Friday, December 9, 2011

“Nga hoàng” tuột dốc!

Vết rạn xuất hiện

The Economist – PBD dịch

Vladimir Putin phải dọn sạch Điện Cẩm Linh và tân tiến hóa nền kinh tế—cho nước Nga và cho chính ông ta

Các cuộc bầu cử của Nga không phải để có các bất ngờ, cũng như đường phố của nước này không phải để chen chúc đầy người biểu tình phản đối và các lãnh tụ chính trị ở đây theo lẽ thì không phải để cho công chúng đả đảo chế giễu. “Nền dân chủ quản trị” của nước này, với các biện pháp bịt miệng giới truyền thông báo chí, chỉ cho phép các ứng cử viên đối lập nào ngoan ngoãn và gian lận phiếu khắp nơi, được lập ra là để giao vào tay Vladimir Putin và đảng United Russia của ông ta các thắng lợi to lớn. Ấy vậy mà cuộc bầu cử Duma(*) ngày 4 Tháng Mười Hai vừa rồi lại đem lại kết quả thật bất ngờ: tỷ lệ phiếu bỏ cho đảng United Russia đã sút giảm từ 64% xuống dưới mức 50%, khiến đảng này có được đa số ghế không nhiều mấy trong hạ viện. Đáng chú ý hơn nữa là người biểu tình đã xuống đường mở các cuộc phản đối lớn nhất tại Nga mới thấy trong nhiều năm qua, và hô to “Nước Nga không cần Putin” trước khi lực lượng an ninh tràn tới để chặn họ. Tại các thành phố khác cũng có các cuộc biểu tình phản đối nhỏ hơn. Nay lại có khoảng 17,000 người đã ghi danh xuống đường phản đối vào ngày 10 Tháng Mười Hai này tại Công Trường Cách Mạng, nơi công cộng chính của Moscow. Chính quyền lại yêu cầu họ tìm một địa điểm khác.

Các biến cố này là vết rạn lớn nhất trong chế độ của Nga kể từ khi ông Putin lên cầm quyền vào cuối năm 1999. Không phải là tình cờ mà xảy ra các biến cố này khi ông ta đang chuẩn bị trở lại vào Tháng Ba tới trong chức vụ tổng thống thêm ít nhất là sáu năm nữa.

Thế lực của ông Putin được đặt trên hai nền tảng. Một là, tuy chính quyền của ông ta khinh thường nhân quyền và ông ta dung dưỡng guồng máy trộm cắp quanh ông ta, ông Putin có được chính danh vì được rất nhiều người ủng hộ. Nền tảng kia là, nhờ phần lớn vào giá dầu gia tăng, ông ta đã có thể bảo đảm cho mực sống tăng đều cho người Nga. Cả hai nền tảng này nay thật mong manh. Nói như vậy không có nghĩa là điềm báo trước sắp chấm dứt chủ nghĩa Putin; nhưng đây là lần đầu tiên triển vọng một nước Nga sau Putin không còn là chuyện xa vời nữa. Đó phải là tiếng chuông đánh thức lãnh tụ của Nga là phải cải tổ.

Các nguyên tắc về sức ủng hộ

Ông Putin bắt đầu bằng một số ưu điểm nào đó. Dân của ông ta không tha thiết gì mấy với chủ nghĩa tự do: trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Pew Foundation, người Nga, với tỷ lệ 57% so với 32%, muốn có giới lãnh đạo mạnh mẽ hơn là dân chủ để đem lại một chính quyền cai trị hiệu quả. Và nếu xét theo tiêu chuẩn của các lãnh tụ ở những nơi khác thì ông Putin có vẻ vẫn còn được nhiều người ủng hộ, với mức tán thành ông ta là khoảng 40%. Khó có gì ngăn chặn được ông ta đắc cử tổng thống vào Tháng Ba.

Nhưng công luận rõ ràng đang xoay sang hướng chống đối ông ta. Ông Putin, hiện đang là thủ tướng, đã thấy sức hậu thuẫn của người dân dành cho ông ta bắt đầu sụt giảm hồi Tháng Chín khi ông ta loan báo kế hoạch đổi chác công việc với Dmitry Medvedev, con rối được ông ta đưa lên làm tổng thống sau khi hết hai nhiệm kỳ đầu của ông ta vào năm 2008. Sau đó không bao lâu thì ông Putin bị chế giễu phản đối tại một cuộc tranh tài võ thuật—một chuyện mà chỉ mới cách đây vài tháng thì không thể hình dung ra nổi. Ông ta không còn xuất hiện trước công chúng nữa, nhưng những người ông ta cử đi thay mặt cho ông ta lại cũng bị phản đối. Đây có thể chưa phải là “lúc Ceausescu”(**), khi mà nhà độc tài được cấp dưới tán tụng bợ đỡ này bừng tỉnh trước cơn phẫn nộ của người dân. Nhưng đây vẫn là một biến chuyển thật bàng hoàng.

Một vấn đề lớn hơn nữa của ông Putin là các nhu cầu về kinh tế và hoạt động chính trị của ông ta càng ngày càng mâu thuẫn nhau. Để duy trì quyền lực, ông ta đã kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Do đó, cả nước Nga và hệ thống đỡ đầu cho phe cánh của chế độ vẫn lệ thuộc quá nhiều vào dầu khí. Nạn tham nhũng và làm việc không có hiệu năng có nghĩa là ngân sách sẽ không quân bình nếu giá dầu không ở mức xấp xỉ $110 một thùng—mà, trước viễn ảnh toàn cầu không mấy sáng sủa, giá dầu chắc khó mà giữ được mức này. Vốn liếng và tài năng của nước này đang rời bỏ một nền kinh tế không đem lại được bao nhiêu cơ hội. Mức tăng trưởng chắc sẽ sụt giảm. Nếu không cải tiến được mức sống thì rồi chắc người dân sẽ còn oán ghét chính quyền hơn nữa.

Cách đây hai mươi năm, một tình trạng mâu thuẫn tương tự giữa chính trị và kinh tế đã làm Liên Xô sụp đổ. Lạ thay, ông Putin xem chừng như lại thích so sánh với thời kỳ này. Ông ta hô hào ưu tiên mới về chính sách đối ngoại của mình là “Liên Minh Âu Á” gồm các nước cộng hòa Xô Viết cũ, và ông ta để cho những người ủng hộ ông ta ca ngợi những năm thời Brezhnev—một thời kỳ mà ổn định đã trở thành trì trệ. Nhưng ông ta ắt phải lo sợ là sức phản kháng chế độ của ông ta có thể cũng gia tăng. Ông ta có tránh được tình trạng đó hay không?

Ông Putin tự cho mình, trước hết và trên hết, là một người yêu nước có chủ trương cứng rắn. Nếu ông ta chỉ biết lo cho quyền lợi của nước mình thì ông ta sẽ đáp ứng tình trạng bất mãn ngày càng gia tăng trong nước bằng cách mở cửa nền kinh tế tự do và kềm chế nạn tham nhũng. Hệ thống công lý hình sự đã trở thành công cụ của Điện Cẩm Linh và các đồng minh thương mại của họ. Mọi tầng lớp dân chúng Nga đều ghê tởm nạn bè phái đó. Cả ông Putin lẫn ông Medvedev đều đã nói về chuyện giải quyết nạn hối lộ, nhưng lại không làm gì cả. Nếu họ hành động thì họ sẽ mất đi một phần quyền lực nhưng lại được ca ngợi.

Cách còn lại là đàn áp thêm nữa. Quyết định đưa quân đội đến đàn áp cho thấy đây là con đường lựa chọn của ông Putin. Ông ta có thể cố thủ vị trí của mình bằng những cách khác—có thể là xa lánh đảng United Russia, vốn bị nhiều người chế nhạo là “đảng của những tên lừa đảo và trộm cắp”, hoặc bãi chức thủ tướng của ông Medvedev. Các quan sát viên nhiều kinh nghiệm cũng tiên đoán sẽ chứng kiến cảnh chế độ này tưởng tượng ra các mối đe dọa đến nhà nước để rồi phản ứng bằng cách đàn áp. Muốn thế thì ông Putin chỉ cần nhìn vào nước Belarus ngay bên cạnh, nơi mà Alyaksandr Lukashenka đang cố níu kéo quyền hạn độc tài cuối cùng của Âu Châu.

Một đường lối như vậy có thể giữ được ít lâu. Chế độ của ông ta kiểm soát khá chặt chẽ các dịch vụ an ninh để đàn áp những người bất đồng chính kiến trong một thời gian. Nhưng cũng như trong thời Liên Xô cũ (và Belarus ngày nay), các khó khăn kinh tế khiến cho khó đàn áp hơn. Trước con mắt theo dõi của internet thì cũng khó gian lận bầu cử quy mô. Hiện càng ngày càng gia tăng nguy cơ bùng nổ xã hội và chính trị tại Nga dù hãy còn quá sớm và phe đối lập quá rời rạc để có thể hy vọng bùng lên một mùa xuân nước Nga.

Đừng trông mong vào một “Nga hoàng” đang trên đà tuột dốc

Nhiều người ở ngoại quốc cho rằng chế độ của ông Putin, tuy có hơi thô bỉ, đã đem lại ổn định. Quan điểm đó đã thấy là sai. Như nhiều công ty Tây Phương đã có kinh nghiệm, ông Putin đã không gầy dựng một hệ thống dựa trên luật pháp để đáp ứng nhu cầu cần an ninh kinh tế của các nhà đầu tư ngoại quốc. Và như các biến cố dạo gần đây cho thấy, ông ta cũng không đem lại quân bình chính trị. Không phải chỉ có các cuộc phản đối trong tuần này là lý do gây lo ngại: tình trạng vô luật pháp ở miền bắc vùng Caucasus có thể gây khó khăn không những chỉ cho Nga mà thôi, và còn cho cả vùng này.

Nước Nga không phải là ổn định mà là cứng nhắc. Nếu “Nga hoàng” không có các biện pháp cải tổ “vương quốc” của mình thì nước này sẽ trở nên nguy hiểm hơn—cho cả các nước láng giềng lẫn chính ông Putin.

Source: The Economist
________________________
Chú thích của người dịch:

(*) Hạ Viện (Quốc Hội)
(**) Nicolae Ceaușescu, lãnh tụ đảng cộng sản và chủ tịch nhà nước Lỗ Ma Ni (Romania) bị dân chúng nổi dậy lật đổ vào năm 1989 và kết án tử hình.

0 comments:

Powered By Blogger