Thursday, January 20, 2011

Biểu tình chống Hồ Cẩm Đào


Trần Đông Đức - Cộng đồng Việt Nam ở Washington DC đã hưởng ứng và nhanh chóng kêu gọi được khoảng 100 biểu tình viên nhập cuộc để cùng với các lực lượng chống Trung Quốc tạo thành một sắc thái náo nhiệt chưa từng có.

Thành Viên Đảng Dân Chủ Trung Quốc trước tòa Bạch Ốc nghe đọc kiến nghị gởi tới tổng thống Obama

Thành Viên Đảng Dân Chủ Trung Quốc trước tòa Bạch Ốc nghe đọc kiến nghị gởi tới tổng thống Obama.

Trong lúc tổng thống Obama dành các nghi thức quốc gia long trọng nghênh tiếp chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ngoài khuôn viên Tòa Bạch ốc đã diễn ra cuộc biểu tình của nhiều tổ chức chống Trung Quốc.

Đại diện của các lực lượng dân chủ, các dân tộc nội thuộc, các nước láng giềng của Trung Quốc có mặt, góp tiếng nói trong hoạt động sôi nổi, gay cấn thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông.

Các dân tộc Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Mông Cổ đều cất lên tiếng nói khát vọng của dân tộc mình trước hoàn cảnh nội thuộc với Trung Quốc mà họ coi đây là chế độ thực dân tàn nhẫn nhất còn sót lại trên thế giới.

Bên cạnh họ là các lực lượng dân chủ Trung Quốc, phong trào vận động trả tự do cho Lưu Hiểu Ba, lực lượng Pháp Luân Công đều tập hội đông đảo kêu gọi tổng thống Obama nêu lên vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.

Quảng trường LaFayette trở thành diễn đàn kêu cứu của những nạn nhân của chủ nghĩa bá quyền của nước Trung Quốc hiện nay.

Việt Nam tham gia

Cuộc đón tiếp Hồ Cẩm Đào rơi trúng ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa cách đây 37 năm nên đã tạo ra một số cảm xúc tức giận đối với người Việt Nam.

Tuần trước, ở Việt Nam, blogger Mẹ Nấm đã gởi một thư kiến nghị tới tổng thống Obama yêu cầu xét lại ngày đãi quốc yến cho lãnh tụ Trung Quốc 19/1 vì như thế là đưa tín hiệu sai lạc cho hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cộng đồng Việt Nam ở Washington DC đã hưởng ứng và nhanh chóng kêu gọi được khoảng 100 biểu tình viên nhập cuộc để cùng với các lực lượng chống Trung Quốc tạo thành một sắc thái náo nhiệt chưa từng có.

Ông David Võ, một nhà báo đến từ Philadelphia cho biết đây là lần đầu tiên cộng đồng Việt Nam đối đầu trực diện với lãnh tụ cộng sản Trung Quốc đến thăm Hoa Kỳ. Ông David Võ ngạc nhiên với các lực lượng dân chủ tiến bộ đông đảo của Trung Quốc đồng thời cảm thông sâu sắc với các dân tộc đang bị Trung Quốc thống trị và thôn tính.

David Võ còn nói thêm “chính việc tòa Bạch Ốc chọn ngày 19/1 đã tiệc cho Hồ Cẩm Đào đã làm dấy lên cảm xúc về sự kiện Trung Cộng chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Hy vọng cộng đồng Việt Nam khắp nơi sẽ viết thư kháng nghị đến tòa Bạch Ốc để câu chuyện Hoàng Sa không bị lãng quên”

Người Việt tại Mỹ đòi hỏi về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Người Việt tại Mỹ đòi hỏi về chủ quyền VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Liu Gang (Lưu Cương) một nhà đấu tranh dân chủ thời Thiên An Môn từng bị tù 6 năm trình bày một bức thư kêu gọi tổng thống Obama đòi hỏi quốc khách Hồ Cẩm Đào hãy chấm dứt ngay các hành động khủng bố người dân vô tội trên đất nước Trung Quốc. Lưu Cang đưa ra một số tên tuổi của những tù nhân nổi tiếng như Lưu Hiểu Ba, Hada (dân tộc Mông Cổ) và một số người Trung Quốc có thẻ thường trú nhân Hoa Kỳ nhưng bị hệ thống nhà tù Trung Quốc chôn vùi số phận, thách thức lương tâm và dư luận Hoa Kỳ.

Bằng một biện pháp pháp lý biểu tượng, Lưu Cương đã đệ đơn tại tòa án New York để kiện Hồ Cẩm Đào, Lương Quang Liệt, Trần Bỉnh Đức đều là những nhân vật nắm chức danh quân đội chịu trách nhiệm về những vụ bức hại mà những nhà bất đồng chính kiến phải gánh chịu

Những tập hồ sơ lên án Trung Quốc và hệ thống lãnh tụ của họ tính từ thời Giang Trạch Dân được phân phát tràn ngập quảng trường Lafayette.

Không khí kết án Trung Quốc bốc cao khi các hoạt cảnh của các diễn viên Tây Tạng thể hiện các thế lực hắc ám của Trung Quốc như những bóng ma bóp nghẹt văn hóa hiền hòa của Tây Tạng.

Đội quân ủng hộ Hồ Cẩm Đào

Khác với các lực lượng đấu tranh dân chủ Trung Quốc từ thời Thiên An Môn, các gương mặt khắc khoải của dân tộc Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, dọc bên các con đường là hàng trăm sinh viên lưu học sinh Trung Quốc đang cầm cờ đỏ sao vàng hoan nghênh chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Các sinh viên chủ yếu đến từ hai đại học Maryland và West Virginia được thả xuống bằng những chiếc xe bus để “cân bằng thế lực” với phe biểu tình.

Các nhóm Pháp Luân Công, dân tộc Tây Tạng, Tân Cương, và Đài Loan bị lấn sân và có một số cãi vã nhỏ.

Những du sinh Trung Quốc đều rất trẻ tạo nên sự cách biệt đậm nét về thế hệ và tư tưởng với các lực lượng tranh đấu. Lúc cao điểm, họ say sưa hò hét “tổ quốc tươi đẹp, tổ quốc muôn năm” và hát quốc ca Trung Quốc để át tiếng lại với những tranh luận về tự do dân chủ.

Cảnh đụng nhau giữa lực lượng chống và ủng hộ Hồ Cẩm Đào diễn ra thường xuyên. Lực lượng ủng hộ Trung Quốc thường hò hét “tổ quốc muôn năm”.

Tuy nhiên, cũng có một số người xếp cờ vào túi áo qua bên kia đường chụp hình với người Mông Cổ, Tây Tạng và lắng nghe tranh luận một cách nghiêm túc.

Cộng đồng Việt Nam với màu sắc riêng làm phía những người Trung Quốc hầu như chưa nhận ra đây là một thế lực mới xuất hiện để chống lại sự hiện diện của Trung Quốc ở Mỹ.

Cộng đồng Việt Nam trong màu cờ ba sọc thời Việt Nam Cộng Hòa thường kêu gọi bằng những biểu ngữ quyết liệt dứt khoát hơn như tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Trong lúc đó, một người Mỹ tên là Kevin McCracken thuộc nhóm người biểu tình chuyên nghiệp vì bất mãn với chính sách của tổng thống Obama đã đi xuyên vào đoàn du học sinh Trung Quốc phê phán rằng Trung Quốc là đất nước của sự nô lệ và đang dùng nợ để nô lệ hóa đất nước Hoa Kỳ.

Cuộc biểu tình chống và ủng hộ Hồ Cẩm Đào kéo dài trong suốt thời gian lãnh tụ Trung Quốc thăm viếng. Cộng đồng Tây Tạng đã cắm chốt suốt 3 ngày trước tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm của lần trước, tòa Bạch Ốc bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra sơ xuất nào như dưới thời tổng thống Bush khi một người thuộc tổ chức Pháp Luân Công đã phản đối la ó Hồ Cẩm Đào ngay lúc nghi thức quân nhạc đón quốc khách diễn ra.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/01/110120_hujintao_protest_dc.shtml

0 comments:

Powered By Blogger