Adam Boutzan – Hãy hình dung cảnh vào lúc ấy, một người bán hàng rong trẻ tuổi, có học, tẩm xăng vào người, đứng trước trụ sở cơ quan đảng và châm lửa?…
Đặc điểm cố hữu của những cuộc nổi dậy thành công là không thể dự đoán được. Cuộc nổi dậy gần đây của tầng lớp trung lưu đã lật đổ chế độ Zine el-Abidine Ben Ali ở Tunisia, và nó chỉ có thể được giải thích thông qua những gì trí nhớ còn ghi lại được; chứ nhìn bề ngoài, gần như không ai trông thấy quá trình nó xảy đến.
Hiện tại các nhà phân tích đang dồn sự chú ý vào khối hỗn hợp nổ gồm: rất nhiều người trẻ tuổi có giáo dục và rất ít việc làm, một tầng lớp tinh hoa “độc tài đạo tặc”, và thất bại của bộ máy an ninh, không bảo vệ nổi chế độ khi những con chip đã hỏng hóc.
Các nhà phân tích khác đang tranh cãi xem liệu trường hợp Tunisia có lặp lại ở các nước Ảrập láng giềng, bao gồm Algeria, Ai Cập và Yemen, hay không. Và nếu có, các nền dân chủ của thế giới nên phản ứng với tình hình hỗn loạn đó như thế nào.
Các bộ trưởng ngoại giao từ Washington, London, Tokyo đến Paris và Berlin đang cố xác định xem lập trường nào khả dĩ nhất giúp chính phủ của họ tìm một cơ sở chung để hợp tác với những người có thể nắm quyền nếu cuộc nổi dậy thành công, mà lại không làm đảo lộn quan hệ hiện nay nếu chính quyền bị thất thế kia thay đổi được tình hình.
Nếu các vị bộ trưởng ấy khôn ngoan thì họ không nên chỉ nhìn vào thế giới Ả rập.
Cuộc nổi dậy ở Tunisia khá giống với phong trào phản đối làm nghiêng ngả chế độ mullah ở Iran mới cách đây hơn một năm. Lý do không phải là vấn đề Hồi giáo mà là công bằng xã hội và tự do cá nhân. Và nếu đúng như thế thì các nhà phân tích nên nghiên cứu sự tương đồng của phong trào đó với tất cả các quốc gia khác, dù Hồi giáo hay không, trong những giai đoạn phát triển khó khăn của họ.
Ở nhiều nước đang phát triển, giáo dục và mạng xã hội số hóa đã khiến các cư dân thành thị trẻ tuổi nhận thức được những gì mà họ không có. Ở một số nơi, họ không có được những món đồ mà một người bình thường có thể mua nếu anh ta hoặc cô ta có nghề nghiệp ổn định. Ở vài nơi khác, họ không được quyền nói ra những gì họ nghĩ, không được phép thay đổi lãnh đạo, chứ đừng nói gì thay đổi hệ thống.
Việt Nam rơi vào trường hợp thứ hai.
Kể từ năm 1991, tầng lớp tinh hoa là đảng viên cộng sản đã khá thành công trong việc đưa hàng tiêu dùng đến tay công dân. Những người dân vẫn còn bị ám ảnh bởi ký ức về sự đói nghèo khốn khổ – kết quả sự thất bại của Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đích thực (1975-1986) – những người dân đó đã rất hạnh phúc với cái mà một khoản thu nhập bình quân đầu người 1200 USD mang lại: nhà ở tốt hơn, đủ ăn, xe máy, tivi, và tiền để thỉnh thoảng mua sắm đồ xa xỉ. Khảo sát về Chỉ số Hạnh phúc, do Tạp chí Forbes tài trợ, thường xuyên cho thấy dân Việt Nam nằm trong số những người lạc quan nhất thế giới, tin tưởng rằng cuộc sống đang tiến triển theo hướng tốt hơn.
Tuy nhiên một nhúm người Việt vẫn khăng khăng khi than thở trên blog, trên Facebook và trên giấy rằng thịnh vượng về vật chất là chưa đủ, và vẫn còn thiếu các quyền tự do chính trị căn bản. Cho đến nay, đại đa số người Việt nhìn những kẻ đó một cách giễu cợt, và nếu có để ý đến thì coi những người đó như những người lập dị chưa biết nghĩ. Họ nhún vai mỗi khi những kẻ bất mãn bị đánh đập hay bắt giam vì các tội như “lợi dụng Internet, kích động đa đảng và dân chủ”.
Thái độ thụ động về chính trị của phần lớn người Việt Nam có thể được giải thích là do không hiểu biết về thế giới bên ngoài. Những tờ báo hăng hái đã đưa tin thường xuyên và rõ ràng là không qua kiểm duyệt về các sự kiện ở Tunisia và hiện giờ là ở Ai Cập, kể từ khi chế độ Ben Ali bị lật đổ hồi giữa tháng 1. Và, cũng như những cuộc bạo động làm rung chuyển Bangkok một năm về trước chỉ là chuyện để báo chí đưa tin cho ăn khách, cảm nghĩ hiện nay dường như là “ơn Trời, chuyện ấy không xảy ra ở đây”.
Ở một nước một thời từng chính thức đi theo chủ nghĩa quân bình song lại là nơi những màn phô trương của cải lại đang thịnh hành, nhiều người thành thị trẻ và có giáo dục chỉ mong cũng đạt được một sự giàu có thô thiển như thế. Gần như tất cả các công dân đều tin tưởng rằng nếu chăm chỉ và có chút may mắn, họ sẽ được hưởng một cuộc sống khá giả hơn, dễ chịu hơn.
Theo bảng “Chỉ số Thịnh vượng” của Viện Legatum – một bản phân tích lớn vừa được công bố hôm 26-1, thì năm qua Việt Nam đã nhảy 16 bậc và hiện đang xếp thứ 61 trên tổng số 110 nước được khảo sát. Tunisia đứng thứ 48 trong cùng cái bảng xếp hạng “đánh giá toàn cầu về của cải và hạnh phúc” này.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã vừa thay mới tầng lớp tinh hoa chính trị của đất nước, nâng một số lên và đưa một số về hưu. Điều mà người ta thường được nghe qua tấm màn tin đồn bao phủ những sự kiện như thế, là sự nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng trưởng kinh tế. Không chỉ là tăng về lượng, mà cả về chất nữa – tìm những hình thức đầu tư và các chính sách nào có thể đưa Việt Nam ra khỏi hàng ngũ các nước xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa sử dụng nhiều lao động chân tay.
Đó là lời hứa hẹn mà chính quyền có thể không thực hiện nổi. Có lẽ các đảng viên hiểu rằng tính chính đáng của chế độ của họ bây giờ phụ thuộc sâu sắc vào việc nâng cao được mức sống của người dân, và họ sẽ hành động theo hướng đó. Thế nhưng, dường như cũng chắc chắn không kém là các nhà cải cách trong nội bộ đảng cầm quyền này sẽ tiếp tục bị bó chân bởi một hệ thống đã xơ cứng, với các đặc điểm nổi bật: bao cấp, tham nhũng lan tràn và tình trạng cát cứ ở địa phương.
Nếu những tiến bộ kinh tế suốt một phần tư thế kỷ qua của Việt Nam bị gián đoạn hoặc ngừng lại, chắc chắn hỗn loạn sẽ xảy ra theo đó. Có hàng triệu thanh niên cưỡi xe máy, mỗi người sở hữu một điện thoại di động 3G – bất kỳ ai đã từng chứng kiến những dịp ăn mừng chiến thắng của tuyển bóng đá Việt Nam đều có thể hình dung cái cảnh sẽ xảy ra khi cũng nguồn năng lượng ấy bị chuyển hóa thành cơn hăng hái chính trị. Và nếu, giống như ở Tunisia, tâm trạng của người dân trở thành tồi tệ một cách không cứu vãn nổi, nếu một, hai cuộc đụng độ nhỏ xảy ra và có người chết, nếu hàng chục nghìn người thách thức những quyền lực đang tồn tại kia, thì liệu chính quyền có thể trông cậy vào lực lượng bảo vệ của nó, các Công an Nhân dân, hay không?
Việt Nam, quốc gia 86 triệu dân, có 1,2 triệu công an cảnh sát, theo một ước đoán của chuyên gia đáng kính về quốc phòng, nhà phân tích Carl Thayer. Xét tổng thể, họ là một đám tham nhũng, lạm dụng quyền lực, có mặt ở khắp mọi nơi, và người dân thường thì tránh họ càng xa càng tốt. Xét về cá nhân, hầu hết công an – cũng như trường hợp Tunisia – đều thuộc tầng lớp trung lưu thấp, những người coi sự nghiệp làm công an là con đường để tiến thân.
Các đơn vị công an chuyên trách tỏ ra xuất sắc trong việc kiểm soát và áp chế những người Việt Nam nào chia sẻ ý kiến xúi giục nổi loạn của họ với ai khác. Các cán bộ an ninh nội địa thường xuyên cảnh báo rằng các thế lực thù địch chống Việt Nam mưu tính tổ chức một cuộc “cách mạng màu” kiểu Đông Âu. Công an còn được hỗ trợ bởi hệ thống luật pháp cấm cản việc thành lập các nhóm vận động độc lập, vốn là nguồn mầm của xã hội dân sự ở rất nhiều quốc gia.
Những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam có vẻ bị cô lập và còn ít về số lượng, và chừng nào còn như thế thì còn không địch được với công an. Tuy thế, hãy giả sử tăng trưởng kinh tế bị gián đoạn hay ngừng hẳn xem? Và thử tưởng tượng một thanh niên Việt Nam có bằng đại học, không sao tìm được công ăn việc làm ổn định, liền bày một mẹt hàng vỉa hè để bán dưa hấu? Hãy thử hình dung mấy công an bắt giữ anh ta vì đã bán hàng không giấy phép, và tịch thu hết số tiền anh ta có? Hãy thử hình dung anh ta phản đối những thứ quyền lực hiện hành, và bị phớt lờ hoặc bị sỉ nhục?
Điều ấy xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Và hãy hình dung cảnh vào lúc ấy, một người bán hàng rong trẻ tuổi, có học, tẩm xăng vào người, đứng trước trụ sở cơ quan đảng và châm lửa?
Adam Boutzan là bút danh của một cây viết viết độc lập.
Người dịch: Đan Thanh
0 comments:
Post a Comment