Monday, January 31, 2011

Ai Cập cuộc nổi dậy bước vào ngày thứ sáu

Biểu tình bạo động tại Ai Cập






Ai Cập cuộc nổi dậy bước vào ngày thứ sáu

Ai Cập : Cuộc nổi dậy bước vào ngày thứ sáu, hơn 110 người chết
31-01-2011 05:47

Ai Cập : Cuộc nổi dậy bước vào ngày thứ sáu, hơn 110 người chết
Biểu tình chống tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Cairo, ngày 29/01/2011 Reuters

Phong trào xuống đường đòi dân chủ tại Ai Cập bước vào ngày thứ sáu dù cho tổng thống Mubarak thông báo thay đổi nội các.

Trước áp lực của đường phố mỗi ngày mỗi gia tăng, tổng thống Ai Cập Mubarak bổ nhiệm hai nhân vật có uy tín vào chức vụ phó tổng thống và thủ tướng. Tuy nhiên, phong trào đối lập không chấp nhận giải pháp nửa vời. Tổng thống Mỹ một lần nữa thúc giục Ai Cập cải cách thực sự trong lúc bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi kiều dân di tản. Phong trào phản kháng của người dân Ả Rập đã làm cho một số chính quyền châu Á đặc biệt là Trung Quốc và Cam Bốt lo ngại.

Phong trào xuống đường đòi dân chủ tại Ai Cập bước vào ngày thứ sáu dù cho tổng thống Mubarak thông báo thay đổi nội các.

Theo AFP, từ sáng sớm hôm nay, 30/01/2011, hàng trăm người từ nhiều ngã đường kéo về quãng trường Tahir (Giải phóng), nơi mà từ năm ngày qua quy tụ mỗi ngày hàng chục ngàn người đòi lật đổ tổng thống Hosni Mubarak cầm quyền liên tục từ 30 năm qua.

Tại nhiều tỉnh và nhiều khu vực ở thủ đô, cuộc nổi dậy biến thành xung đột đẫm máu giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình.

Dựa trên số liệu do các bệnh viện cung cấp, AFP cho biết có 111 người chết và hơn 2000 người bị thương sau năm ngày biểu tình. Nhiều xe cảnh sát kể cả thiết giáp bị đốt cháy. Người biểu tình tấn công vào cả bộ Nội vụ, đốt trụ sở đảng Quốc gia Dân chủ của tổng thống Mubarak và hàng chục cơ quan cảnh sát tại Cairo và ở các tỉnh.

Nhiều nhà tù bị phá làm cho hàng ngàn tù thường phạm và hàng trăm tù chính trị trong đó có thành viên tổ chức cực đoan « Huynh đệ hồi giáo » vượt thoát.

Theo AFP, do nhân viên canh một nhà tù cách Cairo 100 cây số đã bỏ nhiệm sở, tù nhân ở đây đã trốn hết. Nhưng trên đường dẫn ra nhà tù, người ta thấy có nhiều chục xác người.

Sinh hoạt kinh tế trong nước cũng bị tác động, nhiều ngân hàng, máy rút tiền bị tấn công. Kỳ thi giữa năm của sinh viên phải dời lại vô hạn định.

Sau thủ đô , hai thành phố lớn khác là Alexendria và Suez bị giới nghiêm. Quân đội bố trí xe tăng tại các địa điểm chiến lược.

Trong lãnh vực chính trị, báo chí Ai Cập « đổi giọng » và tập trung nói đến « đổi mới » và tập trung nói nhiều về các khuôn mặt dân sự thuộc giới doanh nhân và chính trị gia thân cận với hai bố con tổng thống.

Chỉ định phó tổng thống và thủ tướng

Trước sức ép đòi cải tổ, ngày hôm qua, 29/01/2011, tổng thống Hosni Mubarak đã có bước nhượng bộ đầu tiên là bổ nhiệm một phó tổng thống và chỉ định một thủ tướng mới.

Chức vụ phó tổng thống đã bị bỏ trống kể từ khi ông Mubarak lên nắm quyền năm 1981.

Người vừa được bổ nhiệm là ông Omar Suleiman, phụ trách cơ quan tình báo Ai Cập. Lễ nhậm chức được chiếu trên truyền hình Ai Cập.

Nổi tiếng là người liêm khiết, ông Suleiman thường xuyên được coi là một trong những nhân vật có khả năng thay thế tổng thống Mubarak.

Sinh năm 1936 tại Qena, miền nam Ai Cập, ông Suleiman đã từng tham gia quân đội, được đào tạo quân sự tại Liên Xô cũ. Từ năm 1993, ông lãnh đạo cơ quan tình báo Ai Cập.

Tên tuổi của tân phó tổng thống Ai Cập được biết đến nhiều qua các nỗ lực làm trung gian trong vấn đề Cận Đông, một hồ sơ có vai trò quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập. Ông Suleiman cũng là người tìm cách thúc đẩy đối thoại giữa các phe phái Palestin, giữa tổ chức Fatah và lực lượng Hồi giáo Hamas.

Theo giới quan sát, khi chấp nhận chỉ định một phó tổng thống, tổng thống Hosni Mubarak dường như chuẩn bị cho khả năng đưa người lên thay mình, bởi vì chính ông Mubarak đã từng giữ chức phó tổng thống vào thời điểm tổng thống Anouar el Sadate bị ám sát, năm 1981.

Cho đến nay, theo một số nguồn tin tại Ai Cập thì có nhiều triển vọng ông Gamal Mubarak, 47 tuổi, con trai ông Mubarak, sẽ lên thay cha làm tổng thống. Tuy nhiên, với việc bổ nhiệm ông Suleimain làm phó tổng thống, thì khả năng này coi như bị gạt bỏ.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Mubarak đã chỉ định tướng Ahmed Shafik, nguyên bộ trưởng bộ Hàng không làm thủ tướng. Nội các cũ do ông Ahmed Nazif đã bị tổng thống Mubarak giải tán hôm thứ sáu, 28/01.
Tân phó tổng thống và tân thủ tướng Ai Cập đều là những người thân cận của tổng thống Hosni Mubarak.

Nhận định về những thay đổi này, ông Shadi Hamid, giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Brookings Doha Center cho rằng, dù sao thì có vẫn còn hơn không. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy chính quyền xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Tuy nhiên, theo AFP, những động thái này không làm thay đổi thái độ của những người biểu tình tại thủ đô Ai Cập, họ vẫn hô vang những khẩu hiệu đòi tổng thống Mubarack phải ra đi và không chấp nhận những nhân vật thân cận với ông.

Ông Mohamed Mustafa ElBaradei, nguyên tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, giải thưởng Nobel Hòa bình và là một trong những nhân vật đối lập nổi bật nhất tại Ai Cập tuyên bố rằng những bổ nhiệm mới này là chưa đủ và ông kêu gọi tổng thống Mubarak nên nhanh chóng từ chức vì lợi ích của đất nước. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Barack Obama lại một lần nữa yêu cầu chính quyền Mubarack phải tiến hành cải tổ và có thái độ kiềm chế. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi kiềm chế, tránh bạo lực và tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.

Thủ tướng Israel hôm nay, khẳng định lại rằng Israel mong muốn duy trì quan hệ hòa bình với Ai Cập và ổn định trong khu vực. Ai Cập cùng với Jordani là hai nước duy nhất trong khu vực ký hiệp đình hòa bình với Israel.

Cũng trong ngày hôm nay, tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Phi ở thủ đô của Ethiopia, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố là Pháp « sát vai với nhân dân Tunisia và Ai Cập trong hoàn cảnh cực kỳ then chốt này và mong mỏi có một cuộc thay đổi ôn hòa ».

Trong khi đó Quốc vụ khanh đặc trách thanh niên và sinh hoạt hội đoàn của Pháp , bà Jeannette Bougrab tuyên bố là tổng thống Mubarak phải « ra đi » vì sau 30 năm cầm quyền, đã đến lúc phải chấp nhận đổi mới chính trị.

« Al Jazeera bị cấm »

Để gây khó khăn cho phong trào biểu tình, chính quyền Ai Cập ra lệnh cho các nhà dịch vụ internet phong tỏa mạng thông tin điện tử trên toàn quốc. Hôm nay, chính quyền tiến thêm một bước nữa là cấm đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera, nhưng đài này hướng dẫn khán giả điều chỉnh tần số cũng như antenne.

(Theo RFI)

0 comments:

Powered By Blogger