Từ “4 tốt” đến “4 không được”
Nguyễn Trung
Trang sử bình thướng hóa quan hệ Việt – Trung từ Hội nghị Thành Đô
(1990) đạt tới đỉnh cao khi phía lãnh đạo Trung Quốc tặng phía lãnh đạo
Việt Nam trong các cuộc hội đàm cấp cao tiếp theo đầu tiên:
- 16 chữ: "Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện", và
- 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Khỏi phải nhắc lại ở đây chặng đường gian truân của 16 chữ và 4 tốt này Việt Nam đã phải trải qua từ đỉnh cao này cho đến hôm nay.
Qua sự kiện giàn khoan HD 981 Trung Quốc đã tự tay bóc trần nội dung thật của cái đại cục + 16 chữ + 4 tốt.
Kèm theo là liên tiếp các hoạt động chính trị và ngoại giao xuyên tạc,
vu khống và uy hiếp chống phía Việt Nam, đồng thời khước từ mọi đề nghị
đối thoại của phía Việt Nam tìm giải pháp hòa bình cho vụ việc này.
Ngay
trước khi ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày
18-06-2014, nhân dịp kỳ họp luân phiên thường niên hợp tác song phương 2
nước - phiên này họp tại Hà Nội, bắt đầu các cuộc hội đàm và tiếp xúc
với phía Việt Nam, Tân Hoa Xã có bài đe dọa trắng trợn và đòi phía Việt
Nam “4 không được”, đó là:
1. Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông).
2. Không
được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để
gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận ở Việt Nam về chủ quyền
Trung Quốc ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).
3. Không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải (Biển Đông).
4. Không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
(VTC News 18-06-2014)
Ngôn ngữ của “4 không được” này tự nó nói lên tất cả.
Những sự việc nói trên làm rõ lập trường cứng rắn của phía Trung Quốc
qua những ý kiến của ông Dương Khiết Trì trong những tiếp xúc với phía
Việt Nam.
Vì thế phía Việt Nam đã phải khẳng định:
- Lập
trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi (phát biểu
của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp Dương Khiết Trì).
- Việt
Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp
hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế (phát biểu của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng trong buổi tiếp Dương Khiết Trì).
Mọi
việc đang diễn ra của phía Trung Quốc cho đến thời điểm chuyến đi Việt
Nam của ông Dương Khiết Trì cho thấy: Trung Quốc kiên định bước vào thời
kỳ quyết liệt bá chiếm Biển Đông, với những lý do nằm trong bối cảnh
quốc tế cũng như trong tình hình khu vực, như tôi đã trình bầy trong bài
“Xin hãy mở to mắt”[1]; đại thể là:
(a)
Tình hình thế giới đang thay đổi sâu sắc và có chuyện “đục nước béo cò”
có lợi lớn cho Trung Quốc không thể không khai thác,
(b) Trung Quốc đang giành được lợi thế tương đối của sức mạnh áp đảo tại chỗ trong khu vực Đông Nam Á;
(c)
tận dụng cơ hội đang đến với Trung Quốc từ bối cảnh quốc tế và tình
hình khu vực, Trung Quốc đang đẩy mạnh các bước đi trong chiến lược bá
chiếm Biển Đông – và vì mục đích này bất chấp 4 tốt và 16 chữ dành cho
Việt Nam;
(d) quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bước vào thời kỳ có thêm nhiều yếu tố đối kháng mới phức tạp do phía Trung Quốc gây ra.
Cần nhận định dứt khoát như thế để tính toán các đối sách của phía ta.
Có
thể dự báo, Trung Quốc sẽ leo thang tiếp trong các quyết sách đối với
các đối tượng khác nhau ở toàn vùng Biển Đông nói chung và trong khu vực
ĐNÁ nói riêng – trong đó có Việt Nam.
Có
thể nhận định, trong các đối sách đối với Việt Nam, Trung Quốc sẽ ra
sức khai thác tình hình nội bộ có nhiều vấn đề khó khăn của nước ta và
cái thế đối ngoại chung chiêng (có người gọi đấy là cái thế “đi dây”)
của Việt Nam; đồng thời sẽ tìm moi cách tác động vào nền kinh tế nước ta
đang có nhiều vấn đề lệ thuộc đáng kể vào Trung Quốc. Trong tình huống
nhất định, không loại trừ những biện pháp quân sự ở các mức độ khác nhau
– kể cả chiến tranh ở từng cấp độ (ví dụ như kiểu chiến tranh
17-02-1979 hay ở quy mô đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của ta ở Trường Sa
14-03-1988, vân…vân…)[2].
Cần giả định mọi tình huống có thể xảy ra như vậy để chủ động đối phó,
bởi vì trong quan hệ với Việt Nam đã xảy ra không dưới một lần Trung
Quốc hành xử theo quan điểm “mục tiêu biện minh cho biện pháp”, nghĩa là
không có đất cho các phạm trù thuộc về đạo đức hoặc sự gắn bó của các
mối quan hệ hay ý thức hệ nào đó...
Cần
nhìn thẳng vào sự thật là hiện nay Trung Quốc ở trong tình huống lợi
thế, có thể sở hữu một danh mục đủ các loại đối sách khác nhau – từ thấp
nhất đến cao nhất, từ không vũ trang đến vũ trang… - để xử lý Việt Nam
trong quá trình đẩy mạnh chiến lược bá chiếm Biển Đông. Có nhiều khả
năng Trung Quốc sẽ đặt các đối sách can thiệp và lũng đoạn nội bộ nước
ta là ưu tiên số một, vì nó “rẻ nhất”, “sạch nhất”, “đỡ tốn kém nhất”,
“hiệu quả nhất” – và cũng là môn võ Trung Quốc đang thực thi giỏi nhất
đối với ta, nhằm khoét sâu vào chỗ yếu nhất của nước ta. Về phương diện
này, không loại trừ tính toán của Trung Quốc có thể coi Việt Nam là một
điểm nhấn cần làm suy yếu hay khuất phục, để qua đó làm lỏng lẻo cho
phép sẽ bẻ tiếp cả “bó đũa” ASEAN. Điều này đồng nghĩa một Việt Nam bất
khuất, sẽ dẫn tới một ASEAN dám hiệp đồng bảo vệ bất khả kháng lợi ích
chính đáng của cộng đồng mình trước chiến lược bá chiếm Biển Đông của
Trung Quốc. Mặt khác, nếu Việt Nam có dấu hiệu chịu khuất phục – ví dụ
chịu chấp nhận một thỏa hiệp tay đôi nào đó với Trung Quốc, ngay lập tức
Việt Nam trở thành một con tin không có đường sống cho mọi bước đi tồi
tệ tiếp theo của Trung Quốc.
Điều
mà Trung Quốc ngại nhất đối với Việt Nam không phải là quy mô sức mạnh
vật chất dù là trên phương diện kinh tế hay quân sự Việt Nam có thể đưa
ra đối phó với Trung Quốc. Lịch sử đến nay đã chứng minh, kể cả gần đây
nhất là cuộc chiến tranh 17-02-1979, Trung Quốc luôn luôn thất bại trong
khuất phục Việt Nam trước hết là do vấp phải ý chí chiến đấu bất khả
kháng bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Ý chí bất khuất này và tính
chính nghĩa của Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc của mình là
điều mà Trung Quốc không bao giờ có thể vượt qua được, hôm nay càng như
vậy. Ý chí bất khuất này cùng với tính chính nghĩa của Việt Nam sẽ có
sức tạo ra sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ, có lẽ đây mới là yếu tố
có thể làm thất bại bất kể khát vọng bành trướng nào của Trung Quốc xâm
phạm độc lập chủ quyền của nước ta, là điều mà Trung Quốc phải suy
nghĩ. Bởi vì bản thân vấn đề Trung Quốc hiện nay đang trở thành vấn đề
của cả thế giới; xâm phạm độc lập chủ quyền của một Việt Nam bất khuất ở
mức độ nào đấy – ví dụ như tạo ra uy hiếp nguy hiểm cho cả khu vực hay
cho đường hàng hải huyết mạch của thế giới – sẽ có thể sớm làm bùng lên
sự đối phó của cả thế giới đối với vấn đề Trung Quốc.
Hiển
nhiên những thách thức mọi dạng từ phía Trung Quốc gây ra đang đòi hỏi
quyết liệt nước ta phải sẵn sàng đối phó với tất cả những gì có thể xảy
ra. Sống bên cạnh Trung Quốc thì phải sống như vậy, chẳng có ý thức hệ
nào, cũng không có sự cầu xin hay ơn nghĩa nào có thể thay đổi được thực
tế này. Hòa bình, hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc ta chỉ có được khi
Trung Quốc thấy có lợi phải sống với ta như thế và không thể làm gì
khác đối với ta.
Cái
yếu nhất của ta trước thách thức từ phía Trung Quốc không phải là sự
thua kém về lực lượng vật chất và nước nhỏ, mà trước hết ở chỗ làm thế
nào thu phục được lòng dân và giang san về một mối, làm thế nào để sớm
trở thành một đất nước của trí tuệ, của tự do và dân chủ, để từ đó đất
nước xây dựng nên được một chế độ chính trị đối với từng người dân đồng
nghĩa với tổ quốc. Nói nhà nước của dân – do dân – vì dân
là nói với nội dung như thế. Nghĩa là để có một chế độ chính trị có khả
năng tạo ra một Việt Nam phát triển với tính cách là cái nôi của hòa
bình và hợp tác trong khu vực. Muốn hòa bình hữu nghị lâu dài và trở
thành láng giềng được nể trọng cạnh Trung Quốc nhất thiết Việt Nam phải
sống như thế, phải lựa chọn và đi con đường trở thành một nước phát
triển như thế. Đương nhiên, đây là cái đích chiến lược đường dài, nhưng
phải bắt đầu từ từng bước đi rất cụ thể của hôm nay. Mỗi người Việt
chúng ta cần nhận ra và bắt đầu ngay từ hôm nay sống để phấn đấu cho cái
đích này. Mở đầu là một cuộc vận động sâu rộng trong cả nước cho cái
đích này và đòi hỏi tiến hành cải cách triệt để thể chế chính trị hiện
hành, mọi hoạt động nhất quán trước sau nhằm vào cái đích chiến lược
này.
Biện
pháp quan trọng nhất để khắc phục những yếu kém của nước ta trước một
Trung Quốc đầy thách thức như thế là mỗi người Việt ta cần tự nhận thức
ra và sớm tạo ra nhận thức chung của cả nước về con đường đất nước phải
lựa chọn nói trên. Có được nhận thức như thế, sẽ tìm được lối đi, sẽ tạo
ra được ý chí và nghị lực của cả nước để đi trên con đường ấy.
Biện
pháp quyết liệt và quan trọng nhất nên tiến hành ngay để tạo ra khả
năng đối phó ngay với bất kỳ kịch bản thách thức nào của Trung Quốc là:
Đảng
Cộng Sản Việt Nam với tính cách là người đang cầm quyền đất nước, có
trách nhiệm ràng buộc đối với dân tộc nói cho cả nước biết thực trạng
quan hệ Việt – Trung hiện nay, những nguy cơ với các kịch bản thách thức
khác nhau Trung Quốc có thể gây ra đối với nước ta trên mọi phương diện
kinh tế, chính trị, quân sự.., đề xuất những quyết sách và tranh thủ ý
kiến và sự đồng tình của cả nước cho những quyết sách cần lựa chọn cho
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình hiện nay, phát huy
sức mạnh của toàn dân thực hiện những quyết sách ấy. Nhìn rõ được sự
thật và chủ động, nước ta chẳng có gì phải sợ Trung Quốc, cho dù Trung
Quốc có thể làm những chuyện trời nghiêng đất lệch đối với nước ta. Kiên
trì quan điểm đối thoại hòa bình giải quyết tranh chấp và gìn giữ hữu
nghị hợp tác với Trung Quốc, càng đòi hỏi ĐCSVN phải làm cho cả nước
thấy hết mọi thách thức và phát huy sự tỉnh táo của cả nước chủ động đối
phó với mọi thách thức. Để xảy ra hoang mang, hỗn loạn, bị đầu độc hay
kích động.., vì để cho dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, chẳng khác
tự đầu hàng hay tự sát bao nhiêu… Nhưng một khi giúp cho từng người dân
tự giác được tình hình, mỗi người dân sẽ là một chiến sỹ bất khả chiến
bại, âm mưu ba đầu sáu tay nào của Trung Quốc cũng sẽ vô nghĩa. Vấn đề
chỉ là ĐCSVN có dám trung thành với trách nhiệm ràng buộc của mình hay
không, nghĩa là có dám làm việc này hay không. Nếu dám, chắc chắn ĐCSVN
sẽ làm được.
Nước
ta không thể lựa chọn cách đối phó nước một với âm mưu trường kỳ bá
chiếm Biển Đông của Trung Quốc, càng không thể chờ đợi tình hình nước
đến chân mới nhảy. Đã đến lúc phải từ thách thức trường kỳ của Trung
Quốc, từ đòi hỏi phải lựa chọn chỗ đứng vững chãi cho đất nước trong thế
giới đã chuyển sang trật tự đa cực đầy nguy hiểm hôm nay, để xác định
con đường phát triển nhất thiết phải lựa chọn cho tổ quốc yêu quý của
chúng ta! Mà chỉ như vậy, nước ta mới thoát được thân phận nước chư hầu,
để là một quốc gia có phẩm giá sống hòa bình bên cạnh Trung Quốc. Chỉ
có lẽ sống này, không một ý thức hệ nào được phép chi phối vận mệnh của
đất nước!
Tình
hình sau chuyến đi Việt Nam của ủy viên Quốc vụ viên Trung Quốc Dương
Khiết Trì cho thấy phía Việt Nam đã nói hết mọi nhẽ, nhưng kết quả cho
thấy là “4 tốt” bây giờ đã trở thành “4 không được”.
Cái giàn khoan thứ hai lại sắp vào… Ngay trước mắt, tình hình thực sự
đã chín muồi: Việt Nam phải đưa Trung Quốc ra kiện trước tòa án quốc tế
về các sự việc Trung Quốc đang gây ra với giàn khoan HD 981, để làm rõ
các sai trái của phía Trung Quốc, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm bảo
vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam.
Kẻ
lấn chiếm đã vào đến trong nhà, mời nó ra nó không ra, nếu ta chần chừ
không đâm đơn kiện, khác gì ta khuyến khích nó lấn chiếm tiếp? Ta mong
tránh làm tổn thương quan hệ ý thức hệ, liệu sân nhà của ta có được
nguyên vẹn? Ta cúi đầu làm thinh, sao có thể chờ mong hàng xóm hậu
thuẫn? Xin đừng quên, là thành viên của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng
có nghĩa vụ thông qua vụ kiện này góp phần riêng của mình vào thực hiện
đòi hỏi chung của thế giới: Sống trong cộng đồng quốc tế tất cả các
quốc gia đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Xin
lưu ý cho, cuộc sống chẳng có gì cho không cả, nếu ta muốn sống trong
một thế giới có trật tự, chính ta cũng phải xắn tay áo lên cùng với cả
cộng đồng thế giới xây dựng, gìn giữ cái trật tự đó.
Thách
thức của Trung Quốc đang đẩy mạnh bá chiếm Biển Đông đặt ra cho nước ta
câu hỏi: Sẽ là gì nếu đường ra biển của Việt Nam bị chiếm?
Lửa
thử vàng, gian nan thử sức. Thách thức của Trung Quốc trên Biển Đông
đang đặt ra cho đất nước ta sẽ làm rõ mỗi người Việt Nam chúng ta “Anh
(hay chị) là ai?”./.
Nguyễn Trung
Hà Nội, 19.06.2014
[2]
Liên quan đến vụ giàn khoan HD 981, nhiều học giả, chính trị gia, nhà
quân sự trên thế giới cảnh báo nguy cơ Trung Quốc gây chiến tranh trên
Biển Đông và với Việt Nam.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-6-14
0 comments:
Post a Comment