Hà Đình Sơn - Ở đây tôi không đề cập sự việc dưới lăng kính pháp lý mà nhìn nó dưới lăng kính tình cảm, thái độ của nhân dân trước sự kiện được dựng nên từ phía chính quyền. Vụ án được bắt đầu từ những tình tiết mang đậm màu sắc “hình sự” rất ly kỳ đó là T.S Cù Huy Hà Vũ bị tố giác có liên quan đến ma túy và mãi dâm.
Vào lúc 0 giờ ngày 05/11/2010, Công an phường 11, quận 6, Hồ Chí Minh nhận được tin tố giác “nặc danh” của quần chúng. Chắc hẳn mọi người ai cũng biết “quần chúng tố giác tội phạm” đó là ai. Để chứng minh cho khả năng có hành vi mua dâm của ông Vũ công an phường hôm đó đã thu được vật chứng là 02 bao cao su đã qua sử dụng trong phòng khách sạn nơi ông Vũ đang ở và một phụ nữ 34 tuổi làm nghề luật sư.
Nhân đây phải đáng khen lực lượng công an thật tận tụy với công vụ và quan tâm đặc biệt đến trường hợp của ông Cù Huy Hà Vũ. Vì ở cái thành phố Hồ Chí Minh thì các trung tâm có dấu hiệu mãi dâm, tụ điểm có dấu hiệu ma túy có mà đầy dãy ai cũng biết không cần phải có tố giác của quần chúng. Thành phần lực lượng khám xét hành chính ông Vũ hôm đó bao gồm những lực lượng nào? 02 bao cao su ở đâu ra? chỉ có công an biết.
Trong khoảng thời gian 16 tiếng đồng hồ mà công an phường từ kiểm tra hành chính, đến kiểm tra máy vi tính cá nhân và USB của ông Vũ mà lọc ra được hàng trăm tài liệu làm chứng cứ, rồi từ cấp phường báo cáo lên từng cấp, cuối cùng lên đến cấp Bộ Công an mà đã ra được ngay quyết định trong ngày đồng thời tổ chức được lực lượng đủ các thành phần khác nhau khám xét nhà riêng ông Vũ ở Hà Nội thì an ninh Việt Nam “thánh thật”.
Đến sau này công an lại đưa ra là trước đó tháng 10/2010, Sở thông tin & truyền thông Hà Nội đã có công văn tố giác ông Vũ với cơ quan công an. Nhưng có điều lạ là Sở này không báo cho công an Hà Nội mà lại báo cho công an Bộ. Công an Bộ thì bắt giữ, khám xét, tổ chức họp báo nhưng sau đó lại chuyển vụ án cho công an Hà Nội. Ông Vũ bị tạm giam tại trại giam của công an Bộ, chả lẽ công an Hà Nội thiếu trại giam. Chỉ với các tình tiết ban đầu của vụ án như vậy người ta cũng nhận thấy khâu đạo diễn có “trúc trắc”, “uẩn khúc” thiếu lô gíc, minh bạch. Còn về cái công văn của Sở thông tin và truyền thông thì cũng chỉ công an mới biết nó ở đâu ra.
1- Người dân thì cũng thừa hiểu cái “tội” của ông Vũ là muốn đa nguyên, đa đảng. Tức là nhà nước nếu cố xử ép ông Vũ vào điều 88 “Tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là thông điệp cho nhân dân biết Đảng cấm và trừng phạt những ai có quan điểm đa nguyên, đa đảng. Nhân dân cũng biết được Hiến pháp, pháp luật và công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đối với Đảng nó là cái gì?
2- Ông Vũ kiến nghị hãy từ bỏ Chủ nghĩa xã hội và quay về Dân tộc. Nếu ông Vũ bị kết tội thì nhân dân Việt Nam cũng hiểu được Đảng bắt dân tộc phải chọn con đường Chủ nghĩa xã hội.
3- Ông Vũ có đòi hỏi về hòa giải dân tộc, nếu ông Vũ bị kết tội thì nhân dân Việt Nam cũng hiểu được thực tâm của Đảng đối với vấn đề hòa giải dân tộc là thế nào?
4- Ông Vũ có kiến nghị liên minh với Mỹ để gìn giữ lãnh thổ quốc gia và bảo vệ lợi ích dân tộc, nếu ông Vũ bị kết tội thì nhân dân Việt Nam cũng hiểu được thực tâm của Đảng muốn liên minh với ai để bảo vệ lợi ích của ai?
5- Gia đình ông Vũ thuộc hàng “cựu thần” có công với Đảng nhưng trái ý với Đảng, Đảng cũng không từ vậy những người dân khác hãy nhìn vào đó mà hiểu cái “đạo đức, văn minh” của Đảng?
6- Ông Vũ kiến nghị đàng hoàng với Đảng với Nhà nước về các vấn đề của đất nước, nhưng các kiến nghị đó không được trả lời mà lại dùng làm chứng cứ để kết tội ông Vũ. Qua đó nhân dân hãy biết Đảng có cần nhân dân góp ý, và kiến nghị với Đảng hay không?
7- Ông Vũ là người bảo vệ người nghèo, người bị oan sai, thấp cổ bé họng trong xã hội không phân biệt thành phần, tôn giáo nếu ông Vũ bị kết tội thì nhân dân Việt Nam cũng hiểu được Đảng bảo vệ ai? Đứng về phía nào? Nhân dân hãy biết để khi cần thì sẵn sàng hy sinh như thế nào khi Đảng cần?
Đấy là những thông điệp có lẽ Đảng muốn gửi cho nhân dân Việt Nam qua vụ án Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ “Tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Thăng Long – Hà Nội, 01/2011
Hà Đình Sơn
0 comments:
Post a Comment