Hình như có một cuộc đua tranh hay bắt chước nhau trong việc dựng
tượng đài lãnh tụ ở các nước cộng sản. Với Liên xô cũ là tượng Lê Nin,
Xtalin, ở Trung Quốc là Mao Trạch Đông, ở Triều Tiên là Kim Nhật Thành
và ở Việt Nam là Hồ Chí Minh. Chưa thấy con số thống kê ở các nước khác
có bao nhiêu tượng đài còn ở Việt Nam, theo trang tuyengiao.vn,
hiện nay có 134 tượng đài Hồ Chí Minh (HCM). Trang này còn “dọa” từ nay
đến năm 2030 sẽ xây thêm 58 tượng nữa, nâng tổng số tượng đài HCM lên
192 cái.
Ở Việt Nam, có lẽ tượng đài HCM chỉ được xây ồ ạt sau khi ông qua đời.
Còn ở Trung Quốc, tượng đài Mao Trạch Đông đã được xây hàng loạt ngay từ
khi ông còn sống. Khi quan hệ Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu xấu đi, ông
Tố Hữu viết:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Để vừa ca ngợi HCM vừa ngầm chê bai Mao Trạch Đông.
Ở các nước mà chế độ cộng sản đã sụp đổ như Liên Xô và các nước Đông Âu,
người ta đã hạ, giật đổ tượng, đoạn tuyệt với tệ sùng bái cá nhân một
cách mù quáng.
Không chỉ nói lên một tệ nạn xấu, điều dễ thấy là việc xây tượng tràn
lan còn làm hao tổn ngân sách quốc gia trong khi dân còn nghèo khổ, trẻ
em không đảm bảo những điều kiện tối thiểu đến trường, bệnh nhân chen
chúc 4,5 người trên một giường bệnh.
Mấy ngày nay, cư dân mạng, nhất là trên mạng xã hội facebook xôn xao về
đề án xây dựng tượng đài HCM với dự trù 1400 tỉ đồng tại Sơn La. Trước
đó, ngày 30/10/2014, ông Vũ Đức Đam, phó thủ tưởng Chính phủ ký công văn
đồng ý bổ sung tượng đài HCM tại Sơn La vào quy hoạch tượng đài Chủ
tịch HCM đến năm 2030, tức là 1 trong số 58 tượng sẽ xây như đã nói ở
trên.
Ngày 8/7/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La ra quyết nghị thông qua đề
án xây dựng tượng đài Chủ tịch HCM với tổng mức đầu tư là 1400 tỷ đồng.
Đề án này đã gây nên bão dư luận, bị công luận phản ứng kịch liệt. GS
Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của mình với một giọng phẫn nộ: “Trẻ
con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra
1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Trước tình thế đó, ông chủ tịch tỉnh Sơn La phải trấn an dư luận, cho rằng “báo chí hiểu chưa sát chủ trương xây dựng tượng đài”.
Ông giải thích, tượng chỉ có 200 tỉ thôi, còn lại là các hạng mục khác.
Sự giải thích này không thuyết phục, vì cái tượng 200 tỉ nó sẽ kéo theo
1200 tỉ nữa. Cuối cùng thì cũng tốn 1400 tỉ, một món tiền khổng lồ
trong khi Sơn La là một tỉnh nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Có người so sánh,
nếu lớp học mà nhóm NO-U dựng cho các em học sinh ở Háng Đề Sủa (thuộc
huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hết 100 triệu đồng thì số tiền để xây
tượng đài trên có thể xây dựng được 14 nghìn lớp học như thế.
Dưới áp lực của công luận, ngày 5/8/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND tỉnh Sơn La cho rằng "qui mô đề án quá lớn", "chưa phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay" và "yêu cầu làm rõ nội dung báo chí phản ánh".
*
Huỳnh Anh Trí 1 ngày trước khi qua đời ảnh cắt từ phóng sự video "TNLT Huỳnh Anh Trí: Những giây phút cuối đời" |
Nói về chuyện chi tiền bừa bãi để xây tượng đài, tự nhiên tôi nghĩ đến
những tù nhân lương tâm do bị ngược đãi trong tù mà dẫn đến cái chết.
Huỳnh Anh Trí, sau 14 năm bị giam cầm, ra tù được 6 tháng thì qua đời ở
tuổi 43 để lại người vợ sắp cưới. Theo bác sĩ chẩn đoán, anh bị nhiễm
HIV đã chuyển sang gia đoạn AIDS. Mọi phân tích đều cho thấy anh bị
nhiễm HIV trong thời gian ở tù.
Loạt 4 phóng sự video 4 tập do trang Đức Mẹ TV thực hiện xung quanh việc
anh Huỳnh Anh Trí bị nhiễm HIV và chế độ nhà tù vô nhân đạo đã gây chấn
động công luận. Phóng sự đã vạch trần một sự thật bị giấu kín trong
nhiều chục năm qua. Nhiều nhân chứng như tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu
Cầu, Huỳnh Anh Tú và bản thân anh Huỳnh Anh Trí đã khẳng định tình trạng
buộc phải dùng chung dao cạo, cùm chung cùm với những người bị HIV mà
không được khử trùng, thậm chí còn dính máu. Các nhân chứng tố cáo, nếu
tù nhân có tiền thì được cùm bằng cùm sạch, nếu không thì phải cùm bằng
cùm dơ, hai loại cùm phân biệt rõ ràng. Ông Nguyễn Hữu Cầu kể, ông trực
tiếp chứng kiến cảnh tù nhân quỳ lạy quản giáo khi mình sắp bị cùm bằng
cùm bẩn. Thật là rùng rợn.
Thầy Đinh Đăng Định do mắc bệnh ung thư dạ dày trong tù, sức khỏe suy
giảm trầm trọng nên được đặc xá ngày21/3/2014 nhưng13 ngày sau thầy qua
đời. Tù nhân thế kỷ Trương Văn Sương có thâm niên 33 năm 4 tháng ở tù.
Ông bị bệnh hiểm nghèo được trại giam cho về chữa bệnh 1 năm. Hết hạn,
ông trở lại vòng lao lý khi đang bị bệnh tim trong tình trạng thập tử
nhất sinh. Cả ông và con ông đều biết cái chết đã gần tới khi trở lại
trại giam và ông đã vĩnh viễn ra đi 25 ngày sau đó.
Rất nhiều tù nhân ra tù trong tình trạng không bệnh tật đầy người thì
cũng cận kề cửa tử thần mà nguyên nhân do chế độ nhà tù khắc nghiệt và
do bị đối xử tồi tệ, độc ác. Nhiều người chết ngay trong tù. Anh Huỳnh
Anh Trí cho biết ở trại Z30 Xuân Lộc, trong vòng 2 năm đã có tới mười
mấy tù nhân chết do bị AIDS.
Tôi có cô bạn làm nghề thời trang tóc thường xuyên đi làm từ thiện. Năm
2010, cô đã bỏ công sức, vận động tài chính để xây am thờ cho những binh
sĩ, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa chết ở trại Ba Sao. Cô lập cả một danh
sách lên tới 626 quân nhân Việt Nam Cộng hòa để đưa lên chùa cầu cho
linh hồn họ được siêu thoát.
Tù nhân bị ngược đãi trong nhà tù là chuyện còn dài. Hãy tìm hoặc chờ
đọc hồi ký của những tù nhân viết về những năm tháng bị giam cầm trong
nhà tù cộng sản.
*
Trở lại chuyện xây tượng. Với 134 tượng Hồ Chí Minh đã dựng trên khắp
Việt Nam thiết nghĩ đã quá đủ nếu không nói là sai lầm hoặc không cần
thiết. Việc xây thêm nữa chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng của dư luận.
Hãy dành tiền để cứu đói cho dân, xây thêm bệnh viện, trường học. Còn
nếu có cần xây thêm tượng đài thì thì phải thật cân nhắc, với kinh phí
phù hợp, không phô trương và không xây tượng đài HCM nữa. Trong sự cân
nhắc ấy, tôi cho rằng cần xây tượng đài những tù nhân bị đày đọa đến
chết và lấy Huỳnh Anh Trí làm nguyên mẫu cho tượng đài này.
Có thể ai đó cho rằng, ý tưởng của tôi là viển vông, không khả thi vì
chẳng nhà cầm quyền nào cho phép dựng tượng đài những nạn nhân của họ.
Nhưng ai dám chắc là thời thế không đổi thay? Những năm cuối thập kỷ 80
và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có ai nghĩ tới sẽ đến lúc, hàng loạt
tượng Lê Nin bị giật đổ ở các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu?
Một tượng đài về tù nhân bị ngược đãi sẽ có tác dụng cảnh báo tội ác con
người gây ra cho nhau mà ở đây là chế độ nhà tù cộng sản.
5/8/2015
0 comments:
Post a Comment