Thursday, May 26, 2016

Vũng Áng: Cá chết báo hiệu ngày tàn của CSVN

Trong 70 năm cầm quyền, giới lãnh đạo đảng CSVN đã tự nguyện cam phận tôi đòi cho kẻ thù phương Bắc, từng bước theo lệnh Trung quốc, đã đưa dân tộc ngày một cận kề bên bờ vực thẳm nô lệ.

Người Việt trong và ngoài nước đã nhiều lần lên tiếng phản đối về hành động nhu nhược, bán nước của tập đoàn CS cầm quyền khi cho Trung Quốc được đặc quyền khai thác các vùng đất dưới hình thức dự án kinh tế, kể cả những khu vực hiểm yếu, phương hại đến an ninh-quốc phòng của đất nước. Tạo cơ hội cho Trung quốc xâm lăng, đồng hóa dân tộc Việt dù không tốn một viên đạn, một điều mà Tổ Tiên họ không thể thực hiện trong hơn một ngàn năm đô hộ.


*

Những nơi trọng yếu đang nằm trong tay Trung cộng:

- Ải Nam Quan Và Thác Bản Giốc

Trong chiến tranh Nam-Bắc dưới danh nghĩa “chống Mỹ”, CS miền Bắc theo lệnh Nga Tầu, mang quân tiến chiếm miền Nam. Lấy cớ miền Bắc bị bỏ ngỏ, Trung cộng đã mang 300.000 quân đóng tại các yếu điểm vùng biên giới Việt-Trung, các cột mốc biên giới đã theo chân họ vào sâu nội địa Việt Nam. Sau khi “Dậy cho Việt Nam một bài học” vào tháng 2-1979, Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc đã trở thành thắng cảnh thuộc đất của Tầu, khiến người Việt tới vùng này phải xin giấy thông hành.

Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ

Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ được ký ngày 25-12-2000 giữa CSVN và Trung Quốc nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Hiệp định trên chỉ được CS Hà Nội công khai tuyên bố chính xác những tọa độ thỏa thuận với TC vào năm 2004, khiến dư luận quần chúng tỏ ra phẫn uất trước hành động “ép mình” của chính phủ Việt Nam đã nhượng bộ cho Trung quốc quá nhiều. Các chuyên viên ngoại quốc cũng ghi nhận về việc Việt Nam nhượng bộ Trung quốc khi phân định Vịnh Bắc Bộ.

- Bauxite Tây Nguyên

Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên được chính phủ cho phép thi hành, đã gây ra làn sóng phản đối về sự nguy hại liên quan tới văn hóa và môi trường, nhất là đe dọa an ninh quốc phòng. Một số đảng viên kỳ cựu của đảng CSVN cũng đã có thư phản đối gửi đảng CS và chính phủ. Trung quốc mang hàng ngàn công nhân người Tầu sang cùng với thiết bị của họ, trong khi công nhân Việt Nam không có việc làm, phải bán sức người cho ngoại quốc theo chương trình “xuất khẩu lao động”. Theo báo Tuổi Trẻ, số công nhân người Trung Quốc vào Việt Nam lên tới hàng chục ngàn người.

Mặc dù công trình khai thác Bauxite ở Tây nguyên mới được chính phủ phê duyệt, chưa có nghiên cứu về kỹ thuật đầy đủ, các nhà khoa học còn đang bàn thảo nên hay không nên khai thác, đã thấy xuất hiện công nhân Trung Quốc tại vùng đất này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó mới tuyên bố “khai thác Bauxite ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước”. Ông không nói rõ về “chủ trương lớn” này dưới hình thức nào, mặc dù Quốc hội (mang tiếng là của nhân dân) chưa được bàn thảo. 

Dư luận quan ngại, với số công nhân trai trẻ Trung Quốc lên tới hàng sư đoàn, đang biến khu vực khai thác Bauxite ở Tây Nguyên thành căn cứ địa, người ngoài không được tới gần, là một mối nguy cho an ninh lãnh thổ của Việt Nam. Dự án khai thác này sẽ tàn phá môi trường không chỉ ở Tây nguyên mà còn lan rộng tới các vùng khác. Một cuộc xâm chiếm đất đai âm thầm không mất một viên đạn, một hình thức đồng hóa dân tộc Việt vào một ngày không xa. Đối với Trung Quốc, đây là một cuộc mua bán “bỏ một vốn, kiếm ngàn lời”, một điều mà tổ tiên họ không thể thực hiện sau hàng ngàn năm tốn phí nhiều máu xương. Tiền Trung cộng bỏ ra để xử dụng các yếu điểm này đã vào túi quan tham, nhưng thu về nguồn lợi bằng cả tài nguyên của một đất nước. Hơn nữa, VN vốn là một nút chặn quan trọng trên đường Nam tiến của họ.

- Đất trồng rừng phía Bắc

Trung Quốc vẫn không ngừng ý đồ xâm lăng, dưới danh nghĩa đầu tư đất trồng rừng. Tập đoàn Innov Green (Hong Kong – Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Việt Nam vào tháng 7-2005, sau đó được cấp phép thuê trồng rừng tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Lạng Sơn và Kontum. Diện tích trồng rừng tại mỗi tỉnh trên lên tới 500ha. Đất rừng tại các địa điểm này được trồng cây Bạch Đàn mang từ tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, một loại cây phá hủy chất mầu mỡ của đất trồng mà dân địa phương không xử dụng từ lâu.

Theo phóng viên báo NLĐ, vị trí huyện Hải Hà (tỉnh Móng Cái) cách Hà Nội 400 km, có vị trí thuận lợi về phát triển kinh tế và trở thành một hải cảng lớn nhất miền Bắc, hình thành công nghiệp đóng tầu… đã bị cho thuê để trồng cây Bạch Đàn, một loại cây lấy gỗ để làm giấy. Hậu quả của dự án trồng rừng các tỉnh nói trên, đất vườn của cư dân bị trưng dụng, chủ rừng trở thành kẻ làm thuê cho công ty ngoại quốc với số lương chết đói. Hơn nữa, thời gian thuê đất kéo dài 50 năm, không ai biết Trung quốc xử dụng các vùng đất này vào mục tiêu nào khác nữa.

- Cảng Cửa Việt-Quảng Trị

Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, chuyên về sản xuất thức ăn gia súc, thủy sản và chăn nuôi của Việt Nam. Công ty này khởi đầu thuộc quyền của Tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã qua tay cho Trung quốc từ năm 2011. Công ty C.P. nằm dọc theo bờ biển kéo dài 2 Km, cách cảng Cửa Việt gần 1 km. Cư dân địa phương cho hay, người Trung Quốc theo công ty xuất hiện ngày càng nhiều, sinh cơ lập nghiệp, biến nơi đây thành vùng đất của người Tầu.

Cảng Cửa Việt là một khu vực quan trọng về an ninh quốc phòng. Từ Cảng Cửa Việt lên Đông Hà, Cam Lộ tới Khe sanh… đã trở thành một phòng tuyến thiên nhiên của vùng đất Quảng Trị.

- Cảng Vũng Áng-Hà Tĩnh 

Ngày 23-4-2016, ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản, cùng với Sở Nông nghiệp Quảng Bình đã xác nhận, nguyên nhân gây cá chết là nguồn nước biển ô nhiễm và có yếu tố gây độc từ khu công nghiệp Formosa, Vũng Áng (thuộc Thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh) lây lan tới Quảng Bình và còn vào đến Thừa Thiên, Huế. Thêm vào đó, khi ngư dân nguyễn Xuân Thành lặn xuống biển bắt cá, đã phát hiện đường ống thải khổng lồ đường kính trên 1m dài 1,5Km, xả nước thải ra biển từ khu công nghiệp Formosa. Anh Thành đã báo cáo cho Đồn Biên phòng xã Kỳ Anh, nhưng sau đó anh Thành bị mất tích, chưa biết tình trạng của anh ra sao.

Khu kinh tế Vũng Áng phía Bắc và Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp các xã Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hưng và Thị trấn Kỳ Anh. Vũng Áng có địa thế tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển Đông, cách thành phố Hà Tĩnh 60Km về phía Bắc, có cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tầu biển có trọng tải từ 50.000 đến 250.000 tấn.


Từ khu kinh tế Vũng Áng, theo quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam có thể giao thông với các tỉnh trong nước. Quốc lộ 8A từ Hà Tĩnh theo hướng Tây đến cửa khấu Cầu Treo nối sang Viên Chăn (Lào) và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Khu kinh tế với 60 dự án được cấp giấy phép kinh doanh. Riêng dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng lên tới 11,2 tỷ USD.

Các cuộc biểu tình vào tháng 5-2014 chống Trung Quốc khi đặt giàn khoan HD 981 trong đặc khu kinh tế thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã gây thiệt hại cho các dự án đầu tư lên tới 23 triệu USD. Trong số nhân công làm việc tại Vũng Áng, khoảng 4.000 người di tản khỏi Việt Nam, nhưng Trung quốc lại đưa 10.000 người sau khi tình hình ổn định. Một số chưa được phép làm việc tại đây. 

Vũng Áng trở thành khu kinh tế theo quyết định số 72/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ thành lập ngày 03-4-2006. Tổng diện tích là 227,81 km2, bao gồm 9 xã nằm trong huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất của khu kinh tế Vũng Áng kéo dài 70 năm, là một dự tính nằm trong chiến lược của Trung Quốc. 

Khu kinh tế Vũng Áng có xây tường và nhà dọc theo quốc lộ 1, từ Kỳ Anh đến Cẩm Xuyên, cấm người ngoài không được vào, đã trở thành một khu vực riêng biệt của Trung Quốc. Theo Báo Người Lao động “Formosa Hà Tĩnh đề xuất được xây ký túc xá hộ gia đình cho nhân viên thuê, bán lại cho nhân viên, trong đó nhân viên Việt được quyền xử dụng đất lâu dài trong đặc khu.” Tình trạng này xẩy ra tại bất cứ công trình nào thuộc quyền cai quản của công ty Trung Quốc, khiến những nơi này trở thành thế giới riêng của người Tầu, ngay cả cán bộ thuộc chính quyền VN cũng không được bén mảng tới. Thời gian cho thuê kéo dài 70 năm, đã giúp Trung Quốc biến vùng đất này thành căn cứ riêng, người dân không biết về những hoạt động trong khu này.

Chính quyền CS bán đất cho Trung Quốc khiến người dân Kỳ Anh không có việc làm, thanh niên thì nghiện hút, cờ bạc… thanh nữ thì đón khách kiếm sống. Thành phần này đã bị người Tầu lợi dụng làm tay sai. Trai Tầu lấy vợ Việt, một cuộc di dân và đồng hóa âm thầm nhưng rất nguy hiểm.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao Trung Quốc lại nhắm vào Hà Tĩnh và Quảng Trị?

Nhìn vào bản đồ, căn cứ Hải quân Du Lâm thuộc đảo Hải Nam, là căn cứ tầu ngầm của Trung Quốc. Khoảng cách đường chim bay từ Du Lâm tới Cửa Việt (Quảng Trị) và cảng Vũng Ánh (Hà Tĩnh) khoảng 300 km, từ Cửa Việt tới Vũng Áng theo quốc lộ 1 là 190 km. Từ căn cứ Du Lâm, Trung Quốc dễ dàng khống chế và cắt đôi Việt Nam ngay tại Quảng Bình (điểm giữa Vũng Áng và Cửa Việt tới biên giới Lào chỉ rộng khoảng 40 km). Vũng Áng đã trở thành vị trí quan trọng không những có thể khống chế Việt Nam về đường bộ, mà còn phong tỏa đường biển vào Vịnh Bắc Bộ. (Nguồn: Nguyễn Hữu Quý)

Theo kỹ sư tại Formosa được ông Trần Đình Trợ đưa lên Facebook, cho hay: mỗi giờ cần 40.000 m3 nước biển để làm mát thiết bị, số nước biển này được pha nhiều hóa chất để tránh hư hỏng thiết bị và được xả trộm qua một đường ống chạy ngầm dưới biển. Từ đầu năm tới giờ, nhà máy đã xả xuống biển 56.000 m3 nước thải công nghiệp. Trong thời gian tới khi nhà máy đi vào hoạt động, số nước thải sẽ gia tăng rất nhiều.

- Khu an dưỡng trên Đèo Hải Vân

Công ty cổ phần Thế Diệu (World Shine Joint-Stock Company) có trụ sở tại British Virgin Island, có đầu tư chính từ Trung Quốc, được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt dự án xây dựng “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Lăng Cô-Việt Nam” năm 2008. 

Theo báo chí trong nước đăng tải, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng gồm: một khu nghỉ mát xếp hạng “5 Sao” 450 phòng, một khu nghỉ dưỡng gồm 220 hộ cao cấp, 350 biệt thự và một Trung tâm Hội nghị quốc tế có sức chứa 2.000 chỗ.

Vị trí khu nghỉ dưỡng nằm trên đèo Hải Vân, cao 500m cách mặt nước biển, dài 20 km (cắt ngang dẫn núi Bạch Mã), ở giữa địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân là một vị trí trọng yếu, được gọi là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” nằm án ngữ giữa ranh giới nối liền miền Bắc và miền Nam. Với vị trí của đèo Hải Vân có thể quan sát bao quát Vịnh Đà Nẵng và mọi hoạt động quân sự tại bán đảo Sơn Trà. Để mất vùng đất này, Việt Nam dễ dàng bị chia cắt.

- Hải Phòng và con đường Tơ Lụa 


Ngày 7-4-2015, ông Nguyễn Phú Trọng hướng dẫn một phái đoàn cán bộ cao cấp sang thăm Trung quốc, như một thông lệ “trình báo” với thượng cấp trước khi tới Hoa Kỳ vào tháng 7-2015. Ông Trọng được Tập Cận Bình đón tiếp như một quốc khách, khác hẳn vào năm 2014, ông Trọng xin sang gặp Tập Cận Bình để giải tỏa căng thẳng do phản ứng chống đối của người Việt trong và ngoài nước, khi Trung cộng đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng bị từ chối.

Trong lần thăm này, ngoài những văn kiện thông thường, còn có một thỏa thuận quan trọng được dấu kín. Điều này được báo Nhật Bản Nikkei Asia Review loan tin ngày 8-4-2015, Nguyễn Phú Trọng thỏa thuận đưa cảng Hải Phòng như một đầu cầu trong chương trình xây dựng “Con đường tơ lụa” của Trung Quốc. 

Cảng Hải Phòng sẽ được xây dựng để tầu lớn có thể cặp bến. Tại đây hàng hóa sẽ được đưa lên bờ và chuyển tới Trung Quốc bằng đường bộ, sẽ giúp Trung Quốc giảm thiểu chi phí vận chuyển thay vì đi đường tới Hong Kong và Thượng Hải (Nguồn: Trúc Giang)

Với tham vọng bao trùm thế giới, con đường Tơ Lụa của Trung Quốc theo đường biển (mầu xanh) bắt đầu từ Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) qua Quảng Đông tới Hải Phòng (Việt Nam), xuống eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương sang Kenya, Somalia (Châu Phi) qua Biển Đỏ (Hồng Hải) vào Địa Trung Hải để gặp con đường trên bộ (mầu đỏ) tại thành phố Venice (Ý).

Theo nhận đỉnh của ông Trương Nhân Tuấn, con đường Tơ Lụa không mang lại lợi ích nào cho Việt Nam, mà ngược lại, còn gây nguy hiểm cho Việt Nam trước đe dọa của Trung cộng ngày một gia tăng tại Biển Đông.

Ông Trọng khi thỏa thuận để cảng Hải Phòng vào “Con Đường Tơ lụa” của Trung Quốc đã bất chấp mọi nguy hại cho đất nước. Từ cảng Hải Hà của tỉnh Móng Cái tới Hải Phòng nối liền với Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh tới Cửa Việt của Quảng Trị, tiếp nối với căn cứ Du Lâm (Hải Nam) thành một vòng cung ôm trọn Vịnh Bắc Bộ, đã trở thành ao nhà của Trung quốc. Ngư dân Việt Nam sẽ không còn đất sống. 

Hành động của ông Trọng ngày càng lộ rõ là một tay sai của Trung Quốc, như các Tổng Bí thư đảng CS từ trước đến nay, đã dâng đất nước cho kẻ thù. Trong khi người Việt trong và ngoài nước phản đối Trung Quốc đặt gian khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ông Trọng đã hân hoan dự buổi lễ khánh thành đặt giàn khoan tại Biển Đông. Ông Trọng cũng cam phận tôi đòi dâng cảng Hải Phòng cho Trung cộng, chắc hẳn với “bao thư” hàng trăm triệu Mỹ kim như tin tức loan tải, ông Trọng dư sức có một ngôi “nhà vàng” như nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Nhưng liệu ông có đủ thời gian để tận hưởng thành quả “bán nước”, hay cũng giống như Hoàng Văn Hoan sống trong tủi nhục, bỏ xác nơi xứ người.

Biểu tình từ Bắc vào Nam

Tình trạng cá chết tại Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và một số tỉnh miền Trung xảy ra từ ngày 6-4-2016, đã tác động mạnh trong sinh hoạt của người Việt trong và ngoài nước, cũng là mối quan tâm về sự an nguy của dân tộc Việt trước hiểm họa Bắc thuộc. 


- Tại Hà Nội, cuộc biểu tình vào sáng ngày 1-5-2016 quy tụ hơn 1000 người gồm nhiều thành phần, kể cả những người trước đây thờ ơ với các cuộc biểu tình, đã xuống đường với các tấm biểu ngữ “Đả đảo Formosa”, “Yêu cầu chính phủ phải minh bạch, không để chìm xuồng…” 

Cuộc biểu tình khởi đầu từ 9 AM theo lộ trình tuần hành một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm sau đó tới tượng đài Lý Thái Tổ và Nhà Hát lớn Hà Nội. Khác với hành động đàn áp của thành phần an ninh chìm/nổi xảy ra trong các cuộc biểu tình trước đây, vì số người tham gia biểu tình lần này quá đông khiến họ không có hành động đàn áp nào. Không thấy xuất hiện “cờ đỏ sao vàng” trong đoàn người biểu tình, chứng tỏ người Việt quyết tâm đứng dậy, không cần cờ đỏ như một bình phong để đối đầu các cuộc đàn áp như trước đây, đám công an côn đồ không thể phá vỡ khí thế yêu nước của người của người biểu tình, vì muốn tránh cuộc một đổ máu ngày càng lan rộng. 


- Tại Sài Gòn, ngày 1-5-2016, đoàn người biểu tình lên tới hàng ngàn người, đã diễn hành qua các đường Lê Duẩn, Chợ Bến Thành, công viên 30-4 và khu vực Nhà Thờ Đức Bà.

Cuộc biểu tình ôn hòa ngày 8-5-2016 tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà với biểu ngữ “Dân Cần Biển Xanh” xẩy ra đúng vào giờ tan lễ. Mọi người nhanh chóng kết hợp càng lúc càng đông lên tới hàng ngàn người. Xe cảnh sát với loa kêu gọi: “đồng bào giải tán…” Nhiều người lúc đầu chỉ đứng quan sát sau đó cũng xuống đường, hòa nhập với người biểu tình. 


Vào lúc 12 giờ, đoàn người biểu tình bị bao vây khi tới quảng trường Dân Chủ bởi đám công an võ trang cũng như thường phục. Đàn áp, xô đẩy bắt đầu xảy ra, nhiều người biểu tình bị xịt hơi cay vào mắt. Có người bị đánh đập chảy máu đầu, một bà mẹ trẻ ôm chặt con vào lòng khi bị đánh đập, một số người khác bị bắt mang lên xe cảnh sát… Trước khí thế đàn áp hung bạo của đám cộng an, thanh niên xung phong đồng phục xanh không còn “tính người”, những người biểu tình không chống trả đã im lặng tọa kháng. 

Mặc dù cuộc biểu tình ôn hòa, chỉ đòi hỏi một đời sống với môi trường trong sạch, bị đàn áp phá vỡ nhưng đã để lại một dấu ấn quan trọng về tinh thần đứng dậy đấu tranh của tuổi trẻ Việt Nam trước vấn đề sinh tử của quốc gia dân tộc. Như một vết dầu loang, tinh thần quyết tâm đòi hỏi quyền sống của con người ngày một lan rộng từ Nam ra Bắc. Dù cuộc biểu tình ngày 8-5-2016 bị phá vỡ, nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam, thoát ra khỏi quan niệm thờ ơ trước thời cuộc vì an toàn cá nhân. 

- Sự di hại của chất thải do nhà máy Formosa thải ra đã xẩy ở nhiều nơi trước khi thực hiện tại Việt Nam. Theo báo New York Times cho biết, Formosa đã nhập khối chất thải này dưới hình thức “bao rác” vào Campouchia và đưa đến Sihanoukville từ cuối tháng 11-1998. Theo Phnom Penh Post, sau quá trình điều tra, lượng thủy ngân chứa trong chất thải này vượt quá giới hạn an toàn đến 20.000 lần. Một số thường dân bị tử vong đưa đến những vụ biểu tình của người dân Campuchia, đập phá một khách sạn của Tập đoàn. Đầu tháng 3-1999, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ Campuchia với Formosa, ông Om Yen Tieng thông báo, Phnom Penh đã ra lệnh cho tập đoàn Formosa phải dọn dẹp và đưa toàn bộ chất thải rời khỏi Campuchia. 

Điều đáng chú ý, khi đó chủ tịch Quốc hội Campuchia, Hoàng thân Norodom Ranariddh, cho hay một số quan chức đã nhận hối lộ 3 triệu USD. Theo BBC, sau vụ này, hơn 100 quan chức bị đình chỉ chức vụ, 3 người bị kết tội gây nguy hại đến tính mạng người dân. Tổng Giám đốc một công ty nhập khẩu ở Campuchia và 2 đối tác người Đài Loan kể cả thông dịch viên của họ cũng bị khởi tố.

- Hậu quả của chất thái khổng lồ từ khu kinh tế Formosa tại Việt Nam, đã theo dòng hải lưu hướng Nam - Đông Nam, dọc theo đường biển dài 200 Km, đã gây ra tình trạng cá chết ước tính khoảng 70 tấn. Một số báo cáo cho hay những bầy chim bị chết vì ăn cá nhiễm độc này. (Nguồn: Theo tác giả David Brown (dịch giả: Trần Văn Minh)

Vì số hóa chất thải ra biển từ khu kỹ nghệ Vũng Áng gây ra tình trạng cá chết trải dài 250 Km trên vùng biển miền Trung, từ tỉnh Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế, có triển vọng lan rộng hơn trong những ngày tháng tới. Số hóa chất tìm thấy trong mẫu nước thử nghiệm gồm có: Chì (lead), Cadmium Toxicity, Thủy ngân (mercury), Mettaloid arsenic, Polychlorinated biphenyls (PCBs, PCB) và Polynuclear aromatic hydrocarbon (PAHs). Hậu quả của các độc tố tác hại trên cơ thể ngườ lớn cũng như trẻ em. Ngoài nguy cơ nhiễm độc, còn gây ra tử vong cho người nhiễm phải chất độc này.

Vụ cá chết tại một số tỉnh miền Trung sẽ còn di hại lâu dài tới vùng biển Việt Nam, đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của ngư dân, chưa kể tới đám con buôn bán cá chết nhiễm hóa chất độc cho các vựa sản xuất nước mắm tại miền Trung, sẽ gây bệnh tật đưa đến tử vong của người tiêu dùng. Nguồn lợi về du lịch tại vùng biển thơ mộng này cũng gặp nhiều trở ngại.

Không thấy đảng và chính quyền CSVN có hành động nào với công ty Formosa hầu ngăn chặn kịp thời nguy cơ đang xảy ra, cũng không có biện pháp nào với giới chức trách nhiệm về sự việc thực hiện thiếu nghiên cứu của dự án chết người này. Hay những “bao thơ dầy cộm” đã cản trở những quyết định cần thiết? Điều này chứng tỏ chính quyền CSVN, mặc dù có nhiều Tiến sĩ nhất Á Châu, đã thua xa Campuchia cả về sự hiểu biết, lẫn lo cho đời sống an toàn của người dân, nhất là về tinh thần vì đất nước dân tộc. 

Đã tới lúc bỏ đảng CS

Nhận rõ bản chất “tay sai” của tập đoàn cộng sản cầm quyền, vì quyền lợi cá nhân hơn quyền lợi của dân tộc, nên nhiều đảng viên cao cấp với nhiều năm tuổi đảng, đã từ bỏ đảng CSVN. 

- Ông Nguyễn Minh Cần, một đảng viên kỳ cựu với chức vụ quan trọng trong chính quyền Hà Nội đã bỏ đảng vào năm 1964. Ông đã nhận định: “Nhóm cầm quyền trong đảng cứ khư khư ôm cái cũ, không dám và cũng không đủ trí tuệ để nhận ra cái mới, cái năng động của mầm non, cái tương lai, để dám đi một bước sáng tạo… Ban lãnh đạo, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư già cả không có sức sống của tuổi trẻ vươn lên với trí tuệ, văn minh và tiến bộ, nên đảng CS mãi mãi lạc hậu…” Ông cũng nêu lên: “Mỗi người sẽ tự hỏi và tự quyết định: có nên tiếp tục ở trong cái đảng CS này nữa không hay rời bỏ nó? Cái đảng phạm tội diệt chủng. Cái đảng gian dối, lừa gạt lật lọng, trong 85 năm qua đã gieo rắc bao đau thương, tang tóc, tủi nhục cho mấy chục triệu người.”

Ông Nguyễn Minh Cần đã xuất bản tác phẩm nói về chế độ cộng sản, với nhan đề: “The Vietnamese Communist Party Through Vicissitude Of The Communist International” (NXB Tuổi Xanh – 2004 / Bản dịch Anh ngữ: Trần Ngọc Dụng).

- Thiếu Tướng Hà Thanh Châu, Chính Ủy Tổng Cục Quốc phòng, biết rõ hành động phản bội dân tộc của đảng CSVN, ngày 10-3-2013, trong chuyến thăm con du học tại Hoa kỳ, đã tới Sở Di trú King County, Seatle thuộc Tiểu bang Washington State xin tỵ nạn chính trị. Ông đã tiết lộ tài liệu bí mật của đảng CSVN về những thỏa thuận của Tổng Bí thư nguyễn Văn Linh với Giang Trạch Dân tại Hội Nghị Thành Đô năm 1990, theo đó Việt Nam sẽ sát nhập vào Trung quốc năm 2020.

- Ông Đặng Xương Hùng, nguyên Vụ Phó Bộ Ngoại giao VN, nguyên Lãnh sự VN tại Geneve (Thụy Sỹ) đã tuyên bố ra khỏi đảng CS, nhân dịp tham dự phiên họp Kiểm điểm định kỳ về Nhân quyền ở Việt Nam vào ngày 5-2-2014 tại Geneve. Ông đã xin tỵ nạn chính trị và tố cáo hành động độc tài cũng như đe dọa, khủng bố, bắt giam các nhà đấu tranh Dân chủ và Nhân quyền của chế độ CSVN.

Từ Đại sứ quán VN tại Thụy Sỹ, ông Hùng gửi thư ngỏ đề ngày 19-1-2014 tới các bạn tham dự Hội nghị Nhân quyền, cho hay ông đã từ bỏ đảng CSVN để bắt đầu cuộc đấu tranh Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam. Trong thư ông viết: “Chúng ta, những người dân Việt Nam, đều là nạn nhân của chế độ CS. Hiện nay, đảng CSVN đã chọn con đường đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam. Họ quyết tâm duy trì chế đọ đảng trị, phớt lờ những đòi hỏi Dân chủ và Nhân quyền cho nhân dân Việt Nam…

Trong thư cảm tạ đề ngày 30-4-2016, ông Hùng viết: “Tôi dự định chọn dịp 30-4-2016 để viết lời cảm tạ này, nhưng không ngờ lại đúng vào thời điểm “thảm họa Formosa”, thời điểm mà bản chất chế độ đã bộc lộ rõ nét và cũng là thời điểm mà mỗi người dân Việt Nam nên chọn cho mình một thái độ dứt khoát…”

Ông cũng bầy tỏ lời cám ơn thân thiết nhất tới các anh chị trong Câu lạc bộ Làng Việt, các bậc lão thành Hội cựu quân nhân Quân lực VNCH…, đã chia sẻ khó khăn, tận tình nâng đỡ gia đình ông như những người trong gia đình. 

Trước những hành động từ bỏ đảng CSVN độc tài của các đảng viên, dù âm thầm hay công khai, ngày một gia tăng, hẳn cũng là điều quan tâm của người đại diện cho đảng, dưới danh nghĩa XHCNVN, tại các tòa Đại sứ nơi các quốc gia tự do. Những người này hẳn đã nhìn rõ bộ mặt thật của đảng CS, đơn thuần chỉ là một đảng cướp của giết người, bóc lột ngay chính đồng bào của mình. Một đảng vì quyền lợi phe nhóm, bất kể luật pháp, đã thanh toán ngay cả người trong đảng. Một chế độ đã phương hại đến danh dự của người dân khi cầm “Hộ Chiếu” của XHCN. Đã tới lúc phải tự xác định hành động, không thể “Ăn cơm của Nhân dân, lại Thờ quân bán nước”. 

*

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất nước, một dân tộc bị hủy hoại âm thầm. Bất cứ sự hợp tác nào với Trung cộng, chỉ là những sai lầm đưa tới hậu quả khốc hại cho thế hệ tương lai. Trước hiện tình nguy ngập của đất nước, tuổi trẻ Việt Nam đã đứng dậy, bất kể sự đàn áp của đảng CS, vẫn kiên cường đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc. Nhiều đảng viên CS đã và đang bỏ đảng khi nhận ra bản chất phi dân tộc của đảng CSVN. Một đảng vì quyền lợi phe nhóm, bất kể luật pháp, đã thanh toán ngay cả người trong đảng. Những đảng viên bỏ đảng đã dẹp bỏ quyền lợi nhất thời của cá nhân trước sự tồn vong của dân tộc giống nòi.

Trong tư tưởng của thế hệ trẻ đương thời, mọi loại ý thức không tưởng cũng như chủ nghĩa cộng sản lừa bịp đều bị loại bỏ. Dân tộc Việt Nam đang hướng tới một nền Dân Chủ Pháp Trị, để người dân được sống trong một quốc gia Tự do và Dân chủ. 

Tuổi trẻ Việt Nam ơi! Hãy đứng lên để bảo vệ đất nước. 

Tháng 5-2016


0 comments:

Powered By Blogger