Saturday, January 29, 2011

Bài học về sự thành công của cuộc cách mạng ở Tunisia (Phần 1)


Ngọc Trân - Người dân Tunisia đã thành công trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của tổng thống Ben Ali, cai trị đất nước Bắc Phi hơn 23 năm qua, bằng bàn tay sắt.

AFP photo- Bộ trưởng Ngoại giao Slim Amamou tuyên thệ nhậm chức với sự bất mãn cao độ của dân chúng hôm 18/1/2011.

Câu hỏi được đặt ra là, nguyên nhân nào gây ra sự sụp đổ của chế độ Ben Ali? Tổng thống Tunisia bị lật đổ, có phải do “diễn biến hòa bình” hay các “thế lực thù địch” tạo ra? Và đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của người dân Tunisia? Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu.

Chống khủng bố, nhưng trở thành khủng bố

Cựu tổng thống Ben Ali đã cai trị đất nước Tunisia kể từ năm 1987 bằng chế độ độc tài, thiếu tự do, dân chủ. Mặc dù ông Ben Ali và chính phủ của ông thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng chỉ trích, thế nhưng bản thân cựu tổng thống Tunisia luôn nhận được sự ủng hộ của chính phủ Pháp, Mỹ và một số nước phương Tây.

Trả lời phỏng vấn báo “The Real News”, ông Shehata Samer, Phụ tá Giáo sư, nghiên cứu về chính trị Ả Rập, thuộc trường Đại học Georgetown, cho biết: “Ông ta rất gần gũi với Tổng thống Sarkozy. Ông ta đã có chuyến thăm chính thức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush và cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng đã đến thăm Tunisia hồi năm 2008.

Nhưng trên thực tế, người đàn ông này đã tra tấn những người dân. Ông ta không tham gia vào một cuộc tranh luận dân chủ với họ. Ông ta không cho họ cất tiếng nói.

Phóng viên báo chí Kusai Kedri

Ông ta được xem là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Ông ta là người rất cởi mở, thân thiện với chính sách thị trường của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông ta tin rằng Hồi giáo là kẻ thù và ông ta kềm kẹp đạo Hồi rất khốc liệt mà không chú ý gì đến vấn đề nhân quyền hay tiến trình dân chủ, kể từ khi ông ta lên nắm quyền cho đến bây giờ. Ông ta là một đồng minh lớn của phương Tây như: Pháp và châu Âu, cũng như Hoa Kỳ”.

Do chính sách chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, cùng với chính sách tăng trưởng kinh tế của ông Ben Ali, được Hoa Kỳ và phương Tây xem như là một mô hình kinh tế tuyệt vời, cho nên Ben Ali đã trở thành một đồng minh trung thành của Mỹ và các nước Tây phương. Thế nhưng, viện lý do chống khủng bố, ông Ben Ali đã thẳng tay đàn áp, khủng bố những người Hồi giáo vô tội khác, dẫn đến việc vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Nhờ khéo che đậy, cho nên hầu hết phản đối của dân chúng Tunisia, liên quan đến các vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Ben Ali, cũng như các vấn đề chính trị và xã hội của đất nước, không nhận được sự chú ý từ chính phủ các nước bên ngoài.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Colin Powell và cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali chụp năm 2004. Photo courtesy of Wikipedia.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình PressTV, ông Kusai Kedri, phóng viên báo chí Tunisia cho biết: “Cựu độc tài Ben Ali có mối quan hệ tốt với Pháp và Mỹ, bởi vì trong bối cảnh chính trị ở Pháp, ông ta là một nhà lãnh đạo Ả Rập có thể bảo vệ các nước Tây Âu từ hiểm họa Hồi giáo. Thực tế, ông ta là người kích động quần chúng chống lại những người Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo ở Bắc Phi, trấn an phương Tây rằng ở Tunisia có một con tốt để xử lý và giải quyết các vấn đề theo ý của họ.
Nhưng trên thực tế, người đàn ông này đã tra tấn những người dân. Ông ta không tham gia vào một cuộc tranh luận dân chủ với họ. Ông ta không cho họ cất tiếng nói. Cho nên người châu Âu, và đặc biệt là người Pháp bày tỏ thái độ rằng, họ không thực sự quan tâm nhiều về việc ông ta trừ khử những người đối lập gốc Hồi giáo như thế nào, hoặc sự quan tâm của các nước này chỉ đơn giản chú ý đến thực tế là các mối đe dọa Hồi giáo vẫn còn ở Bắc Phi”.

Do không bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây chú ý đến vấn đề vi phạm nhân quyền, do chính sách cai trị độc tài, và nhất là do dưới thời Ben Ali, nền kinh tế Tunisia phát triển và ổn định so với các nước láng giềng, cho nên các cuộc biểu tình hay nổi dậy của người dân trên đất nước này, hiếm khi xảy ra.

Có áp bức, tất sẽ có đấu tranh

Cũng như Việt Nam, tuy nền kinh tế Tunisia ổn định và phát triển, thế nhưng đại đa số người dân Tunisia đều không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, mà hầu hết của cải làm ra chỉ tập trung trong tay một nhóm thiểu số, đó là những người nắm quyền lực trong bộ máy chính phủ, trong khi đa số người dân Tunisia đều nghèo khổ và khốn cùng.

Cuộc sống nghèo khổ của người dân chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nổi dậy ở Tunisia vừa qua. Một nguyên nhân sâu xa hơn nữa đã khiến chế độ Ben Ali sụp đổ, đó là sự đàn áp, khủng bố chính trị của chính quyền. Do cai trị người dân bằng chính sách độc tài, cho nên ông Ben Ali không chấp nhận đa đảng, không chấp nhận tự do bầu cử và tất cả các đảng phái đối lập ở Tunisia đều bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Mặc dù cai trị người dân bằng chính sách độc tài, thế nhưng Ben Ali muốn chứng minh với dân chúng và thế giới rằng Tunisia có dân chủ, và ông là vị tổng thống do dân bầu ra. Cho nên, mặc dù tổ chức bầu cử, nhưng mọi cuộc bầu cử, Ben Ali đều thắng, và những chiến thắng này, không phải do sự tín nhiệm của người dân, mà do sự gian lận trong chính sách bầu cử của ông ta.

Tunisia gần như là một đất nước của cảnh sát. Không có kênh nào an toàn để người dân có thể bày tỏ sự thất vọng của mình. Bầu cử luôn là chuyện khôi hài.

Ông Shehata Samer

Ông Shehata Samer cho biết:“Tunisia được xem như một đất nước của cảnh sát, bên cạnh chế độ Saddam Hussein ở Iraq trước đây. Đạo Hồi chính thức bị cấm. Rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị ở Tunisia phải sống lưu vong ở Paris và London.

Bầu cử là chuyện khôi hài. Ben Ali đã nhiều lần thay đổi hiến pháp, cho phép ông ta ra tranh cử tổng thống. Thực tế, người ta tin rằng ông ta chuẩn bị sửa đổi hiến pháp một lần nữa để loại bỏ giới hạn tuổi tác bởi vì ông ta hiện 74 tuổi, trong khi giới hạn tuổi tác của tổng thống trong hiến pháp là 75. Và như vậy, ông ta có thể ra tranh cử tổng thống một lần nữa vào nhiệm kỳ kế tiếp, năm 2014. Đây là một chính phủ độc tài toàn trị, không có tự do báo chí, không đảng phái chính trị nào tham gia”.

Để củng cố sự cai trị của mình, ông Ben Ali đã ngăn chặn tự do thông tin bằng một chế độ kiểm duyệt gắt gao tất cả các phương tiện truyền thông chính thống, cũng như các tin tức trên internet. Mọi phát biểu của người dân có nội dung phản đối chính quyền đều bị cấm và bị đàn áp, và kết quả là, người dân không còn nơi nào để bày tỏ sự bất bình đối với chính phủ. Ông Samer nói tiếp:

“Tunisia gần như là một đất nước của cảnh sát. Không có kênh nào an toàn để người dân có thể bày tỏ sự thất vọng của mình. Bầu cử luôn là chuyện khôi hài. Các đảng phái chính trị hợp pháp thực sự không còn tồn tại. Lãnh đạo các đảng phái đối lập đã phải sống lưu vong ở nước ngoài. Giống như các nước Ma-rốc, Jordan, Ai Cập, Tunisia là một chế độ toàn trị thuộc loại mềm dẻo. Họ là những kẻ du côn nắm quyền, họ cũng cho phép bầu cử nhưng ở mức độ gian lận khác nhau”.

Một phụ nữ Tunisia đạp lên ảnh Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali bị lật đổ tại Kasbah, Tunis. Ảnh chụp hôm 18/1/2011. AFP Photo/Fethi Belaid.

Ngoài chính sách cai trị cứng rắn, tình trạng tham nhũng, hối lộ ở Tunisia cũng tương tự như Việt Nam, đã trở thành quốc nạn, và chính sự bất công do nạn tham nhũng, hối lộ hoành hành đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Ben Ali.
Tham nhũng, hối lộ đã được bảo kê bởi gia đình cựu tổng thống và gia đình vợ ông ta, tạo điều kiện cho tệ nạn này phát triển, có mặt khắp mọi cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, trong suốt thời gian Ben Ali nắm quyền 23 năm qua. Lực lượng cảnh sát không phải để giám sát việc thi hành luật pháp, mà là thành phần nhũng nhiễu, hạch sách người dân và là công cụ bảo vệ chính quyền của nhà lãnh đạo độc tài.

Ông Kusai Kedri cho biết: “Tham nhũng ở Tunisia là trường hợp đặc biệt và khác thường ở Bắc Phi và thế giới Ả Rập. Gia đình vợ của tổng thống có một kỷ lục nổi tiếng về sự lạm quyền để tham nhũng đất đai, cho nên về cơ bản, sự bất mãn ở Tunisia đã tồn tại trong một thời gian dài kể từ khi Ben Ali lên cầm quyền”.

Độc tài lãnh đạo, đàn áp chính trị, bóp nghẹt tự do, dân chủ cùng với nạn tham nhũng, hối lộ của chính quyền là những nguyên nhân chính, khiến người dân nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của cựu tổng thống Ben Ali. Ngoài các nguyên nhân kể trên, những nguyên nhân nào đã giúp người dân thành công trong cuộc cách mạng này? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Lessons-learned-from-the-success-of-tunisia-s-revolution-part1-ntran-01292011121536.html

0 comments:

Powered By Blogger