Tuesday, May 17, 2016

Thảm họa cá chết: Người Việt ở hải ngoại làm được gì?

 
Nguồn : Mạch SốngTác giả: Nguyễn Đình ThắngNgày: 2016.05.15

Cơ hội để tăng thế và lực của dân trong tiến trình dân chủ hoá
Trước thảm hoạ môi sinh đang lan rộng ở Việt Nam, người Việt ở hải ngoại có vai trò lịch sử: vừa giúp đồng bào đối phó thảm hoạ trước mắt, vừa thúc đẩy dân chủ hoá về lâu dài. Đồng bào trong nước bày tỏ sư phẫn nộ qua các cuộc biểu tình. Cách yểm trợ tốt nhất là chúng ta ở ngoài này hãy nhanh chóng vận động quốc tế nhập cuộc và đồng hành với người dân Việt Nam trong nỗ lực cứu biển, cứu nước và cứu mình.
Có 3 việc chúng ta phải làm:
(1) Vận động trực tiếp chính quyền của mình cho một kế hoạch cụ thể để giúp người dân Việt Nam trước thảm hoạ môi sinh;
(2) Thông tin cho đồng bào ở trong nước biết kế hoạch này để họ hành động thích ứng và trong sự phối hợp trong-ngoài;
(3) Theo dõi và can thiệp nhằm bảo đảm mọi trợ giúp của quốc tế sẽ từng bước nâng cao vai trò của người dân so với chính quyền.
Đó là những điểm tôi đề nghị với phái đoàn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước khi họ đến Việt Nam tuần vừa qua. Đồng thời, khi Toà Bạch Ốc cho biết là muốn tìm hiểu những vấn đề quan tâm của người dân ở Việt Nam để Tổng Thống Obama sẽ đưa vào diễn văn trong chuyến công du Việt Nam, tôi đã chuyển cho họ thỉnh nguyện thư do một người tên T.N. khởi xướng mà vào thời điểm ấy đã có 137 nghìn người đứng tên. “Đó là mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam,” tôi giải thích cho Toà Bạch Ốc.



Buổi họp với nhóm trẻ Viet Nextgen, ngày 9/5/2016 tại Virginia (ảnh Tuyết Mai).

Diễn tiến ở Việt Nam
Nếu quả thật là nhiễm độc biển thì hậu quả sẽ kéo dài nhiều chục năm và sẽ thảm khốc cho sinh thái, sức khoẻ, kinh tế, và xã hội. Tổ chức của tôi, BPSOS, có kinh nghiệm đối phó thảm hoạ môi sinh sau vụ dàn khoan của BP làm tràn dầu ở Vùng Vịnh Hoa Kỳ năm 2010. Các văn phòng BPSOS ở 4 tiểu bang (Alabama, Mississippi, Lousiana và Texas) đã làm việc chặt chẽ với người dân, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền các cấp và nhiều trường đại học. Sau 6 năm và với nhiều chục tỉ Mỹ kim đổ vào, Vùng Vịnh vẫn chưa phục hồi.
Trước tai hoạ môi sinh, khả năng huy động nhân tài vật lực khẩn cấp là yếu tố tuyệt đối quan trọng nhằm cô lập sự tác hại và tránh các ảnh hưởng lâu dài. Sự ì ạch của chính quyền Việt Nam cho thấy họ bất lực. Họ thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện và thiếu trách nhiệm. Khi người dân đòi hỏi sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm, thay vì trả lời thì chính quyền trấn áp dân bằng vũ lực. Họ đang bí về giải pháp cho nên muốn “câu giờ” để tìm lối thoát.
Trước tai hoạ môi sinh mà câu giờ là tự sát. Tác hại của vụ cá chết sẽ tiếp tục lan rộng toàn xã hội, và có lẽ chỉ trong vòng 3 tháng nữa thôi hầu hết mọi người dân sẽ bị tác động nặng nề về kinh tế, đời sống, sức khoẻ… Sẽ chẳng ai tránh khỏi, kể cả những người công an và thanh niên xung phong đang đàn áp biểu tình, và gia đình họ.
Kế hoạch đề nghị với Hành Pháp Hoa Kỳ
Đối mặt với thảm hoạ môi sinh, chính quyền có trách nhiệm thì phải hợp tác chặt chẽ ngay với người dân trong cả 3 lĩnh vực: đối phó khẩn cấp, hồi phục dài hạn, và đề phòng tai hoạ tương lai. Cả 3 lĩnh vực này, nếu muốn hiệu quả, phải có sự chủ động của chính người dân, bao gồm những người bị tác động và những tổ chức thực sự của người dân để lo cho người dân.
Vì chính quyền Việt Nam hoàn toàn bất lực và lúng túng, tôi đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nhập cuộc ngay lúc này để giúp người dân Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực.
Về đối phó khẩn cấp, tôi đề nghị Hoa Kỳ đưa trang thiết bị tân tiến và các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến Việt Nam khảo nghiệm mức nhiễm độc biển, truy tìm nguồn nhiễm độc, và hướng dẫn quần chúng các biện pháp đề phòng, tự bảo vệ sức khoẻ, và cô lập sự tác hại của vùng nhiễm độc.
Về hồi phục lâu dài, tôi đề nghị Hoa Kỳ chuyển những tài khoản viện trợ phát triển đã dành sẵn cho Việt Nam để trực tiếp giúp người dân bị ảnh hưởng phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là các người sinh sống bằng ngư nghiệp và kỹ nghệ du lịch. Đồng thời Hoa Kỳ nên thành lập các chương trình nghiên cứu dài hạn giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của 2 quốc gia, về cách đối phó các ảnh hưởng dài lâu của nhiễm độc biển, khôi phục các rặng san hô, kiểm nghiệm mức an toàn thực phẩm hải sản... Song song, Hoa Kỳ nên mở rộng chương trình tham quan học hỏi để đưa các thành phần xã hội dân sự và các giới chức chính quyền Việt Nam đến Hoa Kỳ học hỏi kinh nghiệm đối phó của người dân và chính quyền ở Vùng Vịnh sau vụ dầu tràn.
Về khả năng phòng ngừa, Hoa Kỳ cần giúp cho các cộng đồng người dân và các tổ chức xã hội dân sự phát triển khả năng để theo dõi, kiểm soát, và báo động mọi hoạt động của chính quyền và của các công ty mà có thể gây nên thảm hoạ môi sinh.
Cả 3 lĩnh vực kể trên, nếu muốn hiệu quả, thì người dân không những phải được quyền tham gia mà còn phải nắm phần chủ động. Hoa Kỳ cần bảo đảm điều kiện này khi nói chuyện với chính quyền Việt Nam. Như một khởi đầu, tôi đề nghị Tổng Thống Obama khi đến Việt Nam thì hãy nói về thảm hoạ môi sinh đang là quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam và hãy tiếp xúc người dân đang bị ảnh hưởng, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự độc lập và đại diện của các cộng đồng tôn giáo độc lập – là những cơ chế của người dân để giúp người dân trong cả 3 lĩnh vực kể trên. Tôi tin rằng Tổng Thống Obama sẽ thực hiện cả 2 điều này.
Kế hoạch vận động Quốc Hội Hoa Kỳ
Ở quốc gia dân chủ, Quốc Hội làm chính sách và quyết định ngân sách quốc gia, kể cả ngân sách viện trợ. Trong tư thế là công dân Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt cần gấp rút lên tiếng ngay lúc này với các dân biểu và thượng nghị sĩ của mình. Chúng ta cần giải thích cho họ về thảm hoạ môi sinh đang diễn ra ở Việt Nam, trình bày những lợi ích cho Hoa Kỳ khi nhập cuộc, và đề nghị chính sách và ngân sách dài hạn cho kế hoạch kể trên.
Kế hoạch này không đòi hỏi Hoa Kỳ phải chi viện thêm cho Việt Nam. Quốc Hội chỉ cần chỉ định những khoản viện trợ phát triển, mà hiện nay hoàn toàn đi qua chính quyền Việt Nam, phải được chuyển hướng để yểm trợ cho chính người dân đối phó khẩn cấp, phục hồi lâu dài và phòng ngừa hiểm hoạ tương lai.
Tuần tới đây, nhóm Viet Nextgen, gồm nhiều người trẻ ở vùng Hoa Thịnh Đốn, sẽ có buổi họp với văn phòng của các dân biểu và thượng nghị sĩ ở Virginia. Ngày 23 và 24 tháng 6, Liên Minh cho một Việt Nam Tự Do và Dân Chủ sẽ thực hiện Ngày Vận Động Cho Việt Nam. Đây là cuộc tổng vận động hàng năm tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Tôi kêu gọi đồng hương ở khắp các tiểu bang cùng đổ về thủ đô trong những ngày này để góp tiếng nói và cùng nhau vận động kế hoạch kể trên.
Đồng bào trong nước đang liều mình giành quyền sống cho biển, cho nước và cho dân. Họ phải đối mặt với vũ lực từ phía chính quyền. Người Việt hải ngoại đã nhanh chóng tổ chức biểu tình ở nhiều nơi để yểm trợ, nhưng chúng ta không thể ngưng ở đó mà phải dùng tư thế công dân của mình để vận động chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác đứng về phía người dân Việt Nam trước một thảm hoạ môi sinh mà triển vọng sẽ còn lan rộng. Trước cơn khủng hoảng hiện nay, nhà nước Việt Nam đã tỏ ra bất lực và bất cần.
Thứ Sáu vừa qua, tôi chia sẻ kế hoạch này trên chương trình hội thoại của đài phát thanh Saigon Houston và Saigon Dallas. Rất may mắn, Ts. Lê Duy Cấn ở Canada, cùng lên chương trình, cho biết sẽ cùng Liên Hội Người Việt Canada vận động chính quyền Canada cho một kế hoạch song hành. Tôi kêu gọi người Việt ở các quốc gia dân chủ khác đồng loạt vận động chung một kế hoạch.
Một bước tiến dài cho dân chủ
Dân chủ và độc tài là thể hiện của mối tương quan về thế và lực giữa dân và chính quyền. Nếu thế và lực của dân cao hơn chính quyền thì dân kiểm soát chính quyền và chính quyền sợ dân. Ở Việt Nam hiện nay thì tình thế ngược lại. Nhưng vì bất lực trước thảm hoạ môi sinh đang diễn ra, chính quyền đang tự đẩy mình vào chân tường.
Khi một giới chức Hành Pháp Hoa Kỳ hỏi tôi: “Liệu chính quyền Việt Nam có chấp nhận sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và quốc tế?”
“Họ không có chọn lựa nào khác hơn”, tôi trả lời.
Theo dõi thông tin từ trong nước, tôi thấy là chính quyền trung tương và các tỉnh bị tác hại đến nay vẫn loay hoay, tìm cách tránh né sự thật, và “câu giờ” với hy vọng cho một phép lạ. Chắng hạn, trước sự suy sụp của ngành du lịch, chính quyền tỉnh Quảng Bình vừa đưa ra một số biện pháp để thu hút du khách như là tăng quảng bá du lịch, giảm giá vé, trấn an về an toàn thực phẩm… Họ không hiểu được rằng, du khách sẽ không bao giờ tin một chính quyền mà đàn áp người dân khi bị hỏi về trách nhiệm minh bạch Chính dân còn không tin chính quyền thì nói gì đến du khách?
Chính quyền đang giải quyết vấn đề sai cách và ngày càng lộ sự bất lực, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, và thiếu trách nhiệm trong con mắt của dư luận và các chính quyền thế giới. Đó chính là lợi thế của chúng ta để kêu gọi quốc tế đòi hỏi làm việc trực tiếp với người dân khi chính quyền Việt Nam cầu cạnh sự trợ giúp. Đây là lúc chúng ta ở hải ngoại bắc nhịp cầu cho đồng bào trong nước đối tác trực tiếp với quốc tế và chuyển dần cán cân thế và lực về dân.
Theo dõi nỗ lực quốc tế vận của chúng ta, đồng bào trong nước sẽ nhìn thấy rõ tấm lòng, năng lực và tầm ảnh hưởng quốc tế của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tương phản với chính quyền ở trong nước. Hơn nữa, họ sẽ biết cách chọn thái độ và hành động tương ứng cho nhịp nhàng giữa trong với ngoài.
Chỉ khi nào người dân đủ thế và lực để kiểm soát hoạt động của chính quyền thì đất nước mới có cơ hội vượt qua được hiểm hoạ môi sinh đang lan rộng. Khi ấy chính quyền sẽ phải thực sự truy tìm và trừng phạt thủ phạm, cũng như hành động thích đáng để loại trừ những rủi ro nhiễm độc môi sinh trong tương lai.
Nếu biết dùng tư thế là công dân thế giới tự do để vận động quốc tế đúng cách ngay lúc này, chúng ta ở hải ngoại vừa trực tiếp giúp cho đồng bào trong nước thoát thảm hoạ môi sinh đang diễn ra, vừa đặt nền móng cho tiến trình dân chủ hoá xã hội Việt Nam một cách có hệ thống và không thể thoái lui.

.....

0 comments:

Powered By Blogger