Tú Anh -Theo báo công giáo Eglise d’Asie, ngày mai thứ tư 26/01/2011, tòa án Đà Nẵng sẽ xử phúc thẩm 4 tín đồ Công giáo thuộc giáo xứ Cồn Dầu. Trong một bức thư gởi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và đức cha chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, 4 giáo dân khẳng định họ vô tội và họ bị công an tra tấn ép cung.
Hiệp hội Quốc tế Nhân quyền (ISHR) có trụ sở tại Frankfurt (Đức) cũng theo dõi vụ việc này và yêu cầu phiên tòa phúc thẩm phải cư xử công bằng. RFI đặt câu hỏi với Tổng thư ký Vũ Quốc Dụng :
- ISHR đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vi phạm nhân quyền này. Chúng tôi đã lấy lời khai của trên 30 đương sự để tìm hiểu và viết báo cáo về sự vụ. ISHR kết luận là trong vụ đàn áp này chính quyền Việt Nam đã vi phạm quyền sở hữu và quyền tự do tôn giáo khi tùy tiện đặt bảng cấm chôn tại nghĩa trang Cồn Dầu và quyền tự do thông tin khi tịch thu máy ảnh, máy quay phim cũng như bắt giữ và đe dọa những người làm phóng sự về vụ này. Đặc biệt, chính quyền Việt Nam đã vi phạm ở mức rất nghiêm trọng 3 nhân quyền khác là quyền an toàn thân thể khi đánh người dân một cách vô cùng dã man trong đám tang, quyền không bị tra tấn trong các trại giam và quyền xét xử công bằng trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 27.10.2010 vừa qua.
Bản án sơ thẩm không xét đến những sai phạm nghiêm trọng vừa kể nên cần bị sửa đổi. Tốt nhất là tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm này đi, tuyên bố mở lại cuộc điều tra dưới sự giám sát của các cơ quan cấp trung ương.
ISHR có những thông tin nào về việc tra tấn các bị cáo?
ISHR đã thu thập đủ bằng chứng để kết luận rằng đây là một vụ tra tấn khủng khiếp được thực hiện có hệ thống. Sau khi bị bắt vào ngày 4.5.2010, đã có trên 50 người bị tra tấn trong 2 ngày, 10 người bị tra tấn đến 7 ngày liên tục, ít nhất có 2 người bị tra tấn liên tục trong hơn 3 tháng trời, chưa kể đến những cuộc tra tấn lẻ tẻ khác. Hậu quả của vụ tra tấn này rất nghiêm trọng – với một nạn nhân đã chết là ông Nguyễn Thành Năm, hàng chục người khác bị thương tật lâu dài về thể xác và tâm lý, và hàng chục người phải bỏ trốn khỏi xứ.
Tôi xin kể vài cách thức mà công an đã dùng để tra tấn người tại đồn công an quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Công an Cẩm Lệ đã tra tấn vài nạn nhân bằng cách biệt giam họ 14 tuần liên tục với mục đích bẻ gẫy ý chí của họ và làm họ sợ hãi. Biệt giam là cách giam trong một phòng không có ánh sáng nên tù nhân không còn biết ngày đêm, trong một phòng hôi thối, nóng nực và thiếu không khí đến ngộp thở. Hàng đêm tù nhân chỉ ngủ chập chờn vì phải cảnh giác để kịp thức dậy mỗi khi có cán bộ đến kiểm tra mỗi đêm 3-4 lần. Không kịp dậy để cho cán bộ thấy mặt là bị đánh. Ban ngày không làm gì cũng thường xuyên bị đánh.
Tất cả các nạn nhân bị đưa đi hỏi cung đều bị tra tấn. Cuộc đi cung tra tấn lâu nhất đã kéo dài 7 ngày liên tục, mỗi ngày từ 4 đến 8 tiếng, bất kể ngày đêm. Khi bị tra tấn, tù nhân thường bị còng tay. Nếu bị ngất, thì họ bị dội nước hoặc chích điện vào người cho tỉnh dậy rồi tra tấn tiếp. Dã man nhất là cách tra tấn dùng hai dép da đánh vào hai tai cho đến khi chảy máu tai hay dùng gậy đánh vào bàn tay hay bàn chân khiến cho nạn nhân bị đau tưởng như các lóng xương sắp rời ra. Nói chung, nạn nhân đã bị đánh tới tập bằng tay hoặc bằng gậy, bị đá hoặc đạp bằng giầy da vào đầu, mặt, tay, chân, ngực, lưng, bụng và cạnh xườn nếu không chịu trả lời theo ý công an điều tra. Nạn nhân cho biết họ bị thương khắp người, có nhiều chỗ bị đánh vỡ da, máu họ trào từ miệng, tai, mắt và mũi trong lúc bị tra tấn. Sau đó khi bị đưa trở lại phòng giam, thân thể họ bị xưng vù, có nhiều vết thương toét da, vết bầm. Họ không đi nổi nữa, không ngủ được – có lúc không nằm được – vì đau đớn. Trong 7 ngày liền.
Nếu xem biệt giam cũng là một hình thức tra tấn thì có nạn nhân đã bị tra tấn trong thời gian tổng cộng là 101 ngày. Không có thuốc men, không có bác sĩ chăm sóc. Trong tình trạng bị tra tấn như thế đó, nạn nhân đã không còn cách nào khác hơn là nhận tội, nhận bất cứ tội gì mà công an tưởng tượng ra, cho dù họ không làm điều đó, cho dù điều đó có vô lý đến đâu chăng nữa.
ISHR đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải cho điều tra một cách thật rốt ráo vụ tra tấn này trước khi đặt bút ký vào Công ước chống Tra tấn của LHQ.
Tại sao ISHR kêu gọi tòa án phải xét xử công bằng ?
Vụ án này đầy rẫy những oan sai. Phiên tòa sơ thẩm là một mắt xích gây oan sai. Nếu muốn công bằng thì tòa phúc thẩm phải xét đến cả những sai trái của chính quyền. Theo tôi phiên xử sắp tới phải lưu ý đến những vấn đề nhức nhối sau đây :
- tại sao chính quyền đã tự tiện cắm bảng cấm trên đất của một nghĩa địa tư trong khi chưa hề giải quyết việc thu hồi đất với người sở hữu là giáo xứ Cồn Dầu?
- tại sao chính quyền đã hứa đàm phán với tang quyến nhưng lại để cho công an mở nhiều cuộc tấn công đám tang với ý định cướp quan tài khiến cho dân chúng phải tự vệ?
- tại sao tòa sơ thẩm lại kết án tất cả các bị cáo dựa trên những biên bản bức cung của công an và không lưu ý rằng chính công tố viên cũng thừa nhận là có ít nhất một bị cáo không có hành vi gây rối và chống lại công an?
- tại sao những người ở trong tù đã không có sự bảo vệ pháp lý đầy đủ? Vì lý do nào mà nhiều người tố cáo rằng họ bị công an ép họ ký giấy từ chối luật sư? Vì sao văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ bị từ chối cấp giấy phép biện hộ trong vụ này? Vì lý do nào mà ông Nguyễn Hữu Minh đã làm đơn xin phúc thẩm nhưng sau đó phải rút lại? Vì lý do nào mà bà Phan Thị Nhẫn dù có đơn xin phúc thẩm nhưng không có luật sư ?
Tôi cho rằng những người xin xử phúc thẩm không mong đợi gì hơn là thấy tòa án Đà Nẵng can đảm xử theo đúng luật và công tâm để trả lại công lý cho họ.
Nếu tòa xét xử công bằng thì các nạn nhân có lấy lại được những gì đã mất không ?
Bất cứ ai dù có tội cũng không thể bị tra tấn. Đằng này các bị cáo Cồn Dầu đều vô tội nhưng đã chịu những khổ nạn quá lớn. Do đó việc phục hồi cho họ là cần thiết. Cụ thể tòa phúc thẩm có thể tuyên bố phục hồi về 4 điểm như sau :
Thứ nhất, trả tự do ngay tức khắc cho 2 người còn ở tù và xóa án toàn bộ cho 7 bị cáo của phiên xử sơ thẩm;
Thứ hai, phục hồi về mặt y tế, tâm lý, xã hội và pháp lý cho những nạn nhân bị tra tấn;
Thứ ba, bồi thường cho những nạn nhân bị tra tấn vì những đau đớn về cơ thể và tinh thần;
Thứ tư, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ nhà nước và Đảng đã trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm nhân quyền trong vụ này.
Không tuyên bố phục hồi đầy đủ về 4 mặt kể trên thì phiên xử phúc thẩm này sẽ bị xem là bất công và thẩm phán sẽ phải chịu trách nhiệm chính về việc này.
0 comments:
Post a Comment