Saturday, August 13, 2016

Thị Tiến phán đúng quá

“Người dân thì cứ vào bệnh viện là thấy sợ, sợ từ ông bảo vệ”(*). Đấy là kết luận của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đấy nhá. Chứ một dân thường mà phát biểu câu ấy, coi chừng bị gán mác “xuyên tạc”, hoặc “nói xấu chế độ” như chơi. Bà Tiến phát biểu như thế trong “hội nghị tăng cường dịch vụ thuê khoán ngoài tại các bệnh viện”, diễn ra chiều 12/8 tại Hà Nội.

Sống dưới sự “lãnh đạo tài tình của đảng”, thằng dân nào mà dám không sợ? Tài tình đến nỗi, đảng cộng sản Việt Nam đã biến cả một dân tộc có quá khứ anh hùng thành một dân tộc hèn yếu và chìm trong sợ hãi. Nói như Blogger Vũ Đông Hà, thì Sợ hãi đã trở thành “căn bệnh ung thư và di truyền”... “Gần 60 năm ở miền Bắc và 40 năm ở miền Nam, bầy vi trùng sợ hãi đã đục khoét vào từng phế phủ của dân tộc Việt Nam. Sợ đảng, sợ cán bộ, sợ lẫn nhau và sợ ngay cả ý tưởng độc lập của chính mình. Nỗi sợ bám theo năm tháng làm cho người ta phải tự đánh mất chính mình để có thể yên thân sống.”

Thôi, trừ hết những nỗi sợ khác đi, gói gọn cái nỗi sợ liên quan đến bệnh viện thôi, cho khỏi lan man dài dòng. Chao ơi! Gói gọn xong thấy rợn cả người. Hình ảnh cô gái bị cưa nhầm chân cứ ám ảnh trong đầu. Nói dại, nếu một ngày nào đó không may mình bị làm sao phải vào viện, thì… À không sợ, có cách rồi. Trước khi vào phòng bệnh sẽ nói người nhà mang theo giấy bút, viết sẵn ghi chú rồi dán vào từng bộ phận cơ thể để bác sĩ biết mà phân biệt, tránh nhầm lẫn. Ví dụ mẩu giấy viết chữ “chân trái” thì dán vào chân trái, giấy viết chữ “chân phải” thì dán vào chân phải. Cứ thế lần lượt cho các bộ phận khác như tay trái, tay phải, mắt trái, mắt phải, tai trái, tai phải, mũi, miệng, đầu, mông v.v…, chỗ nào cũng ghi chú hết. Khắp người khi ấy biến thành cuốn bách khoa toàn thư về bộ phận cơ thể con người luôn. Đấy, cứ thế thì làm sao mà bác sĩ mổ nhầm được. 

Ờ, nhưng nếu không liên quan đến cưa chặt, mổ máy mà lại là tiêm thuốc thì sao? Hàng loạt trẻ em đã tử vong vì tiêm vác- xin còn gì. Hic, thế này thì hết cách rồi.

Cơ mà để đến được với những nỗi sợ trên, tức là đã vào đến giai đoạn chữa bệnh, thì phải trải qua các nỗi sợ khác nữa. Sợ gương mặt lạnh như tiền, hoặc thái độ quát mắng, nạt nộ của người bảo vệ. Sợ cả lúc làm thủ tục khám chữa bệnh ở bộ phận hướng dẫn. Làm sao phải có đủ tiền để đút lót rồi mới lọt vào vòng sợ hãi tiếp theo, tức là “được” điều trị. Sợ phải chen chúc trong phòng bệnh, sợ nằm la liệt ngoài hành lang. Sợ đang điều trị thì bị đuổi về vì hết tiền. Sợ bác sĩ không nhiệt tình chữa trị. Sợ bị quát mắng, bắt bẻ, vòi vĩnh… Sợ không dám lên án hoặc tố cáo trước sai phạm của bác sĩ trong quá trình điều trị. Sợ lây các bệnh truyền nhiễm khác trong lúc nằm viện hoặc chăm sóc bệnh nhân. Sợ không khỏi bệnh. Sợ chết. Đủ thứ sợ.

Nhưng đừng tưởng chỉ có bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mới sợ đâu nhé. Bà Bộ trưởng còn sợ hơn ấy chứ. Đây này, “Những người có điều kiện sẽ ra nước ngoài chữa trị dẫn đến chảy máu ngoại tệ”.

Cho nên phải làm thế nào để dân chúng không được ra nước ngoài chữa bệnh. Chết cũng phải chữa trị trong nước. Cứ vậy đã, rồi ngoại tệ trong túi bọn dân, nghĩ cách khoắng sau.



0 comments:

Powered By Blogger