Tuesday, May 24, 2016

Nhân quyền của người Việt quanh chuyến thăm của Tổng thống Mỹ

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ nhiều ngày, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gia tăng áp lực lên giới đấu tranh nhân quyền trong nước.

Mặc dù không có một lời kêu gọi biểu tình ôn hòa nào được chính thức đăng tải trên các trang Blog “lề dân”, hay các trang mạng xã hội cho ngày 22/5, nhưng an ninh, mật vụ vẫn tiếp tục phong tỏa những khu vực được cho là “nhạy cảm”, từng là nơi diễn ra 3 cuộc biểu tình, tọa kháng trước đó. Nơi ở của hầu hết những người đấu tranh nhân quyền, những người từng đi biểu tình đều bị canh gác. Công luận cho rằng, nhà cầm quyền Hà Nội buộc phải làm như thế vì lo sợ những người này đi đón hoặc tiếp xúc với Tổng thống Obama.

Trong bài viết Chế độ côn đồ trị được đăng tải hôm 20/5, chúng tôi đã tổng hợp những hành vi côn đồ của công an, mật vụ cộng sản trong thời gian qua. Ngoài những trường hợp đã được nhắc đến và hiện vẫn tiếp tục bị giam lỏng, cho đến ngày hôm nay. Chúng tôi xin tiếp tục cập nhật thêm một số hành vi đàn áp của nhà cầm quyền đối với giới tranh đấu trong nước, đặc biệt tại Sài Gòn.

Ngày 22/5, Lầu Nhật Phong (Facebooker Alau), một thanh niên trẻ người Việt gốc Hoa đã bị một nhóm côn đồ đe “chém chết” nếu bước chân ra khỏi nhà. Phong từng bị đánh đập, bị bắt giữ ít nhất hai lần kể từ khi phong trào biểu tình đầu tháng 5 diễn ra đến nay.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được cho là đã bị bắt ở Hà Nội cùng với hai nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Vũ Huy Hoàng và bà Thu Nguyệt vào sáng 23/5. Cô Trang mới trải qua một ca phẫu thuật đầu gối tại một bệnh viện ở Sài Gòn và mới rời thành phố này để đến Hà Nội. Có tin Phạm Đoan Trang về Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc gặp Tổng thống Mỹ. Hiện vẫn chưa ai liên lạc được với ba người này.

Một người khác được nói là cũng nằm trong danh sách được gặp gỡ Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đang bị giam giữ ngay tại nhà riêng của ông ở Hà Nội.

Trước đó, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng đã bị bắc cóc tối ngày 20/5/2016 tại Sài Gòn khi đang ngồi quán cà phê với bạn bè. Anh bị đưa đến công an Phường Cầu Kho Q1-SG và phải làm việc với Cục An ninh Quốc gia- Bộ công an. Sau 48 giờ đồng hồ mất liên lạc, anh Nguyễn Viết Dũng gọi điện thông báo cho cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên biết là công an Sài Gòn đang cưỡng ép anh ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Nghệ An. Lẽ ra, tối ngày 22 Dũng phải về tới nhà. Nhưng đến nay đã gần bước sang ngày 24/5, gia đình vẫn không nhận được tin tức từ Dũng.

Xin nhắc lại là Nguyễn Viết Dũng mới mãn hạn tù hồi tháng 7 vừa rồi. 

Tại Nha Trang, côn an cũng bắt giữ 2 Bloggers là Nguyễn Bá Vinh và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sáng 23/5. Cuộc bắt bớ này được thực hiện ngay khi Tổng thống Mỹ vừa tới Hà Nội chưa đầy 12 tiếng. Anh Vinh bị nhóm côn đồ, cựu chiến binh gây sự ở bãi biển khi đang thể hiện quyền tự do biểu đạt, chụp hình với thông điệp "tại sao cá chết" "Why mass fish deaths in Viet Nam" để bảo vệ môi trường. Cả Vinh và Quỳnh sau đó đều bị đưa tới công an phường Lộc Thọ đường Yersin, thành phố Nha Trang. Cả hai bị đánh đập dã man trước khi được thả về vào buổi chiều cùng ngày.

Cũng cần nhắc lại trường hợp của cô Nancy Nguyễn, quốc tịch Mỹ đã bị mất tích đêm hôm 19/5 sau khi mới đặt chân về Sài Gòn ba ngày trước đó. Hiện vẫn chưa có tin tức gì của cô này.

Việc ngăn cản quyền tự do đi lại, đánh đập, đe dọa và bắt cóc công dân ngay trong thời gian TT Mỹ thăm Việt Nam một mặt thể hiện sự lo sợ của đảng cộng sản trước xu hướng đối kháng ngày một gia tăng của người dân trong nước. Mặt khác thể hiện sự trung thành tuyệt đối với Trung cộng. 

Trong chuyến thăm này, cộng sản Việt Nam đã thực hiện được phần nào mục tiêu đặt ra là phía Mỹ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với VN. Tất nhiên kèm theo đó là điều kiện cải thiện về nhân quyền. Song, việc đạt được mục đích có lợi cho đảng cầm quyền và lờ tịt đi những cam kết đối tác luôn là cách hành xử và lựa chọn của CSVN trong quan hệ quốc tế.

Nhân quyền, vì thế sẽ chẳng bao giờ được nhà cầm quyền cộng sản tôn trọng sau những cam kết như thế này.


0 comments:

Powered By Blogger