Saturday, January 29, 2011

Ngoại giao Facebook


(LĐ)- Ngoại trưởng Singapore George Yeo là ngoại trưởng đầu tiên của ASEAN mở trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook. Một ý tưởng thức thời, táo bạo và đương nhiên là thú vị ở một khu vực mà dường như “ngoại giao chính trị” vẫn còn lấn át.

Nhưng ông George Yeo đã giành thế chủ động để nói về đất nước ông, về công việc của ông và về bản thân ông. Xem ảnh ông tươi cười bắt tay các ngoại trưởng ASEAN tại Hà Nội bên lề các cuộc họp, hẳn thích thú hơn nhiều so với ảnh ông nghiêm túc trên bàn hội nghị. Đọc các chú thích, các bài viết của chính ông hẳn ngắn gọn và dễ tiếp nhận hơn là những bản tin dài trên báo chí.

Không ít thách thức khi lên mạng, nhất là với một chính trị gia, nhưng Ngoại trưởng Singapore chấp nhận thách thức đó. Cái được là sự chủ động, và sự quan tâm của rất nhiều người – trong đó không ít các bình luận của người Việt Nam, đến những gì ông George Yeo muốn nói. Và đương nhiên, đây là một cách khôn ngoan khi mà Facebook đã trở thành đợt thủy triều tràn vào cộng đồng người sử dụng Internet trên toàn thế giới.

singjpg-085114

Hình ảnh của Ngoại trưởng Singapore George Yeo được đăng trên Facebook của ông

Không chọn mạng xã hội có ảnh hưởng rộng như Ngoại trưởng Singapore, song Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Staffan Herrstrom, và trước đó là Đại sứ Anh vừa hết nhiệm kỳ Mark Kent, cũng có những trang blog để kết nối với người dân nước sở tại. Các trang blog này nằm trong khuôn khổ trang web của đại sứ quán của họ tại Hà Nội, song đó vẫn là những phát ngôn, những chia sẻ mang đậm dấu ấn cá nhân và vì thế dễ làm người đọc thích thú hơn là các bài viết chính thức trên trang web của sứ quán. Blog của Đại sứ Thụy Điển mở chưa lâu, giữa tháng 12.2010 nhưng ông khá chăm chỉ cập nhật.

Quen biết với người Việt hơn bởi ra đời trước và được các nhân viên cần cù của Đại sứ quán Anh “tiếp thị” thường xuyên hơn là blog của cựu Đại sứ Anh Mark Kent. Từ bài viết đầu tiên trên blog tháng 9.2008, ông Kent đã có hàng chục bài viết cho đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam tháng 11.2010. Ông là đại sứ nước ngoài đầu tiên ở Hà Nội viết blog, sau đó ông mở cả trang trên Facebook để kết nối với mọi người. Những câu chuyện dí dỏm và sự nhiệt tình, tình cảm yêu mến dành cho Việt Nam khiến ông có một đội ngũ đông đảo fan hâm mộ.

Cách đây một năm, người dùng Internet đã phát sốt với video clip chàng trai Anh Lee Kirby hát tiếng Việt. Lại một lần nữa, các nhân viên của Đại sứ quán Anh đã rất sáng tạo: Họ đề nghị Kirby ghi âm một bài hát Việt Nam để làm lời chúc Tết Nguyên đán – 2010. Băng video Kirby hát “Quê nhà” được Đại sứ quán Anh tại Hà Nội đưa lên trang Facebook và kênh YouTube đã trở nên “hot” hơn cả lời chúc tết 2009 của huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Manchester United – Sir Alex Ferguson, và Ngoại trưởng Anh lúc đó David Miliband vốn cũng rất thú vị. Đại sứ quán Anh là ví dụ tốt nhất trong việc dùng các mạng xã hội để quảng bá hình ảnh và xúc tiến quan hệ với Việt Nam. Tiếc là sau khi Đại sứ Mark Kent rời Việt Nam, đại sứ mới sang chưa kết nối với người dân Việt Nam theo một cách gần gũi như thế.

Việt Nam chỉ là một ví dụ trong việc người Anh sử dụng các công cụ giao tiếp số để làm ngoại giao. Ngoại giao kỹ thuật số được Bộ Ngoại giao Anh rất coi trọng và dành hẳn một trang web cho vấn đề này.Thời của các thông tin một chiều, của những bài nói chuyện cả tiếng đồng hồ đã qua, và giờ Internet giúp các nhà ngoại giao lắng nghe phản hồi và giao tiếp một cách cởi mở để góp phần tốt hơn cho việc hoạch định chính sách của họ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một trong những nhân vật đi đầu trong việc đề ra chiến lược ngoại giao kỹ thuật số. Sáng kiến ngoại giao này của Mỹ bao gồm hàng loạt dự án nhỏ được thiết kế để sử dụng Internet, điện thoại di động, các mạng xã hội để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ rất sinh động và mở, sẵn sàng được chia sẻ qua các mạng như YouTube, Facebook, Twitter… Người Mỹ rất thực tế khi nhìn thấy lợi ích của việc sử dụng các mạng xã hội để kết nối với dân chúng khắp thế giới và họ đã thành công ở nhiều nước, bổ sung đáng kể cho ngoại giao truyền thống. Công nghệ thông tin trong ngoại giao, giờ không đơn thuần là một trang web nữa rồi. Sự tương tác trên Internet giờ mạnh mẽ tới mức chỉ trong vài phút, một ý tưởng đưa ra đã có thể có hàng trăm phản hồi và con số đó sẽ tăng theo cấp số nhân để trở thành một tiếng nói mà các nhà hoạch định chính sách thiệt nhiều hơn lợi nếu họ không đi trước trong ứng xử, chưa nói là bỏ qua.

Thực ra ý tưởng này vẫn mới mẻ ở nhiều nước chứ không chỉ ở Việt Nam, bởi những thách thức từ sự tương tác toàn cầu đó là quá lớn. Đại sứ Phạm Sanh Châu kể, trong đề án phát triển ngoại giao văn hóa, ông đã đề xuất dùng các mạng xã hội Facebook, Twitter… để quảng bá hình ảnh Việt Nam nhưng chưa được chấp thuận. “Tôi vẫn đề xuất lại mới đây” – ông cho biết.

Tuy nhiên, về cá nhân, ông Châu cũng không có trang blog riêng. Ông thừa nhận có rất nhiều chuyện để kể sau những hành trình công du khắp thế giới trong hàng chục năm làm ngoại giao. Ông cũng đồng ý rằng, khi ông đang thực hiện chủ trương phát triển ngoại giao văn hóa thì trang blog cá nhân là công cụ rất thích hợp và hấp dẫn. Ông đưa ra lý do là không đủ thời gian.

Thời gian không phải là lý do duy nhất để các nhà ngoại giao Việt Nam lưỡng lự trong việc tiến vào mạng xã hội. “Có thể tôi thuộc type người còn hơi bảo thủ trong việc không thích thường xuyên tâm sự chia sẻ công khai những thông tin về đời sống riêng của mình” – nhà ngoại giao tài hoa và đầy lịch thiệp Ngô Quang Xuân nói, sau khi tiết lộ ông đang cân nhắc ý định sử dụng Facebook mở trang cá nhân. Nhưng những người bạn tương lai trên mạng xã hội của các nhà ngoại giao – cũng như cả Bộ Ngoại giao – đều biết rằng, các nhà ngoại giao vốn khôn ngoan (hầu như) luôn hành xử một cách thận trọng, dù là trong thế giới ảo.

Mỹ Hằng

(Nguồn: Lao Động)

0 comments:

Powered By Blogger