Monday, September 19, 2016

CHẾT RỒI CÒN PHẢI “CHẠY RONG”


AuthorĐiền Phương ThảoSourceAnh Ba SàmPosted on: 2016-09-19


Do không có tiền thuê xe ô tô chở xác về, nên gia đình chị P đã nhờ người quen sử dụng xe máy chở thi thể về mai táng. Ảnh: Tùng Hải.
Tôi lặng người rất lâu trước bức ảnh người đàn ông chở một thi thể người bó chiếu trên một chiếc xe honda cũ.
Bức ảnh không hề cho thấy gương mặt của hai nhân vật chính nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được có sự thống khổ nào vượt trên cảnh tượng đã diễn ra trong bức ảnh.
Tôi đã từng nghe câu “nghèo đến nỗi chết phải bó chiếu” nhưng kỳ thực đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Người chết được bó chiếu đặt sau xe và được giữ chặt bằng những sợi dây thun màu đen tựa như cột một con heo, con gà, hay một món hàng. Không hơn. Không kém.
Đôi chân người chết xỏ đôi dép nhựa thò ra ngoài. Trơ vơ! Chông chênh! Nhưng chính nhờ đôi chân này mà mọi người biết đó là một CON NGƯỜI , Trời ạ!
Người chết thì không còn cảm giác gì. Chết là vĩnh viễn xa rời kiếp nhân sinh nhọc nhằn khổ lụy. Nhưng hẳn là người đàn ông phải nuốt ngược nướt mắt vào lòng khi phải đưa xác người thân trở về trong một hoàn cảnh khốn cùng như không thể khốn cùng hơn.
Thuở còn đi học, tôi đã rất xúc động khi đọc đoạn văn nói về cái chết của lão Hạc của tác giả Nam Cao. Lão Hạc chết rất đau đớn. Lão Hạc sống một đời nghèo khó cơ cực lại còn đau ốm. Lão ăn củ chuối, ăn sung muối cho qua ngày nhưng rồi cũng chẳng còn cái gì để ăn. Lão Hạc có một mảnh vườn nhưng lão không muốn bán vì muốn để dành cho đứa con trai sau này còn lấy vợ. Do vậy mà lão phải chọn cái chết. Lão đã ăn bả chó để tự giải thoát kiếp sống nghèo . “ Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội” là đoạn văn đã gây nhiều xúc động nặng nề trong lòng tôi.
Rồi tôi được nghe các cô giáo dạy Văn cũng như các nhà phê bình văn học thời đó phân tích rằng trong chế độ nửa thực dân nửa phong kiến cũ, cuộc sống của người nông dân cơ cực, bế tắc và đen tối. Sở dĩ như thế là vì lúc đó họ chưa có ánh sáng của Đảng Cộng Sản dẫn đường , rằng thì cuộc sống của họ sẽ khởi sắc, sẽ ấm no hạnh phúc từ sau Cách Mạng Tháng Tám thành công.
“Bây giờ tình mới tỏ tình”
Theo một bản tin được đăng trên báo An ninh thủ đô vào ngày 23-01-2016 cho biết “phát biểu tại phiên thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nêu lên những thực trạng đáng buồn về đời sống người nông dân Việt Nam khi hiện nay, thu nhập ngày càng giảm; lao động trẻ muốn thoát ly nông thôn, nguồn gốc nông dân; khoa học kỹ thuật còn cách xa ruộng, vườn…”
Do việc quản lý yếu kém của nhà nước nên người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đồng thời họ không được quyền “định giá nông sản” là những vấn nạn mà người nông dân thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, họ còn phải chịu nạn sưu thuế chẳng khác gì thời của anh Pha, chị Dậu vì “ ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”. (1)
Còn đó nỗi đau đáu về cuộc sống của người nông dân Việt nam, đặc biệt nếu họ thuộc nông dân vùng núi, vùng sâu vùng xa như Sơn La thì nỗi cơ cực càng bội phần. Do vậy, việc phải bó chiếu đưa thi thể người thân về nhà bằng xe máy là điều không khó hiểu.
Bức ảnh đầy thương tâm trên được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông. Có rất nhiều lời bình tỏ ý xót thương, cũng có những lời trách móc bệnh viện …Thế nhưng theo thiển ý của tôi, có lẽ chúng ta chưa chạm thấu cái cốt lõi của vấn đề …
Điều tôi muốn nói là nếu như ngày trước tôi được dạy rằng sở dĩ đời sống của người nông dân Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung dưới thời thực dân nửa phong kiến phải chịu đựng nhiều bất công, đói khổ là do sự thống trị của bọn cường hào ác bá , thì giờ đây , chúng ta phải nhìn thấy cái cơ chế nào, cái đường lối lãnh đạo nào khiến cuộc sống người dân từ lúc sống cho đến khi chết không hơn gì một con súc vật ?
Tôi xin… tôi tha thiết xin những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… của thời đại hãy nói, hãy viết về những gì mình thấy, mình cảm nhận để không hổ mặt với các bậc tiền nhân – những người đã dám “ đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để cuộc sống này được tốt hơn , người dân được ấm no hạnh phúc.
Và để đừng có thêm một đôi chân lạnh cứng còn nào phải “chạy rong” giữa cõi trần ai trước khi về nơi yên nghỉ cuối cùng.
------
Ý kiến độc giả:

Tác giả viết : "Tôi xin… tôi tha thiết xin những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… của thời đại hãy nói, hãy viết về những gì mình thấy, mình cảm nhận để không hổ mặt với các bậc tiền nhân.. ".
Trong bài trên không hề nghe tác giả nói đến chữ Việt Cọng hoặc nêu tên những thằng ác ôn trong chính quyền để gán tội mà chỉ KHEN Đảng Cọng Sản với giọng mỉa mai vô thưởng vô phạt. Tại sao tác giả không trực tiếp viết lời cáo buộc chúng mà lại đòi hỏi những người khác viết ?? Đã viết ra được một bài than thở như trên mà lại trốn tránh "nhiệm vụ của nhà văn nhà báo là phải vạch trần sự thật" thì phải chăng là HÈN và đáng "hổ mặt với các vị tiền nhân" ? chỉ biết ẩn mình đểnói bóng nói gió mà không dám ra mặt đánh thẳng vào tác nhân của sự bất công xã hội.
Đáng ra tôi không nên phê bình tác giả, nhưng vì ông/bà này đã nói lên câu khiêu khích thách đố giới nhà báo là "để không hổ mặt với cac tiền nhân" cho nên tôi mới đặt câu hỏi với tác giả thôi. Nếu quả thật tác giả không biết ai đã gây ra cảnh bóc lột khiến dân tộc nghèo đói thì tôi xin chỉ dùm cho nhé: Đó chính là Đảng CSVN đang lãnh đạo nước Việt Nam hiện nay, đó là những tên Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn thị Kim Ngân và những đứa tiền nhiệm của chúng từ Hố Chí Minh xuống. Đừng nói rằng : "Ta đã biết rõ chúng, không cần ai nhắc nhở". Vậy nếu đã biết rõ mà vẫn không hành động đả kích đánh phá thì vì lý do gì ?? Phải chăng vì cam đảm, vì yêu nước thương dân, vì biết tích cực đóng góp cho việc xây dựng một xã hội công bằng mà tác giả không hề dám "phạm húy" dù chỉ nêu lên một chữ Việt Cọng trong bài ??? Hãy nêu đích danh chúng để chưởi chứ đừng nói quanh quẩn vì "sợ phạm húy", tại sao mình vẫn ngậm miệng rồi lại đi nhờ những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… chưởi dùm ? Giờ này mà còn trùm mền thì chỉ có "chết hèn" mà thôi !
JB Trường Sơn

0 comments:

Powered By Blogger