Friday, October 2, 2015

Cán cân ngoại thương thất thâu của Hoa Kỳ hay hình thức đế quốc mới

Cán cân ngoại thương của Hoa Kỳ đã bị thất thâu từ lâu. Theo nguyên tắc bình thường, đối với những nền kinh tế khác, thì đã yếu đi hay sụp đổ từ lâu. Nhưng tại sao kinh tế Hoa Kỳ vẫn đứng vững, phát triển và còn lớn mạnh.

Theo dự đoán của nhiều cơ quan kinh tế quốc tế, vào năm 2015, (như World Economic Outlook (WEO), 04/2015), Hoa Kỳ xuất cảng sang Trung cộng là 140 tỷ $, trong khi nhập cảng từ nước này là 520 tỷ $, thất thâu là 380 tỷ $. Không riêng gì với Trung cộng, mà gần như ngoại thương của Hoa Kỳ bị thất thâu với tất cả 5 châu trên thế giới.

Một câu hỏi đến với chúng ta là theo nguyên tắc, nền kinh tế này phải sụp đổ hay ít nhất phải yếu đi từ lâu. Nhưng thực tế chứng tỏ hoàn toàn ngược lại.

Tại sao vậy?

Chúng ta không lấy thống kê mới nhất, nhưng chúng ta lấy thống kê gần đây, để chứng tỏ ngay trong quá khứ, nền ngoại thương của Hoa Kỳ cũng đã thất thâu, chẳng hạn con số năm 2012:

Vào năm 2012, Hoa Kỳ nhập cảng từ Á châu 996 tỷ $, xuất cảng sang là 457 tỷ, thất thâu 539 tỷ; với Âu Châu, Hoa Kỳ xuất cảng là 329 tỷ, nhập cảng 455 tỷ, thất thâu là 126 tỷ; với Phi châu, Hoa Kỳ xuất cảng là 33 tỷ, nhập cảng là 67 tỷ, thất thâu là 34 tỷ; đối với Trung Mỹ, Hoa Kỳ xuất cảng là 183 tỷ, nhập cảng là 172 tỷ, thặng dư là 11 tỷ; với Úc châu, Hoa Kỳ xuất cảng là 36 tỷ, nhập cảng là 13 tỷ, thặng dư là 23 tỷ; nhưng đối với Canada và Mễ tây cơ, Hoa Kỳ xuất cảng là 508 tỷ, nhập cảng là 602 tỷ, thất thâu là 94 tỷ.(Theo Documentation française – Etats-Unis vers une hégémonie discrète – numéro 64).

Một cách tổng quát tính tổng số thất thâu và thặng dư, thì vào năm 2012, cán cân ngoại thương của Hoa Kỳ thất thâu là 759 tỷ $.

Từ năm 2000, thất thâu về ngoại thương tính theo phần trăm của tổng sản lượng là: 4,2%; 2001: 3,9%; 2002: 4,3% ; 2003: 4,7; 2004: 5,3%; 2005: 5,9%; 2006: 6%; 2007: 5,1%; 2008: 4,7; 2009: 2,7%; 2010: 3,2%; 2011: 3,1%; 2012: 3,3%.

Chúng ta lấy thí dụ năm 2011, tổng sản lượng của Hoa Kỳ là 15 094 tỷ; sản lượng tính theo đầu người là 48 441,6 $; thất thâu về ngoại thương là – 3,1%. Nói một cách tổng quát là người dân Hoa Kỳ, từ người dân thường đến người lính, người công chức, làm được mỗi năm là 48 441,6 $, nhưng tiêu quá độ thêm 1501, 69 $¨, (48 441,6 x 3,1%). Sự việc này xảy ra một vài lần thì không sao, nhưng đối với Hoa Kỳ, thì sự việc này đã kéo dài lâu. 

Trở về từ thời Hội nghị Bretton Woods, năm 1944, khi thế giới cho ra đời Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Ngân hàng quốc tế (WB), Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), và nhất là chấp nhận Hệ thống vừa Kim bản vị và Đô la bản vị (Gold Exchange Standard).

Trước năm 1944, cả thế giới đều chấp nhận Kim bản vị, có nghĩa là đều dùng vàng để bảo đảm đồng tiền của mình, qui định rằng một ký vàng tương đương với bao nhiêu tiền, bằng một sắc luật của chính phủ. Tuy nhiên gần sau chiến tranh, phần lớn số vàng chạy sang Hoa Kỳ. Các nước Âu Châu, Hoa Kỳ và thế giới ý thức vì nhu cầu xây dựng, nên cần nhiều phương tiện trao đổi bằng tiền bạc. Nay Hoa Kỳ chấp nhận giúp các nước Âu Châu bằng Đô la, chứ không bằng vàng. Các nước Âu Châu và thế giới chấp nhận hệ thống vừa Kim bản vị và Đô la bản vị, có nghĩa là một khi Ngân hàng Trung ương có một số Đô la nào đó, thì có thể in tiền của mình tương đương, tùy theo qui định của chính phủ. Chẳng hạn với nước Đức, trước khi có đồng Euro, thì đồng Đức Mã, qui định là 1 $ tương đương với 3 Đức Mã. Nếu trong Ngân hàng Trung ương có 1 triệu $, thì có thể in ra 3 triệu Đức mã.

Lúc đầu thì Hoa Kỳ hứa là đồng $ tương đương với vàng, theo nguyên tắc "Có thể đổi ra vàng" (Convertibilité en or). Nhưng cho đến năm 1972, vì Hoa Kỳ tiêu xài quá mức độ sản xuất của mình, như vừa nói, vì dân tiêu xài quá độ, chính phủ cũng vậy, vì nhu cầu chiến tranh, vì nhu cầu can thiệp ra nước ngoài. Bởi lẽ đó, nên cán cân ngoại thương cứ bị thất thâu triền miên. 

Trong khi đó thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng:

Cũng từ năm 2000 trở về sau tới năm 2012, tăng trưởng tính theo phần trăm của tổng sản lượng quốc gia:

Năm 2 000, là 4,1; năm 2001: 1,1; năm 2002: 1,8; 2003: 2,0; 2004: 3,1; 2005: 2,5 ;2006: 3,0; 2007: 2,8; 2008: 0,0; 2009: - 3,6; 2010: 3,2; 2011: 1,6; 2012:1,4. (Theo Indicateurs : Economie mondiale – Alternatives economiques – hors série).

Nhìn vào bảng tăng trưởng này, chúng ta thấy trong mười mấy năm trời, kinh tế Hoa Kỳ luôn phát triển, chỉ sau năm 2008, lúc khủng hoảng kinh tế, thì kinh tế Hoa Kỳ mới tụt xuống số âm tức là -3,6 năm 2009, nhưng sau đó lại tăng trưởng tiếp.

Một câu hỏi đến với mọi người là: Tại sao vậy?

Để trả lời câu hỏi này, nhiều nhà kinh tế trên thế giới, ngay cả những nhà chính trị, đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau.

Một số người cho rằng Hoa Kỳ được như vậy vì nước này có một thể chế chính trị tốt, dân chủ tự do và kinh tế thị trường, không những có thể vận động toàn lực người dân, mà còn thu hút nhân tài trên thế giới, là nơi đất lành chim đậu.

Năm 1990, một giáo sư đại học đã mở Viện Nghiên cứu Sức mạnh Mềm (Soft Power), vừa mới ra một Bản xếp hạng 30 quốc gia trên thế giới, trong đó, nước đứng đầu là Anh với số điểm 75,61 điểm, thứ hai là Đức (73,89), thứ ba là Hoa Kỳ (73,68), thứ tư là Pháp, rồi Canada, thứ 30 là Trung cộng.

Sự xếp hạng này dựa trên tiêu chuẩn là xem xét người dân sống trong nước đó có thoải mái, được bảo vệ bởi chính quyền, luật pháp hay không, được đối xử một cách công bằng và họ có thích được sống nơi đó hay không. Thêm vào đó là trên lãnh vực văn nghệ, giải trí, ngôn ngữ, tiếng đó có được người ta thích nói không, giáo dục có được người ta tìm đến để học hỏi hay không, những nước lân bang hay cả thế giới có thích bang giao hay không. Ngoài ra người dân có quyền định đoạt vận mạng của mình hay không.

Quyền lực mềm là khả năng thu hút người khác và các nước khác, không bằng súng đạn ép buộc hay bằng tiền bạc để mua chuộc.

Hoa Kỳ là một nước hợp chủng, có rất nhiều vấn đề phức tạp, tuy nhiên vẫn được xếp hạng thứ ba, điều này nói lên Hoa Kỳ có một sức hút, có nhiều người tìm đến để sống hay để đầu tư. Điều này một phần phản ảnh sức mạnh kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ, không phải là không có lý. 

Ngược lại cũng có người cho rằng Hoa Kỳ được như vậy là nhờ vào sự thống trị thế giới bằng đồng Đ ô la, một hình thức "Chủ nghĩa thực dân mới". Nhưng Hoa Kỳ đã dùng đồng Đô la để khống chế kinh tế thế giới như thế nào?

Để giản tiện hóa vấn đề, chúng ta có thể ví kinh tế thế giới như một sòng bạc lớn, mà Hoa Kỳ là ông chủ, ngoài những đặc quyền như có thể muốn kéo hay không kéo bài thêm, chẳng hạn như trong trò chơi Baccara, khác người chơi là bị bắt buộc phải kéo bài thêm nếu số điểm dưới một hạn chế nhất định, thêm vào đó ông chủ còn trường vốn hơn khách hàng. Đặc biệt trong trường hợp Hoa Kỳ hiện nay, nước này còn có thể in thêm tiền bằng cách không cần có vàng để bảo đảm, nhất là từ năm 1972, để chơi với người khác, tức các quốc gia trên thế giới.

Cách chơi của Hoa Kỳ hiện nay chỉ có thắng, chứ không có thua.

Tuy nhiên có người nói làm như vậy thì sẽ đi đến lạm phát.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xét kinh tế trong nước và ảnh hưởng kinh tế đối với nước ngoài của Hoa Kỳ từ bao chục năm nay.

Trong nước, Hoa Kỳ tránh được lạm phát, đó là nhờ ở Ngân hàng trung ương (FED), bằng cách điều chỉnh số Đô la trên thị trường quốc nội. Nếu kinh tế bị đi vào tình trạng khó khăn, trì trệ, thì họ bơm Đô la vào bằng cách giảm lãi xuất chính (taux directeur), khiến những ngân hàng con và ngay cả người dân có thể vay tiền dễ dàng. Nếu bị lạm phát, thì họ rút tiền Đô la ra khỏi thị trường, bằng cách tăng lãi xuất chính.

Ở ngoài nước, vai trò của Ngân hàng trung ương (FED) ít ảnh hưởng hơn, tuy nhiên, có ít nhất hai nước, Trung cộng và Nhật bản, là hai quốc gia xuất cảng sang Hoa Kỳ nhiều nhất. Để khuyến khích xuất cảng sang Hoa Kỳ, 2 nước này gần như bị bó buộc phải giữ cho đồng Đô không mất giá, bằng cách mua Đô la vào, để giúp những nhà xuất cảng, vì khi trao đổi, thì trao đổi bằng Đô la. Đô la không mất giá hoặc tăng thì hàng bán sang Hoa Kỳ có giá rẻ, bán được nhiều và hãng xưởng tại 2 nước này mới có lời.

Đấy là chưa nói Hoa Kỳ có một hệ thống tài chính, ngân hàng trải khắp thế giới, người cầm Đô la, đi đâu cũng tiêu được. Thêm vào đó những Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới vẫn dự trữ Đô la là chính, 70%, tiền Âu Châu khoảng 15%, còn lại là những ngoại tệ khác.

Bởi lẽ đó, Hoa Kỳ cứ thản nhiên in tiền ra để tiêu nếu cần, tiêu trong các cuộc chiến, từ Việt Nam, qua A phú hãn, Irak, Trung Đông. Riêng chiến tranh A phú hãn và Irak, trong 10 năm, Hoa Kỳ tiêu trên 12 000 tỷ $. Đồng thời Hoa Kỳ còn xây hãng xưởng và đầu tư ở nước ngoài.

Chính vì lẽ đó mà mặc dầu cán cân ngoại thương bị thất thâu triền miên, nhưng kinh tế Hoa Kỳ vẫn lớn mạnh, tăng trưởng. 

Sau Đệ Nhị thế chiến, bắt đầu từ Hội Nghị Bretton Woods, thành lập hệ thống Kim bản Vị và Đô la bản vị, thì Hoa Kỳ đã ngự trị trên thế giới với tổng sản lượng chiếm 1/2 thế giới. Hiện tượng này bị nhiều người phản đối, trong đó có những đồng minh của Hoa Kỳ, bắt đầu bằng các nước Anh, Pháp. Trên lãnh vực tiền tệ, đồng Đô la đã thay thế đồng Anh kim và đồng Phật lăng của Pháp trước đó. Vào thập niên 1960, De gaulle đã chống Hoa Kỳ và đòi trở về Kim bản vị, vì lúc đó dự trữ vàng của Pháp là một trong những dự trữ quan trọng. Thế rồi, những biến cố xảy ra cho nước Pháp, dân và sinh viên Pháp nổi lên chống De Gaulle trong vòng cả năm trời làm cho kinh tế và nước Pháp bị tê liệt, vào năm 1968. Sau đó một năm, qua một cuộc trưng cầu dân ý, De gaulle bị bất tín nhiệm và phải từ chức.

Vào thập niên 1970, có Phong trào các nước không Liên kết, cầm đầu bởi Nerhu, Sukarno của Á châu và Nkrumah của Phi châu, tố cáo các nước phương Tây, dẫn đầu bằng Hoa Kỳ đã thi hành chính sách tân thực dân đối với những nước chậm tiến, nhất là trong lãnh vực kinh tế và tài chánh bằng đồng Đô la. Chính Nkrumah, trong nhiều dịp đã tố cáo chính sách "Trao đổi bất công". Ông lấy thí dụ vào năm trước chẳng hạn 10 tấn gạo mua được một cái máy cày, nhưng chỉ một năm phải cần 15 tấn gạo mới mua được một cái máy cày.

Phong trào không Liên kết vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay nhưng nó đã mất sức mạnh và ảnh hưởng lúc ban đầu.

Có người nghĩ rằng: Phải chăng Phong trào này ngày hôm nay được tiếp nối bởi Khối BRICS, gồm có 5 nước Ba tây (Brésil), Nga (Russia), Ấn độ (Inde), Trung cộng (Chine), và Nam Phi (South Africa).

Khối này được thành lập ở Thượng hải vào lúc thế giới Tây phương, bắt đầu bằng Hoa Kỳ, bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Tuy nhiên từ đó tới nay, kinh tế của phần lớn Khối này bị xuống dốc. Bắt đầu bởi Nga, tổng sản lượng từ 2000 tỷ $, năm 2013, xuống còn 1800 tỷ năm 2014, và theo tiên đoán của Quĩ Tiền tệ thế giới là vào năm 2015 chỉ còn hơn 1000 tỷ, tất nhiên vì nhiều nguyên do, nhưng nguyên do chính là nước này chủ yếu xuất cảng dầu và khí đốt, nay giá dầu hỏa chỉ còn non một nửa. Sau đến Trung cộng, trước đây tăng trưởng của nước này là 2 con số, nay chỉ còn một con số. Từ năm 2014, thị trường địa ốc bị nổ bong bóng, rồi từ giữa tháng 6 thị trường chứng khoán bị sụt giá, xuất cảng đã giảm 8,3%, vừa qua lại phá giá đồng Nhân dân tệ 3 lần. Tương lai kinh tế của Trung cộng cũng không sáng sủa. Nước thứ ba là Ba tây, nước này làm ăn nhiều với Trung cộng, cũng đang gặp nhiều khó khăn, tổng sản lượng cũng bị xuống từ năm 2013 đến 2015. Chỉ còn 2 nước Ấn độ và Nam Phi. Nhưng Ấn độ không có giao hảo tốt với Trung cộng. Bằng chứng là trong chuyến viếng thăm Ấn độ của Tập cận Bình gần đây, Trung cộng đã xua 1000 quân xâm chiếm lãnh thổ Ấn độ, làm cho cuộc viếng thăm không diễn ra tốt đẹp. Còn Nam Phi thì ở xa, và sức mạnh kinh tế không đáng kể, tổng sản lượng chỉ mới đạt được 350 tỷ $.

Vì vậy nên tương lai của Khối BRICS cũng không có gì sáng sủa. Khối này có lập ra Tân Ngân Hàng phát triển thế giới, định thay thế Ngân hàng thế giới. Nhưng ngày hôm nay người ta cũng ít nghe nói tới. Gần đây Trung cộng còn lập ra Ngân hàng Á châu phát triển hạ tầng cơ sở (AIIB), mà có nhiều quốc gia cả Âu lẫn Á xin gia nhập, tất nhiên có nhiều nguyên do. Nhưng có lẽ một trong những nguyên do chính, đó là muốn thoát khỏi sự khống chế của đồng Đô la Hoa Kỳ. Nhưng người ta tự hỏi, với một nền kinh tế đang tụt dốc như vậy, liệu Trung cộng có thể đảm đang trách nhiệm mà nhiều người đang trông đợi không. Câu trả lời là: Thật khó khăn, vì Việt nam chúng ta có câu "Ốc đã chẳng mang nổi mình ốc, còn làm cọc cho rêu". 

Quả thực mô hình tổ chức nhân xã Hoa Kỳ hiện nay là một trong những mô hình nếu không nói là tốt đẹp nhất, thì cũng phải nói là nó giúp tránh đi những xấu xa nhất, như lạm dụng quyền hành, giới lãnh đạo không nghĩ đến dân. Nhưng cũng phải nói sức lớn mạnh nhất về kinh tế, tài chánh là nhờ đồng $. Hiện tượng này kéo dài từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, hay ít ra từ năm 1972, khi ông Nixon ký sắc luật quyết định đồng $ không còn được bảo đảm bằng vàng, khiến chính quyền Hoa Kỳ dễ dàng in $ để khống chế thị trường thế giới.

Hiện tượng này còn kéo dài bao lâu?

Ngắn hạn và trung hạn thì rất có thể nhưng dài hạn thì khó nói. Hiện nay chính phủ Hoa Kỳ cũng đã ý thức được ảnh hưởng của Hoa Kỳ không còn mạnh và áp đảo như sau Đệ nhị thế chiến, với tổng sản lượng chiếm phân nửa của Thế giới, nay chỉ còn 16,3%; hơn nữa với sự phát triển của khối Âu Châu, Trung cộng, Ấn độ và nhiều quốc gia khác làm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trở nên tương đối, tuy vẫn vượt trội nhưng không còn tuyệt đối nữa. Vì lẽ đó Hoa Kỳ cũng tự ý giảm chi tiêu và tìm cách cân bằng lại cán cân ngoại thương của mình.(1) 

Paris ngày 02/10/2015

0 comments:

Powered By Blogger