽ không cho phép lực lượng Philippines tuần tra hỗn hợp với nước ngoài trong vùng tranh chấp gần Biển Đông, mặc nhiên xóa bỏ một thỏa thuận giữa cựu tổng thống Aquino với Mỹ chỉ vài tháng trước đây. Ông còn nói là muốn quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines vì người Hồi Giáo ở đấy rất bực bội trước sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.
Tất cả những điều này đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Philippines, vốn đã đạt mức tăng trưởng 7% trong quý 2 năm nay, và 6,9% trong sáu tháng đầu năm so với cùng thời kỳ năm ngoái.- tức là thuộc loại nhanh nhất trong vùng.
Tình trạng đồng tiền tệ hại
Cơ quan thẩm định tài chính S&P Global vào ngày 20/09 đã cảnh báo là sự ổn định và tính rõ ràng về mặt chính sách của Philippines « đã có phần sút giảm dưới thời tân tổng thống ». S&P vẫn duy trì đánh giá về Philippines ở mức ổn định, nhưng cho là điểm số của Philippines khó có thể tăng lên trong hai năm tới.
Vào thứ Hai đầu tuần vừa qua, đồng peso Philippines đã rơi xuống mức thấp nhất từ 7 năm nay so với đồng đô la, và còn tuột thêm vào hôm thứ Sáu 30/09 : 1 đô la đổi lấy 48,50 peso.
Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Philippines Diwa Guinigundo tuy cho biết là đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng lên, đạt 4 tỷ đô la trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm nay so với 2,2 tỷ đô la cùng thời kỳ năm ngoái. Ông cũng lưu ý là ông Duterte nhậm chức ngày 30/06, nhưng ông đã thắng cử gần hai tháng trước đó.
Nhưng trả lời báo chí bên lề một diễn đàn kinh tế, vị phó thống đốc Ngân Hàng cho là, « về căn bản, các nền tảng kinh tế của Philippines vẫn rất tốt, nhưng cảm nhận về điều đó lại là một vấn đề khác ». Theo nhân vật này, cảm nhận không tốt hiện nay bắt nguồn từ cả yếu tố đối ngoại lẫn đối nội, cho nên khó có thể nói là cảm nhận tiêu cực về Philippines chỉ bắt nguồn từ một yếu tố duy nhất là những phát biểu của ông Duterte.
Ông Guinigundo đã giải thích là chương trình kinh tế của chính phủ Philippines đã nối tiếp theo sức bật mạnh mẽ đã sản sinh ra 70% tăng trưởng kinh tế, ghìm lạm phát ở mức thấp và ổn định, với một hệ thống ngân hàng lành mạnh. Thế mà giờ đây thị trường chứng khoán lại tuột giảm, tỷ lệ hối đoái tiếp tục sụt, đẩy đồng tiền Philippines lâm vào tình trạng « tệ hại nhất trong vùng ».
Bộ trưởng Ngân Sách Philippines Benjamin Diokno hôm 28/09, giải thích là sở dĩ đồng peso mất giá đó là vì đồng đô la tăng giá hơn là do đồng tiền Philippines bị suy yếu. Đối với ông, đó không phải lý do để quan ngại.
Có điều, theo ông Joey Cuyegkeng, kinh tế gia thuộc ngân hàng ING Bank ở Manila, thì đồng peso là đồng tiền châu Á duy nhất bị mất giá trong tuần lễ thứ ba của tháng 9.
Chính quyền vững tin
Phát ngôn viên phủ tổng thống Martin Andanar bào chữa cho là căn bản kinh tế Philippines rất vững chắc và cuộc chiến chống ma túy sẽ tôn cao hình ảnh của Philipppines và tăng cường sức thu hút đầu tư nước ngoài.
Phát biểu trước quân đội, một ngày sau lời cảnh báo của S&P Global, ông Duterte gạt bỏ nhận xét của cơ quan thẩm định này, cho rằng nếu kinh doanh và kinh tế bị tác động, « thì đã sao ».
Ám chỉ các nhà đầu tư phương Tây, ông Duterte nói tiếp : « Cứ rút vốn đi ! Chúng tôi sẽ tự lực... Tôi có thể đi Trung Quốc, có thể đi Nga. Tôi đã nói chuyện với họ. Họ đang đợi tôi. Vậy thì vấn đề có gì mà phải làm ầm ĩ ! ».

0 comments:

Powered By Blogger