Tuesday, October 20, 2015

Người thương phế binh VNCH và những câu chuyện tình

Như mọi lần, khi chiếc Taxi vừa dừng lại trước phòng Công Lý & Hòa Bình, Dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn, tôi và một số anh chị em thiện nguyện viên (TNV) được phân công, liền dìu dắt các chú thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH) lên xe và cùng đi đến bệnh viện để khám sức khỏe tổng quát.

Sắp xếp chỗ ngồi cho các chú xong, tôi là người cuối cùng lên xe. Do bất cẩn nên tôi đã té ngã vào trong xe và đè chèn lên thân mình của một chú, vừa cụt cánh tay vừa mù 2 con mắt. Tôi cảm thấy áy náy nên vội vàng xin lỗi chú ấy. Tuy sự va chạm có phần hơi mạnh, làm chú đau nhưng chú vẫn điềm tĩnh cười vui vẻ để trấn an tôi: “Không sao đâu con”.

Một người phụ nữ đứng bên hông xe tự bao giờ lên tiếng: “Ổng vừa mới hết bịnh đó, cậu rày sau cẩn thận hơn nha”. 

Khi quay qua để đóng cửa xe thì tôi thấy người phụ nữ ấy tuổi độ ngoài 60, thân gầy với làn da xạm nắng, gương mặt hiền hậu nhưng đầy khắc khổ đang đứng nhìn vào chú ấy đầy vẻ lo lắng. 

Chiếc taxi từ từ lăn bánh về phía trước. Qua khung kính chắn gió sau xe, tôi thấy cô ấy vẫn đứng và vẫy vẫy tay hướng về chiếc taxi như muốn nói điều gì đó với tôi.

Xe chúng tôi vừa chạy qua ngã tư đường đầu tiên. Chú TPB ấy vỗ nhẹ vai tôi và nói: 

“Vợ của chú đó tên là Hồng, bả thương chú lắm. Hơn 40 năm rồi chú không thấy đường, đi đứng rất khó khăn, may mà có bả kề cạnh chăm sóc, nếu không có, thì cuộc đời chú chẳng biết như thế nào nữa. Hồi nảy con đè lên chú, vì bả thấy xót nên mới lỡ lời, con đừng giận bả nghen”. 

Tôi mỉm cười đáp lại: “Dạ, không có gì đâu chú, lỗi tại con mà”. 

Làm sao tôi có thể giận cô Hồng được. Vì hôm nay, chính cô truyền cho tôi cảm hứng để tìm hiểu những “bông hoa tươi thắm” mãi mãi không tàn úa trong gió bụi thời gian. Những bông hoa ấy tuy không lộng lẫy nhưng cũng đã tô thêm nét đẹp thầm kín cho những câu chuyện tình của người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa.

Cô Nguyễn Thị Hồng – người vợ thủy chung.

Anh lính Nghĩa Quân - Việt Nam Cộng Hòa Phạm Văn Cu sinh năm 1952. Trong những đợt về phép anh đã để ý và thương thầm cô thôn nữ Nguyễn Thị Hồng trong xóm. Qua nhiều lần tỏ tình, cuối cùng anh đã chinh phục được trái tim của nàng. Sau đó hai người thành thân và chung sống với nhau. Chưa được bao lâu, thì anh lâm nạn trong trận pháo kích của quân thù. Anh bị mất bàn tay phải và đôi mắt vĩnh viễn.

“Khi biết tin ổng bị lâm nạn và sẽ tàn phế suốt đời, cô đau khổ lắm con ơi”, cô Hồng cố kiềm nước mắt, nghẹn ngào nói, “khoảng thời gian đó, cô không còn thiết tha gì trong cuộc sống nữa”.

Cô Nguyễn Thị Hồng và chú TPB Phạm Văn Cu
Đến đây cô Hồng ngắt quãng không nói gì. Thế là tôi suy đoán ra được phần nào về hoàn cảnh của cô lúc bấy giờ - chắc có lẽ, vì quá đau khổ nên cô đã từng chọn con đường “tuyệt vọng” để giải quyết mọi vấn đề. 

Một lúc sau, cô lấy tay áo lau nước mắt rồi tiếp câu chuyện: “Cô không còn thiết tha gì trong cuộc sống nữa, cô nguyện với lòng sẽ từ bỏ hết tất cả thú vui của mình, và dành thời gian được gần gũi với ổng đến hết đời. Trước mắt cô phải lo chăm sóc ổng trong nhà thương. Sau này ổng về nhà cô sẽ cố gắng làm lụng nhiều hơn để có thêm tiền nuôi ổng, bề sao (dù sao) ổng là lính và cũng là chồng mình mà nên cô không thể nào bỏ ổng một mình được đâu.”

Nghe tới đây, tôi cảm thấy xấu hổ cho sự suy đoán hồ đồ của mình vừa rồi. Thật không ngờ, cô chỉ là một người phụ nữ “nhà quê” thật thà chất phác, vậy mà cô có ý chí vượt trội hơn hẳn bao người khác, cô đã vượt qua được nỗi đau tột cùng ấy một cách mạnh mẽ. Không những không chọn con đường “tuyệt vọng” mà cô còn quyết định sẽ tiếp tục bên cạnh chồng đến hết cuộc đời còn lại.

Hơn 40 năm trôi qua, mặc cho sóng gió cuộc đời có nghiệt ngã tới đâu, hoặc cách đối xử tàn nhẫn của phe “thắng cuộc” như thế nào, thì vẫn không thể lay chuyển nổi tình yêu của cô thôn nữ đã dành trọn cho anh TPB VNCH tên Phạm Văn Cu.

Cô Nguyễn Thị Nga và lòng trắc ẩn

Là con gái khi lớn lên, ai mà không muốn có được tấm chồng lý tưởng trong tương lai; Chồng mình phải là người phong độ, đẹp trai; giàu sang, có địa vị… hoặc chí ít cũng là người không bị tật nguyền.

Tôi không muốn nhắc đến định mệnh hay duyên số trong bài viết này. Nhưng tôi chỉ muốn nói đến sự chung thủy và lòng trắc ẩn của những người phụ nữ bình dị đối với anh lính VNCH. Họ luôn âm thầm “đứng sau lưng” các chú để nâng khăn sửa túi cho chồng trong mọi hoàn cảnh nguy nan hoặc khó nghèo.

Chú Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1954 (theo giấy khai sinh), từng là lính không quân VNCH. 

Cô Nguyễn Thị Nga và chú TPB Nguyễn Văn Hạnh
Vào 1973, tại căn cứ không quân, Phù Cát - Qui Nhơn, lửa pháo quân thù đã làm gương mặt, cổ và cánh tay của chú tổn thương nặng.

Sau 4/1975, cũng như bao người lính VNCH khác đang ở Việt Nam, anh bị chính quyền Cộng Sản gán cho cái tội “ngụy quân ngụy quyền”. Thân mang tật nguyền anh phải sống bơ vơ, tủi nhục giữa dòng đời vô cảm. 

“Vào đầu năm 1977, lúc đó cô được 22 tuổi rồi, đang đi học may”, cô Nga nhắc lại quá khứ, “Thấy anh Hạnh tàn tật nhưng bản tính lại rất hiền lành. Sau khi được tiếp cận anh ấy, tôi mới biết anh ấy trước đó từng là người lính VNCH và đã bị tật nguyền trong thời chiến tranh. Vì thấy chú chỉ có một mình cô hoạnh, nên thấy thương và thường xuyên tới lui chăm sóc. Dần dần cô đã nảy sinh tình cảm rồi yêu thương chú”.

“Em đã trót yêu anh rồi”

Cha mẹ một mực phản đối ngăn cấm việc cô qua lại với một TPB VNCH, vì sợ bị ảnh hưởng xấu đến gia đình. Đã lỡ yêu chú ấy, cô không thể nghe theo sự ngăn cấm vô lý của cha mẹ mình. Qua nhiều lần hẹn hò, tình yêu của cô chú ngày càng sâu đậm hơn. Cuối cùng họ quyết định lấy nhau. Trong buổi lễ thành hôn, tuy không nhiều họ hàng, bạn bè thân thích đến dự, nhưng cô chú vẫn mỉm cười trao nhau nhẫn cưới như thầm ước hẹn chung sống bên nhau trọn đời.

“Đến nay cô đã được 60 tuổi, chú 62 và có ba người con. Cô rất vui vì ba đứa con của cô chú đều đã lập gia đình”, Cô nghẹn ngào nói, “Cô rất cảm động khi nhìn thấy các cha ở Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí dành cho những người TPB VNCH trong đó có chồng cô. Thật sự trong mấy chục năm nay những người lính này đã bị bỏ rơi, hôm nay đây được chứng kiến các cha DCCT và anh chị em (TNV) quan tâm và chăm sóc nhiệt tình cho họ, tuy là lo cho chồng của cô nhưng cô thật sự thấy lòng mình cũng được ấm áp – Thật cám ơn”.

Không riêng cô Hồng, cô Nga mà còn có nhiều người vợ của các chú TPB khác mà tôi vinh hạnh được trò chuyện, vô tình đã tạo cho tôi một cảm xúc tuyệt vời. Chính các cô là những người phụ nữ đáng trân trọng, và là những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu mai sau

Qua những sự hy sinh thầm lặng và tình yêu vô bờ bến của các cô dành cho chồng, khiến chúng ta cần phải suy ngẫm - Dường như chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều để tỏ lòng tri ân đến sự mất mát của TPB VNCH...

Cô Lê Thị Phước và chú TPB Lâm Văn Hai
Cô Phạm Thị Gấm và chú TPB Nguyễn Chí Hiếu
20.10.2015


0 comments:

Powered By Blogger