Năm 1973 giải Nobel hòa bình vinh danh đồng thời cho hai nhà ngoại giao là Lê Đức Thọ và Henry Alfred Kissinger vì các nỗ lực của hai ông trong việc tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn tại Việt Nam (Hiệp Định Paris). Đây được coi là giải Nobel hòa bình gây nhiều tranh cãi nhất trong suốt quá trình tồn tại của giải thưởng danh giá này. Ông Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải trong khi hai thành viên trong hội đồng trao giải đã từ chức để phản đối giải thưởng này. Nguyên nhân được cho là hòa bình chưa thực sự có ở Việt Nam sau hiệp định này.
Nhắc lại những sự kiện này để thấy, hơn 100 năm tồn tại của mình - Nobel là một giải thưởng danh giá mà người Việt Nam luôn khao khát có được.
Vì Việt Nam đang sở hữu trong tay một lực lượng Giáo sư và Tiến sĩ thuộc hàng hùng hậu bậc nhất trên thế giới, với xấp xỉ 9.000 Giáo sư và 24.000 Tiến sĩ thì sự kỳ vọng và khát khao của người dân với giải thưởng này là dễ hiểu.
Nhưng nghịch lý ở chỗ với một lực lượng Giáo sư và Tiến sĩ hùng hậu đến như vậy nhưng họ lại không có bất cứ một bằng phát minh và sáng chế nào đạt tầm cỡ quốc tế. Nên việc giành một giải Nobel trong bất kỳ lĩnh vực khoa học nào đối với lực lượng Giáo sư và Tiến sĩ này là một điều hoàn toàn hoang tưởng.
Kể từ năm 1991, bên cạnh giải thưởng Nobel danh giá được trao cho những phát minh có ích cho loài người thì các nhà khoa học thế giới đã sáng lập ra giải Ig Nobel. Giải Ig Nobel được trao cho những phát minh có tính hài hước với mục đích là tạo không khí vui vẻ để khuyến khích cho việc nghiên cứu.
Với thảm họa môi trường tồi tệ do nhà máy Formosa cho bốn tỉnh miền Trung hồi đầu tháng tư, thì thiết nghĩ: Ủy ban Nobel và các nhà khoa học trên thế giới nên cho ra đời thêm một giải Nobel nữa để trao cho những phát minh, phát hiện có tính thảm họa, phản khoa học và chống lại loài người… Và nếu như giải thưởng này đã ra đời thì có lẽ năm 2016, giải thưởng này khó lòng mà thoát khỏi tầm tay của các quan chức trong bộ máy chính quyền Việt Nam.
Người đầu tiên được nhắc đến trong danh sách ứng viên cho giải “Nobel thảm họa” này là ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân.
Ngày 27/04/2016, tức là gần một tháng sau thảm họa môi trường làm cá chết nổi trắng bờ trên 200 km bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, bộ TN&MT mà dẫn đầu là ông Võ Tuấn Nhân đã tổ chức họp báo để công bố nguyên nhân cá chết. Trước mặt đám đông gồm hàng trăm phóng viên đứng, ngồi chen chúc trong hội trường trụ sở Bộ TN&MT. Ông nhân dõng dạc tuyên bố: “Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển" và "Do hiện tượng dị thường của thiên nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, thủy triều đỏ như đã xảy ra ở nhiều nước". Trước đó vài phút ông Nhân còn tiết lộ để có được kết luận này, Bộ TN&MT đã lập có nhiều đoàn khảo sát gồm nhiều bộ ngành liên quan, chuyên gia Nhật Bản để thảo luận.
Tất nhiên những điều ông Nhân vừa mới phát biểu không làm thõa mãn được các nhà khoa học có lương tâm và sự chờ đợi của các phóng viên - những người đã chen chúc xếp hàng rồng rắn để chờ đợi câu trả lời của ông Nhân. Vì những gì ông Nhân phát biểu không dựa vào bất cứ một căn cứ khoa học với số liệu cụ thể nào và những chuyên gia Nhật Bản mà ông nói trước đó là ai, họ làm cho tổ chức nào cũng không được ông tiết lộ. Một phát biểu liều mạng và vô trách nhiệm của một thứ trưởng trước một thảm họa môi trường được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam tính cho tới lúc này.
Chỉ vài ngày sau những phát biểu liều mạng của ông thứ trưởng TN&MT, các ứng viên cho giải “Nobel thảm họa” này tiếp tục lần lược xuất hiện tại thành phố đáng sống Đà Nẵng, Quảng Bình và Nghệ An.
Sáng ngày 01/05/2016 truyền thông trong nước tràn ngập các hình ảnh ông Nguyễn Điểu Giám đốc sở TN&MT TP Đà Nẵng và cá cán bộ của sở này đang ngâm mình dưới nước ở biển Phạm Văn Đồng. Tiếp đến là hình ảnh ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và một số lãnh đạo khác cùng tắm tại bãi biển Ngũ Hành Sơn. Và ở diễn biến trước đó ông Huỳnh Đức Thơ cùng nhiều cán bộ của các ban ngành thành phố mua cá và ăn cá hấp ngay cảng Thọ Quang, với mục đích theo ông Thơ là muốn chứng minh nước biển, hải sản vẫn an toàn và “để làm gương cho người dân và du khách”.
Cũng một diễn biến gần như tương tự, cùng thời điểm nhưng diễn ra ở Quảng Bình, ông Trương Minh Tuấn bộ trưởng bộ Thông Tin Và Truyền Thông đã mời toàn bộ nhà báo đi ăn hải sản sau khi có cuộc làm việc với chính quyền địa phương. Còn ở Nghệ An, các lãnh đạo UBND thị xã Của Lò cũng đã đi tắm biển cùng người dân - truyền thông trong nước đưa tin hôm 01/05/2016.
Và người dân Việt Nam đã phẫn nộ với những hành động như ăn hải sản và tắm biển của các vị lãnh đạo này. Vì những việc làm trên không phải là một câu trả lời xác đáng cho việc nước biển và hải sản ở các tỉnh trên có an toàn hay không. Người dân cần một câu trả lời có đầy đủ chứng cứ, số liệu khoa học cụ thể, dựa trên các mẫu phân tích chứ không phải những hành động liều mạng, mù mờ để lùa dân vào chỗ chết như thế này.
Một ứng viên sáng giá khác cho giải thưởng “Nobel thảm họa” này là ông Trần Hồng Hà, bộ trưởng bộ TN&MT khi ông phát biểu trong Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung diễn ra ngày 22/08/2016 tại Quảng Trị rằng: chất lượng nước biển, các thông số về lý, hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng đều đạt chuẩn và trong giới hạn cho phép theo QCVN 10 MT:2015/BTNMT về PH, tổng số chất rắn...Và môi trường tự nhiên, biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải những chất gây ô nhiễm này. Đồng thời việc bơi lội, tắm biển, nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển đã được xác định là đã an toàn tuyệt đối. Cũng như những hành động tắm biển và ăn hải sản của các vị lãnh đạo được nói trên, phát biểu của ông Bộ Trưởng TN&MT không dựa vào bất cứ một số liệu khoa học cụ thể nào… một phát biểu liều mạng không kém những hành động trên.
Thảm họa Formosa - một thảm họa môi trường được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử Việt Nam cho tới lúc này. Hậu quả để lại là hàng ngàn hộ gia đình phải rơi vào cảnh thất nghiệp, nợ nần, trẻ em thiếu đói, không đủ điều kiện tới trường phải bỏ học và đứng trước một tương lại mịt mù…. Thảm họa Formosa không những gây những hậu quả nặng nề về kinh tế mà còn gây ra những hậu quả về chủ quyền biển đảo khi ngư dân không còn được đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình.
Và với những hành động vừa nêu trên của các quan chức trong bộ máy hành chính, chính quyền Việt Nam thì có thể khẳng định: nếu có một giải thưởng nào đó tầm cỡ quốc tế cho họ thì có lẽ không có một giải thưởng nào xứng đáng hơn là giải “Nobel thảm họa” này. Và công trình nghiên cứu của họ được mang tên: “Đánh giá thực trạng biển miền trung sau thảm họa Formosa bằng phương pháp tắm biển, ăn nhậu hải sản và tổ chức hội nghị”.
Và với trình độ của một đội ngũ giáo sư, tiến sĩ và quan chức như của Việt Nam hiện nay, thì nếu các nhà khoa học thế giới cho ra đời giải “Nobel thảm họa” thì chắc có lẽ, hằng năm giải thưởng này khó lòng mà thoát khỏi tầm tay lực lượng này.
06.09.2016
0 comments:
Post a Comment