Trung Quốc cấm nhà báo lập trang web cá nhân. Trong ảnh là hình nhà báo Cao Du, người bị bắt hồi tháng 4/2014. REUTERS
Trọng Thành
Về thời sự Châu Á, Libération hôm nay có bài « Trung Quốc, ‘‘bức
trường thành câm lặng’’ », ghi nhận tình trạng nhân quyền tiếp tục xấu
đi trầm trọng tại nước này, với việc Bắc Kinh có một loạt biện pháp và
hành động nhằm gia tăng đàn áp các luật sư, nhà báo, nhà tranh đấu… từ
nhiều tuần nay.
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo số một Trung Quốc, là người trực tiếp đưa ra chủ trương này, ông ta đang « nỗ lực dựng lên một bức trường thành để bịt miệng tất cả », như ghi nhận của một phóng viên Trung Quốc xin ẩn danh.
Hồi tuần trước, cơ quan Nhà nước quản lý
truyền thông, xuất bản, thuộc Ban Tuyên huấn của đảng Cộng sản Trung
Quốc, đã ra chỉ thị cấm các nhà báo thực hiện hay công bố « các nội dung mang tính phê phán » mà không được sự đồng ý của người phụ trách. Nhưng thế nào là « phê phán »
thì tài liệu này không cho biết. Bên cạnh đó, người làm truyền thông
cũng bị cấm lập trang web cá nhân, phương tiện cho phép họ né tránh kiểm
duyệt. Các phóng viên bị đe dọa tước thẻ nhà báo, thậm chí bị « đưa ra tòa, nếu phạm luật ».
Gần đây, Bắc Kinh sử dụng trường hợp các phóng viên ăn hối lộ của một số doanh nghiệp, để mô tả các phóng viên như « kẻ cắp », nhằm bôi xấu báo giới nói chung. Tiếp theo đó, cơ quan tuyên huấn của đảng Cộng sản nhắm thẳng vào một nhà báo nổi tiếng và rất có uy tín, bà Cao Du(Gao
Yu), 70 tuổi (nguyên Phó Tổng biên tập Tuần báo Kinh tế học/Economics
Weekly). Nhà báo kỳ cựu này đã bị bí mật bắt giữ và hai tuần sau đó, đầu
tháng 5, hình ảnh nhà báo Cao Du «tự thú » về tội « phổ biến bí mật quốc gia », được đưa lên truyền hình.
Hồi tháng 5, blogger Zhang Jialong (Trương Cổ Long) bị trang mạng
Tencent (Đằng Tấn) sa thải, vì tham gia vào nhóm bốn blogger gặp Ngoại
trưởng Mỹ. Trong buổi gặp này, ông Trương Cổ Long đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp
người Trung Quốc « hạ bỏ bức trường thành kiểm duyệt ».
Theo ghi nhận của Libération, nhiều nhà báo Trung Quốc đã phải từ bỏ công việc trong bối cảnh đàn áp này. « Tương lai của Đảng và của đất nước phụ thuộc một phần lớn vào cuộc chiến chống lại sự thâm nhập của tư tưởng Tây phương », đó là một nhận định trên « Nhân dân nhật báo »,
tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra cuối tháng 5.
Thực tế này cho thấy Trung Quốc – vốn xếp thứ 175, bên cạnh các nước như
Erythée và Syria, theo bảng xếp hạng tự do báo chí của Tổ chức phóng
viên không biên giới (RSF) – có thể sẽ tiếp tục bị tụt hạng.
Cùng với các nhà báo là giới luật sư. Hồi tuần trước, luật sư người
Quảng Đông Đường Kinh Lăng (Tang Jingling), nổi tiếng về các hoạt động
bảo vệ nhân quyền, bị cáo buộc « âm mưu lật đổ nhà nước ». Báo Libération cũng nhắc đến luật sư Phổ Chí Cường, thành viên phong trào Công dân mới, bị kết án 4 năm tù.
Để khống chế thông tin từ nguồn, hồi tuần trước, đảng Cộng sản Trung
Quốc lưu hành một dự thảo chỉ thị cấm các luật sư thu hút sự chú ý của
công luận đến các vụ án mà họ tham gia bào chữa, qua việc sử dụng
internet hay truyền thông. Cụ thể là các luật sư bị cấm công bố thư ngỏ,
« đưa ra các bình luận sai », hay « khuyến khích biểu tình », « gây áp lực lên các thẩm phán»… Dự thảo này hiện còn chưa được Tổ chức các luật sư chấp thuận, và bị nhiều phê phán quyết liệt ngay trong nội bộ tổ chức này.
0 comments:
Post a Comment