Bùi Hồng Lĩnh
“Quân nhân VNCH, Hoàng Thu đã bộc lộ chí khí của ông qua
lời viết để lại ”anh hùng tử nhưng chí hùng nào tử”. Câu đó đâu phải là
để cho Trung cộng đọc và ngẫm nghĩ. Câu đó để cho CSVN, những người bán
nước và vĩnh viễn tìm cách trả thù những người bị phải buông súng, biết
và hiểu được chí khí của “quân nhân VNCH”
“…Chưa bao giờ chúng ta thấy một hình thức Đền Nợ Nước
mang nhiều ý nghĩa sâu xa đến như vậy. Ông không nói ra, nhưng ông làm
chuyện đền nợ nước đó như hành động của hàng trăm ngàn những chiến sĩ vô
danh trong QLVNCH, truóc và sau 1975…”
Khi đọc trên báo Mỹ viết là một người Việt Nam tự thiêu trong môt
tỉnh nhỏ ở Florida, nước Mỹ ngày 20 tháng 6, 2014, qua đời ngày 23, và
có để lại một tờ giấy “yêu cầu Trung cộng rút giàn khoan dầu 981 ra khỏi
hải phận VN, chúng tôi liên tưởng ngay chắc đây là một hành động của
một cựu quân nhân VNCH, mà không nghĩ đó là một Phật tử hay một tín hữu
của một tôn giáo nào đó; mặc dù gần một tháng trước đó một Huynh Trưởng
của GHPGVNTH tại VN đã tự thiêu cũng cùng một mục đích. Cái chết của ông
Hoàng Thu lại mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đơn thuần là chỉ để
tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh hải.
Theo tin tức báo chí và của gia đình thì sáng ngày hôm đó, ông Thu có
gọi điện thoại cho vợ, nói là ông sẽ đi và căn dặn vợ là trông nom mấy
đứa con. Vợ ông ngạc nhiên, có hỏi thêm nhưng ông không trả lời và vài
tiếng sau đó bà biết rằng ông đã tự thiêu, và đã hy sinh thân xác, mạng
sống để lên tiếng nói về sự xâm lăng của Trung cộng đến lãnh hải của
Việt Nam. Ông Thu đã chết trong một thành phố nhỏ, một thành phố ít
người Việt Nam sinh sống và định cư. Cái chết của ông không ồn ào, không
đầy sự chú ý, và cái chết này chắc chắn sẽ tạo nhiều phản ứng và xúc
động hơn nếu xẩy ra ở trung tâm có nhiều người Việt định cư, nhất là ở
khu thủ đô người Việt tị nạn: Little Saigon trong thành phố Westminster,
California.
Người Mỹ địa phương, qua lời tuyên bố của cảnh sát nơi ông tự thiêu
cũng không hiểu lý do sự tự thiêu của ông, có lẽ họ không biết những sự
kiện gì đã xẩy ra liên quan đến lá thư tuyệt mạng mà ông để lại, có vỏn
vẹn hai hàng chữ, đó là:
“Haiyang 981 phải rời khỏi Việt Nam hải phận”
“Anh hùng tử, chí hùng nào tử”.
Thực thế, làm sao người Mỹ có thể hiểu được tâm tình và cái lý do hy
sinh mạng sống của một người già 72 tuổi. Chắc họ nghĩ đây chỉ là một
cái chết trong hàng trăm cái chết trên đường phố của những người thất
chí hay tuyệt vọng với đời sống. Còn người Việt Nam thì nghĩ gì về cái
chết này, hay cũng như cái chết của huynh trưởng Lê Thị Tuyết Mai, rồi
sẽ đi vào quên lãng. Đối với người Việt ở trong nước, chắc họ sẽ ngạc
nhiên về cái chết này và không hiểu nổi ở nơi mà vật chất tương đối đầy
đủ cho người già, nơi mà rất nhiều người muốn vào nước Mỹ để tìm sự săn
sóc khi tuổi già của xã hội Mỹ, một người đang hưởng những tiện nghi ấy
lại chối bỏ tất cả và tìm cái chết. Rồi ông Thu lại bỏ lại cả gia đình,
vợ con nữa thì hoặc là ông bị bịnh nan y, hoặc chán đời vì gia đình nên
tìm cái chết, nên một công đôi việc, mượn lý do hy sinh cho đất nước để
kết liễu cái lý do riêng tư buồn thảm của mình.
Không phải như vậy, ông Thu không bị bịnh nan y và đau đớn đến nỗi
phải tìm cái chết để tránh gánh nặng cho gia đình hay cho chính ông.
Không phải như vậy, ông Thu không có những chuyện bất hoà với gia đình để phải tìm sự giải thoát cho riêng mình.
Không phải như vậy, ông Thu không bị giảm trí nhớ hay không còn sáng suốt để biết rõ hành động tự thiêu của mình.
Không phải những lý do nêu trên. Trái lại, ông Thu còn biết rõ hành
động của mình, và ông còn biết là nếu ông sống ở vùng có nhiều người
Việt, thì ông còn có thể làm được nhiều việc khác nữa, theo lời kể của
vợ con ông lúc ông còn sống.
Ông Hoàng Thu là ai? Liệu sự điều tra của cảnh sát điạ phương có nói
lên được cái tâm tình sâu kín của ông Thu hay không, hay chỉ kết luận
ông là một người không đồng ý với sự Trung cộng xâm nhập lãnh thổ của
Việt Nam, một đất nước cũ của ông, và chết để gióng lên một tiếng chuông
cảnh tỉnh nơi nhà cầm quyền Trung cộng, và để kêu gọi sự chú ý, thức
tỉnh của đồng bào của ông.
Sự phân tích này rất đúng, nhiều đồng bào của ông Thu chắc chắn cũng
nghĩ như vậy. Ông là một anh hùng thầm lặng của dân tộc Viêt Nam trong
lúc này, chiến đấu bằng vũ khí là ngọn lửa thiêu đốt thân xác của mình.
Cái chết của ông chắc chắn sẻ được phủ cờ VNCH và được chào kính bên
quan tài bởi những cựu sĩ quan QLVNCH. Và tên tuổi của ông sẽ đi vào
lịch sử.
Ông Hoàng Thu là ai?
Ông là một cựu sĩ quan cấp trung của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ở
cấp bậc của ông, ông chỉ có trách nhiệm là thi hành chỉ thị của thượng
cấp, và chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng – cũng như những quân nhân
mà ông chỉ huy, sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Ông là một quân
nhân mà Tổ Quốc, Danh dự và Trách Nhiệm là 6 chữ thiêng liêng mà ông có
bổn phận phải bảo vệ bằng chính mạng sống của mình. Ông không có quyền
tham dự những quyết định có tính cách chiến thuật và chiến lược của cuộc
chiến nói chung và những trận chiến nói riêng mà ông tham dự.
Ông Thu đã phải bỏ súng theo lệnh của thưọng cấp tối cao là Nguyễn
Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hương, và sau cùng là Dương Văn Minh,
mặc dù DVM là người chính thức ra lệnh cho ông phải buông súng và ngừng
chiến đấu. Ông không phải là người duy nhất phải bỏ súng xuống, mà có
cả hàng trăm ngàn quân nhân VNCH vào cuối tháng 4 năm 1975, đã phải
ngừng chiến đấu theo lệnh thuọng cấp. Sự trả thù thâm độc của CSVN những
năm tháng sau đó trên thân thể những người phải ngừng chiến đấu này, và
trên gia đình vợ con những quân nhân này là những vết nhơ không thể xóa
được trong lịch sử của những chận chiến mà người người bị thua phải làm
tù binh. Họ là tù binh mà không được xét xử đến cả 10, 20 năm. Vợ con
họ không phải là tù binh mà vẫn bị ngược đãi và hành hạ, bị cướp nhà,
cướp đất, bị hiếp dâm hay chiếm đoạt và cả gia đình bị cấm đoán tham dự
bình đẳng trong sự học hành cũng như thăng tiến trong nghề nghiệp.
Ông Thu là một trong hàng trăm ngàn quân nhân từ sĩ quan đến binh
lính VNCH đã bị bắt buộc không được chiến đấu nữa. Rồi đa số những quân
nhân này, hoặc ở lại Việt Nam, hoặc qua những nước khác sinh sống, hoặc
bị tù tội nhiều năm, hoặc không bị tù tội, đều có những phẫn uất mà sau
39 năm, sự phẫn uất này không hề thuyên giảm đối với rất nhiều quân nhân
này. Trái lại, sự thất bại của CSVN trên mọi lãnh vực, và sự dối trá,
lừa đảo, lật lọng của CSVN trong nhiều năm qua đối với cộng đồng người
Việt ngoài Việt Nam, nơi mà đa số những cựu quân nhân này sinh sống,
cũng như trong nước lại càng làm cho những quân nhân này thấy được sự
buông súng của họ là một điều không thể chấp nhận được. Họ cho rằng, nếu
để quân lực VNCH đấu tay đôi với CSVN, không có bất cứ một quốc gia nào
trợ giúp hai bên, thì CSVN không thể thắng họ được. Những quân nhân này
luôn luôn phẫn uất vì định mệnh của họ đã không nằm trong tay của mình;
họ đã bị bắt buộc phải bỏ súng xuống trước một địch thủ không có giá
trị tương đương.
Có lẽ trong ý nghĩ của mình, ông Thu không chấp nhận là cuộc chiến
này đã chấm dứt, nguòi gọi là thắng, đã chưa hẳn là thắng, và người gọi
là thua đã chưa hẳn là thua, nếu thắng và thua dựa trên giá trị “làm cho
nước giầu dân mạnh, cơm no áo ấm và độc lập lãnh thổ cho Việt Nam”.
Trong thâm tâm của ông cũng như hàng ngàn chiến hữu của ông, họ vẫn tiếp
tục, bằng mọi phương tiện và phương diện, không ngừng tranh đấu cho một
Việt Nam độc lập, dân chủ và tự do, những mục đích mà ông đã bỏ những
năm tháng tuổi trẻ ra để tranh đấu bảo vệ.
Cái chết của ông là trận chiến sau cùng mà ông tham dự. Ông không bỏ
cuộc. Những cấp lãnh đạo của ông có thể bỏ cuộc. Những đồng minh của đất
nước ông có thể bỏ cuộc, một số đồng đội của ông có thể bỏ cuộc, về VN
bắt tay cúi đầu trước kẻ thù, nhưng ông không bỏ cuộc. Những chiến hữu
của ông, những người đã chết trên đất Mỹ hàng ngày, hàng tháng hàng năm
do tuổi già sức yếu hay do bệnh tật sau nhiều năm trong tù, đã không bỏ
cuộc. Lá cờ VNCH phủ trên quan tài và trên mộ khi họ chết là những chứng
tích nói lên lập truòng đến cuối cuộc đời của những cựu quân nhân này.
Chết để chống Trung cộng xâm nhập lãnh hải Việt Nam là lý do mà chúng
ta đều biết đến qua tờ giấy tuyệt mạng ông để lại, nhưng chắc trong
thâm tâm của ông Hoàng Thu, ông đã cầm lại vũ khí mà ngày xưa ông đã bị
bỏ xuống, để tiếp tục chiến đấu, một cuộc chiến với kẻ thù không những
theo Cộng Sản để nhuộm đỏ miền Nam, mà bây giờ còn phản bội tổ quốc, bán
nước cho Trung cộng.
Ông Thu mặc dù không thấy được kết quả sự hy sinh của mình, nhưng
chắc chắn là ông đã thanh thản ra đi. Ông đã đền nợ nước. Ông đã tỏ được
tấm lòng là một người Việt Nam, một quân nhân trong QLVNCH biết nhận
lãnh Trách Nhiệm đối với Tổ Quốc qua cách biểu lộ và bảo vệ Danh Dự của
cá nhân ông.
Quân nhân VNCH, Hoàng Thu đã bộc lộ chí khí của ông qua lời viết để
lại ”anh hùng tử nhưng chí hùng nào tử”. Câu đó đâu phải là để cho Trung
cộng đọc và ngẫm nghĩ. Câu đó để cho CSVN, những người bán nước và vĩnh
viễn tìm cách trả thù những người bị phải buông súng, biết và hiểu được
chí khí của một quân nhân VNCH.
Chưa bao giờ chúng ta thấy một hình thức Đền Nợ Nước mang nhiều ý
nghĩa sâu xa đến như vậy. Ông không nói ra, nhưng ông làm chuyện đền nợ
nước đó như hàng trăm ngàn những chiến sĩ vô danh trong QLVNCH, trước và
sau 1975.
Với tư cách là một cựu quân nhân, người viết xin được chào kính một đàn anh đã vì nước hy sinh.
Bùi Hồng Lĩnh
6/26/2014
0 comments:
Post a Comment