Wednesday, January 26, 2011

Đại hội xong rồi…thì sao

Nguyễn Hưng Quốc – … Lần này thì không. Báo chí chỉ loan tin được một hai ngày, chủ yếu là tường thuật ngày cuối cùng của đại hội. Và tóm tắt tiểu sử của các ủy viên mới của Bộ Chính trị. Đâu đó, có một bài định ca tụng tân Tổng bí thư về việc ông lái xe gắn máy đi thăm thầy cũ; nhưng ngay sau đó, bị giới blogger quạt lại ngay: Nhảm nhí!..

*

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 đã kết thúc được hơn một tuần. Nhìn lại, theo tôi, có một điều không-đáng-ngạc-nhiên và một điều rất đáng ngạc nhiên.

Chuyện không đáng ngạc nhiên là kết quả bầu cử trong đại hội. Trước, đã có tin đồn Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng bí thư, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang sẽ là hai thế lực lớn trong đảng và trong chính quyền. Đại hội đã xác nhận điều đó. Kết quả bầu cử Bộ Chính trị được công bố vào buổi lễ bế mạc đại hội bao gồm 14 người theo thứ tự số phiếu được bầu:

1. Trương Tấn Sang
2. Phùng Quang Thanh
3. Nguyễn Tấn Dũng
4. Nguyễn Sinh Hùng
5. Lê Hồng Anh
6. Lê Thanh Hải
7. Tô Huy Rứa
8. Nguyễn Phú Trọng
9. Phạm Quang Nghị
10. Trần Đại Quang
11. Tòng Thị Phóng
12, Ngô Văn Dụ
13. Đinh Thế Huynh, và
14. Nguyễn Xuân Phúc.

Theo bản danh sách này, người được nhiều phiếu nhất là Trương Tấn Sang, thứ nhì là Phùng Quang Thanh và thứ ba là Nguyễn Tấn Dũng. Riêng Nguyễn Phú Trọng thì đứng hạng thứ tám; chỉ cao hơn một người duy nhất trong các ủy viên Bộ Chính trị khóa trước được tái cử: Phạm Quang Nghị (thứ 9). Năm người đứng cuối danh sách đều là các ủy viên mới. Tuy nhiên, mặc dù được số phiếu thấp như vậy, Nguyễn Phú Trọng vẫn là Tổng bí thư. Như đã được “cơ cấu” từ trước. Không có gì đáng ngạc nhiên cả.

Chuyện đáng ngạc nhiên là không khí im ắng một cách kỳ lạ sau đại hội. Thường, sau mỗi kỳ đại hội hay bầu cử với những thay đổi quan trọng như vậy, người ta thấy báo chí Việt Nam làm ầm ĩ một thời gian khá lâu. Ầm ĩ về những thành quả của đại hội. Ầm ĩ về những gương mặt mới sau đại hội, nhất là gương mặt mới ấy lại là Tổng bí thư, người đóng vai trò đầu đàn, có quyền lực và ảnh hướng lớn nhất trong đảng. Cuối cùng, ầm ĩ về những hứa hẹn, về những viễn ảnh huy hoàng sắp tới.

Lần này thì không. Báo chí chỉ loan tin được một hai ngày, chủ yếu là tường thuật ngày cuối cùng của đại hội. Và tóm tắt tiểu sử của các ủy viên mới của Bộ Chính trị. Đâu đó, có một bài định ca tụng tân Tổng bí thư về việc ông lái xe gắn máy đi thăm thầy cũ; nhưng ngay sau đó, bị giới blogger quạt lại ngay: Nhảm nhí! Chuyện đó xảy ra cả mười năm rồi, lúc Nguyễn Phú Trọng còn làm bí thư Thành ủy Hà Nội chứ không phải sau khi ông mới lên làm Tổng bí thư.

Thế là im.

Sự im ắng như vậy rất đáng ngạc nhiên. Xin lưu ý là chưa bao giờ trong Bộ Chính trị lại có nhiều người từng công tác trong lãnh vực văn hóa tư tưởng như lần này. Tổng cộng có bốn người: Nguyễn Phú Trọng từng là Tổng biên tập tạp chí Cộng sản và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Tô Huy Rứa đang là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đinh Thế Huynh hiện là Tổng Biên tập báo Nhân dân và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; và Phạm Quang Nghị từng là Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin. Trong Ban chấp hành Trung ương cũng có nhiều người từng hoạt động trong lãnh vực này, như: Trần Văn Hằng và Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Bình Minh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và Tạ Ngọc Tấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Lực lượng tuyên truyền đông đảo như vậy mà sao không khí sau đại hội lại im ắng đến thế?

Hay họ không có chuyện gì để nói với dân chúng sau khi đại hội kết thúc?

Mà không chừng đó là sự thật.

Ở các nước khác, sau mỗi kỳ bầu cử, khi những người lãnh đạo cao nhất được thay thế, không những giới quan sát chính trị mà cả quần chúng cũng tò mò nghe ngóng theo dõi tính cách cũng như các chính sách mới, những điều sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia cũng như đời sống của từng công dân cụ thể.

Ở Việt Nam thì khác. Đại hội xong, bầu bán xong, mọi thứ đều trở lại như cũ. Có lẽ không có ai, trừ những người trực tiếp liên hệ đến các cuộc bầu bán ấy, ví dụ những người thắng cử và những người thất cử, thực sự quan tâm. Mọi người đều biết, cuối cùng, không có gì thay đổi cả. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, người ta thường gọi tên các tân Tổng bí thư hay các Đại hội đảng như thế là Vũ Như Cẩn hay Nguyễn Y Vân.

Có lẽ lý do đơn giản là, trong lãnh vực chính trị, việc thay đổi nhân sự chưa đủ. Ở người lãnh đạo, có hai khía cạnh quan trọng nhất: tính cách và chính sách. Trong hai khía cạnh ấy, yếu tố quan trọng nhất là chính sách chứ không phải tính cách. Đã đành tính cách có thể ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách, tuy nhiên, một chính sách ở tầm quốc gia thường được định hình từ nhiều yếu tố khác hơn là sở thích của người lãnh đạo. Những yếu tố ấy bao gồm triết lý lãnh đạo của đảng cầm quyền, thực lực mà người ta đang có, những tính toán lợi hại mang tính thuần lý và hoàn toàn duy lợi, vai trò của bộ tham mưu, và áp lực của các nhóm vận động hành lang từ quốc gia đến quốc tế, v.v…

Ở Việt Nam, trong các yếu tố kể trên, yếu tố quan trọng nhất là triết lý hay ý thức hệ của đảng cầm quyền. Không thể nào có được một chính sách có ý nghĩa cách mạng ra đời nếu ý thức hệ cộng sản không được thay đổi. Mọi chính sách mới, nếu có, dù xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí đến mấy, cũng đều có tính chất vá víu khi nền tảng ý thức hệ của chế độ vẫn còn nguyên vẹn. Kinh tế sẽ tiếp tục èo uột khi tiền bạc của chính phủ cứ đổ vào các thùng không đáy là công ty, xí nghiệp quốc doanh. Dân chủ tiếp tục chỉ là một lời hứa hão khi quyền tự do ngôn luận bị chà đạp. Tham nhũng cũng như khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục tăng vọt khi đảng tiếp tục nằm ngoài và nằm trên luật pháp, v.v…

Gắn liền với ý thức hệ, ở Việt Nam, còn có vấn đề cơ chế. Lâu nay, nhiều người đã từng phân tích và nhiều lãnh đạo đã từng than thở, là cơ chế chính quyền Việt Nam làm vô hiệu hóa mọi nỗ lực đổi mới đất nước. Trong cái gọi là cơ chế ấy, có nhiều vấn đề nổi bật như quan hệ giữa quyền lực và trách nhiệm (trong đó hầu hết những người có quyền lực cao nhất thì lại không phải chịu trách nhiệm gì cả!), và đặc biệt, quan hệ giữa đảng và chính quyền cũng như quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, v.v…

Ngày trước, Phạm Văn Đồng từng than thở là, với tư cách Thủ tướng, ông không có quyền gì trong bộ máy nhân sự của chính phủ, ngay ở cấp địa phương. Gần đây, Nguyễn Tấn Dũng cũng than thở tương tự. Cuối nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, có lẽ ông cũng lại than thở y như vậy nếu cái cơ chế ấy không thay đổi.

Nhưng cơ chế không thể thay đổi nếu ý thức hệ không thay đổi. Mà khi cơ chế và ý thức hệ không thay đổi thì những thay đổi về nhân sự chẳng có ý nghĩa gì cả.

Nó chỉ giống việc thay đổi diễn viên trong một màn kịch cũ.

Ở Việt Nam, đó lại là một màn kịch dở ẹc.

http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/dai-hoi-xong-roi-thi-sao-01-26-2011-114658854.html

0 comments:

Powered By Blogger