Thursday, June 26, 2014

Quốc hội Việt Nam có thực sự đại diện cho người dân?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-06-26


Các đại biểu trong một kỳ họp quốc hội AFP
Quốc hội Việt Nam hôm nay kết thúc kỳ họp thứ 7 mà không có một nghị quyết về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn ngang nhiên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Người dân nghĩ sao về điều đó và ý thức của họ đối với tình hình nguy biến của đất nước ra sao?
Nói về chủ quyền!
Truyền thông trong nước vào ngày 24 tháng 6 loan tin chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ bảy diễn ra hơn 1 tháng qua tại Hà Nội rằng ‘độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không bị đe dọa nghiêm trọng’.
Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng lặp lại những điều mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng lên tiếng nhiều lần đó là ‘hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phàn của Việt Nam, vi phạm luật quốc tế , trước hết là Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về Ứng xử các bên ở Biển Đông-DOC, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giái quyết vấn đề trên Biển Đông, làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước’
Tuy nhiên, Quốc hội lần này không ra một nghị quyết về tình hỉnh Biển Đông hiện nay như phát biểu của ông phó chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu vào chiều trước khi quốc hội bế mạc kỳ họp khóa 7.
Dân bất tín
Ngay tại Quốc hội, hồi ngày 19 tháng 6, một vị đại biểu từ thành phố Hồ Chí Minh là luật sư Trương Trọng Nghĩa lên tiếng là nếu lần này Quốc hội không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức nào về Biển Đông, thì theo ông người dân sẽ thất vọng và hoang mang.


Ông Đinh Quang Tuyến trước Bưu điện TPHCM và bảng khẩu hiệu: Chần chừ kiện Trung Quốc ra tòa là phản bội dân tộc (Source facebook)
Một người quan tâm đến tình hình đất nước và hôm ngày 22 tháng 6 vừa qua đã một mình ra trước Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh biểu tình, giăng biểu ngữ yêu cầu chính phủ phải kiện Trung Quốc về hành vi xâm lược tại Biển Đông, anh Đinh Quang Tuyến, bày tỏ ý kiến sau khi biết tin Quốc hội trong kỳ họp này không có nghị quyết về Biển Đông:
Nói thẳng ra, Quốc hội ( Việt Nam) không thực sự là quốc hội đâu; mặc dù lý thuyết là như vậy nhưng không phải lòng dân. Trong cơ chế này thì đó là sự ‘giàn xếp’ với nhau thôi. Quốc hội này không mang tính chính danh. Nhưng thôi thì, ‘sự đã rồi’ thì mình tạm thời chấp nhận. Chính danh hay không, thì cũng đã là quốc hội rồi thì phải thực thi nhiệm vụ tối thiếu. Khi nhận thức rõ ràng về chủ quyền, kể cả lãnh đạo cao nhất cũng thừa nhận rồi, thì dù với dân ( trong nước không chính danh), nhưng chính danh với thế giới thì hãy có trách nhiệm, nếu không làm thì tự biết là không xứng đáng.
Thực ra nếu quốc hội có thực quyền thì đã làm; nhưng quốc hội không có thực quyền vì lãnh đạo quốc hội và đa số thành viên đều là đảng viên. Mà đảng viên thì phải thề với đảng trước khi thề với đất nước nên các đại biểu quốc hội phải thực hiện lời thề của họ đối với đảng. Thế mới là cái tệ! Đảng chần chừ, không quyết thì quốc hội không quyết! Cấu trúc chính trị của Việt Nam trên thực tế là quốc hội dưới đảng.
Một vị trí thức tại Hà Nội là Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cũng nói rõ sự bất tín nhiệm đối với Quốc hội Việt Nam hiện nay:
Tôi không tin quốc hội từ lâu rồi. Tôi xin lỗi và nghĩ rằng khi ‘đảng cử- dân bầu’, dân phải bầu theo đảng. Mà đảng là ai thì anh biết rồi, chuyện ấy ta không nên nói nhiều!
Ý thức người dân
Dù Quốc hội cũng như các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và chính phủ chỉ mới đưa ra những tuyên bố như lập trường về chủ quyền của Việt Nam không thay đổi, hay Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để kiện Trung Quốc… mà chưa có những động thái rõ ràng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, trước hành động xâm lược của Trung Quốc, những người dân như anh Đinh Quang Tuyến và kiến trúc sư Trần Thanh Vân đều cho rằng họ có sẵn hành động riêng của bản thân chứ không thể trông chờ vào chính quyền, quốc hội hay đảng Cộng sản Việt Nam.


Tàu Trung quốc ngang nhiên đâm chìm một tàu cá Việt Nam trước sự chứng kiến của nhiều ngư dân trên các tàu cá khác ngày 26 tháng 5, 2014.
Anh Đinh Quang Tuyến cho biết:
Người dân Việt Nam không còn ngây thơ, đến đứa con nít 5 tuổi cũng không còn tin, trông cậy vào chính phủ nữa, đều biết chính phủ mất uy tín rồi. Không ai ở không mà tin cậy vào chính phủ. Có điều người ta bây giờ tập trung sức lực để chống lại Trung Quốc đã, cho nên người dân bằng cách này hay cách khác họ sẽ lên tiếng, chứ không buông xuôi. Như tôi từng phát biểu, kể cả khi chính phủ đầu hàng, đảng đầu hàng, dân tộc này không bao giờ đầu hàng, không thể nào đầu hàng. Điều đó là chân lý! Người dân trong nước bằng cách này hay cách khác rồi họ sẽ làm. Hãy theo dõi.
Kiến trúc sư cũng thông tin về điều mà bà biết được đang loan truyền giữa những người dân với nhau:
Vừa qua chúng tôi có cuộc hội đàm nho nhỏ do giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt, tổ chức. Anh hùng quân đội Lê Mã Lương đến và có nói rằng hiện nay có 4 triệu cựu chiến binh sẵn sảng xông ra mặt trận bất cứ lúc nào, và quân đội sẽ theo họ chứ không theo ông Phùng Quang Thanh. Tôi nói rằng dân mạnh lắm. Trong nước nói thì nghe buồn cười, nhưng dân mạnh lắm, càng ngày càng mạnh. Nếu như 7 năm trước, cô Đoan Trang chỉ viết vài dòng đến Hoàng Sa, Trường Sa trên VietnamNet, bài bị gỡ xuống và VietnamNet bị phạt 30 triệu đồng. Hôm nay, người ta nói; vậy là bây giờ dân không nói nữa mà dân làm. Tôi rất tin. Tôi đã gặp anh hùng Lê Mã Lương. Anh ấy đã 64 tuổi và đã về hưu. Những vị tướng như thế trong quân đội rất nhiều và họ xông ra bất cứ doanh trại nào thì người ta theo và lính tráng sẵn sàng nghe họ, vì họ mới thực sự là anh em chỉ huy lính hiện nay.
‘Họ’ (Nhà nước) không dám hành động thì mình hành động. Bằng cách gì? Sẵn sàng, thế thôi.
Các tướng tá, các sĩ quan, cựu chiến binh sẵn sàng ba lô lên đường bất cứ lúc nào. Vì họ mới là lực lượng thực sự chiến đấu để bảo vệ tổ quốc.
Vừa qua, lính bị trói tay, trói chân lại để cho ‘họ’ ( Trung Quốc) giết, nhưng sẽ đến lúc (có một vài vị cựu chiến binh tuyên bố) vùng lên không để bị chết nữa. Không có những trận Gạc Ma năm 88 tái diễn nữa đâu.
Các anh ở xa không làm được đã đành; chúng tôi ở gần biết chuyện và thông báo đến các anh.
Truyền thông trong nước trích dẫn tin từ Cục Kiểm Ngư của Việt Nam cho biết vào ngày 23 tháng 6, tàu Kiểm ngư KN-951 của Việt Nam bị hai tàu kéo Hữu Liên 09 và Tân Hải 285 đâm thẳng vào mạn phải và mạn trái.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, thuộc trường Đại học News South Wales, có bài viết nêu ra câu hỏi ‘Cả tháng nay chưa thấy các vị lãnh đạo ( Việt Nam) có chiến lược gì để giảm va chạm. Nhưng chẳng lẽ Việt Nam cứ chịu nhục hoài hay sao, chịu nhục đến bao giờ?’


Lưỡng nan của người CSVN trong thế đối đầu với Trung Quốc
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-06-24


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, ngày 18/6/2014. AFP
Căng thẳng với Trung quốc đã lấn sang cả ngôn ngữ ngoại giao khi mới đây ông Dương Khiết Trì nói rằng chuyến đi của ông sang Việt Nam là để kéo đưa con hoang đàng trở về. Những người cộng sản Việt nam ngày càng ở trong một thế lưỡng nan giữa bảo về quyền lợi dân tộc và quyền lực của chính mình dưới danh nghĩa cộng sản.
Sau chuyến làm việc tại Việt nam, người phụ trách ngoại giao của Trung quốc là ông Dương Khiết Trì phát biểu với báo chí nước ông rằng chuyến đi của ông như một cố gắng kéo “đứa con hoang đàng” là Việt nam về với Trung quốc. Phát biểu này của ông Dương được truyền thông quốc tế loan đi khắp nơi, và được nhiều người Việt ghi nhận với sự giận dữ.
Lời phát biểu này như là một cuộc phản kích lại tinh thần chống Trung quốc trong cuộc khủng hỏang hiện tại. Tinh thần này là kết quả sau lịch sử hàng ngàn năm xung đột của người Việt với nước láng giềng phương Bắc.
Không thấy có lời đáp nào từ phía chính phủ Việt nam về lời phát biểu trịch thượng của nhà ngoại giao họ Dương.
Cái khó của những nhà cầm quyền cộng sản tại Việt nam khi phải lên tiếng trong những trường hợp như thế này chính là cái nhãn hiệu cộng sản của họ, có cùng nhãn hiệu với những người cầm quyền bên Trung quốc.
Những người cộng sản có tinh thần dân tộc!
Giới quan sát bên ngoài thường có một nhận xét rằng trong thực tế là có những người trong đảng cộng sản Việt nam chống lại sự lấn lướt của Trung quốc trong quan hệ với Việt nam. Và có những sự việc cho thấy rằng không phải ý thức hệ có thể quyết định mọi ứng xử của những người cầm quyền hiện nay trong những chuyện có liên quan đến Trung quốc.


Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang. AFP
Tác giả Robert Kaplan, từ Hoa kỳ trích lời một quan chức ngoại giao cao cấp Việt nam cách đây vài năm là ông Nguyễn Tâm Chiến, ông Chiến nói rằng Việt nam không phải là một tỉnh của Trung quốc.
Một chuyện khác là việc Học viện Khổng tử, một cơ quan của chính phủ Trung quốc dùng để khuếch trương ảnh hưởng của họ trên thế giới chỉ đạt được thỏa thuận hồi năm ngoái, nhưng rồi không nghe nói gì tới nữa. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người nghiên cứu về văn học Hán Nôm và có nhiều hiểu biết về Trung quốc nói với chúng tôi khi thỏa thuận thành lập học viện Khổng tử ra đời:
“Cái sức đề kháng của người Việt trước sự xâm lấn về tư tưởng, về văn hóa của người Tàu là một cái gì đó đã trở thành máu. Cho nên hễ nghe cái đó (học viện Khổng tử) thì có một phản xạ chống đối ngay lập tức. Vì vậy cái việc chậm chạp tiến hành một học viện Khổng tử như thế này nó cũng chứng tỏ là chắc có những người cũng có quyền lực và cũng rất tỉnh táo đã lên tiếng về vấn đề này. Mà đến bây giờ mà ký kết với nhau là thế chẳng đặng đừng.”
Những người có quyền lực ở đất nước này thì chắc chắn không ai khác là những người cộng sản.
Ông Robert Kaplan cũng dẫn lời ông Đặng Thành Tâm, có lúc là đại biểu quốc hội và là người đứng đầu một tập đoàn đầu tư lớn, ông Tâm nói rằng chủ nghĩa dân tộc Việt nam chỉ có một đối tượng, đó là Trung quốc.


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cúi chào tại buổi lễ chào đón khi ông đến thăm Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 2013
Tinh thần dân tộc hay quyền lợi phe đảng?
Tuy nhiên có nhà quan sát, như Tiến sĩ Vũ Tường, chuyên quan sát chính trị và lịch sử Việt nam hiện đại từ đại học Oregon, Hoa kỳ cho rằng sự phản kháng bằng lời nói của các quan chức cộng sản trong các vụ xung đột với Trung quốc có phần là một sự phân công. Không xa quan điểm này là lời chỉ trích các phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng đã có những lời nói rất mạnh mẽ trên các diễn đàn trong và ngoài nước về hành vi lấn lướt của Trung quốc. Nhưng nhiều người nói rằng ông nói thế thôi chứ không có hành động gì, rằng ông nói thế là để xoa dịu lòng dân, và đồng thời tấn công phe đối nghịch của ông trong bộ máy cầm quyền.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một trí thức bất đồng chính kiến trong nước nói rằng không phải các nhà lãnh đạo cộng sản không nhìn thấy vấn đề là gì, mà họ đang ứng xử như thế để giữ lấy quyền lực.
“Tôi nghĩ là ở cấp cao, những người có vai trò quyết định vận mệnh của đất nước thì họ không ngu tí nào, tất cả họ làm là chỉ vì quyền lợi của họ thôi.” Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Theo nhiều nhà nghiên cứu về Việt nam thì thực ra cái vỏ bọc ý thức hệ hiện nay cả ở Trung quốc lẫn Việt nam đều chỉ là cái vỏ bọc mà thôi.
Trong bối cảnh đó sự xung đột về quyền lợi dân tộc với Trung quốc càng làm cho những người cộng sản Việt nam khó xử. Một mặt để duy trì quyền lợi và sự lãnh đạo, họ cần sự ủng hộ của Trung quốc, một nhà nước không đem những vấn đề dân chủ nhân quyền ra để gây sức ép. Nhưng mặt khác nếu không bảo vệ quyền lợi dân tộc và giải tỏa chủ nghĩa dân tộc Việt nam thì họ cũng sẽ mất đi sự ủng hộ của dân chúng cho sự cầm quyền của mình.
Trong cuộc khủng hoảng với Trung quốc hiện nay không những các nhà bất đồng chính kiến lên tiếng ủng hộ một liên minh với Hoa kỳ và phương tây để chống lại Trung quốc, cách đây vài năm ông Ngô Quang Xuân, một viên chức ngoại giao cao cấp cũng nói với tác giả Kaplan rằng sự hiện diện quân sự của Hoa kỳ trong vùng biển Đông là cần thiết để duy trì tự do hàng hải.
Trung quốc chưa bao giờ tán đồng sự hiện diện như thế.
Trong suốt lịch sử của mình, đảng cộng sản Việt nam đã sử dụng được chủ nghĩa dân tộc Việt nam trong các cuộc đấu tranh của họ để nắm lấy quyền lực, và như theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi mà chúng tôi đề cập ở trên thì trong số họ vẫn có những người cưỡng chống lại ảnh hưởng của Trung quốc. Song trước tình hình hiện nay, khi Trung quốc đã sử dụng đến những phương tiện bạo lực đồng thời với những lời lẽ trịch thượng trong ngoại giao thì những người cộng sản Việt nam lại gặp phải sự lưỡng nan trong việc duy trì quyền lực đồng thời phải thỏa mãn tinh thần dân tộc mà họ đã sử dụng trong quá khứ, như những nhận định của nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước.

--00--

0 comments:

Powered By Blogger