Saturday, August 22, 2015

Kinh nghiệm Việt Nam ta


HOÀNG THIẾU PHỦ -- Thứ Tư, 21/01/2015
Vào mùa tổng kết cuối năm vừa qua, cánh nhà báo hành lang chúng tôi được mời tham dự một cuộc hội thảo cấp quốc gia về chuyên đề “Rút kinh nghiệm”.
Người đăng đàn đầu tiên là một vị cán bộ hưu trí, tiến sĩ chuyên ngành Bia học (Beerology) được cả nước ngưỡng mộ vì mức lương hưu khủng: 65,2 triệu đồng. Ông nói: Tôi được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy bia liên doanh với nước ngoài. Ăn tiền là ở chỗ liên doanh. Nếu không có cái sự liên doanh thì dù tài giỏi mấy cũng không ăn thua. Nhiều người ghen ăn tức ở mà dèm pha đồng lương hưu của tôi nhưng tôi có làm gì sai đâu. Kinh nghiệm của tôi là: “Ăn nồi ba làm ra nồi bảy. Ăn nồi một dựa cột mà nghe”. Cử tọa có vài người vỗ tay léc đéc. Tiếp đó là một ông quan lớn hàm khâm sai, về hưu mà tài sản không thua gì Thái bảo Ngao Bái trong truyện Lộc Đỉnh Ký. Ông chỉ có việc ăn rồi đi họp, xong về nhà ngồi đếm bạc mà than là lao động đến thối cả móng tay. Có lẽ bạc dơ quá nên làm móng tay nhiễm trùng chăng? Có người thắc mắc: “Nếu ngài không tham nhũng thì làm sao có tài sản lớn vậy?”. Ông trả lời tỉnh bơ: “Tôi có bao giờ đòi ai đưa hối lộ đâu mà gọi là tham nhũng. Nhưng người ta cứ đưa thì biết làm sao giờ? Còn nhà cửa đất đai các thứ đều do vợ con hoặc má vợ, chị vợ, em vợ tôi đứng tên, đâu có liên quan gì đến tôi”. Hội trường bỗng vang lên những tiếng huýt gió, khạc nhổ. Liền đó, một ông bác sĩ phát biểu: “Tôi rất hối tiếc vì hồi đó đã sai lầm khi chọn ngành phụ sản mà không chịu học chuyên khoa thần kinh để hỗ trợ cho bên tư pháp. Mỗi khi có người mắc trọng án, nếu chạy được một cái giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần là có thể ung dung bước qua khỏi quỉ môn quan”. Trong đám đông có người mắng nhỏ: “Rất khốn kiếp!”.
Để thay đổi không khí, chủ tịch đoàn mời một cô giáo tiểu học nói về kinh nghiệm dạy trẻ. Cô vui vẻ kể: “Mới đây, cấp trên chủ trương không cho điểm kiểm tra bài, không xếp thứ hạng đối với học sinh mà chỉ đánh giá bằng nhận xét chung chung. Vì vậy tôi có sáng kiến dùng một bộ con dấu khắc sẵn những lời nhận xét học sinh như: Ngoan, Cô khen, Cô cưng, Chưa ngoan, Cô chê, Thứ đáng ghét, Hư hỏng, Hết thuốc chữa... Cứ thế mà đóng dấu vào sổ liên lạc của học sinh. Khỏe hơn nhiều so với việc chấm bài, cho điểm”. Cử tọa vỗ tay cười, không ai thắc mắc gì. Cô giáo vừa xuống thì một đại biểu nói giọng lạ bước lên phát biểu: “Trước đây ngộ có mấy cái nhà bè nuôi cá ở vịnh Cam Ranh, nửa chừng phải tháo gỡ. Vừa qua lại có cái dự án khu du lịch quốc tế ở đèo Hải Vân đã ký hợp đồng, đang chuẩn bị thi công thì bị dừng. Họ nói vì lý do an ninh quốc phòng gì đó. Vậy mà sao không chịu nói trước - Ô!ô!”. Chủ tọa hỏi: “Những dự án lớn như vậy sao ngài không tìm hiểu cho kỹ mà đã vội ký hợp đồng?”. “Vì ngộ tính đi đêm với địa phương cũng như thương lái đi đường tiểu ngạch - bớt trung gian cho đỡ tốn kém. Nhưng kinh nghiệm cho thấy làm ăn thì phải đầu xuôi đuôi lọt. Cả bên A lẫn bên B đừng tính chuyện ăn mãnh mà nuốt không trôi”. Cử tọa cười thông cảm nhưng không vỗ tay nổi.



Vị đại biểu này vừa dứt lời thì trên diễn đàn xuất hiện một nữ đại biểu trẻ đẹp. Cô này mặc cái váy lụa mỏng tanh, nhìn rõ cả nội y. Áo cũng mong manh như sương khói, ngực thả rông. Cử tọa nín thở trố mắt nhìn. Hội trường im ắng đến nỗi nghe được cả những tiếng nuốt nước bọt. Cô tự giới thiệu: “Em là ca sĩ. Giọng hát của em không tệ nhưng lúc đầu đi hát hoài vẫn không nổi tiếng. Sau nhờ có mấy bậc đàn chị bảo em phải ăn mặc thật hot vào và chơi đẹp với đám phóng viên báo lá cải để họ lăng xê cho thì tên tuổi mới lên được. Em làm theo lời, quả nhiên sau vài cú xì-căng-đan đã trở thành một ngôi sao lấp lánh. Từ đó em rút kinh nghiệm rằng bây giờ người ta không phải đi nghe hát mà đi coi hát - coi là chính. Bữa nay đi dự hội thảo em mới nghiêm túc thế này chứ phải đi event, em quậy tẹc ga luôn. Hì hì!” Hội trường vỗ tay kéo dài.
Hội thảo còn được tiếp tục với nhiều tham luận phong phú, đa dạng của đại biểu các ngành, các giới. Vào buổi chiều bế mạc, có một đại biểu thuộc thành phần cơ bản, rụt rè đứng lên xin phát biểu. Ông chủ tịch hỏi:
- Bác có ý kiến về vấn đề gì?
- Dạ tui làm nghề nông nên xin phát biểu kinh nghiệm làm cái thằng nông dân.
Ông chủ tịch nhìn bác nhà nông từ đầu đến chân rồi lắc đầu bảo:
- Thôi khỏi! Nhìn bác là ai cũng hiểu vấn đề gì rồi. Vả lại cũng sắp hết giờ.
Ông phó nói nhỏ:
- Thì cứ để bác ấy phát biểu mà rút kinh nghiệm cũng tốt, có sao đâu.
Ông chủ tịch vẫn lắc đầu:
- Cứ nhìn đi! Vị đại biểu này chỉ có trên răng dưới dép, khúc giữa là bộ xương. Có còn cái gì nữa đâu mà rút. Không lẽ rút luôn ba cái xương sườn?
Đoạn ông đứng dậy đúc kết và tuyên bố kết thúc hội thảo bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất. Sau đó các ý kiến tham luận được in vào tập kỷ yếu có tên khoa học là KIVINA- (Kinh nghiệm Việt Nam). Ban tổ chức còn tính lập hồ sơ gửi tập kỷ yếu lên UNESCO đề nghị tổ chức quốc tế này công nhận KIVINA là di sản văn hóa phi vật thể.

HOÀNG THIẾU PHỦ

0 comments:

Powered By Blogger