Khi
nhận được câu hỏi: Bạn (Người Việt) cố giàu lên, để làm gì? Chắc hẳn ai
cũng sẽ có câu trả lời riêng của mình. Riêng tôi, sau khi đọc xong
series bài Người Việt cố giàu lên, để làm gì? (1,2) của nhạc sỹ Tuấn Khanh, tôi lại nhớ ngay đến cuốn sách Why Nations Fail
của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Tuy là hỏi đấy nhưng người đọc
có thể câu trả lời ngay trong chính bài viết của tác giả: đa số Người
Việt cố giầu lên là để tìm lối thoát cho con em họ và chính họ ra khỏi
quê hương mình. Một quốc gia mà người dân lại muốn bỏ đi liệu có phải là
một quốc gia bị thất bại? Và tại sao quốc gia chúng ta lại thất bại?
Theo Daron Acemoglu và James A. Robinson trong cuốn Why Nations Fail,
các quốc gia thất bại ngày nay là những quốc gia đang áp dụng các thể
chế kinh tế tước đoạt (extractive economic institutions) và những thể
chế này không tạo ra được những động cơ cần thiết để người dân tiết
kiệm, đầu tư, học tập và sáng tạo. Nhưng chính THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ mới là
yếu tố quyết định thể chế kinh tế của một quốc gia. Trong thể chế chính
trị tước đoạt (extractive politcal institutions), giới lãnh đạo hỗ trợ
cho các thể chế kinh tế tước đoạt bằng cách gắn kết quyền lực với những
người được hưởng lợi từ sự tước đoạt này. Mặc dù các thể chế kinh tế và
chính trị tước đoạt hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau trong những
điều kiện khác nhau nhưng nó lại luôn là gốc rễ của sự thất bại của mọi
quốc gia. Như chúng ta có thể thấy ở Argentina, Columbia, Ai Cập (Việt
Nam?), sự thất bại này thể hiện ở sự thiếu vắng các hoạt động kinh tế
thích đáng; bởi các chính trị gia lại sống sung sướng hơn khi tước đoạt
đi các nguồn lực hoặc dẹp bỏ được bất kỳ hoạt động kinh tế tư nhân nào
đe dọa đến quyền lợi của họ và giới kinh tế có quyền lợi gắn liền với họ
(nôm na là các công ty nhà nước và công ty sân sau của giới cầm quyền).
Kết quả là người dân những quốc gia này còn nghèo hơn khi họ ở vào thập
niên 1960.
Theo nhận định của tác giả, Trung Hoa (một quốc gia mà Việt Nam là bản
sao của họ về thể chế kinh tế và chính trị) cũng là một quốc gia phát
triển dưới thể chế kinh tế tước đoạt nên sẽ không phát triển bền vững và
có vẻ như một cỗ máy đang sắp hết hơi. Mặc dù gần đây Trung Quốc đã chú
trọng đến đổi mới và phát triển công nghệ, nhưng sự phát triển của họ
chủ yếu dựa trên việc áp dụng công nghệ có sẵn và đầu tư nóng, chứ không
phải dựa trên sự hủy diệt mang tính sáng tạo*. Kinh tế của họ phát
triển dựa trên sự phát triển nóng, nhập khẩu công nghệ và xuất khẩu
những sản phẩm cấp thấp giá rẻ - đây là kiểu phát triển mà tác giả gọi
là sự hấp dẫn của kinh tế bóc lột: các con số tăng trưởng đẹp, một tầng
lớp cực giàu nổi lên, người dân cũng được no đủ hơn nhưng đại đa số vẫn
nghèo mạt và không có quyền con người chính đáng. Kiểu phát triển này sẽ
không thể kéo dài khi Trung Quốc đạt đến tiêu chuẩn của một quốc gia có
mức thu nhập trung bình, đồng thời tỷ lệ tăng trưởng thần kỳ của họ
cũng sẽ dần dần bốc hơi. Ngay cả khi đó người dân cũng không thể hi vọng
rằng giới cầm quyền sẽ tạo điều kiện để quốc gia này chuyển sang kiểu
phát triển dựa trên sự hủy diệt mang tính sáng tạo và đổi mới thực sự,
bởi vì chăm lo cho phúc lợi và hỗ trợ cho người dân làm giàu, sáng tạo
không phải là ưu tiên của giới cầm quyền mà họ chỉ quan tâm làm sao để
duy trì quyền lực và lợi ích kinh tế cho họ mà thôi. Do vậy, kịch bản
khả dĩ nhất sẽ là Đảng CSTQ và tầng lớp gắn bó với họ về quyền lợi kinh
tế sẽ tìm cách để thắt chặt quyền lực trong vài thập kỷ tới. Các doanh
nghiệp được đảng “chống lưng” vẫn sẽ được hỗ trợ để nhận được những hợp
đồng với điều kiện cực kỳ ưu đãi, họ có thể ép người dân để tịch thu đất
đai, vi phạm pháp luật mà không hề bị trừng phạt. Ai dám chống lại
đường lối kinh doanh này của họ sẽ bị coi là phản động và thậm chí có
thể bị bỏ tù hoặc ám sát.
Quay trở lại với câu hỏi Người Việt cố giàu lên để làm gì? Họ làm giàu
để có đủ phương tiện đi tìm một lối thoát tới một nơi mà họ tìm thấy sự
bình đẳng hơn trước bất lực không thể thay đổi thực tại về thể chế kinh
tế và chính trị gì ở quê hương mình. Thế giới chúng ta đang sống vốn đầy
dãy sự bất bình mà các tác giả gọi là Thuyết bất bình đẳng thế giới,
theo thuyết đó có những vùng miền chỉ cách nhau một bờ ranh giới nhưng
người dân trên hai vùng đất ấy lại sống hai cuộc đời rất khác nhau. Ví
dụ như Nam Hàn và Bắc Hàn, hai vùng Nagolas (một bên thuộc Arizona của
Mỹ và một bên thuộc Sonora, Mexico; họ có cùng tổ tiên, tập quán ăn
uống, âm nhạc giống nhau). Một bên người dân sống khỏe mạnh hơn, tuổi
thọ cao hơn và được giáo dục tốt hơn. Họ được tiếp cận nhiều tiện nghi
và nhiều lựa chọn trong cuộc sống, từ các kỳ nghỉ cho tới sự nghiệp mà
người dân ở bên kia chỉ có thể mơ đến mà thôi. Những người sống ở quốc
gia thịnh vượng hơn có thể lái xe trên những con đường không có ổ gà,
nhà ở của họ có đầy đủ điện nước và tiện nghi nội thất. Quan trọng hơn
là chính quyền của họ không tùy ý bắt bớ hoặc sỉ nhục họ, ngược lại
chính phủ cung cấp dịch vụ gồm giáo dục, chăm sóc y tế, đường xá, đảm
bảo các quy định và luật pháp. Người dân được quyền bầu cử và góp tiếng
nói cho chiều hướng chính trị mà quốc gia họ theo đuổi.
Chỉ ở những quốc gia đó mới sản sinh ra được những Bill Gates hay những
nhân vật huyền thoại khác trong ngành công nghệ thông tin như Paul
Allen, Steve Ballmer, Steve Jobs, Larry Page, Sergey Brin, và Jeff
Bezos. Tài năng và tham vọng vượt bậc của họ đã được khích lệ để bùng nổ
thông qua một loạt các thể chế đem lại cho người dân một hệ thống giáo
dục tốt, nền hành chính công minh bạch và không rào cản, hệ thống tài
chính ngân hàng dễ tiếp cận vốn đối với người khởi nghiệp, thị trường
lao động chất lượng cao, môi trường kinh doanh tương đối cạnh tranh.
Những doanh nhân này tự tin ngay từ đầu rằng dự án mơ ước của họ có thể
thực hiện được: họ tin vào những thể chế và quy định pháp luật do những
thể chế này đặt ra mà không cần phải lo lắng về quyền sở hữu trí tuệ của
mình bị đáng cắp. Quan trọng nhất, thể chể chính trị đã đảm bảo rằng
không có một nhà độc tài nào có thể ngoi lên và tự ý thay đổi luật lệ
của cuộc chơi theo hướng có lợi cho riêng mình, tước đoạt của cải của
họ, bỏ tù họ hoặc đe dọa đến tính mạng và cuộc sống của họ.
Trong cuốn sách còn có với sự so sánh rất thú vị của các tác giả về con
đường làm giàu của hai tỷ phú được xếp hàng top thế giới là Bill Gates
(Mỹ) – một sản phẩm của thể chế kinh tế dung nạp (inclusive economic
institutions) và Carlos Slim (Mexico) - một sản phẩm của thể chế kinh
tế tước đoạt (extractive economic institutions). Khối tài sản của Gates
được xây dựng từ trí tuệ và khả sáng tạo vượt bậc trong một nền kinh tế
cạnh tranh bình đẳng, trong khi đó Slim cũng rất tài năng nhưng khối tài
sản của ông được tạo dựng lên nhờ biết cách khai thác lợi thế độc quyền
được chính phủ bảo trợ và mối quan hệ chặt chẽ với giới chính khách
Mexico (rất giống với cách làm giàu của các đại gia Việt Nam). Ban đầu,
ông nổi lên nhờ các thương vụ mua bán chứng khoán và khôi phục lại những
công ty thua lỗ, trong đó nổi bật nhất là vụ mua lại Telmax – hãng viễn
thông độc quyền ở Mexico được Tổng thống Carlos Salinas tư nhân hóa vào
năm 1990. Chính phủ thông báo bán ra 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết
(chiếm 20,4% tổng số cổ phiếu) trong công ty vào Tháng Chín 1989 và nhận
thầu vào Tháng Mười Một 1990. Mặc dù Slim không bỏ thầu cao nhất nhưng
liên doanh do tập toàn Grupo Corso của ông dẫn đầu vẫn thắng thầu. Thay
vì phải thanh toán cho cổ phiếu ngay lập tức thì ông tìm cách trì hoãn
việc thanh toán, sử dụng chính lợi tức của Telmex để trả cho số cổ phiểu
đó. Một hãng viễn thông trước đây thuộc độc quyền kinh doanh của nhà
nước thì nay thuộc độc quyền kinh doanh của Slim với lợi nhuận khổng lồ.
Các thể chế kinh tế để tạo nên những đại gia như Carlos Slim hoàn toàn
khác với các thể chế ở Mỹ, nơi sinh ra những đại gia như Bill Gates,
Steve Jobs, Mark Zugerbeck... – những người có khả năng làm khuynh đảo
thế giới bằng quyền lực mềm của mình chứ không phải bằng tiền bạc. Nếu
bạn sống ở Mexico, bạn sẽ gặp phải vố số những rào cản lớn khi lập
nghiệp, bao gồm chi phí đắt đỏ để xin các giấy phép cần thiết, những tệ
nạn quan liêu mà bạn phải vượt qua, các chính trị gia và doanh nghiệp
cùng ngành sẽ ngáng đường bạn, khó khăn khi xin vốn từ một khối các công
ty tài chính thường có quan hệ móc ngoặc sẵn với các doanh nghiệp cùng
ngành mà bạn đang phải cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh như vậy,
bạn cần phải trang bị cho mình nhiều mánh mung: ai là người bạn phải
thiết lập quan hệ và bạn có thể gây ảnh hưởng đến ai, và đương nhiên ai
là người mà bạn có thể hối lộ. Carlos Slim, một người tài năng, tham
vọng xuất thân từ một gia đình nhập cư Libăng khá khiếm tốn là bậc thầy
trong việc đoạt được những hợp đồng độc quyền, ông độc quyền thống trị
thị trường viễn thông Mexico rồi mở rộng sang cả các nước Mỹ Latin còn
lại. Nhưng khi ông định mở rộng kinh doanh sang Mỹ – một môi trường kinh
doanh cạnh tranh bình đẳng thì ông đã gặp phải thất bại ngay lập tức.
Năm 1999, Tập đoàn Grupo Curso của ông mua lại hãng bán lẻ máy tính
CompUSA. Trước đó CompUSA đã cấp đặc quyền cho công ty COC Services để
bán hàng hóa của họ ở Mexico. Slim ngay lập tức vi phạm hợp đồng với ý
định thành lập một chuỗi cửa hàng riêng của mình mà không phải cạnh
tranh với COC. Nhưng COC đã khởi kiện CompUSA lên một toàn án ở Dallas.
Trên đất Mỹ, Slim không được “chống lưng” và bị phạt 454 triệu USD. Luật
sư của COC, Mark Werner sau đó đã giải thích rằng “thông điệp của bản án này là trong nền kinh tế toàn cầu, các công ty phải tôn trọng các quy định của Mỹ nếu họ muốn đến đây”. Kết
quả là khi nằm trong các thể chế của Mỹ, các mánh khóe kiếm tiền của
Slim đã bị vô hiệu. Cũng như ở Việt Nam, chúng ta luôn hô hào các doanh
nghiệp Việt phải vươn ra biển lớn, vươn ra toàn cầu, nhưng ít đại gia
nào của Việt Nam đủ sức; không hẳn là họ không giỏi, không tài năng,
nhưng rõ ràng cách làm giàu của họ cũng rất giống Slim và những mánh
khóe này chỉ được dung dưỡng trong các thể chế kinh tế tước đoạt, chúng
không có đất sống khi vươn ra ngoài những thể chế đó.
Tóm lại, không có một công thức chung nào cho mọi quốc gia muốn chuyển
đổi từ thể chế tước đoạt sang thể chế dung nạp vì mỗi quốc gia có lịch
sử, quá khứ và hiện tại khác nhau, nhưng cuối cuốn sách tác giả đã dẫn
một ví dụ về một cuộc đình công thành công của những công nhân tại Nhà
máy xe tải Scânia, São Paulo, Brazil năm 1978; tạo tiền để để Brazil tái
lập nền dân chủ, xóa bỏ một tập hợp các thể chế kinh tế và chính trị
bóc lột ở nước này. Luiz Inácio Lula da Silva, thủ lĩnh của cuộc đình
công khi đó là một nhà hoạt động xã hội 33 tuổi, sau này trở thành tổng
thống Brazil năm 2002 đã nói rằng: “Tôi nghĩ chúng ta không thể tách
biệt các yếu tố kinh tế khỏi chính trị. Cuộc đấu tranh của chúng tôi là
vì lương bổng nhưng trong cuộc đấu tranh về lương bổng, tầng lớp lao
động đã giành được một chiến thắng trên mặt trận chính trị.” Ngày
nay, Brazil là quốc gia nằm trong khối BRIC, quốc gia đầu tiên ở Mỹ La
Tinh có tiếng nói trọng lượng trên các diễn đàn ngoại giao và kinh tế
thế giới.
Đây là một cuốn sách hay nên đọc để biết rằng ngoài việc chỉ biết cố làm
giàu thì chúng ta, những người Việt còn thể làm gì khác nữa để chúng ta
hoặc con cháu chúng ta KHÔNG THỂ MÃI LÀ CÔNG DÂN CỦA MỘT QUỐC GIA THẤT BẠI.
Sách này hiện đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam dưới tựa “Tại sao các quốc gia thất bại”,
nó cũng nằm trong reading list của Mark Zugerberk. Tôi chưa đọc bản
dịch tiếng Việt của cuốn sách này được bán trên thị trường chính thống,
nhưng với chính sách kiểm duyệt truyền thông và văn hóa phẩm ở Việt Nam
thì rất có thể sách sẽ có nhiều đoạn sẽ bị cắt bỏ hoặc biên tập lại để
tránh động chạm, nên sẽ không thể chuyển tại đầy đủ và đúng nội dung của
bản gốc như đã từng xảy ra với nhiều cuốn sách khác. Nếu bạn nào muốn
đọc có thể tải miễn phí bản tiếng Anh tại đây:
3/10/2015
_____________________________________________
* Sự hủy diệt mang tính sáng tạo là thuật ngữ để chỉ một cái gì đó mới
mẻ ra đời giết chết một cái cũ. Nhưng nhờ có sự "hủy diệt sáng tạo" này
mà các nhà sáng lập doanh nghiệp đã tạo ra một trong những phát minh
quan trọng nhất của thế kỷ này - ví dụ như laptop ra đời đã hủy diệt
nhiều công ty sản xuất máy tính mainframe.
Sự hủy diệt mang tính sáng tạo được Joseph Schumpeter đặt ra năm 1942
trong công trình mang tên Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ.
Khái niệm dùng để chỉ "quá trình biến đổi công nghiệp, liên tục cách
mạng hóa cơ cấu kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cái cũ, liên tục
tạo ra cái mới".
0 comments:
Post a Comment